Ký ức những con đường và những cây cầu Đà Nẵng

Nhìn lại những năm tháng đã qua kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có thể nói người Đà Nẵng ai cũng đều tự hào với những thành tựu thành phố đã đạt được trong hai mươi năm qua. Không chỉ người đi xa về thăm quê ngỡ ngàng trước những đổi thay nhanh chóng đến không ngờ, mà người ở lại chứng kiến những đổi thay hằng ngày cũng cứ ngỡ như một giấc chiêm bao.

Triển lãm ảnh “Đà Nẵng - Chặng đường 20 năm (1997 - 2017)”

Những con đường “tiên phong” …

Có ai ngờ một thành phố sau ngày tách tỉnh, nhìn quanh mới có hơn 300 con đường, trong đó chỉ vài con đường gọi là tạm được như Điện Biên Phủ, Hùng Vương… Gần cuối thập kỷ 90 rồi mà những con đường thành phố vẫn nhỏ bé, nhấp nhô ổ gà, đêm xuống  thì vắng vẻ, chỉ thi thoảng lẻ loi vài ngọn đèn đường, không thì leo lắt ngọn đèn dầu hột vịt lộn. Vài vòng xe đã hết thành phố, người Đà Nẵng nhớ mồn một từng con đường, từng cái ngã tư, ngã ba. 

 Nhiều thế hệ học trò nay tóc đã hoa râm thuở ấy, ai mà không nhớ đường Lê Lợi với hàng phượng vỹ của những đợi chờ xao xuyến trước cổng trường. Nhớ đường Quang Trung rợp mát hàng xà cừ ven đường trong những chiều đón gió sông Hàn lên. 

Từ những con đường mộng mơ, đầy kỷ niệm chúng tôi lại nhớ đến những trưa hè tăng tốc vượt cầu Vồng với đích đến là quán chè Xuân Trang. Hơn 20 năm, quán chè ngày ấy vẫn còn đó, cầu Vồng và con đường sắt bên dưới giờ đã lùi xa cho một đại lộ Lê Duẩn rộng mở, kéo dài qua sông Hàn trên cây cầu quay huyền thoại.  

Những đêm không ngủ, dọc trên con đường ven bán đảo Sơn Trà, ngắm nhìn thành phố về đêm mới thấy lung linh, đầy rực rỡ. Thành phố trẻ hôm nay như một chàng trai tuổi 20 đang vươn mình trước biển với con đường Nguyễn Tất Thành như cánh tay ôm lấy vịnh Đà Nẵng đang khao khát từng ngày để rồi thăng hoa với cầu Thuận Phước- uy nghi giữa nơi đầu biển cuối sông, sừng sững vươn xa nối liền với Sơn Trà – Non Nước. Để từ đây một cánh cung bắt đầu từ núi và biển,trải dọc con đường mấy làn xe là những bãi biển trong xanh, với những bãi cát trắng tinh như truyền thuyết Tiên Sa, cuốn hút lạ thường với những ai đã từng đến với biển Đà Nẵng. Hai con đường ven biển Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa – Trường Sa hình thành đã mở ra cho thành phố một “mặt tiền” hướng về phía biển rộng mở.

Đến đây lại nhớ đến việc san lấp khu bàu rau muống Thạc Gián – Vĩnh Trung để làm hai trục đường Đông -Tây, Bắc – Nam,  nay là đường Nguyễn Văn Linh và Hàm Nghi,  hai con đường sầm uất nhất Đà Nẵng. Ngày trước khu bàu này là nơi gắn bó với tuổi thơ khi chúng tôi thường cùng nhau đá bóng trên nền đất vừa được san lấp để mở đường. Sau vài năm con đường hoàn thành, những khu dân cư khang trang mọc theo lên. Dẫu cho giấc mơ trở thành cầu thủ của chúng tôi cũng tan vỡ khi ngậm ngùi chia tay sân đấu bóng đá bàu Thạc Gián ngày ấy nhưng tất cả đều phấn khởi tự hào khi nhìn thấy những con đường rộng lớn, khu dân cư, cao ốc mọc lên từng ngày. 

Bây giờ nói lại, nhiều bạn trẻ không còn tin rằng chỉ cách nay chừng hơn mười năm, Đà Nẵng đã từng có cảnh làng trong phố. Phía trong những con đường nhựa là quanh co là con đường làng, với những ao, bàu rau muống mà chị, mẹ ngày ngày lội ngang hông cắt vội từng bó rau đem xuống chợ để kiếm thêm chút tiền gửi cho những đứa em, đứa con học xa nhà. Toả bóng dọc những con đường làng là những luỹ tre góp những thanh âm bình yên cho đám trẻ trốn nhà lội ruộng, bắt cá, đào khoai lang trong những trưa hè oi bức. Những con đường nhựa ba bốn làn xe bây giờ  trước đây là những con đường làng, những khu dân cư hôm nay ngày trước  cũng đã từng là nơi những chú sáo trâu thảnh thơi mót lúa. Dọc một dải đất ven  sông Hàn – nay là con đường 2 tháng 9 với những nhà hàng tiệc cưới, khu vui chơi đẳng cấp Châu Á thì chính là những cánh đồng lúa rì rào cuối chân cầu Nguyễn Văn Trỗi. 

Những làng trong phố với những phố xưa nhà cũ xập xệ như Liên Trì, Chùa Bà Quảng, Khuê Trung, Tân Lập, Thạc Gián, Hòa Minh…giờ đây đã là những khu dân cư, thương mại sầm uất. Những cao ốc, khu thương mại đã bắt đầu hình thành. Những con đường của thành phố từ con số 300 ngày nào, nay đã tăng lên hơn 1.500 con đường với những con đường  “5sao” như Bạch Đằng, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa- Trường Sa, 30 tháng 4…Những con đường đóng vai trò “tiên phong” mang đến những đổi thay làm nên một đô thị khang trang, đẹp đẽ hôm nay. 

Và những cây cầu “chìa khoá” 

Khi đến với Đà Nẵng, ấn tượng nhiều nhất đối với mọi người chính là những chiếc cầu nối đôi bờ sông Hàn, những cây cầu mang ý nghĩa là những chiếc chìa khoá cho sự phát triển thần tốc của thành phố hôm nay.

Những chiếc chìa khóa không chỉ mở ra cánh cửa phát triển cho một vùng đất mà còn mang đến những cơ hội vàng cho tương lai; không chỉ là thay đổi trong đời sống sinh hoạt mà còn ở tư duy phát triển và thể hiện tầm nhìn khát vọng mai sau.  

Sau hơn 3 năm kể từ ngày tách tỉnh, ngày 29.3.2000 có lẽ là một ngày đáng nhớ  nhất của người dân quận 3 (tên gọi cũ của quận Sơn Trà) khi chiếc cầu quay sông Hàn được khánh thành. Người dân hai bên bờ sông có mặt từ sáng sớm và háo hức chờ đến khi chiếc cầu quay khớp nối để kịp là một trong những người đầu tiên được đi bộ sang bờ bên kia. Cầu Sông Hàn, “chiếc chìa khóa” nhỏ nhất so với những cây cầu sau này, nhưng ý nghĩa của nó thì lại to lớn không có cây cầu nào sánh bằng. Không chỉ những xóm nhà chồ, những bụi cây dừa nước trước đây đã từng đóng đinh bằng câu ca đầy  ám ảnh “đứng bên ni Hàn ngó bên tê Hàn thấy nước xanh như tàu lá” và chiếc phà cũ kỹ hàng chục năm đã nhanh chóng lùi vào dĩ vãng, cầu Sông Hàn đã xứng đáng là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa  cho một vùng đất, đưa thành phố vươn mình ra với biển cả theo đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng; không chỉ tạo thuận lợi cho giao thông vận tải, du lịch, Cầu Sông Hàn còn là biểu tượng văn hóa độc đáo, niềm tự hào của riêng Đà Nẵng.  Bây giờ nhìn lại, người ta có thể ước giá như cầu Sông Hàn rộng hơn để đi lại thuận tiện hơn. Tuy nhiên, ngay vào thời điểm đó, một cây cầu được huy động sức dân đóng góp, từ những người lao động nghèo, các công chức, đến các nhà doanh nghiệp, bà con Việt Kiều chắt chiu từng đồng  mới có khoảng 100 tỷ để xây cầu.

Được khánh thành vào năm 2009, sau 6 năm thi công, cầu Thuận Phước - cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam và cũng được xem là cây cầu đẹp nhất nước bởi vị trí cửa biển và kiến trúc độc đáo. Đây cũng chính  là một chiếc chìa khoá để mở ra bán đảo Sơn Trà, biến nơi này thành một khu vực với tiềm năng du lịch to lớn, khai thác thế mạnh vừa núi, vừa biển, vừa sông  hết sức độc đáo. Có người ví cầu Thuận Phước như một dải lụa nối hai bờ Sông Hàn tại nơi con sông hòa vào với biển. Nó càng lung linh, huyền ảo vào ban đêm, mỗi dịp thi trình diễn pháo hoa quốc tế.

Cầu Trần Thị Lý  với  hệ thống cáp dây văng tạo nên hình ảnh một cánh buồm đỏ căng gió đang vươn ra khơi xa, lãng mạn đầy quyến rũ  và cầu Rồng  với hình ảnh con rồng thép vươn lên mạnh mẽ không chỉ  là những công trình kiến trúc độc đáo mà chính đó còn là những chiếc chìa khoá mở ra vùng đô thị và du lịch, phía Đông thành phố. Cả 2 cây cầu bắc qua sông Hàn được thiết kế, thi công với hình dáng kiến trúc, giải pháp kết cấu độc đáo có thể coi là chiếc chìa khoá mở ra tiềm năng sáng tạo cho những thế hệ trẻ Đà Nẵng.

Cầu Cẩm Lệ  và cầu Hoà Xuân cũng là một chiếc chìa khoá  giúp mở ra cánh cửa cho một khu đô thị sinh thái Hoà Xuân, xoá đi hình ảnh một vùng quê lam lũ, thường xuyên bị ngập lụt.

Cầu Sông Hàn, cầu Cẩm Lệ, cầu Thuận Phước, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Rồng …, mỗi cây cầu đều có nét độc đáo riêng để Đà Nẵng  được mệnh danh là “thành phố của những cây cầu”. Mỗi cây cầu lần lượt đều là những chìa khoá khơi dậy tiềm năng những vùng đất của Đà Nẵng, làm nên nét đẹp độc đáo, niềm tự hào của thành phố. Sự hiện hữu của những con đường, những cây cầu ấy cùng với sự phát triển đột phá về cơ sở hạ tầng, đã làm cho gương mặt đô thị Đà Nẵng ngày càng khang trang, diễm lệ, xứng tầm với vai trò thành phố thủ phủ miền Trung - Tây Nguyên. 

HỘI AN –LÊ HOA

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT