Quy hoạch phát triển hệ thống phân phối hàng nông sản thành phố Đà Nẵng đến năm 2020
Đăng ngày 10-04-2017 10:16, Lượt xem: 2817

Phê duyệt “Quy hoạch phát triển hệ thống phân phối hàng nông sản thành phố Đà Nẵng đến năm 2020” với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Quan điểm phát triển

a) Phát triển hệ thống phân phối hàng nông sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phù hợp với các quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền tự chủ, tự do kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các chủ thể trong môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện và có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước.

b) Tập trung phát triển và tổ chức tốt thị trường nội địa để đẩy mạnh đầu tư sản xuất kinh doanh và khuyến khích tiêu dùng hàng trong nước; chủ động đáp ứng nhu cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu cho thị trường và người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng, giá cả hợp lý; đồng thời xuất khẩu bớt một phần để góp  phần nâng cao giá trị gia tăng và tỷ trọng của ngành nông sản trong tổng sản phẩm nội địa (GPD); góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế của thành phố trong thời gian đến.

c) Phát triển hệ thống phân phối hàng nông sản trên cơ sở huy động nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, nhất là kinh tế dân doanh và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại và các loại hình phân phối, phương thức giao dịch và các dịch vụ hỗ trợ hiện đại theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quan tâm phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh, đồng thời thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp thương mại - doanh nghiệp phân phối lớn, có mạng lưới phân phối hiện đại, giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt thị trường để định hướng sản xuất và tiêu dùng.

d) Kết hợp hài hòa giữa phát triển hệ thống phân phối hàng nông sản với quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội, quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ, quy hoạch phát triển giao thông vận tải trên địa bàn, trên cơ sở thành phố có cơ chế ưu tiên quy hoạch sử dụng đất; đồng thời đảm bảo quản lý, sử dụng  hiệu quả các cơ sở vật chất hiện có, kết hợp với việc cải tạo nâng cấp và xây dựng mới, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, kinh doanh, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội.

2. Mục tiêu phát triển đến năm 2020 

2.1. Mục tiêu tổng quát: 


Hình thành một hệ thống phân phối hàng nông sản văn minh, hiện đại, dựa trên cấu trúc hợp lý các hệ thống và các kênh phân phối với sự tham gia của các thành phần kinh tế và loại hình tổ chức, vận hành trong môi trường cạnh tranh có sự quản lý và điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Xác lập sự liên kết giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, giữa sản xuất - lưu thông - tiêu thụ và giữa các khâu trong quá trình lưu thông, dự trữ hàng nông sản, tăng cường sức mạnh để hợp tác và cạnh tranh có hiệu quả, củng cố và phát triển mạnh thị trường nội địa trong quá trình hội nhập.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

a) Về chỉ tiêu tăng trưởng: Tổng mức bán lẻ hàng nông sản của thành phố tăng bình quân 25%-30% đến năm 2020.

b) Đến năm 2015, phấn đấu giải tỏa hết 40 chợ tự phát gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; đầu tư, nâng cấp lại các chợ như: Chợ Cồn, Chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Bắc Mỹ An, chợ Thanh Khê 1, chợ An Hải Đông, chợ Mai, chợ Hòa Hải...đáp ứng yêu cầu phân phối hàng nông sản. 

c) Đến năm 2020, phấn đấu giải tỏa hết 20 chợ tạm, hình thành hệ thống phân phối hàng nông sản đạt chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh thương mại, được phân bổ đều trên các địa bàn quận, huyện của thành phố. Hình thành các kênh phân phối hàng nông sản có quy mô hiện đại như: Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi gắn kết với việc xây dựng phát triển về cơ sở hạ tầng thương mại của thành phố; Phát triển nhanh và đa dạng các loại hình kinh doanh hàng nông sản như sàn giao dịch hàng hóa nông sản tập trung, tiếp tục phát triển một số doanh nghiệp phân phối hàng nông sản lớn, có tiềm năng kinh doanh hàng nông sản, đủ sức cạnh tranh và điều kiện để hợp tác hiệu quả với các tập đoàn phân phối nước ngoài trong bối cảnh hội nhập.

d) Chú trọng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Xây dựng văn minh thương mại, văn hóa kinh doanh và nâng cao trách nhiệm đối với xã hội, đối với cộng đồng của các doanh nghiệp, thương nhân và hộ tiểu thương, hộ kinh doanh bán lẻ; góp phần tích cực vào quá trình xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường, văn minh, hiện đại.

3. Định hướng phát triển hệ thống phân phối hàng nông sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020.

3.1. Định hướng chung


3.1.1. Phát triển, đa dạng hoá các loại hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối hàng nông sản, tăng nhanh số lượng, đổi mới phương thức kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với yêu cầu phát triển và quy luật lưu thông hàng hóa.
    
- Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế với nhiều quy mô khác nhau tham gia vào hoạt động thương mại, phân phối bán buôn và bán lẻ. Thành phần kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể giữ vai trò chi phối, có khả năng điều tiết và bình ổn thị trường. Thành phần kinh tế tư nhân giữ vai trò quan trọng trong hệ thống phân phối với số lượng doanh nghiệp và tỷ trọng lớn trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, giải quyết việc làm cho người lao động;
    
- Thúc đẩy sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước, hình thành doanh nghiệp quy mô lớn có khả năng định hướng sản xuất và tiêu dùng hàng hóa, gia tăng thị phần trong nước và đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn phân phối lớn có vốn đầu tư nước ngoài;
    
- Đổi mới mô hình tổ chức, công nghệ quản lý, phương thức kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa; từng bước hình thành và phát triển đồng bộ các loại hình doanh nghiệp phân phối bán buôn, bán lẻ, phân phối hàng nông sản, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics, công ty (hợp tác xã) quản lý và kinh doanh chợ, các hợp tác xã thương mại - dịch vụ và các hộ kinh doanh.
    
3.1.2. Phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, kết hợp hài hòa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại
    
- Thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút nguồn lực của các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước; xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng thương mại phù hợp với tập quán sản xuất và tiêu dùng của nhân dân theo từng khu vực nội thành và ngoại thành, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố từ nay đến năm 2020;
    
- Ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới các siêu thị bán buôn, bán lẻ, các trung tâm thương mại, trung tâm phân phối, trung tâm logistics, sàn giao dịch, chợ đầu mối (tổng hợp hoặc chuyên doanh), chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi... rộng khắp, phù hợp với tình hình, đặc điểm, dân cư ở từng địa bàn quận, huyện trong từng giai đoạn cụ thể;
    
- Hình hành các khu mua sắm tập trung quy mô lớn, ngang tầm trong khu vực, đủ khả năng phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch, khách vãng lai trong nước và quốc tế. Tiếp tục phát triển chợ đầu mối bán buôn nông sản ở những nơi có sản xuất hàng hóa đủ lớn, có vị trí và điều kiện giao thông thuận lợi ở các quận, huyện ven và ngoại thành;
    
- Đa dạng hóa các phương thức phân phối, phát triển nhanh thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến; từng bước hoàn thành môi trường pháp lý và hạ tầng công nghệ thông tin, cung cấp các dịch vụ công hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử; tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích thương nhân sử dụng website thương mại điện tử để giao dịch.
    
- Phát triển các mô hình tổ chức lưu thông gắn với thị trường, ngành hàng, phù hợp với trình độ và năng lực sản xuất, xu hướng tiêu dùng và đảm bảo dự trữ, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương.
    
- Xây dựng và triển khai quy chế về tổ chức và kiểm soát hệ thống phân phối hàng nông sản; đáp ứng yêu cầu tổ chức phân phối và lưu thông hàng hóa theo cơ chế thị trường; vừa hình thành các quỹ dự trữ hàng hóa thiết yếu của thành phố để kịp thời điều tiết và đảm bảo sự can thiệp có hiệu quả của Nhà nước, nhất là trong các trường hợp thị trường biến động bất thường.
    
3.2. Định hướng cụ thể về phát triển các hệ thống phân phối hàng nông sản thành phố

3.2.1. Phát triển hệ thống phân phối hàng nông sản của thành phố trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với thị trường nông sản trong nước, kết hợp hợp hài hòa giữa các kênh phân phối hiện đại và các kênh phân phối truyền thống. Định hướng phát triển hệ thống phân phối hàng nông sản thành phố từ nay đến năm 2020 phát triển thêm 10 siêu thị phân phối hàng thiết yếu, trong đó có mặt hàng nông sản; 20 cửa hàng tiện lợi và đầu tư xây dựng mới 20 chợ (khu vực nội thành: 16 chợ và khu vực nông thôn 4 chợ, trong đó có 1 chợ đầu mối hàng nông sản gia súc, gia cầm tại huyện Hòa Vang ); đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô và nâng hạng chợ: 30 chợ (trong đó khu nội thành: 16 chợ và khu vực nông thôn 14 chợ). 

3.2.2. Tập trung cải tạo, nâng cấp các khu vực kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả an toàn tại các chợ theo hướng văn minh và hiện đại; thiết lập và phát triển hệ thống phân phối hàng nông sản phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của từng địa phương và khu vực.

3.2.3. Phát triển đa dạng hóa các loại hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối hàng nông sản, tăng nhanh số lượng, đổi mới phương thức kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với yêu cầu phát triển và quy luật lưu thông của hàng hóa. 

3.2.4. Phát triển hệ thống phân phối hàng nông sản theo định hướng tập trung nguồn vốn từ xã hội hóa thông qua đầu tư của các tổ chức, cá nhân, các tập đòan lớn có khả năng về tài chính.

4. Các chính sách và giải pháp pháp triển hệ thống phân phối hàng nông sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020.

4.1. Công tác Quy hoạch, xây dựng cơ chế chính sách


a)  Hoàn thành và tổ chức triển khai có hiệu quả việc Quy hoạch phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020.

b) Hoàn thành việc xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích việc đầu tư hạ tầng chợ đầu mối nông sản, chợ các xã khó khăn, các cơ sở chế biến, kinh doanh rau, quả an toàn, thực phẩm an toàn; đẩy mạnh thu mua hàng nông sản cho nông dân.

c) Quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư có khả năng về vốn, công nghệ, kinh nghiệm tổ chức các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản có trình độ công nghệ cao, nhằm nâng cao năng lực, khả năng chế biến và tổ chức phân phối hàng nông sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

d) Cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp phép đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, thủ tục hỗ trợ khuyến khích đầu tư, thủ tục cấp phép kinh doanh.

đ) Tổ chức việc theo dõi, nghiên cứu thị trường quốc tế, thị trường trong nước để kịp thời thông tin cho các doanh nghiệp và nông dân. Qua đó, giúp người sản xuất nắm được tình hình cung, cầu, giá cả trong và ngoài nước đối với hàng nông sản để nông dân tự quyết định về quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm.

e) Phát huy có hiệu quả mối liên kết vùng, các địa phương trong cả nước cam kết cung ứng hàng hóa và  xây dựng kế hoạch và giải pháp tích cực để có thể đảm bảo cung ứng nguồn hàng nông sản về thành phố trong những hoàn cảnh đặc biệt khi có thiên tai, lũ lụt…

4.2. Về phát triển hạ tầng thương mại

a) Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng mở rộng chợ Đầu mối nông sản Hòa Cường giai đoạn II; kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh và các siêu thị mini chuyên doanh về một số mặt hàng nông sản thiết yếu như thịt heo sạch, rau củ quả sạch, lương thực...; 

b) Đầu tư xây dựng, cải tạo các chợ dân sinh; nâng cấp nhà xưởng, thiết bị trong hệ thống logistics, các tổng kho dự trữ hàng hóa thiết yếu; đẩy mạnh phát triển loại hình HTX Thương mại dịch vụ, chú trọng đến các HTX quản lý kinh doanh khai thác chợ, HTX bao tiêu sản phẩm nông nghiệp;

c) Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở thực nghiệm giống cây trồng, vật nuôi và kỹ thuật mới (thuộc trung tâm khuyến nông); Tăng cường công tác khuyến nông để đẩy nhanh các mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi có hiệu quả và vận động xây dựng các vùng sản xuất nông sản hóa “sạch”.

4.3. Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp thương mại

a) Có chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút những sinh viên, nghiên cứu sinh của các trường đại học kinh tế có uy tín trong và ngoài nước để cung cấp nguồn nhân lực cho ngành công thương thành phố.

b) Định kỳ hàng năm tổ chức các lớp học để nâng cao kiến thức và kỹ năng quản lý, các chương trình tư vấn về kinh doanh, phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp; bồi dưỡng kiến thức pháp luật, các ràng buộc pháp luật liên quan đến hoạt động thương mại - dịch vụ cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

c) Xây dựng và phát triển mạng thông tin công cộng nhằm cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ như thông tin về giá cả thị trường, cung cầu hàng hóa, thông tin về cơ chế chính sách, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực...

d) Phối hợp, tạo điều kiện để các hiệp hội ngành nghề phát triển.

4.4. Giải pháp và chính sách thu hút vốn đầu tư phát triển hệ thống phân phối hàng nông sản

-  Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương để thực hiện đầu tư xây dựng chợ Đầu mối nông sản Hòa Cường giai đoạn II, nhằm đưa chợ Đầu mối nông sản Hòa Cường trở thành Trung tâm phân phối hàng nông sản của thành phố và của Khu vực miền Trung.

- Ưu tiên bố trí quỹ đất cho việc phát triển kết cấu hạ tầng thương mại như hệ thống kho dự trữ hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm ...) để đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân trong những lúc thiên tai, bão lụt...

- Khuyến khích các thành phần kinh tế, hộ gia đình hình thành cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini... phân phối hàng nông sản thiết yếu ở các khu vực dân cư đông người, khu công nghiệp, nhằm hạn chế tình trạng “chợ tự phát”.

4.5. Giải pháp về quản lý hệ thống phân phối hàng nông sản trên địa bàn thành phố.

- Thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính để loại bỏ các thủ tục giấy tờ không cần phù hợp; đơn giản hóa các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh những mặt hàng có điều kiện; đảm bảo quyền tự chủ tối đa cho thương nhân trong hoạt động phân phối hàng nông sản theo đúng qui định của pháp luật.

- Thực hiện tốt nguyên tắc công khai, minh bạch hóa cơ chế, chính sách theo qui định của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.

- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với hệ thống phân phối hàng nông sản như: siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ, các kho dự trữ hàng hóa nông sản thiết yếu (lương thực)…đảm bảo hàng hóa phân phối và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; ngăn chặn tình trạng đầu cơ, nâng giá bất hợp lý, lũng đoạn thị trường.

- Tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành của thành phố, UBND các quận, huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn nhằm từng bước tổ chức cấu trúc mạng lưới hệ thống phân phối hàng nông sản.
 
4.6. Giải pháp bảo vệ môi trường đối với hệ thống phân phối hàng nông sản trên địa bàn thành phố.

Phát triển hệ thống phân phối hàng nông sản phải gắn liền với công tác bảo vệ môi trường; các dự án đầu tư xây dựng hệ thống phân phối hàng nông sản phải tuân thủ đúng các quy định của nhà nước về bảo vệ môi trường; 
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác