Đại học Duy Tân: Phấn đấu đạt top 300 đại học Châu Á vào năm 2022
Đăng ngày 11-05-2017 08:17, Lượt xem: 1530

Ngày 10-5, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí có buổi làm việc với Đảng ủy Đại học Duy Tân về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị tại trường và một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian đến. Cùng dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Thường trực UBND, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Đặng Việt Dũng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Đại học ngoài công lập đầu tiên đạt chuẩn chất lượng giáo dục

Báo cáo tại buổi làm việc, TS. Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường cho biết, Duy Tân hiện là Đại học Tư thục đầu tiên và lớn nhất miền Trung, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đa bậc và đa hệ với 03 ngành đào tạo tiến sĩ, 05 ngành thạc sĩ, 21 ngành đại học và 11 ngành Cao đẳng. Đây cũng là 1 trong 30 trường đầu tiên của Việt Nam, và là đại học ngoài công lập đầu tiên của Việt Nam được kiểm định và đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

Theo đó, tổng số giảng viên, cán bộ quản lý và nhân viên của toàn trường là 1.066 người, trong đó có 741 giảng viên với số lượng giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ chiếm 17%. Đến nay, Đại học (ĐH) Duy Tân đã có 36 đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố, tỉnh, bộ; 20 đề tài Nafosted, 2 đề tài được nước ngoài tài trợ; và 486 bài báo đăng tạp chí thuộc ISI và Scopus.

Về hợp tác quốc tế, nhà trường đã hợp tác với nhiều đại học uy tín trên thế giới, tiêu biểu trong đó phải kể đến hợp tác chuyển giao công nghệ đào tạo với Đại học Carnegie Mellon, Đại học Penn State và Đại học California (Mỹ); cùng với đó là các chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học tại Mỹ và Anh với các chương trình du học đa dạng như 1+1+2; 2+2; 3+1; và 4+0.  

Sinh viên ĐH Duy Tân cũng liên tục đạt các giải thưởng lớn với 19 giải quốc tế như Vô địch cuộc thi CDIO thế giới tại trường đại học Harvard Hoa Kỳ 2013 và tại Phần Lan 2016, Vô địch cuộc thi thiết kế Nhà chống động đất tại Đài Loan 2014…; và 268 giải trong nước. Hiện nay, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp hằng năm của trường trung bình là 75%.

Với đội ngũ nhân lực chất lượng cao như trên, nhà trường bày tỏ mong muốn có thể góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm sáng nghiên cứu quốc tế trên các lĩnh vực nhà trường có thế mạnh như Khoa học Vật liệu/Công nghệ Sinh học, CNTT/Điện tử Viễn thông, Du lịch/Môi trường…; xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố Khởi nghiệp và góp phần quảng bá thành phố với khu vực và thế giới.

Đào tạo gắn liền với nghiên cứu cơ bản, ứng dụng và nhu cầu của thị trường

Đánh giá cao những thành tích đã đạt được cũng như những nỗ lực của tập thể lãnh đạo nhà trường sau gần 23 năm thành lập, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đặng Việt Dũng cho rằng “Số lượng các giải thưởng, công trình khoa học đã đạt được cùng với các chương trình liên kết quốc tế được ĐH Duy Tân triển khai đã mang lại sức sống mới, cách nhìn nhận mới đối với mô hình trường tư thục”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng hoàn toàn thống nhất với định hướng phát triển nhà trường đã đặt ra, theo đó, ĐH Duy Tân đặt mục tiêu đạt chuẩn quốc tế một số ngành đào tạo như ABET và ACBSP; đến năm 2022 đạt top 300 trường đại học của Châu Á và xa hơn nữa là phấn đấu đạt top 150 vào năm 2025 theo xếp hạng của Tạp chí Time Higher Education. Để đạt được mục tiêu đó, ông đề nghị nhà trường nên có chiến lược cũng như lộ trình chi tiết tương ứng với từng giai đoạn, và song song với đó là những đề nghị cụ thể của nhà trường để thành phố có hướng hỗ trợ về cơ chế chính sách, đầu tư, đất đai, nhân lực… nhằm qua đó xây dựng thương hiệu ĐH Duy Tân gắn với thương hiệu của TP Đà Nẵng. Cùng với đó, nhà trường cần tạo bước đột phá và phát huy thế mạnh về nghiên cứu khoa học; phấn đấu tăng số lượng công bố quốc tế; và tăng cường hơn nữa hợp tác, hội nhập với các đại học, các tổ chức giáo dục uy tín trên thế giới. Tiếp tục tham gia hoạt động KH&CN của thành phố, trong đó lưu ý đề xuất các nhiệm vụ KH&CN cụ thể, có giá trị ứng dụng trong thực tiễn, và đẩy mạnh hợp tác với các trường Đại học trên địa bàn để có thể trao đổi và phát huy các nguồn lực chung về đội ngũ giảng viên, nguồn lực, cơ sở vật chất.

Liên quan đến các kiến nghị đối với thành phố về việc hỗ trợ cơ sở vật chất cho nhà trường, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng cho biết, UBND thành phố sẽ đề xuất với HĐND mở rộng thêm đối tượng để các trường đại học/cao đẳng có thể tham gia đấu thầu các khu đất theo quy định tại Quyết định 11/2016/QĐ-UBND của UBND thành phố về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Ông cũng yêu cầu Sở Xây dựng nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục điều chỉnh đối với khu đất 30 ha dọc đường Hoàng Văn Thái, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, để ĐH Duy Tân sớm có đất triển khai xây dựng trường.   

Đồng tình với những nhận định của Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí cho rằng, ĐH Duy Tân đã góp phần củng cố, tạo dựng và nâng cao vị thế của thành phố. “Chính vì vậy, thành phố xác định trách nhiệm phải góp phần hỗ trợ để ĐH Duy Tân có thể đạt được những mục tiêu đề ra”, ông Trí nói. Phó Bí thư Thành ủy cũng đồng thời đề nghị nhà trường chú trọng phát triển theo định hướng “đào tạo gắn liền với nghiên cứu cơ bản và ứng dụng”. Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng; phấn đấu trên 80% sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm, qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao cho thành phố. Khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám”, có những chính sách thiết thực hơn nữa trong việc ưu đãi, động viên, khích lệ, tạo môi trường làm việc thuận lợi và cơ hội phát triển để giữ chân nguồn nhân lực có chất lượng cao. Ông cũng lưu ý việc mở rộng các ngành nghề đào tạo của các trường cần chú trọng đến nhu cầu của thị trường, nhu cầu từng ngành nghề mà các doanh nghiệp cần trong thực tiễn hiện tại và tương lai.

QUỲNH ĐAN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác