Đà Nẵng: Lần đầu tiên sẽ có kỳ họp HĐND "không giấy"
Đăng ngày 16-05-2017 15:06, Lượt xem: 1940

Chương trình kỳ họp thứ tư HĐND thành phố Đà Nẵng khóa IX (2016-2021) sẽ tiến hành trong 3 ngày (từ ngày 5-7/7); kỳ họp sẽ có một số đổi mới như không có phiên thảo luận tại Tổ, dành thời gian cho thảo luận tại Hội trường; ứng dụng công nghệ thông tin, không phát tài liệu trực tiếp mà sẽ kết nối đến máy tính cá nhân của tất cả các đại biểu, thực hiện kỳ họp HĐND không giấy đầu tiên. Đó là thông tin được đưa ra tại phiên Thường trực HĐND thành phố họp thường kỳ tháng 5 với đại diện lãnh đạo UBND thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố vào chiều 15-5. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh chủ trì phiên họp.

Phiên họp đã dành phần lớn thời gian thảo luận nội dung, chương trình chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4 HĐND TP khóa IX (2016 - 2021). 

Rà soát, thu hồi các dự án ven biển chậm triển khai

Báo cáo một số nội dung họp thường kỳ tháng 5, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Nguyễn Thành Tiến cho biết, tình hình rà soát thu hồi các dự án ven biển chậm triển khai: Tổng số dự án đầu tư ven biển: 50 dự án, trong đó có 13 dự án nước ngoài và 37 dự án trong nước. Trong đó có 8 dự án đang triển khai, 8 dự án đã được bàn giao đất nhưng triển khai dự án chậm tiến độ, 16 dự án chưa triển khai. Đối với các dự án chậm triển khai, chưa triển khai, UBND thành phố đã chỉ đạo tiến hành ký cam kết tiến độ triển khai với các chủ đầu tư, để có cơ sở đề xuất thu hồi theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật về đầu tư.

Đồng thời, UBND thành phố đã giao Cục Thuế thành phố yêu cầu Chủ đầu tư các dự án ven biển chưa, chậm triển khai phải nộp thêm tiền thuê đất trong thời gian 24 tháng được giãn tiến độ theo đúng quy định, tránh thất thoát ngân sách nhà nước. Tính đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện giãn tiến độ 14 dự án và cắm biển đối với các dự án chậm triển khai. 

Ông Nguyễn Nho Trung- Phó Chủ tịch HĐND Tp cho biết, qua giám sát của Thường trực HĐND thành phố đối với 10 dự án chậm triển khai trên địa bàn hai quận Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn cho thấy có phần trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng, trách nhiệm của địa phương dù thành phố đã phân cấp, phân quyền mạnh mẽ.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh yêu cầu, nếu sau khi ký cam kết 24 tháng nhà đầu tư không triển khai dự án thì phải tiến hành thu hồi theo luật định.

Về việc mở các lối xuống biển dọc tuyến biển Ngũ Hành Sơn theo quy hoạch, Phó Chánh VP Nguyễn Thành Tiến cho biết, UBND TP đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch một số dự án để mở lối đi từ đường Trường Sa thông ra biển. Cụ thể: lối xuống biển rộng 17 m giữa dự án Khu du lịch quốc tế Silver Shores và dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng của Công ty cổ phần Hòn Ngọc Á Châu; lối xuống biển rộng 10m tại phía bắc dự án The Nam Khang Resort Residences; lối xuống biển rộng 3,5m tại phía bắc dự án khách sạn và biệt thự biển Đông Phương; lối xuống biển rộng 4m tại phía nam dự án Future Property Invest.

 Ông Tô Văn Hùng - Trưởng ban Ban Đô thị HĐND TP cho rằng, cần thông tin cho người dân hiểu rõ mục đích mở lối xuống biển.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, khu vực quận Ngũ Hành Sơn TP đã đầu tư 3 bãi tắm công cộng. Do các lối đi xuống biển kể trên nằm trong khu vực của các dự án du lịch, nghỉ dưỡng nên việc người dân dùng lối đi đó để xuống biển sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Xuân Anh yêu cầu các đơn vị chức năng cần công bố rộng rãi cho cử tri biết về mục đích sử dụng các lối xuống biển.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cam kết, năm 2018 sẽ xử lý dứt điểm tình trạng ngập úng đô thị trên toàn bộ địa bàn thành phố.

Về nội dung chấn chỉnh tình trạng "xe dù", "bến cóc", Ông Nguyễn Thành Tiến báo cáo, UBND TP cũng đã thành lập Tổ kiểm tra liên ngành để phối hợp tuần tra, kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng xe dù bến cóc và lập lại trật tự vận tải khách trên địa bàn thành phố; phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải và trao đổi các ngành chức năng có liên quan của tỉnh Thừa Thiên - Huế để xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm.

Thường trực HĐND thành phố đánh giá cao nỗ lực của UBND thành phố trong việc chấn chỉnh tình trạng “xe dù”, “bến cóc”, xe du lịch hoạt động trá hình để chở khách tuyến cố định trong thời gian qua.

Siết chặt quản lý nhà nước đối với lĩnh vực du lịch 

Báo cáo công tác quản lý hoạt động kinh doanh du lịch, lữ hành trên địa bàn thành phố: Trong quý I/2017, thành phố đón và phục vụ 1.327.154 lượt khách, tăng 29,4% so với cùng kỳ 2016, đạt 21,1% kế hoạch năm 2017; trong đó khách quốc tế ước đạt 595.864 lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ 2016, khách nội địa ước đạt 731.290 lượt, tăng 12,6% so với cùng kỳ 2016. Tổng thu du lịch ước đạt 3.901,832 tỷ đồng, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 21,1% kế hoạch năm 2017.

Tính đến tháng 4/2017, thành phố có 599 cơ sở lưu trú, với 22.380 phòng. Có 25 đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng đang hoạt động, trong đó có 12 đường bay trực tiếp thường kỳ và 13 đường bay trực tiếp thuê chuyến; trong Quý I/2017, thành phố đón 42 chuyến tàu du lịch cập cảng Tiên Sa với 51.000 lượt khách, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2016.

Công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực lữ hành: Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 293 công ty lữ hành (156 công ty lữ hành quốc tế) và 2.779 HDV (gồm 1.682 HDV quốc tế và 1.097 HDV nội địa).

Trong thời gian qua, với sự tăng trưởng nóng của các thị trường khách du lịch, nhất là thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc đã phát sinh một số vấn đề bất cập: tình trạng một số tổ chức, cá nhân người nước ngoài hoạt động kinh doanh du lịch trái pháp luật Việt Nam; núp bóng công ty lữ hành Việt Nam dưới hình thức đối tác hoặc nhập cảnh vào Việt Nam với chức danh tư vấn, hỗ trợ điều hành để thao túng, hoạt động trái mục đích nhập cảnh; một số doanh nghiệp cạnh trạnh không lành mạnh, giảm giá tour, mua đầu khách, xuất hiện tình trạng kinh doanh loại hình “tour du lịch giá rẻ”; Một số doanh nghiệp lữ hành tại Đà Nẵng với quy mô nhỏ, năng lực còn hạn chế để vươn tầm khai thác khách từ các thị trường quốc tế tiềm năng…

Trước tình hình đó, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Du lịch và các ngành liên quan, Công an thành phố và UBND các quận, huyện triển khai nhiều biện pháp để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bảo đảm an toàn an ninh, thường xuyên trao đổi thông tin với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, đề nghị các doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ tốt trong dịp này; đồng thời lắng nghe, trao đổi, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; quán triệt và tiếp tục chấn chỉnh các hành vi tiếp tay trong hoạt động lữ hành trái phép. Song song đó, Sở Du lịch đã tập trung thực hiện với việc thanh tra, kiểm tra ngay từ đầu năm 2017; đến nay đã tiến hành hơn 70 lượt kiểm tra, ban hành 52 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC), với tổng số tiền phạt là 438,55 triệu đồng, đạt 66,2 % so với cả năm 2016 (năm 2016 là 662,3 triệu đồng).

Phiên họp cũng đã thảo luận một số nội dung mà cử tri quan tâm như: tình hình xây dựng phương án xử lý tình trạng thấp trũng và xem xét công nhận di tích văn hóa Đình làng Xuân Thiều; tiến độ xây dựng Đề án thu phí đậu, đỗ xe theo xe, phí lưu thông xe ô tô vào giờ cao điểm, việc có phát sinh thêm các điểm ngập úng hay không, rà soát kết quả giải quyết các trường hợp đơn thư công dân Thường trực HĐND thành phố chuyển UBND thành phố,…

Sau khi nghe các ý kiến trao đổi tại phiên họp, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh yêu cầu cần tăng cường trách nhiệm của các quận, huyện trong công tác phối hợp triển khai các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời đề nghị HĐND các quận, huyện phải tăng cường giám sát thực hiện nghị quyết của HĐND cấp mình và nghị quyết HĐND thành phố.

HIỂN TRANG

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác