Tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em
Đăng ngày 22-06-2017 16:34, Lượt xem: 2206

UBND thành phố vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành, hội đoàn thể và UBND các quận, huyện đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật bảo vệ trẻ em; vận động xã hội chung tay bảo vệ trẻ em, phòng ngừa và kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. 

Cụ thể, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt về phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ, người trực tiếp làm việc với trẻ em và kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị xâm hại cho trẻ em. Đặc biệt, tổ chức thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo và tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; Can thiệp, hỗ trợ kịp thời các trường hợp khi trẻ bị bạo lực, xâm hại; tuyên truyền, quảng bá về Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em của Trung ương 18001567 và Đường dây nóng của thành phố 18001046 để mọi cơ quan, tổ chức, người dân và trẻ em liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ và khi cần sự trợ giúp.

Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em; xây dựng môi trường sư phạm an toàn, lành mạnh, không có bạo lực, xâm hại trẻ em; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức về giới và kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh tại các cơ sở giáo dục, trường học; kịp thời phát hiện các trường hợp học sinh có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại, thông báo, cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện việc điều tra, xử lý.

Sở Y tế hướng dẫn hệ thống y tế cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, tư vấn sức khỏe, hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại; nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ y tế trong việc chăm sóc, tư vấn sức khỏe đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; hướng dẫn gia đình kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Sở Thông tin và Truyền thông định hướng các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng dành thời lượng, chuyên mục, chuyên trang hợp lý để đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; phát hiện, lên án các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và bảo đảm quyền bí mật thông tin của trẻ em.

Công an thành phố chỉ đạo công an các cấp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em; rà soát và xử lý dứt điểm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em đang tồn đọng, chưa xử lý kịp thời; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài hoặc không xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Đồng thời, hướng dẫn công an các cấp áp dụng quy trình điều tra thân thiện đối với trẻ em, đặc biêt là trẻ em bị xâm hại tình dục; nâng cao năng lực, kỹ năng cho lực lượng công an các cấp về điều tra, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em.

UBND các quận, huyện đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng, các cấp chính quyền trong việc phòng ngừa, phát hiện, tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; triển khai thực hiện Luật trẻ em và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật; ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo đảm việc hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại... Đặc biệt, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý địa bàn dân cư và kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; kiên quyết xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Thực hiện quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại theo quy định, đảm bảo cho các em được sống trong môi trường an toàn, được chăm sóc phục hồi và hòa nhập với gia đình và cộng đồng. Chủ tịch UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra tình trạng không xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn; không kịp thời hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại trẻ em. 

Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân thành phố chỉ đạo Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp tiếp nhận, giải quyết và xử lý nghiêm, kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; tránh tồn đọng, không để kéo dài các hồ sơ, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Thành đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và toàn xã hội lên án mạnh mẽ, kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em

Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố và các tổ chức xã hội, trong phạm vi chức năng của mình, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ trẻ em trong tổ chức của mình và quần chúng nhân dân; tiếp nhận, thu thập thông tin về các hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, kịp thời chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền để can thiệp, xử lý; tư vấn, tham gia hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị xâm hại, bạo lực theo quy định của pháp luật.

CÔNG TÂM
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác