“Không để yếu tố kinh tế lấn át vấn đề bảo tồn Sơn Trà”
Đăng ngày 27-06-2017 16:51, Lượt xem: 1694

Quy hoạch cảnh quan hai bên bờ sông Hàn, các dự án tại khu vực Đông nam Đài tưởng niệm, 104 căn hộ chuyển đổi công năng sai mục đích tại dự án Mường Thanh, tháo dỡ biệt thự xây dựng trái phép trên Hải Vân, và đặc biệt là quy hoạch Sơn Trà là những vấn đề “nóng” được các báo quan tâm và đặt nhiều câu hỏi tại buổi họp báo 6 tháng đầu năm 2017 tổ chức sáng 27-6 dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì buổi họp báo

Cân bằng giữa bảo tồn và phát triển Sơn Trà

Trả lời về quan điểm của thành phố đối với vấn đề Sơn Trà, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ khẳng định “Đảng bộ và chính quyền thành phố nhận thức rõ tầm quan trọng của Sơn Trà. Chính vì vậy, thành phố đã chủ động đặt vấn đề rà soát lại toàn bộ quy hoạch bán đảo Sơn Trà từ rất sớm chứ không phải đợi đến khi báo chí lên tiếng thì mới làm”.

Ông cho hay, dư luận hiện có 3 luồng quan điểm. Một là giữ nguyên hiện trạng Sơn Trà hiện nay, tuy nhiên, nguyên trạng như thế nào thì vẫn chưa rõ. Luồng ý kiến thứ hai là tối đa hoá bảo tồn Sơn Trà và giảm phát triển kinh tế-xã hội, và luồng thứ ba là cân bằng như thế nào cho hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Việc rà soát hiện đang được thành phố triển khai, bao gồm cả rà soát quy hoạch và rà soát từng dự án cụ thể. Quan điểm của lãnh đạo thành phố hiện đang nghiên về hướng tăng cường bảo tồn giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên, cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, nhưng phát triển ở mức độ nào thì phải tính toán cho hợp lý. "Tôi cam đoan không để yếu tố kinh tế lấn át vấn đề bảo tồn Sơn Trà", ông Thơ khẳng định. Ông cũng cho hay, thành phố cần có thời gian để giải “bài toán khó” Sơn Trà, trong đó có bao gồm các tranh chấp pháp lý mà thành phố sẽ phải đối mặt nếu thu hồi các dự án vì doanh nghiệp đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính, đất đã được giao và nhiều doanh nghiệp đi vay tiền ngân hàng…để thực hiện dự án. “Bây giờ nếu thu hồi các dự án này thì thành phố phải bồi thường khoản tiền không hề nhỏ, phải tìm những khu đất có vị trí đắc địa để bố trí lại. Rồi khi bố trí đất cho họ còn bỏ ra khoản tiền lớn để giải phóng mặt bằng…là những việc không hề đơn giản”, ông Thơ lý giải.

Ông tái khẳng định “thành phố luôn lắng nghe một cách có cơ sở khoa học và trên tinh thần cầu thị để giải quyết vấn đề Sơn Trà theo hướng tích cực”. Ông cũng cho hay, từ nay đến thời hạn Chính phủ giao cho Đà Nẵng là ngày 30-8, thành phố sẽ phối hợp Bộ VH,TT&DL tổ chức hội thảo để lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia nhằm có cơ sở khoa học để giải quyết vấn đề Sơn Trà một cách phù hợp. 

Liên quan đến vụ việc Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa đã triển khai 40 móng biệt thự, nhiều vị trí bị đào xới dở dang nguy cơ sạt lở nghiêm trọng trong mùa mưa bão sắp đến và cần phải sớm có biện pháp khắc phục, chống sạt lở ở các vị trí xung yếu, ông Thơ cho biết, chủ đầu tư đã đề xuất xây kè hoặc trồng cây và vấn đề này rất phù hợp, nhưng bởi vì Chính phủ đang dừng tất cả các dự án tại bán đảo Sơn Trà nên phải xem xét một cách thận trọng. “Thành phố vẫn chưa đồng ý với đề nghị này vì nếu để doanh nghiệp bỏ tiền ra thì sau này họ dễ dựa vào cớ đó để yêu cầu cho tiếp tục thi công dự án. Thành phố cũng đã nghĩ đến phương án tự bỏ tiền ra để làm nhưng cũng rất vô lý vì đó là khu vực đất đã giao cho doanh nghiệp. Hiện chưa có quyết định cụ thể cuối cùng nhưng có thể thành phố bỏ tiền ra trước và sau đó doanh nghiệp hoàn lại hoặc doanh nghiệp bỏ tiền ra làm nhưng phải cam kết chỉ để giữ an toàn, chống sạt lở khu vực này”, ông Thơ cho hay.

Giải đáp nhiều vấn đề được dư luận quan tâm

Cũng tại buổi họp báo, nhiều vấn đề khác được các báo quan tâm đã được Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ giải đáp hết sức thẳng thắn, cởi mở.

Trả lời nhà báo Dương Thanh Tùng (Báo Đại Đoàn Kết) về các dự án Hòa Bình Green, dự án 2 tòa tháp đôi  do Tập đoàn Vicoland là chủ đầu tư khi thông qua chủ trương có xem xét đến những tác động đến cảnh quan không gian khu vực cầu Thuận Phước và có ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Hàn hay không? Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho biết đây là những công trình đã được giao đất từ khoảng 10 năm trước (gần đây thành phố không giao cho doanh nghiệp nào hết)  theo quy hoạch nhà cao tầng ở khu Đa Phước, Hòa Bình hay dọc đường Như Nguyệt.  Thành phố cũng đã rà soát quy hoạch đô thị, mỹ quan kiến trúc dọc sông Hàn lên đến tận quận Cẩm Lệ, thậm chí đã tổ chức thi tuyển và thuê cả tư vấn nước ngoài lập quy hoạch cảnh quan hai bên bờ sông Hàn. Các công trình được xây dựng đều đảm bảo cự ly, khoảng cách an toàn đến các mố cầu. Cùng với đó, các đơn vị tư vấn nước ngoài, hiệp hội quy hoạch đều không có ý kiến phản bác. Dọc khu vực cầu Thuận Phước, đường Như Nguyệt theo quy hoạch sẽ còn có nhiều dự án xây dựng cao tầng hơn nữa. Riêng hai toàn nhà Blooming Tower đã có hơn chục năm nhưng triển khai rất chậm.

Đối với việc điều chỉnh quy hoạch, thu hồi đất của một số hộ tại khu vực Đông Nam Đài tưởng niệm, Chủ tịch UBND thành phố trả lời trước đây thành phố giao đất cho các hộ là đất thương mại dịch vụ chứ không phải đất ở,  giá đất chỉ bằng 70% giá đất ở, tỷ lệ xây dựng không quá 60%. Trước đây thành phố có chủ trương điều chỉnh quy hoạch để mở rộng khu công viên châu Á. Khi làm việc với các hộ dân để giải tỏa đền bù, thành phố đã đưa ra nhiều phương án như đền bù theo giá nhà nước, bố trí đất tái định cư theo giá nhà nước; đền bù theo giá thị trường, chỉ đất cho họ mua lại theo giá thị trường cũng như dành các vị trí đắc địa trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đường Võ Văn Kiệt cho họ tái định cư nhưng nhiều hộ không đồng ý. Đến năm  2016, để chuẩn bị cho Lễ Hội pháo hoa 2017 theo hình thức xã hội hóa,  thành phố chủ trương di dời địa điểm làm khán đài xem pháo hoa về khu vực cầu Tuyên Sơn - Trần Thị Lý nhằm giảm tải giao thông khu vực trung tâm. Như vậy phải có bãi bắn ở khu đối diện. Thành phố chủ trương giải tỏa đất khu vực này để làm khu công viên công cộng, và đến khi có lễ hội pháo hoa thì làm nơi tập kết và bắn pháo của các đơn vị dự thi. “Pháo hoa đã trở thành thương hiệu của thành phố rồi, nên cần đầu tư bài bản, chuyên nghiệp”, ông Thơ nói.    

Trả lời về việc tháo dỡ biệt thự xây dựng trái phép trên Hải Vân, ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, công việc tháo dỡ đã thực hiện nghiêm túc, đến nay  gần như đã hoàn tất, chỉ còn 2 căn nhà cấp 4 rộng chừng 235 m2. Ông Thiết khẳng định, chủ đầu tư xin giữ lại 2 căn nhà này là để chất đồ tháo dỡ và xin địa điểm khác để làm khu du lịch chứ không phải như thông tin không chính xác mà một số báo đã  đưa  về việc chủ đầu tư xin giữ lại một số hạng mục để tiếp tục xây dựng khu du lịch tại đây.

Liên quan đến dự án Mường Thanh tự ý chuyển đổi công năng một số hạng mục sai mục đích, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh “Đà Nẵng sẽ làm quyết liệt, không bao giờ cho hợp thức hóa việc tự ý chuyển đổi này và sẽ không cấp sổ đỏ cho những căn hộ mà chủ đầu tư tự ý chuyển đổi trái qui định. Chủ đầu tư đã làm sai thì phải tự gánh chịu hậu quả. Chủ đầu tư phải tự tìm thêm đất đủ điều kiện để bố trí nhà để xe, nhà trẻ … theo đúng cam kết với khách hàng thì khi ấy mới được xem xét để giải quyết cấp sổ đỏ”.    

Trả lời câu hỏi về việc bán nhà công sở, đại diện lãnh đạo Sở xây dựng cho rằng làm đúng thủ tục công khai, minh bạch thông qua đấu giá và ai bỏ giá cao thì bán cho người đó… Ông Thơ cho biết thêm, hầu hết việc bán nhà công sở diễn ra từ  7 năm về trước, còn 3 năm trở lại đây việc bán nhà công sở đều thông qua đấu giá minh bạch và cũng chỉ cho một số ít hộ dân được mua theo Nghị định 61.  Đối với thông tin của các báo về  86 trường hợp bán nhà công sở không qua đấu giá với số tiền gần 1.000 tỉ đồng, đặc biệt bán thấp hơn nhiều so với giá thị trường,  gây thất thoát cho Nhà nước, Chủ tịch UBND thành phố cho biết hiện Thanh tra Chính phủ đang xử lý và UBND thành phố cũng đang sà soát hết lại  để báo cáo thanh tra, khi có quả sẽ thông tin cho các báo. ​

ĐAN LÊ

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác