Thực hiện mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn
Đăng ngày 20-07-2017 15:28, Lượt xem: 2588

UBND thành phố vừa phê duyệt Đề án thực hiện mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn, giai đoạn 2017-2020, nhằm huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, tổ chức xã hội, Hội người cao tuổi và cộng đồng trong công tác chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi, thông qua cách tiếp cận mô hình liên thế hệ tự giúp nhau dựa vào cộng đồng để hỗ trợ, giúp đỡ người cao tuổi, đặc biệt người cao tuổi là phụ nữ nghèo, cận nghèo, khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa.

Dự kiến mỗi CLB có từ 50-70 người, có thể chọn một thôn hoặc nhiều tổ/thôn gần nhau; có ít nhất 70% là người cao tuổi, 60% - 70% là phụ nữ, 60% - 70% là người nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. CLB tập trung giúp nhau phát triển kinh tế tăng thu nhập giảm nghèo, huy động nguồn lực từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân và vận động hội viên thông qua tổ chức tiết kiệm và thực hiện các hoạt động gây quỹ tập thể khác để hỗ trợ cho thành viên vay tăng thu nhập: buôn bán, chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh nhỏ…Đồng thời, CLB liên thế hệ tự giúp nhau tổ chức tập thể dục dưỡng sinh, phối hợp các cơ sở y tế địa phương tổ chức truyền thông về chăm sóc sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe và hỗ trợ các thành viên tiếp cận bảo hiểm y tế. Mỗi CLB tổ chức đội tình nguyện viên có ít nhất 5 tình nguyện viên nhằm chăm sóc cho những trường hợp cần giúp đỡ tại nhà với các hoạt động đa dạng như trò chuyện, nấu cơm, giặt giũ, giúp đỡ việc nhà...

Các thành viên CLB tự bàn bạc và tình nguyện giúp nhau về ngày công, tiền, hiện vật, hoặc kỹ thuật. Đặc biệt CLB còn tổ chức các hoạt động cộng đồng như dọn vệ sinh thôn xóm, bảo vệ môi trường xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang đô thị ở địa phương. CLB tổ chức các buổi sinh hoạt, truyền thông, phổ biến kiến thức làm ăn, nâng cao sức khỏe và các chế độ chính sách...giúp người cao tuổi tự tin hơn. Các CLB đều có tổ văn nghệ để các thành viên tham gia các tiết mục hát, múa, thơ, tiểu phẩm ... tham gia trong mỗi buổi sinh hoạt và biểu diễn trong các dịp hội họp của cộng đồng và các thành viên, động viên thăm hỏi lẫn nhau. Ngoài ra, CLB có các hình thức vận động nguồn lực từ các tổ chức cá nhân, hội viên có điều kiện kinh tế khả giả để hỗ trợ người cao tuổi gặp khó khăn. CLB tổ chức tập huấn, cung cấp các tài liệu hỗ trợ về cách quản lý và tổ chức các hoạt động như lập kế hoạch, vay vốn, tổ chức chăm sóc sức khỏe, vận động nguồn lực, trao đổi thông tin kinh nghiệm, mô hình sản xuất, kinh doanh, trồng trọt, dịch vụ có hiệu quả; hướng dẫn phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương phù hợp với sức khỏe và khả năng của người cao tuổi. Đồng thời, họp giao ban định kỳ 6 tháng, năm giữa các CLB, tạo điều kiện cho các CLB được trao đổi thông tin, kinh nghiệm, cập nhật kiến thức để vận hành vào việc quản lý, điều hành hoạt động của các CLB đạt hiệu quả. 

Cụ thể, trong giai đoạn 2017 – 2018, thực hiện thí điểm thành lập 14 mô hình CLB liên thế hệ tại 7 quận, huyện (mỗi quận huyện dự kiến xây dựng 2 CLB); trong giai đoạn 2019 – 2020, tiếp tục triển khai nhân rộng mỗi quận, huyện từ 2 mô hình trở lên, phấn đấu đến cuối năm 2020 toàn thành phố đạt trên 50% số xã, phường có CLB liên thế hệ; tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, kiến nghị về mô hình liên thế hệ.

UBND thành phố giao Ban đại diện Người cao tuổi thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan và các tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện các hoạt động của đề án; phối hợp với các địa phương lựa chọn thành lập các mô hình CLB.  Phối hợp với chính quyền các địa phương, Ủy ban Mặt trận tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ các cấp tổ chức huy động nguồn lực và hỗ trợ thực hiện đề án. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn triển khai thực hiện đề án, theo dõi giám sát đánh giá hoạt động của các CLB; tổ chức sơ, tổng kết, tổng hợp báo cáo định kỳ về Cơ quan thường trực Ban công tác người cao tuổi (Sở Lao động TB&XH) để báo cáo UBND thành phố;

UBND các quận, huyện, xã, phường chỉ đạo các phòng chức năng, địa phương phối hợp với Ban đại diện quận/huyện và Hội người cao tuổi xã/phường lựa chọn ra Quyết định thành lập và triển khai mô hình CLB tại địa phương theo hướng dẫn của các đơn vị; Lồng ghép vào các chương trình kinh tế xã hội của địa phương giúp đỡ hội viên các CLB về sinh kế, vay vốn để phát triển kinh tế gia đình ổn định cuộc sống; xem xét, chỉ đạo sử dụng nguồn Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi và huy động các nguồn lực xã hội hóa ở địa phương để thực hiện đề án; kiểm tra, giám sát việc triển khai hoạt động của các CLB tại địa phương mình, định kỳ 6 tháng, 1 năm báo cáo kết quả về Ban đại diện người cao tuổi thành phố tổng hợp báo cáo Cơ quan thường trực Ban công tác người cao tuổi (Sở Lao động TB&XH) để báo cáo UBND thành phố.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác