Ký ức tháng bảy
Đăng ngày 27-07-2017 11:53, Lượt xem: 1063

Tháng bảy mưa ngâu. Có những chiều đang nắng chói chang, trời chợt đổ mưa, ào ạt như muốn xóa tan bao vấn vương của ngày. Và thời gian cũng không vì thế mà ngừng trôi, để cho biết bao điều đã đi vào lãng quên.

Description: http://docs.ttdt.dsp.vn/images/images/Nam%202017/Thang%207/170724-BTNXA_1.jpg

Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh đặt vòng hoa và dâng hương tại Đài Tưởng niệm liệt sỹ Hòa Vang

Nhưng tháng Bảy có những điều không thể và không được phép lãng quên. Tháng bảy, tháng của sự tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ, những người lính đã ngã xuống cho nền độc lập tự do của quê hương, đất nước; những người lính đã để lại một phần thân thể máu xương khắp các chiến hào trên mỗi tấc đất Việt Nam. Tháng Bảy, dành để sẻ chia những nỗi đau khôn nguôi của những người mẹ, người vợ, người con liệt sĩ sau mấy chục năm chiến tranh lùi xa vẫn mãi ngóng trông người về.   

Trong dòng ký ức của những ngày tháng bảy, chúng tôi nhớ đến “tọa độ lửa” – Đường 20 Quyết Thắng (Huyện Bố Trạch, Quảng Bình) - một con đường huyết mạch nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn trong chiến tranh chống Mỹ, phục vụ vận chuyển người và vũ khí cho chiến trường miền Nam.

Hàng vạn tấn bom đạn đã dội xuống đây nhằm dập tắt ý chí quật cường, cắt đứt nguồn chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Hàng trăm thanh niên xung phong và bộ đội ngã xuống để tuyến đường luôn thông suốt, trong đó có 8 thanh niên xung phong bị tảng đá khổng lồ đánh sập miệng hang vào buổi chiều ngày 14/11/1972. Các đồng đội đã nỗ lực tột cùng nhưng không cứu được các anh, các chị. Họ mãi mãi ra đi ở tuổi hai mươi với những ước mơ còn dang dở và những khát vọng về một quê hương thanh bình.

Chúng tôi đứng lặng người bên dòng Thạch Hãn, không gian và thời gian dường như lắng đọng lại. Nước mắt cứ rơi theo từng câu thơ của nhà thơ Lê Bá Dương viết cho những đồng đội của anh:

“Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”.

Ở phía trước, Thành cổ Quảng Trị vẫn vững vàng như chưa từng trải qua 81 ngày đêm đỏ lửa vào mùa hè 1972. 81 ngày đêm chốt giữ Thành cổ, mỗi chiến sỹ hứng chịu trên 100 quả bom và khoảng 200 quả đạn pháo. 328 nghìn tấn bom đã dội xuống đây, và tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945.

Không thể nào nói hết được sự khốc liệt và tàn bạo của chiến tranh.  

Mỗi một tấc đất, mỗi một dòng sông, con suối cho đến đồi, núi cao trên quê hương Việt Nam đều in dấu chân, thấm đẫm xương máu của các anh, các chị. Cái giá của nền độc lập tự do của quê hương, đất nước hôm nay đổi bằng xương máu của hàng triệu, triệu người con của quê hương. Mỗi một người con đất Việt hôm nay đều thấu hiểu những chia ly, mất mát bởi chiến tranh sẽ vĩnh viễn không bao giờ bù đắp nổi.

Và còn rất, rất nhiều những câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của các anh, các chị mà chúng ta vẫn chưa biết hết, mong sao mỗi nén hương chúng tôi thắp từ nghĩa trang Trường Sơn đến nghĩa trũng Hòa Vang, các nghĩa trang của thành phố Đà Nẵng phần nào làm ấm lòng các anh, các chị ở nơi đất mẹ. Lẫn trong làn khói hương là cả nước mắt và tất cả tấm lòng thành kính, tưởng nhớ và biết ơn với những công lao, sự hy sinh, xả thân vì quê hương, đất nước của các anh hùng liệt sỹ, đồng bào, chiến sỹ.

Một tháng bảy lại về với những ký ức không thể nào quên về những người con của quê hương đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc, về truyền thống hào hùng của dân tộc. Những hy sinh vô bờ bến của các anh, các chị càng thôi thúc chúng tôi phải sống, làm việc đầy trách nhiệm hơn nữa để dựng xây quê hương ngày càng tươi đẹp./.

HỘI AN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác