Xây dựng thành phố thông minh hơn
Đăng ngày 21-08-2017 08:45, Lượt xem: 1805

Việc xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố thông minh hơn là yêu cầu tất yếu được đặt ra trong giai đoạn hiện nay nhằm đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững thành phố với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cải thiện chất lượng phục vụ và công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền, cũng như quản lý có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên của thành phố.

Nhằm giới thiệu đến người dân, doanh nghiệp những nội dung về thành phố thông minh hiện đang được cơ quan, ban ngành của thành phố triển khai, ngày 18-8, Cổng Thông tin điện tử thành phố tổ chức chương trình đối thoại trực tuyến với chủ đề “Xây dựng thành phố thông minh hơn” với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan như Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải,  Sở Y tế, Trung tâm CNTT Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm điều hành đèn tín hiệu giao thông và Vận tải công cộng, và Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải.

Những bước đi đầu tiên

Có thể nói, sự khác biệt của một đô thị thông minh và đô thị bình thường là tính hiệu quả của tiện ích đô thị; là một thành phố giàu thông tin, được kết nối mạng lưới, năng động, an toàn và bền vững. Thành phố Đà Nẵng đã có những bước đi đầu tiên trong lộ trình xây dựng thành phố thông minh từ khá sớm. Năm 2012, thành phố phối hợp Tập đoàn IBM khảo sát, lập Đề án xây dựng thành phố thông minh hơn tại Đà Nẵng. Qua đó, đã triển khai thành công một số ứng dụng thông minh như: hệ thống quản lý xe buýt bằng thiết bị giám sát hành trình; hệ thống điều khiển hệ thống đèn tín hiệu giao thông; hệ thống camera giám sát giao thông; hệ thống giám sát xe ô tô lưu thông qua cầu; trung tâm giám sát tự động chất lượng tại nhà máy nước Cầu Đỏ; và hệ thống camera giám sát an ninh, giao thông trật tự trên địa bàn thành phố.

 Năm 2016, UBND thành phố cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Viễn thông Quân đội về Xây dựng thành phố thông minh, thực hiện xây dựng Khung Kiến trúc tổng thể thành phố thông minh cho Đà Nẵng, Kiến trúc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ngành y tế và ngành Giáo dục và Đào tạo, ưu tiên triển khai các ứng dụng thông minh trong lĩnh vực y tế, giáo dục như: Hệ thống quản lý bệnh viện; Hồ sơ y tế điện tử; Phần mềm cấp mã số bệnh nhân chung toàn thành phố; Hệ thống tuyển sinh đầu cấp; và Cơ sở dữ liệu học sinh, giáo viên ngành Giáo dục. Ngoài việc phối hợp với các tập đoàn lớn, thành phố đã tự xây dựng các hệ thống, ứng dụng thông minh như: Hệ thống Camera giám sát giao thông tại Ngã ba Trưng Nữ Vương - Núi Thành; Hệ thống giám sát chất lượng nước tại Hồ Thạc Gián; Cơ sở dữ liệu và ứng dụng quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm toàn thành phố; và Hệ thống giám sát phát hiện cháy rừng ở Hải Vân.

Đại diện các sở, ban, ngành tham gia trả lời câu hỏi tại buổi giao lưu trực tuyến

Ông Hồ Nguyễn Quốc Cường, Phó Giám đốc Trung tâm điều hành đèn tín hiệu giao thông và Vận tải công cộng thành phố cho biết, trước đây, khi chưa có hệ thống giám sát hành trình phương tiện giao thông, tình trạng hoạt động của các xe buýt trên địa bàn thành phố rất phức tạp, xe bỏ phiên, bỏ chuyến, không chạy đúng tần suất theo biểu đồ chạy xe đã đăng ký... Việc triển khai lắp đặt 100 thiết bị giám sát hành trình cũng như hoàn thiện phần mềm quản lý, giám sát xe buýt thông qua thiết bị giám sát hành trình trong khuôn khổ dự án DNG13APP “phát triển các dịch vụ công bổ sung cho thành phố Đà Nẵng” vào Quý I năm 2014 đã mang lại nhiều hiệu quả như: cho phép kiểm soát các phương tiện giao thông từ xa bằng việc truyền dữ liệu xe về hệ thống giám sát hành trình của Tổng cục đường bộ, Sở Giao thông vận tải sẽ tiếp nhận và xử lý những xe vi phạm về tốc độ, hành trình, dừng đỗ, thời gian xe chạy, thời gian lái xe liên tục. Trong trường hợp xảy ra tai nạn, các cơ quan chức năng sẽ thông qua dữ liệu giám sát hành trình để tìm ra nguyên nhân tai nạn và xử lý hậu quả một cách minh bạch. Việc sử dụng hệ thống giám sát hành trình cho taxi còn là công cụ hữu hiệu để cơ quan chức năng có thể kiểm soát được số lượng xe, điều hành được hệ thống giao thông chung của thành phố, qua đó góp phần giảm thiểu tai nạn và đảm bảo an toàn giao thông. Dự kiến trong thời gian tiếp theo, Sở Giao thông vận tải sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục cập nhật, nâng cấp để phần mềm ngày càng hữu ích hơn và thuận tiện trong công tác quản lý và phục vụ nhân dân.

Cùng với tốc độ đô thị hóa diễn ra khá nhanh trong những năm qua, Đà Nẵng cũng là một trong những địa phương đi tiên phong trong cả nước về việc đầu tư, phát triển hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải. Kể từ năm 2007, khi những công trình, hạng mục đầu tiên của hệ thống thu gom và xử lý nước thải được bàn giao, đưa vào vận hành, đến nay hệ thống thu gom nước thải đã được đầu tư, bao phủ hầu hết các quận trung tâm như Hải Châu, Thanh Khê; các khu vực có mật độ dân cư đông đúc của các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ; và vẫn đang tiếp tục được đầu tư mở rộng ra các khu vực còn lại. Khối lượng tài sản hệ thống ngày càng lớn, phạm vi phân bố ngày càng rộng, công nghệ ngày càng hiện đại, phức tạp, do đó, việc đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử viễn thông... vào công tác quản lý, vận hành, theo dõi, giám sát hoạt động của hệ thống cũng được thành phố đặc biệt quan tâm. Ông Đặng Minh Dũng, Phó giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải cho biết, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, vận hành của hệ thống trong thời gian đến, UBND thành phố đã phê duyệt triển khai xây dựng hệ thống quan trắc tự động các trạm xử lý nước thải và giám sát toàn bộ hệ thống thu gom và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố, bao gồm các hạng mục: kết nối SCADA hiện có của các trạm bơm nước thải về Trung tâm CNTT thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; xây dựng hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước thải đầu ra của các trạm xử lý nước thải và kết nối về Trung tâm; xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo khi nước thải bị tràn tại các cấu trúc tách dòng; xây dựng hệ thống đo lưu lượng tại các trạm bơm nước thải đầu cuối; xây dựng trang web phục vụ quản lý và chia sẻ rộng rãi thông tin đến các đối tượng liên quan.

Theo ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cần hiểu rằng thành phố thông minh không chỉ phát triển một mạng lưới các camera và sensor (cảm biến) để giải quyết các vấn đề về giao thông, môi trường mà còn là các dịch vụ công phục vụ trực tiếp người dân. Ông cho biết, quá trình xây dựng thành phố thông minh bao gồm 3 giai đoạn chính: thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu và hỗ trợ ra quyết định. Triển khai một mạng lưới các camera và cảm biến để giải quyết trên 1 hoặc 2 lĩnh vực như giao thông, môi trường chỉ mới là một trong vài công việc để người dân được hưởng các tiện ích về hạ tầng, môi trường tốt hơn. “Mạng lưới camera, và sensor tựu trung chỉ mang tính công nghệ, yếu tố con người là quyết định trong việc xây dựng thành phố thông minh để mang lại cho tổ chức công dân thụ hưởng các tiện ích cuộc sống tốt hơn”, ông Trần Ngọc Thạch nhấn mạnh.

Thách thức và định hướng

Thành phố thông minh là một xu thế phát triển chung trên toàn thế giới với mục tiêu là phát triển bền vững, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Cụm từ “Thành phố thông minh” được khuếch trương, lan tỏa là do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ Internet Of Things và được tích hợp các công nghệ để phân tích dữ liệu như: Trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (ML), luật kết hợp, trích chọn đặc trưng, điện toán đám mây… Tuy vậy, “Thành phố thông minh” lấy người dân làm gốc và nó phụ thuộc vào vị trí địa lý, đặc trưng tập quán của cư dân, định hướng phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội của khu vực đó. Không có một mô hình điểm, không thể sao chép triển khai lẫn nhau, mà từng thành phố phải biết lựa chọn, dựa trên cái đang có, cái hướng đến và để giải quyết vấn đề cần thiết, cấp bách của người dân. Theo ông Lê Tùng Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, để xây dựng thành phố thông minh cần phải kết hợp các yếu tố quản trị, cơ sở hạ tầng, vốn con người và xã hội. Do vậy, trước hết, cần phải dự báo được tương đối chính xác các nhu cầu xã hội trong tương lai về nhiều mặt như dân số, mức độ phát triển kinh tế, phương thức di chuyển trong đô thị, tỷ lệ sử dụng công nghệ thông tin... để từ đó xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phù hợp cho kịch bản phát triển thành phố thông minh. Thành phố thông minh của Đà Nẵng dựa trên nền tảng Hệ thống thông tin chính quyền điện tử, đến nay đã thí điểm triển khai thành công một số ứng dụng, tiện ích thông minh, hiệu quả kết nối trong bộ máy chính quyền được cải thiện rõ rệt, việc giao tiếp giữa chính quyền với người dân ngày càng thuận lợi hơn như hình thức “giao lưu trực tuyến” thông qua Cổng thông tin điện tử thành phố. Khi Đề án xây dựng Thành phố thông minh được triển khai sâu rộng, chắc chắn mức độ hài lòng của người dân đối với khả năng quản lý đô thị sẽ được nâng cao hơn nhiều so với hiện nay.

Đại diện các sở, ban, ngành tham gia trả lời câu hỏi tại buổi giao lưu trực tuyến

Theo ông Trần Ngọc Thạch, công cuộc xây dựng thành phố thông minh của Đà Nẵng phụ thuộc vào 3 yếu tốt then chốt, đó chính là quyết tâm của lãnh đạo thành phố, sự phối hợp của các cơ quan và nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu. Trong giai đoạn sắp đến, với phương châm “Đa đối tác - Một nền tảng - Một hạ tầng - Một chính sách - Đa ứng dụng”, thành phố sẽ hợp tác với nhiều đối tác trong và ngoài nước khác nhau, thực hiện xây dựng thành phố thông minh trên một nền tảng duy nhất, một cơ sở hạ tầng, một chính sách thống nhất, để từ đó xây dựng nên các ứng dụng thông minh khác nhau. Phương châm đó sẽ được cụ thể hóa bằng những hành động trọng tâm, cụ thể như, ban hành Khung kiến trúc tổng thể thành phố thông minh và các khung ứng dụng CNTT cho các ngành; triển khai các dự án Thành phố thông minh theo hướng ưu tiên kế thừa và mở rộng hạ tầng CNTT đã đầu tư của thành phố như mạng MAN, Trung tâm dữ liệu Đà Nẵng, Tổng đài dịch vụ công để tiết kiệm ngân sách và bảo đảm tính nhất quán, đồng nhất về mặt kỹ thuật và đầu mối quản lý, vận hành hạ tầng CNTT. Đà Nẵng cũng sẽ triển khai kết nối và thống nhất hạ tầng truyền dẫn Mạng đô thị (mạng MAN), mạng cáp quang tín hiệu giao thông của ngành giao thông vận tải và mạng truyền dẫn camera an ninh của Công an thành phố; tiếp tục cập nhật, hoàn thiện và vận hành tốt Hệ thống thông tin chính quyền điện tử; triển khai các ứng dụng thông minh cho các lĩnh vực trọng tâm như giao thông, y tế, giáo dục, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, du lịch, nông nghiệp và phòng chống thiên tai; thành lập Trung tân vận hành và giám sát tập trung thành phố thông minh; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu nền tảng, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; và công khai hệ thống cơ sở dữ liệu mở để phục vụ các ứng dụng thông minh.

 

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác