Thông tin báo chí tuần 35 (từ ngày 28-8 đến ngày 1-9)
Đăng ngày 01-09-2017 16:55, Lượt xem: 383

Về định hướng phát triển du lịch bán đảo Sơn Trà; Đà Nẵng công bố ba tuyến đường thuỷ nội địa; Thủ tướng cho Đà Nẵng thí điểm thành lập Ban An toàn thực phẩm; Công bố danh mục 14 dự án đầu tư; Tình trạng ô nhiễm cống xả thải ven biển, các dòng kênh hở; Công nghệ sản xuất giá đỗ bằng hóa chất Trung Quốc; Nữ sinh đánh bạn đăng tải để khoe “chiến tích”… là những thông tin nổi bật được báo chí đăng tải từ ngày 28-8 đến ngày 1-9.  

1/ Về định hướng phát triển du lịch tại Sơn Trà, Đà Nẵng: Sẽ đưa ra khỏi Quy hoạch những dự án có vị trí nhạy cảm trên Sơn Trà:

+ “Nguyên tắc rà soát là đưa ra một số tiêu chí, trong đó tiêu chí đặc biệt là an ninh quốc phòng. TP đã làm việc với Bộ Chỉ huy quân sự TP, qua rà soát có một số dự án ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng cho nên đã có hướng cắt giảm phù hợp. Về bình độ, mặc dù Chính phủ phê duyệt từ 200 m trở xuống, tuy nhiên một số vị trí có yếu tố nhạy cảm về khu vực phòng thủ TP đã lưu ý rà soát và cắt giảm các dự án vi phạm tiêu chí này”. Theo đó, TP đề nghị bình độ từ 100 m trở xuống sẽ sử dụng cho các dự án có yếu tố lưu trú, còn trên 100 m không có yếu tố lưu trú. Trong độ cao từ 100 - 200 m sẽ phục vụ phát triển du lịch thuần túy, không có yếu tố lưu trú và không xây dựng công trình…

2/ Báo Đà Nẵng có các tin, bài:

 - Thủ tướng cho phép Đà Nẵng thành lập Ban An toàn thực phẩm:

+ Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thí điểm thành lập Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP Đà Nẵng (gọi tắt là BQL).BQL có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước, giúp UBND TP tổ chức thực thi pháp luật và thực hiện chức năng, thẩm quyền của thanh tra chuyên ngành về vệ sinh ATTP. Thời gian thực hiện thí điểm thành lập BQL là ba năm kể từ ngày 25-8. Sau thời gian thí điểm, UBND TP Đà Nẵng chịu trách nhiệm tiến hành đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.   

 - Xây dựng kế hoạch cấp nước sạch vùng nông thôn:

+ UBND thành phố vừa có văn bản giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) triển khai lập kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn giai đoạn 2017-2025 trình UBND thành phố phê duyệt trong tháng 11 tới.

Yêu cầu nhiệm vụ lập kế hoạch với mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, tỷ lệ dân cư được cấp nước sạch hợp vệ sinh đạt từ 90-95%, hệ thống cấp nước khu vực nông thôn được lập và thực hiện cấp nước an toàn đạt khoảng 35%. Đến năm 2025, dân cư được cấp nước sạch hợp vệ sinh đạt từ 95-100%, hệ thống cấp nước khu vực nông thôn được lập và thực hiện cấp nước an toàn đạt khoảng 50%.

 - Đà Nẵng kêu gọi đầu tư vào nhiều dự án lớn:

 + Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố danh mục 14 dự án đầu tư, trong đó có 5 dự án đầu tư lớn thành phố đang mời gọi đầu tư

 Dự án có quy mô lớn nhất là tổ hợp công trình phục vụ Lễ hội pháo hoa quốc tế với tổng mức đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng - GPMB) 11.439 tỷ đồng. Dự kiến dự án này sẽ thực hiện trong giai đoạn 2017-2021 trên khu đất tại phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), hiện tại khu đất này đã thực hiện GPMB.

Tiếp theo là 2 dự án cùng có tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng là Khu công nghiệp Hòa Nhơn và Hòa Ninh. Dự kiến các dự án này thực hiện trong giai đoạn 2017-2022. Sau đó là 2 dự án có tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng là Công viên hai đầu cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi, thời gian thực hiện từ năm 2017-2020 và Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2.

 - Khu vực tây bắc thành phố: Bất động sản sôi động:

+ Từ chủ trương quy hoạch và đầu tư tuyến đường vành đai phía tây, cùng với sự hoàn thiện đường Nguyễn Tất Thành nối dài, đường vành đai phía nam đoạn Hòa Phước - Hòa Khương, mới đây là tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đưa vào khai thác đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ, làm sức đầu tư bất động sản (BĐS) chuyển hướng về khu vực tây bắc thành phố

 Với lợi thế các trục đầu mối giao thông đối nội, đối ngoại, sự phát triển của các khu công nghiệp hiện tại và tương lai đã được Chính phủ phê duyệt, khu vực tây bắc thành phố là địa bàn có thị trường BĐS tiềm năng. Cùng với lợi thế giá rẻ so với các vùng phía đông, đông nam, hiện khu vực tây bắc chứng kiến các giao dịch BĐS sôi động hơn bao giờ hết khi hàng loạt dự án lớn được triển khai.

 - Cần xử lý dứt điểm đổ giá hạ, xà bần trái phép:

+ Tình trạng nhiều người thiếu ý thức đổ giá hạ, xà bần khu vực đường Đỗ Anh Hàn thuộc vùng giáp ranh giữa hai phường An Hải Bắc và Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) tồn tại lâu nay, không những gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, mà còn gây tốn kém cho chính quyền địa phương vì phải bỏ kinh phí san ủi, dọn dẹp hằng tháng.

Điều đáng nói là mỗi lần chính quyền địa phương tổ chức ra quân dọn dẹp, san ủi để trả lại mỹ quan đô thị cho tuyến đường, thì đường sạch, thông thoáng. Nhưng chỉ ít lâu sau, việc đổ giá hạ, xà bần tự phát tái diễn. Có những lúc người dân thiếu ý thức đổ lấp hết khoảng trống phía mép đường (đoạn tiếp giáp hồ nước cạn thuộc Đài phát sóng An Hải), rồi tiếp tục đổ tràn xuống lòng đường, không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường mà còn gây ảnh hưởng đến người và phương tiện tham gia giao thông.

 - Công trình tháo dỡ nửa vời:

+ Nhiều công trình nhà dân, cơ quan Nhà nước ở địa bàn phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) sau khi giải tỏa, bỏ hoang phế, cỏ dại mọc um tùm. Việc tháo dỡ công trình chỉ được thực hiện... nửa vời không chỉ tạo cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị, mà công trình còn có nguy cơ ngã đổ bất kỳ lúc nào…

3/ Báo Lao động:

- Phiên chợ đặc biệt dành cho công nhân và sinh viên nhân dịp Quốc Khánh 2.9

+ Ngày 31.8, LĐLĐ Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại - Sở Công Thương tổ chức “Phiên chợ Công nhân, Sinh viên” nhân dịp kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2.9 tại quảng trường trung tâm hành chính quận Liên Chiểu, Đà Nẵng.

LĐLĐ mong muốn hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động (CNLĐ) ở các khu công nghiệp chế xuất đồng thời phục vụ CNLĐ, nhân dân, sinh viên trên địa bàn quận Liên Chiểu. Đây là phiên chợ được tổ chức định kỳ hàng quý nhằm phục vụ nhu cầu của CNLĐ dựa trên tinh thần chỉ thị 52 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và kế hoạch 06 của Thành Ủy.

 4/ Báo Tài nguyên & Môi trường có các tin, bài:

 - Nhiều dòng kênh hở trên địa bàn TP. Đà Nẵng hiện nay, đang ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân:

+…Một đặc điểm chung của các dòng kênh ở Đà Nẵng là nằm giữa các khu dân cư, nguồn nước thải, nước mưa, bùn đều thải xuống lòng kênh, nhưng lâu năm không được nạo vét nên đáy kênh bị ô nhiễm nặng, lượng khí mê tan rất cao. Theo quan sát, hầu hết các dòng kênh đều bẩn, có mùi hôi. Theo Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng: Nhiều năm qua, cá tại một số dòng kênh đã chết do ô nhiễm nguồn nước như kênh Đa Cô, Phần Lăng…Tại dòng kênh Yên Thế - Bắc Sơn nối dài xuống hồ Trung Nghĩa, nước đen ngòm, bốc mùi hôi nồng nặc. Ở phía hạ nguồn dẫn vào hồ chứa nước Trung Nghĩa, nhiều rác thải, bao ni-lông, thỉnh thoảng có một vài con cá chết nổi lềnh bềnh. Tại tuyến kênh Đa Cô, tình trạng cũng tương tự. Nước dưới kênh đen ngòm từ đầu kênh đến cuối kênh. Nhiều người dân sinh sống hai bên tuyến kênh Đa Cô cho biết, có những lúc mùi hôi bốc lên nồng nặc. Tình trạng này diễn ra từ lâu, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân…

  - "Khát" nước sinh hoạt vì hệ thống cung cấp nước nhỏ giọt:

+ Trưởng thôn Trung Nghĩa cho biết, cả thôn có 172 hộ, 664 nhân khẩu, chỉ có khoảng 2/3 số hộ được dùng nước máy, . Đang vào mùa nắng cao điểm, nhưng nước máy chỉ có từ 6 giờ đến 8 giờ sáng, đúng vào giờ bà con ra ruộng, ra rẫy đi làm việc. Hộ nào “nhanh chân” kịp hứng vào lu, bể chứa để dùng cả ngày, còn hộ nào không có người ở nhà đành chịu “khát”. 

Qua tìm hiểu, được biết, hiện trong thôn còn 30 hộ, không có hệ thống nước máy, dùng nước giếng đào, đóng, nhưng cũng đã cạn kiệt, phải đi hàng cây số để chở nước dưới khe, hoặc xin ở nơi khác về dùng. Không chỉ ở Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết thêm, xã có 8 thôn, thôn nào cũng có hệ thống nước máy sinh hoạt được lắp đặt từ cách đây 4 - 5 năm. Tuy nhiên 4 thôn là Trung Nghĩa, thôn 1, thôn 5, thôn Hòa Trung, hầu hết người dân  sống 2 bên con đường liên thôn, trong xã, nhưng đơn vị thi công đường ống cấp nước chỉ lắp đặt đường ống một bên đường…

  - Dân lo sợ bởi đất đá tràn vào nhà do thi công cao tốc:

 +  Hàng chục mét khối đất đất tràn vào nhà dân từ dự án đường Hồ Chí Minh (đoạn La Sơn - Túy Loan thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) đang thi công bị sạt lở mỗi khi có mưa lớn. Chính quyền và người dân đã tìm đủ mọi cách, tuy nhiên, mùa mưa lại đang cận kề, người dân đang sống trong nỗi sợ hãi khi tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Trao đổi với PV, ông Thái Văn Hoài Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, dự án trên được triển khai thi công gần 2 năm nay đã khiến cuộc sống người dân tại các thôn trên địa bàn xã bị đe dọa thường xuyên. Quá trình đơn vị thi công mở đường suốt một thời gian dài nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện việc đắp ta-luy chống sạt lở khiến một lượng lớn đất đá và bùn tràn xuống nhà dân mỗi khi có mưa lớn. Đáng lo ngại hơn là việc thi công đường còn khiến hơn 60 nhà dân trong xã bị nứt do quá trình xe lu tiến hành gia cố nền đường.

5/ Báo Pháp luật TP.HCM:

 - Đà Nẵng công bố ba tuyến đường thuỷ nội địa:

+ Tuyến thứ nhất sông Hàn – cầu Trần Thị Lý có lộ trình: Cảng, bến xuất phát - hạ lưu cầu Trần Thị Lý - thượng lưu cầu Thuận Phước - cảng, bến xuất phát (đích đến cuối cùng). Thời gian hoạt động từ 7 giờ 30 – 22 giờ 30 hàng ngày, riêng thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ kết thúc lúc 23 giờ.

+ Tuyến thứ 2 có lộ trình: Cảng, bến xuất phát - cầu Thuận Phước - bán đảo Sơn Trà - cảng, bến xuất phát (đích đến cuối cùng). Thời gian hoạt động từ 7 giờ 30 - 17 giờ 30. Riêng tàu khách (nhà hàng nổi) kết thúc trước 21 giờ.

+ Tuyến thứ 3 có lộ trình: Cảng, bến xuất phát - cầu Thuận Phước - bãi Sũng Cỏ - hòn Chảo - cảng, bến xuất phát (đích đến cuối cùng). Thời gian hoạt động từ 7 giờ 30 - 17 giờ 30. Riêng tàu khách (nhà hàng nổi) kết thúc trước 21 giờ.

Cả ba tuyến này phục vụ loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng chuyến, kinh doanh vận chuyển khách du lịch.

 6/ Báo Tuổi trẻ:

-Nước thải uy hiếp các bãi biển Đà Nẵng:  Các bãi biển của Đà Nẵng vẫn được xem là “điểm đến” lựa chọn hàng đầu của du khách khi đến thành phố này. Nhưng các bãi biển của Đà Nẵng hiện đang trở thành nơi hứng nước thải với hàng chục cửa xả đổ ra…

- Hẻm 4 mùa hôi thối: Một số hộ dân ở cuối hẻm 21 đường Dũng Sĩ Thanh Khê (tổ 41, 42 P.Thanh Khê Tây, Q,Thanh Khê ) phản ảnh hẻm này bị ngập nước gây ảnh hưởng đến sinh hoạt. Theo các hộ dân việc ứ đọng nước mưa, nước thải sinh hoạt xảy ra gần 2 năm nay khi một số người dân xây dựng nhà. “Trời không mưa, nước thải từ các hộ dân xung quanh cũng từ cống trổi lên gây mùi hôi thối và tình trạng ruồi, muỗi rất nhiều. Vào lúc trời mưa thì nhà dân ở đây chịu cảnh ngập lụt, nước vào nhà rất khổ sở”

7/Liên quan đến vụ nhóm nữ sinh đánh hội đồng một cô gái trẻ giữa đường và tung clip lên mạng, nhiều báo đưa tin, phản ảnh

+ Ngày 30/8, tin từ UBND xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng cho biết, bước đầu đã xác định được nguyên nhân dẫn đến nhóm nữ sinh đánh hội đồng một cô gái trẻ giữa đường và tung clip lên mạng. Theo đó, Cơ quan chức năng đã xác định được danh tính của những đối tượng liên quan trong clip nữ sinh bị đánh hội đồng ở Đà Nẵng và nguyên nhân ban đầu là do ghen tuông trong  chuyện tình cảm.

 8/ Báo Người Đưa tin, Pháp luật VN, Dân việt…

- Đà Nẵng: Kinh hoàng công nghệ sản xuất giá đỗ bằng hóa chất Trung Quốc:

+ Ngày 31/8, lãnh đạo Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP Đà Nẵng) ra quyết định xử phạt 30 triệu đồng đối với ông Dương Thế Trọng Hiếu (46 tuổi, trú phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) về hành vi sử dụng hóa chất không có trong danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Cảnh sát cũng đình chỉ hoạt động đối với cơ sở sản xuất giá đỗ của ông Hiếu Kết quả mẫu giá đỗ có chứa chất cấm 6-Benzyl Aminopurin, đây là loại hóa chất kích thích tăng trưởng, giúp giá đỗ phát triển nhanh, tăng sản lượng và trắng đẹp hơn. Qua điều tra, cảnh sát xác định số hóa chất trên được ông Hiếu mua từ Trung Quốc về đưa vào giá đỗ.. .

 9/ Các tin khác:

 - Kiểm tra tiến độ hầm chui Điện Biên Phủ-Nguyễn Tri Phương 15 ngày/lần:

+ Chiều 30-8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn kiểm tra thực tế công trình thi công hầm chui nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương. Tại hiện trường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu Ban quản lý Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng công trình; phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan hoàn chỉnh các hạng mục điều chỉnh, bổ sung; tăng cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng và tuyệt đối an toàn trong quá trình thi công, khai thác, sử dụng; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

- Chuẩn bị hàng hóa dồi dào dịp lễ 2-9:

+ Dịp lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, tiểu thương các chợ, nhà bán lẻ, tạp hóa có kế hoạch dự trữ nguồn hàng khá phong phú phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Cụ thể, siêu thị BigC tập trung các chủng loại hàng hóa phục vụ ăn uống, vui chơi, giải trí, đi du lịch… ; triển khai chương trình khuyến mãi “Tự hào sản phẩm Việt”, áp dụng giảm giá đến 50% trên 1.000 sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm hàng trong nước. Siêu thị Co.opmart áp dụng chương trình 20 năm tự hào hàng Việt từ ngày 26-8 đến ngày 17-9 với mức giá giảm “siêu ưu đãi”, “đón ưu đãi kép” trước, trong và sau những ngày nghỉ lễ…

 - Không tăng giá vé tàu, xe dịp lễ 2-9:

+ Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng cho biết, hiện không có nhà xe nào đề xuất tăng giá vé xe dịp 2-9 và còn nhiều vé xe chưa bán trong những ngày này.Trong khi đó, đại diện Ga Đà Nẵng cũng cho hay, lượng khách đi tàu dịp lễ 2-9 năm nay giảm so với năm ngoái dù giá vé không tăng. Hiện trên hệ thống đặt vé của ngành Đường sắt vẫn còn rất nhiều lựa chọn cho hành khách trước, trong và sau lễ.

 - Ra mắt sàn thương mại điện tử đặc sản Việt Nam:

 +Sáng 30-8, tại Đà Nẵng, Bưu điện Việt Nam ra mắt sàn thương mại điện tử đặc sản Việt Nam BADASA. Tại địa chỉ https://badasa.com.vn, BADASA cung cấp các loại đặc sản thuộc các ngành hàng nông-lâm- thủy sản, thực phẩm thảo dược, đồ uống, đồ thủ công mỹ nghệ, quà tặng… Nhiều thương hiệu đặc sản các vùng miền Việt Nam được bán qua BADASA như chè Thái Nguyên, gạo Sén Cù Yên Bái, miến dong Na Rì - Bắc Cạn, cao chè Vằng Quảng Trị, tinh dầu tràm Huế, cà-phê Đắc Lắc, muối ớt Tây Ninh, bánh khô mè Bà Liễu…

  - Khai trương điểm ứng dụng công nghệ thông tin nông thôn mới kiểu mẫu

 + Chiều 31-8, UBND xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) chính thức khai trương “Điểm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nông thôn mới kiểu mẫu” tại thôn Trà Kiểm.

“Điểm ứng dụng CNTT nông thôn mới kiểu mẫu” được triển khai hướng đến mô hình “Thôn điện tử”, đưa các ứng dụng CNTT vào hoạt động cải cách hành chính, góp phần giảm thời gian, công sức, kinh phí cho tổ chức, công dân khi có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) ngoài giờ hành chính.

 - Thị trường Đà Nẵng những ngày gần đây nhìn chung ổn định về giá cả.

+Cụ thể, giá bán lẻ gạo thường dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, giá đường cát trắng 17.000 - 18.000 đồng/kg, dầu Neptuyn 40.000 - 42.000 đồng/lít, mì gói Hảo Hảo 95.000 - 100.000 đồng/thùng. Thịt heo các loại (mông, vai, ba chỉ) dao động từ 85.000 - 90.000 đồng/kg tùy chợ. Giá cá thu (loại 5-6kg/con) tăng nhẹ so với tháng trước, 200.000 - 220.000 đồng/kg, thịt bò 250.000 đồng/kg, giá gà ta dao động từ 130.000 - 180.000 đồng/kg, gà công nghiệp 60.000 - 65.000 đồng/kg.

- Tháng 8, CPI Đà Nẵng tăng 0,74%

+Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tại Đà Nẵng tăng 0,74% so với tháng trước. Đây được xem là mức tăng khá cao so với các tháng trước do giá dịch vụ y tế và giá xăng dầu tăng trong tháng này.

  ANH TRỊNH

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác