Thông tin báo chí tuần 36 (từ ngày 05/9/2017 đến ngày 08/9/2017)
Đăng ngày 11-09-2017 11:12, Lượt xem: 367

Lễ Khai giảng năm học 2017-2018 tại các trường trên địa bàn thành phố; Báo cáo của UBND thành phố về định hướng phát triển du lịch tại Sơn Trà;Thủ tướng Chính phủ quyết định thí điểm thành lập Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP Đà Nẵng; Đà Nẵng kêu gọi đầu tư vào nhiều dự án lớn; Cần xây dựng chợ  đầu mối mới… Là những thông tin nổi bật ,báo, đài đưa tin trong tuần qua (từ ngày 05/9/2017 đến ngày 08/9/2017).

1/ Ngày 5-9, hơn 246.000 học sinh ở tất cả các bậc học phổ thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bước vào năm học mới. Với chủ trương giảm các cuộc thi, tạo thêm nhiều sân chơi cho học sinh, ngành giáo dục Đà Nẵng mong muốn năm học 2017-2018 sẽ là một năm ít áp lực và nhiều niềm vui.

 - Báo Nhân dân số ra ngày 05/9 đăng bài: Tận tụy vì tương lai trẻ em nghèo vùng biển:

+ Viết về tấm lòng của cô giáo Lê Thị Châu (61 tuổi) dạy học miễn phí cho những đứa trẻ nghèo khu Lộc Phước 3, vùng biển Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) ngay tại ngôi nhà nhỏ của mình.

Nội dung bài viết : Bằng tình cảm của một người mẹ, tấm lòng của một nhà giáo, hơn sáu năm qua, cô giáo Lê Thị Châu (61 tuổi) vẫn ngày ngày dạy học miễn phí cho những đứa trẻ nghèo khu Lộc Phước 3, vùng biển Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) ngay tại ngôi nhà nhỏ của mình.Khu Lộc Phước 3 có 110 hộ gia đình, sống chủ yếu bằng nghề đi biển. Trong các gia đình, vợ buôn bán cá ngoài chợ, hoặc làm nội trợ, thu nhập chủ yếu dựa vào những chuyến đi biển dài ngày của chồng. Nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống khó khăn. Nhìn các cháu nhỏ ở nhà một mình cả mùa hè trong khi bố mẹ bận lo toan cuộc sống, ít quan tâm chuyện học tập của con em mình, cho nên sau khi về hưu, cô Châu đã quyết tâm mở lớp học miễn phí với mong muốn phần nào dìu dắt, dạy bảo những đứa trẻ từ nét chữ đến nét người. Mùa hè vừa qua, cô Lê Thị Châu dạy học cho 15 em nhỏ ở lứa tuổi tiểu học, đều là những em có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo. Các em được học chữ, học môn Tiếng Việt và môn Toán,... Các em còn được học về cách cư xử, lời ăn tiếng nói, biết yêu thương, tha thứ, sống vì mọi người và học cách sống tự lập khi bố mẹ mưu sinh bám biển. Ngoài ra, trong nhà cô Châu còn có sẵn tủ sách thiếu nhi để các em đọc, tìm hiểu kiến thức, giải trí. Buổi trưa, vợ chồng cô Châu nấu cơm cho các em ở lại ăn và nghỉ ngơi ngay tại nhà. Buổi chiều học xong, nhiều em bố mẹ bận chưa đến đón được lại gửi gắm ở nhà cô đến tận sáu, bảy giờ tối. 

 2/ Về cơ sở vật chất, giảm tải chương trình dạy và học, các báo đưa tin:

- Đà Nẵng: học sinh 2 quận trung tâm sẽ nghỉ vào thứ 7:

+ GĐ Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng cho biết, trong năm học mới này, ngành giáo dục Đà Nẵng sẽ triển khai mạnh mẽ việc giảm tải cho học sinh, giáo viên. Theo đó, đối với hội khoẻ Phù Đổng sẽ giảm 50% các môn thi. Các cuộc thi như tìm hiểu ATGT, giải Tóan, tiếng Anh quan mạng…cũng sẽ được tính toán phù hợp với từng trường, từng quận, huyện. Tổ chức theo hình thức các câu lạc bộ tự chọn, tự nguyện tham gia, huy động sự tham gia xã hội hoá. Đặc biệt, trong năm học mới này, Sở cũng đã thống nhất chủ trương cho 2 quận trung tâm của Đà Nẵng là Hải Châu và Thanh Khê điều chỉnh lịch học từ thứ 7 sang thứ 5 đối với các trường THCS trên địa bàn. Các học sinh THCS ở 2 quận này sẽ được nghỉ học ngày thứ 7

 - Đà Nẵng: Lắp đặt nhiều bể bơi di động trị giá hàng tỷ đồng:

+ Ngành Giáo dục thànhn phố Đà Nẵng thực hiện mục tiêu hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị dạy học, trên địa bàn TP Đà Nẵng, ngành đã đầu tư mua trang thiết bị phòng học bộ môn, lắp 13 bể bơi di động tại các trường tiểu học ở địa bàn khó khăn, đầu tư trang thiết bị cho các trường mầm non… với tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng. 

 - Cơ sở Trường mầm non Bình Minh (cũ) bị bỏ hoang

 + Khu phòng học của Trường mầm non Bình Minh (cũ), ở số 8 đường Phan Kế Bính, phường Thuận Phước (quận Hải Châu) bỏ hoang suốt chục năm qua. Hiện các phòng học cũ kỹ, xuống cấp. Trong khi đó, học sinh của Trường mầm non Bình Minh hiện nay (ở đường Huỳnh Lý) ngày càng tăng lên, không đủ chỗ học. Một người dân sống ở đường Phan Kế Bính cho biết, cách đây hơn 30 năm, Trường mầm non Bình Minh (cũ) là nơi nuôi dạy con em của các hộ dân trong khu vực. Nhưng sau đó, khi Trường mầm non Bình Minh được xây dựng mới ở đường Huỳnh Lý (phường Thuận Phước), cơ sở này bỏ hoang cho đến ngày nay.

 3 / Về định hướng phát triển du lịch tại Sơn Trà:

+ Báo chí đăng tải, đưa tin xoay quanh nội dung báo cáo số 223/BC-UBND ngày 29/8 của UBND thành phố Đà Nẵng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia (DLQG) Sơn Trà

+ “Nguyên tắc rà soát là đưa ra một số tiêu chí, trong đó tiêu chí đặc biệt là an ninh quốc phòng. TP đã làm việc với Bộ Chỉ huy quân sự TP, qua rà soát có một số dự án ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng cho nên đã có hướng cắt giảm phù hợp. Về bình độ, mặc dù Chính phủ phê duyệt từ 200 m trở xuống, tuy nhiên một số vị trí có yếu tố nhạy cảm về khu vực phòng thủ TP đã lưu ý rà soát và cắt giảm các dự án vi phạm tiêu chí này”. Theo đó, TP đề nghị bình độ từ 100 m trở xuống sẽ sử dụng cho các dự án có yếu tố lưu trú, còn trên 100 m không có yếu tố lưu trú. Trong độ cao từ 100 - 200 m sẽ phục vụ phát triển du lịch thuần túy, không có yếu tố lưu trú và không xây dựng công trình…

 4/ Báo Công an Đà Nẵng :

- Đà Nẵng cần xây chợ đầu mối mới:

+ Chợ đầu mối Hoà Cường với qui mô 2 ha sau 11 năm phát triển đã trở nên chật chội, quá tải, lại nằm lọt thỏm giữa khu trung tâm của đô thị Đà Nẵng gây nhiều bất tiện. Đã đến lúc TP cần xây CĐM mới qui mô đủ lớn để trở thành trung tâm chuyển, phát luồng hàng hoá cho cả khu vực miền Trung- Tây nguyên…(Báo Công an Đà Nẵng )

 -  Đường biến thành chợ:

+ Trên đường Kinh Dương Vương và đường Lâm Quang Thự (P.Hoà Minh, Q.Liên Chiểu) đã biến thành cái chợ rất đông đúc. Từ sáng sớm cho đến chiều, nhiều người vẫn vô tư bày thực phẩm tươi sống, tôm, cá, rau củ quả lấn ra cả ngoài đường để buôn bán. Không chỉ gây cản trở giao thông, mất trật tự đô thị mà còn gây ô nhiếm môi trường . Đề nghị chính quyền địa phương kiểm tra , xử lý, tính lại việc sắp xếp việc buôn bán sao cho trật tự, vừa bảo đảm ATGT, đảm bảo mỹ quan đô thị…

 - Vẫn vô tư vi phạm

+ Mặc dù lực lượng CSGT CAQ Thanh Khê (Đà Nẵng) đã xử lý rất nhiều trường hợp liên quan đến việc xe máy kéo xe bò, chở theo vật liệu cồng kềnh lưu thông trên đường phố, gây mất ATGT, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn nhưng tình trạng trên vẫn tái diễn.

 - Công trình tháo dỡ nửa vời:

+ Nhiều công trình nhà dân, cơ quan Nhà nước ở địa bàn phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) sau khi giải tỏa, bỏ hoang phế, cỏ dại mọc um tùm. Việc tháo dỡ công trình chỉ được thực hiện... nửa vời không chỉ tạo cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị, mà công trình còn có nguy cơ ngã đổ bất kỳ lúc nào…

. 5/ Báo Đà Nẵng:

- Chuyện bó vỉa hè...

+ Những năm gần đây, hạ tầng giao thông của Đà Nẵng được đầu tư mạnh mẽ. Không chỉ cải tạo, nâng cấp các tuyến đường cũ, mở thêm nhiều tuyến đường mới, thành phố còn đầu tư khá đồng bộ hệ thống biển báo, hệ thống đèn tín hiệu, lắp đặt camera giám sát trên các trục đường, nút giao thông quan trọng nhằm tạo thuận lợi cho người dân lưu thông cũng như bảo đảm an toàn giao thông. Mặc dù vậy, hiện nay vẫn tồn tại nghịch lý là các bó vỉa hè quá cao, khiến việc lưu thông của người dân từ nhà ra đường và ngược lại khá khó khăn, dễ xảy ra tai nạn giao thông…

- Tổ trưởng dân phố san lấp đất nông nghiệp trái phép:

+ Người dân tổ 146 phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) bức xúc cho biết, ông Nguyễn Đề, tổ trưởng tổ dân phố 146, tự ý đổ đất san lấp đất nông nghiệp trái phép, làm cản dòng chảy tự nhiên trong khu dân cư.

Theo người dân phản ánh, năm 2016, gia đình ông Đề tự ý tổ chức san ủi, lấp đất nông nghiệp để làm nền, có ý định sang nhượng đất đai. Chính quyền địa phương đã kịp thời xử lý, việc san lấp dừng lại, đất đá lấp dòng chảy tự nhiên được khơi thông trở lại. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, gia đình ông Đề tái diễn công việc trên khiến người dân trong khu vực bức xúc. Một người dân bày tỏ: “Khu vực này vốn giáp núi, địa hình dốc nên cần các cống, mương thoát nước, đặc biệt là đoạn xuyên qua đường liên tổ từ lâu nay. Việc san lấp của gia đình ông Đề làm ảnh hưởng đến thoát nước, nhất là mùa mưa đang cận kề, nguy cơ ngập úng là khó tránh khỏi”.

 6/ Các tin khác:

 - Thủ tướng cho Đà Nẵng thành lập Ban An toàn thực phẩm:

+Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thí điểm thành lập Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP Đà Nẵng (gọi tắt là BQL).BQL có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước, giúp UBND TP tổ chức thực thi pháp luật và thực hiện chức năng, thẩm quyền của thanh tra chuyên ngành về vệ sinh ATTP. Thời gian thực hiện thí điểm thành lập BQL là ba năm kể từ ngày 25-8. Sau thời gian thí điểm, UBND TP Đà Nẵng chịu trách nhiệm tiến hành đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.   

 - Nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tại Đà Nẵng trong tháng 9:

+ Theo thông tin từ Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES), trong tháng 9 sẽ diễn ra nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp. Trong đó, nổi bật nhất là sự kiện DNES tuyển chọn các dự án tiềm năng vào ươm tạo khóa 4, các lĩnh vực ưu tiên gồm: Công nghệ thông tin; Công nghệ sinh học; Giáo dục; Sức khỏe. Ngày 22-9 là hạn chót đăng ký tuyển chọn các dự án tiềm năng vào ươm tạo khóa 4 tại DNES. Các startup sẽ trải qua các workshop, khóa huấn luyện - đào tạo với hàng loạt diễn giả là những doanh nhân thành công, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, các cố vấn nhiều kinh nghiệm dưới hình thức mentor 1-1 hoặc tư vấn theo giờ. Bên cạnh đó, các startup sẽ được kết nối với các đối tác trong nước và quốc tế trong mạng lưới đối tác của DNES. Các dự án tham gia chương trình là các cá nhân, tập thể đang sinh sống tại Việt Nam có ý tưởng hoặc sản phẩm khởi nghiệp thuộc tất cả các lĩnh vực kinh doanh có yếu tố đổi mới sáng tạo.

- Xây dựng kế hoạch cấp nước sạch vùng nông thôn:

+ UBND thành phố vừa có văn bản giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) triển khai lập kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn giai đoạn 2017-2025 trình UBND thành phố phê duyệt trong tháng 11 tới.

Yêu cầu nhiệm vụ lập kế hoạch với mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, tỷ lệ dân cư được cấp nước sạch hợp vệ sinh đạt từ 90-95%, hệ thống cấp nước khu vực nông thôn được lập và thực hiện cấp nước an toàn đạt khoảng 35%. Đến năm 2025, dân cư được cấp nước sạch hợp vệ sinh đạt từ 95-100%, hệ thống cấp nước khu vực nông thôn được lập và thực hiện cấp nước an toàn đạt khoảng 50%. 

 - Đà Nẵng kêu gọi đầu tư vào nhiều dự án lớn:

+ Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố danh mục 14 dự án đầu tư, trong đó có 5 dự án đầu tư lớn thành phố đang mời gọi đầu tư.

Dự án có quy mô lớn nhất là tổ hợp công trình phục vụ Lễ hội pháo hoa quốc tế với tổng mức đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng - GPMB) 11.439 tỷ đồng. Dự kiến dự án này sẽ thực hiện trong giai đoạn 2017-2021 trên khu đất tại phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), hiện tại khu đất này đã thực hiện GPMB.

Tiếp theo là 2 dự án cùng có tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng là Khu công nghiệp Hòa Nhơn và Hòa Ninh. Dự kiến các dự án này thực hiện trong giai đoạn 2017-2022. Sau đó là 2 dự án có tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng là Công viên hai đầu cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi, thời gian thực hiện từ năm 2017-2020 và Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2.

  - Khu vực tây bắc thành phố: Bất động sản sôi động:

+ Từ chủ trương quy hoạch và đầu tư tuyến đường vành đai phía tây, cùng với sự hoàn thiện đường Nguyễn Tất Thành nối dài, đường vành đai phía nam đoạn Hòa Phước - Hòa Khương, mới đây là tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đưa vào khai thác đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ, làm sức đầu tư bất động sản (BĐS) chuyển hướng về khu vực tây bắc thành phố

Với lợi thế các trục đầu mối giao thông đối nội, đối ngoại, sự phát triển của các khu công nghiệp hiện tại và tương lai đã được Chính phủ phê duyệt, khu vực tây bắc thành phố là địa bàn có thị trường BĐS tiềm năng. Cùng với lợi thế giá rẻ so với các vùng phía đông, đông nam, hiện khu vực tây bắc chứng kiến các giao dịch BĐS sôi động hơn bao giờ hết khi hàng loạt dự án lớn được triển khai.

- Người dân giao nộp động vật trong sách đỏ cho Kiểm lâm:

+Ngày 7-9, thông tin từ Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng cho biết: Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng vừa tiếp nhận 3 (ba) cá thể rắn ráo (Tên khoa học: Ptyas korros) còn sống nặng 0,6kg do Công an phường Tân Chính, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng bàn giao để tái thả lại môi trường tự nhiên tại Tiểu khu 62 Khu Bảo tồn Thiên nhiên Sơn Trà. Những cá thể động vật hoang dã (ĐVHD) này đều do người dân phát hiện, bắt giữ và tự nguyện giao nộp cho lực lượng Kiểm Lâm Đà Nẵng để tái thả lại môi trường tự nhiên.

 -  Kiểm tra kinh doanh và điều kiện kinh doanh của xe ben

+ Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đề nghị Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban ATGT thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải tại địa phương có nhiều xe ô tô tải ben hoạt động để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm theo đúng quy định.

- Ô nhiễm bụi đá kéo dài ở Ngũ Hành Sơn:

+ Khói bụi, tiếng đục đẽo, máy cắt đá ồn ào ngay giữa khu dân cư là thực trạng ở phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng. Nguyên nhân xuất phát từ việc hiện có hơn 100  hộ làm đá thủ công mỹ nghệ chưa được quy hoạch vào làng nghề nhưng vẫn phải mưu sinh, gây ra không ít hệ luỵ về ô nhiễm môi trường.

Hơn 100 hộ nhả bụi đá trong khu dân cư:

Ghi nhận tại đường Nguyễn Duy Trinh, thuộc khu tái định cư Đông Hải, phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng có hàng chục cơ sở bày bán, sản xuất đá thủ công mỹ nghệ. Đa số các hộ trưng bày tượng đá tràn hết vỉa hè. Trong khi đó, nhiều hộ sản xuất trực tiếp ngay giữa khu dân cư. Họ tận dụng khoảng sân nhà phía trước hoặc khoảng đất bên cạnh, lùi vào tầm 2 đến 3 mét, dù có nơi che chắn bạt nhưng cũng chỉ tạm bợ nên mỗi lần cắt đá, mài đá đều khiến khói bụi bay mù mịt, tiếng ồn nghe rõ từ cách đó vài chục căn nhà.

 - Cần xử lý dứt điểm đổ giá hạ, xà bần trái phé

 + Tình trạng nhiều người thiếu ý thức đổ giá hạ, xà bần khu vực đường Đỗ Anh Hàn thuộc vùng giáp ranh giữa hai phường An Hải Bắc và Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) tồn tại lâu nay, không những gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, mà còn gây tốn kém cho chính quyền địa phương vì phải bỏ kinh phí san ủi, dọn dẹp hằng tháng.

Điều đáng nói là mỗi lần chính quyền địa phương tổ chức ra quân dọn dẹp, san ủi để trả lại mỹ quan đô thị cho tuyến đường, thì đường sạch, thông thoáng. Nhưng chỉ ít lâu sau, việc đổ giá hạ, xà bần tự phát tái diễn. Có những lúc người dân thiếu ý thức đổ lấp hết khoảng trống phía mép đường (đoạn tiếp giáp hồ nước cạn thuộc Đài phát sóng An Hải), rồi tiếp tục đổ tràn xuống lòng đường, không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường mà còn gây ảnh hưởng đến người và phương tiện tham gia giao thông.

 - Đà Nẵng không xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng dịp lễ 2-9:

+ Thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Đà Nẵng ngày 5-9 cho hay, trong 3 ngày nghỉ lễ dịp 2-9, trên địa bàn thành phố không xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng.  Cũng trong đợt nghỉ lễ, lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, lập biên bản 146 trường hợp vi phạm (91 mô-tô, 14 xe ben, 4 xe đầu kéo, 19 ô-tô tải khác, 18 ô-tô con) và ra quyết định xử phạt 25 trường hợp, chuyển kho bạc Nhà nước thu 5,3 triệu đồng; đồng thời tạm giữ 1 ô-tô, 11 mô-tô.

ANH TRỊNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác