Thông tin báo chí ngày 12/9
Đăng ngày 13-09-2017 08:58, Lượt xem: 322

Thông tin về thành phố Đà Nẵng, báo chí đăng tải ngày 12/9:

  1/ Báo Công an Đà Nẵng:

  - Hệ lụy từ các mỏ khai thác đất, đá...

+ Sở TN&MT TP Đà Nẵng vừa quyết định thành lập Đoàn giám sát, kiểm tra công tác cải tạo, phục hồi môi trường theo Đề án đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường đã được thành phố phê duyệt đối với 19 mỏ trên toàn thành phố. Nhiều vấn đề về môi trường, đời sống dân sinh đang cần giải quyết, khắc phục trong công tác này…

Chuyện ở “thôn khổ”: Hòa Nhơn (H. Hòa Vang, Đà Nẵng) là trung tâm của các mỏ khai thác đất, khai thác, chế biến đá ở Đà Nẵng, chỉ riêng khu vực thôn Phước Thuận đã có hơn 10 mỏ đất, đá. Theo Đề án đóng cửa mỏ của UBND TP đợt này, Hòa Nhơn có 7 mỏ tại thôn Phước Thuận đóng cửa, tiến hành cải tạo phục hồi môi trường. Tuy nhiên theo đánh giá, khó có thể phục hồi lại hệ sinh thái ban đầu tại các khu vực khai thác mỏ. Hậu quả trước mắt là đời sống dân sinh đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chúng tôi trở lại thôn Phước Thuận vào một ngày đầu tháng 9-2017, nơi mà từ lâu, người dân ở đây vẫn tự nhận là... “thôn khổ”. Lý giải về danh xưng này, Trưởng thôn Lê Văn Tuân cười buồn: “Thì khổ quá thì tự nhận vậy chớ sao! Cả thôn có 187 hộ dân thì có gần 1/3 thôn là hộ nghèo, mà tình hình này sẽ còn nghèo nữa...”. Theo ông Tuân, hơn 10 năm nay, bao  quanh thôn là mười mấy cái mỏ khai thác đất, chế biến đá, ngọn núi đầu thôn xưa xanh mướt thì nay đã bị cạo trọc, nham nhở, chỉ còn màu vàng ối. Những ngày nắng này, cả thôn lúc nào cũng chìm trong bụi đất đá, còn ngày mưa, con đường qua thôn ngập trong bùn đất, đấy là cái khổ nhìn thấy rõ nhất.

Từ năm 2010 đến nay, hơn 20ha ruộng màu mỡ, nuôi sống cả thôn đã bị bồi lấp, trở nên khô cằn, không thể nào trồng được bất cứ cây gì nữa, nguồn nước cũng cạn kiệt hết rồi. Trước đây nguồn nước tưới tiêu cho cánh đồng của thôn, nhờ vào hơn 10 mó nước trên khe núi như hố Trầu, hố Bạc, hố Riều... 10 năm qua, các mỏ khai thác đất đá, đã cắt ngang mạch nước, lấp kín dòng chảy, cả thôn đã trở thành “sa mạc”. Ngay nguồn nước sinh hoạt cũng khan hiếm, thôn đã có đường ống nước máy kéo về, nhưng chỉ cung cấp được khoảng 70 hộ, mà cũng lúc có lúc không. Nguồn nước thiên nhiên bị bồi lấp, người dân đóng giếng, đào giếng cũng khó khăn, bởi nguồn nước ngầm cũng cạn kiệt…

2/ Báo Đà Nẵng:

 - Khai thác điểm đến mới cho du lịch sinh thái cộng đồng:

+ Cùng với tài nguyên biển, các sản phẩm du lịch hiện đại, Đà Nẵng còn được thiên nhiên ưu đãi khá nhiều tiềm năng về môi trường sinh thái. Cần có những giải pháp, chiến lược khai thác, phát triển những ưu thế này để tạo ra các sản phẩm du lịch.Theo Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng, hai thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Nơi đây sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên như có những con suối rộng và nông, cảnh quan đẹp vẫn nguyên vẹn nét hoang sơ chưa bị khai thác và thương mại hóa… Bên cạnh đó, có nhiều tài nguyên du lịch nhân văn như ẩm thực dân tộc Cơtu, nghề truyền thống, nhà gươl, các lễ hội văn hóa, các tiết mục múa cồng chiêng, múa tung tung dza dzá (điệu dân vũ của người Cơtu) mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Cơtu..., dễ dàng tạo sức hút du khách. Tuy nhiên, hiện nay, thỉnh thoảng mới có khách đến Tà Lang và Giàn Bí nhưng không lưu trú vì không có các dịch vụ du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.

3/ Các tin khác:

 - Một tân sinh viên trường cao đẳng ở Đà Nẵng đã nhảy cầu Rồng tự tử:

+ khoảng 16 giờ ngày 11-9, nhiều người đi trên cầu Rồng, TP Đà Nẵng chứng kiến một nam thanh niên đi xe đạp điện hướng từ quận Sơn Trà về quận Hải Châu. Khi đến giữa cầu, người này bất ngờ dừng xe, bỏ lại giày cùng giấy tờ tùy thân rồi trèo qua lan can, gieo mình xuống sông Hàn tự tử.Nạn nhân  được xác định là L.V.Tr (SN 1999, quê tỉnh Hà Tĩnh). Tr. hiện mới nhập học một trường cao đẳng ở quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng và sống cùng với mẹ và chị gái. Lực lượng cứu hộ thuộc Cảnh sát PCCC TP Đà Nẵng vẫn đang tích cực tìm kiếm thi thể nạn nhân

 - Chuyện 8394 ở Hòa An:

+ CAP Hòa An xây dựng nhiều kế hoạch đấu tranh, phòng ngừa có hiệu quả với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Đặc biệt, kể từ khi áp dụng chủ trương tuần tra phòng chống tội phạm theo Quyết định 8394 của UBND TP Đà Nẵng, P. Hòa An là một trong những điểm sáng trong công tác đấu tranh trấn áp tội phạm của Q. Cẩm Lệ. Đại tá Đặng Văn Khuôn - Trưởng CAQ Cẩm Lệ nhận xét, Hòa An là một trong những địa phương thực hiện rất tốt kế hoạch tuần tra 8394. Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi một khi công tác tuần tra phòng chống tội phạm có hiệu quả thì tình hình tội phạm ở cơ sở được kìm chế, đời sống người dân đảm bảo, góp phần thực hiện hóa chủ trương “Thành phố 4 an”, trong đó có ANTT…

- Bắt khẩn cấp nhóm đòi nợ thuê:

+ CAH Hòa Vang (TP Đà Nẵng) nhận tin báo của người dân về việc một nhóm đối tượng đòi nợ thuê, sau khi nắm đầy đủ thông tin cần thiết, lãnh đạo CAH Hòa Vang chỉ đạo Đội Cảnh sát Hình sự (CSHS) CAH, CAX Hòa Khương triển khai lực lượng mật phục trên đường ĐH8 kịp thời ngăn chặn, không để các đối tượng có cơ hội thực hiện hành vi. Sau khi củng cố hồ sơ, chứng cứ cùng các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan CSĐT CAH Hòa Vang ra lệnh bắt khẩn cấp các đối tượng để tiếp tục điều tra, làm rõ về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Vụ việc là bài học cho cả nạn nhân và các đối tượng khi có tranh chấp dân sự về việc nợ tiền cần đến cơ sở pháp lý để được trợ giúp, nghiêm cấm mọi hành vi vi phạm pháp luật. Người dân cũng nên nâng cao tinh thần cảnh giác, nhanh chóng thông báo khi phát hiện những hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi đòi nợ thuê để lực lượng CA có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa kịp thời, đảm bảo an toàn cho nhân dân, góp phần giữ vững ANTT trên địa bàn...

 - Điều chỉnh quy hoạch chi tiết đường liên xã Hòa Ninh - Hòa Phú:

+ Chủ tịch UBND thành phố vừa ký quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1:500 đường liên xã Hòa Ninh - Hòa Phú.

Theo đó, ranh giới quy hoạch sử dụng đất tuyến điều chỉnh được xác định bởi các điểm: A1, A2, A3… A201 (phần mặt đường và vỉa hè); B1, B2, B3… B388 (phần đất khớp nối hạ tầng kỹ thuật) và được giới hạn như sau: phía đông bắc giáp thôn Đông Lâm, thôn Hội Phước, xã Hòa Phú; thôn Diêu Phong, xã Hòa Nhơn và phân khu Làng Đại học. Phía đông nam giáp quốc lộ 14G. Phía tây nam giáp thôn Hòa Phát, xã Hòa Phú và Khu du lịch sinh thái Bà Nà - Suối Mơ. Phía tây bắc giáp đường Hoàng Văn Thái (nay là đường Bà Nà - Suối Mơ). Tổng diện tích đất sau điều chỉnh quy hoạch là hơn 96.000m2; trong đó diện tích tuyến đường liên xã Hòa Ninh - Hòa Phú hơn 48.700m2 (bao gồm 6 vịnh đậu xe); chiều dài toàn tuyến 3.907m; mặt cắt 11m; diện tích để khớp nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật hơn 47.500m2.

ANH TRỊNH

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác