Xử phạt gần 1.150 vụ vi phạm về quảng cáo với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng
Đăng ngày 29-09-2017 17:14, Lượt xem: 768

Ngày 29-9, tại Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật Quảng cáo dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Vương Duy Biên. Cùng tham dự hội nghị còn có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, kể từ khi Luật Quảng cáo được ban hành, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao và các ngành liên quan triển khai thực hiện nghiêm, đồng thời phê duyệt Đề án Quy hoạch Quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để có cơ sở thực hiện quản lý tốt hoạt động này. Ông cũng cho hay, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện Luật Quảng cáo vẫn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như một số quy định trong lĩnh vực quảng cáo còn chưa sát với thực tế; hoạt động quảng cáo chịu sự quản lý của nhiều ngành, nhiều cấp với thủ tục hành chính còn phiên hà, kéo dài; công tác quản lý nội dung còn có phân cảm tính, thiếu sự định lượng cụ thể; chưa khuyến khích phát triển áp dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực quảng cáo...

Báo cáo tại hội nghị cho biết, sau khi Luật Quảng cáo được ban hành, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quảng cáo tiếp tục được đẩy mạnh; cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Quảng cáo được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo được triển khai thực hiện thường xuyên cả ở Trung ương và địa phương. Theo đó, từ năm 2013 đến nay, Thanh tra Bộ đã xử lý 09 vụ việc vi phạm pháp luật về quảng cáo với tổng số tiền phạt là 363 triệu đồng; cả nước đã xử lý gần 1.150 vụ vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo với tổng số tiền phạt gần 4 tỷ đồng. Luật Quảng cáo được ban hành đã tạo sự thông thoáng, chủ động hơn đối với hoạt động quảng cáo trên các phương tiện, đặc biệt là việc bãi bỏ việc cấp Giấy phép thực hiện quảng cáo trên bảng, băng-rôn, phương tiện giao thông; quy định đơn giản đối với thủ tục ra phụ trương, phụ bản, kênh, chương trình chuyên quảng cáo đối với cơ quan báo chí. Hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội phát triển mạnh và chiếm ưu thế, góp phần thúc đẩy tiêu dùng, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều điều kiện quảng cáo hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Đến nay, Việt Nam có hơn 7.000 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo, bao gồm cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh thu khoảng trên 1 tỷ USD. Thế nhưng, chỉ có khoảng gần 100 doanh nghiệp thực sự thực hiện đầy đủ chức năng từ tư vấn chiến lược đến thực hiện các chiến lược quảng cáo, còn lại phần lớn các doanh nghiệp chỉ đơn thuần thực hiện một chức năng hoặc một lĩnh vực dịch vụ cụ thể như quảng cáo ngoài trời, thiết kế đồ họa, sản xuất phim quảng cáo truyền hình, chuyên trách dịch vụ quan hệ công chúng, tổ chức sự kiện hoặc môi giới tài trợ. 

Hội nghị đã tập trung phân tích những hạn chế và nguyên nhân để khắc phục, đồng thời nêu lên những đề xuất, kiến nghị để tạo thuận lợi hơn cho công tác QLNN về hoạt động quảng cáo.

QUỲNH ĐAN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác