Tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp
Đăng ngày 14-10-2017 21:36, Lượt xem: 838

Nhằm hướng dẫn nội dung cơ bản về Sở hữu trí tuệ, tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình vận hành mô hình kinh doanh, ngày 14-10, Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng phối hợp Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) tổ chức hội thảo “Sở hữu trí tuệ - Tầm quan trọng đối với doanh nghiệp khởi nghiệp”. Tham dự có ông Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, ông Trần Vũ Nguyên – CEO Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng và gần 100 startup, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trên địa bàn.

Ông Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu khai mạc hội thảo 

Tại hội thảo, các khách mời đã chia sẻ các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, những điều cần lưu ý khi khởi nghiệp cũng như thực trạng nhận thức về sở hữu trí tuệ tại các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay. Ngoài ra, chương trình còn có hoạt động tư vấn chuyên sâu giữa các chuyên gia từ Cục Sở hữu trí tuệ với từng đối tượng startup đang gặp khó khăn trong vấn đề xác lập và quản trị quyền Sở hữu trí tuệ trong dự án khởi nghiệp, giải pháp bảo vệ và ngăn chặn những rủi ro liên quan trong quá trình phát triển dự án của các startup, cung cấp các chương trình hỗ trợ của Văn phòng đại diện Cục sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng đối với các doanh nghiệp tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ 

Theo bà Phạm Thùy Liên – Trưởng phụ trách Trung tâm ươm tạo Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES), với hơn 19.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên tổng số 1,5 triệu dân, Đà Nẵng hiện đang dần trở thành mảnh đất màu mỡ cho các ý tưởng khởi nghiệp. Qua các sự kiện như SURF, Startup Weekend, Startup Intern, Startup Runway, Chương trình ươm tạo DNES… đã có gần 200 ý tưởng khởi nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau trên địa bàn. Tuy nhiên, nhận thức về hoạt động sở hữu trí tuệ trong cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp tại Đà Nẵng vẫn còn hạn chế. Việc đăng ký sở hữu trí tuệ vẫn chưa được quan tâm so với việc kêu gọi vốn, sale marketing, tài chính, pháp triển sản phẩm. Bà Liên cho biết thêm, trong gần 100 đơn đăng ký tham gia chương trình ươm tạo, khi được hỏi về quyền sở hữu trí tuệ, 97% dự án chưa thực hiện đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Nguyên nhân chính do hầu hết các dự án mới ở mức ý tưởng, sản phẩm chưa rõ ràng. Đồng thời, gần 70% các nhà sáng lập được hỏi cho rằng khó khăn lớn nhất của họ là thiếu hiểu biết về  luật và quy trình đăng ký sở hữu trí tuệ. Những câu trả lời thường gặp là “chưa nắm rõ quy trình” “chưa hiểu luật liên quan”, “không hiểu về sở hữu trí tuệ” “không biết phải đăng ký như thế nào”. Thủ tục rắc rối và thời gian kéo dài cũng là nguyên nhân dẫn đến thất bại trong việc đăng ký sở hữu trí tuệ. Hầu hết các dự án đăng ký bảo hộ quyền đối với "Nhãn hiệu hàng hoá"; trong khi đó, "Sáng chế", "Quyền tác giả", "Kiểu dáng công nghiệp" được ít dự án đăng ký bảo hộ hơn vì những đòi hỏi khắt khe về sản phẩm như phải có tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp. Một phần lớn dự án chưa thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ vì dự án còn mới, hoặc đã thất bại sớm.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác