Ký kết quy chế phối hợp hoạt động giám sát và phản biện xã hội
Đăng ngày 17-11-2017 08:40, Lượt xem: 925

Ngày 16-11, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức Hội nghị Ký kết quy chế phối hợp hoạt động giám sát và phản biện xã hội giữa Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội thành phố. Bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, chủ trì hội nghị.

Lễ ký kết quy chế phối hợp hoạt động giám sát và phản biện xã hội

Theo bà Đặng Thị Kim Liên, quy chế phối hợp nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố và quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia giám sát, phản biện xã hội; đồng thời, xây dựng hoạt động giám sát, phản biện xã hội trở thành chế độ công tác thường xuyên, trọng tâm trong chương trình công tác nhiệm kỳ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố.

Quy chế phối hợp được ký kết bởi 6 đơn vị, gồm Ủy ban MTTQ Việt Nam, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp phụ nữ; trong đó nêu rõ, Mặt trận Tổ quốc thành phố và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố chủ trì giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của các cơ quan, tổ chức cùng cấp; giám sát những chuyên đề, những vụ việc liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đoàn viên, hội viên của các tổ chức thành viên có ảnh hưởng trong phạm vi thành phố Đà Nẵng; đồng thời, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức ở nơi công tác và nơi cư trú trên địa bàn thành phố. Phạm vi phản biện xã hội bao gồm các văn bản dự thảo quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước cùng cấp có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, hội viên, đoàn viên của các tổ chức thành viên, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Quy chế yêu cầu, hoạt động phối hợp phải phù hợp với các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ trọng tâm của thành phố, có sự tham gia góp ý, phản biện và giám sát của đại diện nhân dân; hoạt động phối hợp phải cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với thực tiễn của thành phố; nội dung giám sát, phản biện xã hội phải thiết thực, ưu tiên các vấn đề quan tâm, bức xúc của tổ chức thành viên, của đoàn viên, hội viên và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; hoạt động phối hợp phải được thực hiện đồng bộ, bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, đúng pháp luật.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng thảo luận và thống nhất nội dung đăng ký giám sát chuyên đề năm 2018 của các đơn vị, bao gồm: Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố giám sát việc thực hiện Luật Tiếp Công dân, Luật Tố cáo và Luật Khiếu nại; Hội Nông dân thành phố giám sát đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn về lĩnh vực giao thông; Hội Cựu chiến binh thành phố giám sát việc giải quyết và tồn đọng trong thực hiện Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc; Liên đoàn Lao động thành phố giám sát các cấp công đoàn và doanh nghiệp thực hiện Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12-1-2015 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ Luật Lao động, cụ thể là Hợp đồng lao động, tiền lương, thương lượng tập thể và thoả ước lao động tập thể; Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và một số cơ quan, tổ chức cấp thành phố có liên quan về công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; Thành Đoàn giám sát Đề án Sữa học đường giai đoạn 2018- 2020 trên địa bàn thành phố.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác