Điện ảnh - tấm gương phản chiếu đời sống văn hóa xã hội
Đăng ngày 27-11-2017 08:19, Lượt xem: 1624

Ngày 26-11, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo “Liên hoan Phim Việt Nam trong sự nghiệp phát triển điện ảnh dân tộc” với sự tham dự của các nhà quản lý điện ảnh, các nghệ sĩ, các nhà sản xuất phim, phát hành phim trong nước và quốc tế. Hội thảo đã khái quát những đóng góp to lớn của 20 kỳ Liên hoan phim đối với sự phát triển của nền điện ảnh dân tộc; đồng thời nhấn mạnh điện ảnh là một loại hình nghệ thuật mang tính quốc tế, là tấm gương phản chiếu chân thực đời sống lịch sử văn hóa - xã hội, con người của một đất nước. 

Đạo diễn Ngô Thanh Vân với tham luận về vấn đề gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc Việt qua các tác phẩm điện ảnh 

Trong nhiều năm trở lại đây, đời sống điện ảnh Việt Nam thay đổi nhanh chóng. Bên cạnh dòng phim do Nhà nước đặt hàng có tính chính luận, xã hội, thực hiện nhiệm vụ chính trị thì dòng phim do các nhà sản xuất tư nhân đầu tư phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu giải trí cho công chúng. Những dự án hợp tác sản xuất và giao lưu điện ảnh giữa điện ảnh Việt Nam và quốc tế, giữa các nhà sản xuất trong nước với nhau, giữa hãng phim nhà nước với hãng phim tư nhân, sản xuất phim bằng nguồn vốn kết hợp xã hội hóa với nguồn nhà nước đặt hàng, dòng phim độc lập đã manh nha hình thành. Cùng với đó, nhiều vấn đề mới xuất hiện như đảm bảo bản quyền tác phẩm; yếu tố thương mại và giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn của phim điện ảnh; áp lực doanh thu và phòng vé; điện ảnh củng cố văn hóa, văn hóa làm giàu điện ảnh… đặc biệt là sự thiếu vắng các tác phẩm được sản xuất bởi những hãng phim lớn của nhà nước như Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim Giải phóng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 này.

Theo bà Đoàn Hồng Lê - đạo diễn phim tài liệu của Đài Truyền hình Việt Nam, đồng thời là nhà làm phim tài liệu độc lập, trong thời kỳ bùng nổ mạng xã hội, bùng nổ chủ nghĩa tiêu thụ với những giá trị mới thay thế, những làn sóng văn hóa mới, thời mà trên sóng truyền hình thì gameshow giải trí tràn ngập khung giờ vàng và phim tài liệu bị đẩy vào khung giờ người ta đi ngủ, thì có cách nào đưa phim tài liệu đến gần với công chúng, để sống chậm hơn, hiểu chính cuộc sống, bản thân mình hơn và sống nhân văn hơn?  “Cần kêu gọi các nhà làm phim độc lập gửi phim tham dự Liên hoan phim Việt Nam, trao giải cho những bộ phim đầy tính sáng tạo trong thể hiện, mới mẻ trong cách nhìn, vinh danh sự can đảm, tiên phong và dấn thân... để phim tài liệu thực sự tìm được chỗ đứng trong lòng công chúng.” – đạo diễn Hồng Lê đề nghị.

CÔNG TÂM
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT