Thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng là góp phần phòng, chống tội phạm
Đăng ngày 09-12-2017 18:14, Lượt xem: 3548

Ngày 8-12, UBND thành phố tổ chức Hội nghị sơ kết Nghị định 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù giai đoạn 2011 - 2017 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Tham dự hội nghị có Trung tướng Hồ Thanh Đình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì hội nghị.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Theo báo cáo tại hội nghị, từ ngày 16-11-2011 đến nay, thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận 1.945 người chấp hành xong án phạt tù từ các Trại giam, Trại tạm giam trên toàn quốc về sinh sống trên địa bàn, tất cả các đối tượng này khi đến trình diện tại Công an phường, xã đều được cán bộ phụ trách tiến hành lập hồ sơ quản lý theo đúng qui định, qua đó tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của từng người để có cách thức tư vấn hỗ trợ, giúp đỡ và đề xuất các biện pháp quản lý, giáo dục phù hợp, định kỳ có nhận xét đánh giá, phân nhóm đối tượng để tập hợp xây dựng hồ sơ Điều tra cơ bản theo đúng qui định của Bộ Công an.

Trung tướng Hồ Thanh Đình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an, phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Hồ Thanh Đình cho rằng, một trong những nguyên nhân thành công trong thực hiện Nghị định 80 của thành phố Đà Nẵng là sự quan tâm chỉ đạo xây dựng, nhân rộng được nhiều mô hình hiệu quả trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng dựa trên sự liên kết, phối hợp giữa Công an với các ban ngành, đoàn thể. Điển hình như mô hình "Hỗ trợ vay vốn sản xuất, kinh doanh” của Hội Liên hiệp phụ nữ phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn; đây là mô hình do Hội Liên hiệp phụ nữ phường Khuê Mỹ khởi xướng, điều hành trong việc tham mưu cho UBND phường đứng ra tín chấp Ngân hàng chính sách - xã hội cho những người chấp hành xong án phạt tù tại địa bàn phường Khuê Mỹ vay vốn với lãi suất thấp để họ làm ăn ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng. Trong năm 2016 và 2017 có 17 gia đình có người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn làm ăn với tổng số tiền 408 triệu đồng. Mô hình “2 gặp, 3 biết” của UBND phường Mân Thái, quận Sơn Trà, với 2 gặp là gặp gia đình của người chấp hành xong án phạt tù, để nghe gia đình phản ảnh về tư tưởng, quá trình rèn luyện phấn đấu và những mặt còn tồn tại của con em họ; gặp người quản lý, giáo dục nghe phản ánh về quá trình chấp hành pháp luật, nghĩa vụ đối với chính quyền địa phương, tâm tư nguyện vọng của đối tượng mà họ được phân công quản lý, giúp đỡ. 3 biết là biết mặt, biết tên, biết mối quan hệ gia đình, bạn bè; biết hoàn cảnh kinh tế, gia đình, bản thân; biết thái độ, lối sống, sinh hoạt hàng ngày của người chấp hành xong án phạt tù về địa phương cư trú. Mô hình này được triển khai thực hiện từ năm 2011 đến nay, với đối tượng được quản lý, giáo dục, giúp đỡ là người chấp hành xong án phạt tù về địa phương, số chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ, do Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố, Công an phường, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Ban bảo vệ dân phố cùng phối hợp thực hiện. Qua gần 7 năm triển khai thực hiện, mô hình này đã thực sự có hiệu quả cao trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, góp phần tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Để thực hiện tốt Nghị định 80/CP, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành tiếp tục thực hiện Quyết định số 7415/QĐ-UB về việc cấp vốn lập Quỹ giải quyết việc làm cho đối tượng đã từng vi phạm pháp luật sau khi chấp hành xong hình phạt trở về địa phương. Hiện nay, Quỹ đã chuyển vốn ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Đà Nẵng để thực hiện Chương trình cho vay hoàn lương nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng được vay vốn và quản lý tốt nguồn vốn cho vay. Trong thời gian từ tháng 6-2015 đến nay, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố đã làm thủ tục giải quyết cho vay 334 hộ gia đình có đối tượng chấp hành xong án phạt tù về địa phương, với tổng số tiền cho vay trên 5 tỷ đồng. Kết quả cho thấy, đa số các đối tượng được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, tạo được công ăn việc làm, góp phần ổn định cuộc sống.

Tiếp tục làm tốt công tác quản lý, giáo dục

Thay mặt lãnh đạo Bộ Công an, Trung tướng Hồ Thanh Đình nhiệt liệt chúc mừng những kết quả, thành tích thành phố Đà Nẵng đã đạt được trong công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù giai đoạn 2011 – 2017; đồng thời, đánh giá cao những nỗ lực của lực lượng Công an thành phố trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện tốt công tác này ở địa phương. Theo Trung tướng Hồ Thanh Đình, trong những năm qua, Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc về cơ sở hạ tầng, du lịch thương mại, trở thành trung tâm kinh tế, chính xã hội của miền Trung - Tây Nguyên. Do vậy, làm tốt công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù là một trong các giải pháp quan trọng để chủ động phòng ngừa, hạn chế tình trạng tái phạm và vi phạm pháp, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp đề nghị, trong thời gian đến, Thành ủy, UBND thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương chú trọng việc quán triệt triển khai thực hiện Nghị định 80 đến từng cán bộ, đảng viên; cần xác định công tác tái hòa nhập cộng đồng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, phải được cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch và lồng ghép, gắn kết với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống tội phạm hàng năm ở địa phương.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh nhận định, cùng với sự phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng những năm qua, những vấn đề xã hội tiêu cực cũng phát sinh và có chiều hướng gia tăng, hoạt động tội phạm tiềm ẩn nhiều phức tạp khó lường, số đối tượng chấp hành xong án phạt tù, số được đặc xá tha tù về địa phương ngày càng nhiều. Theo Phó Chủ tịch, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng, các ngành, các cấp, địa phương cần tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về hòa nhập cộng đồng; nội dung, hình thức tuyên tuyền cần phong phú, đa dạng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội. Đồng thời, cần kịp thời phản ánh, biểu dương, khen thưởng những mô hình tốt, những cách làm hay, những nhân tố tích cực, nòng cốt để động viên, khích lệ, thúc đẩy phong trào; khơi dậy và phát huy đạo lý, truyền thống đoàn kết dân tộc, tương thân, tương ái, tình làng nghĩa xóm, họ hàng, dòng tộc... làm cho mọi người thấy được tính nhân văn, nhân đạo và lợi ích thiết thực của công tác này để từng bước xóa đi sự thành kiến, kỳ thị, tạo sự đồng thuận, tự giác, tích cực của cộng đồng xã hội tham gia trong công tác quản lý, giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch cũng đề nghị các cấp, ngành, địa phương tiếp tục xây dựng, nhân rộng và duy trì các mô hình hiệu quả trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, khu vực, lĩnh vực và địa bàn dân cư; gắn nội dung cảm hỏa, giáo dục giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trong thực hiện các mô hình với công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở, đồng thời kết hợp chặt chẽ với các phong trào cách mạng khác do Đảng, Nhà nước, ban, ngành, đoàn thể phát động. Định kỳ sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ, kịp thời biểu dương, khen thưởng những người chấp hành xong án phạt tù tiêu biểu về hòa nhập cộng đồng, tiêu biểu trong lao động, kinh doanh, sản xuất giỏi và những cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc để khuyên khích thực hiện có hiệu quả công tác này.

Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, Công an thành phố Đà Nẵng cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu và tổ chức thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng. Thông qua công tác quản lý cư trú, quản lý nghiệp vụ, công tác điều tra cơ bản để chủ động nắm chắc tình hình điều kiện, hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của từng người chấp hành xong án phạt tù, nhất là số người có hoàn cảnh đặc biêt khó khăn, nguy cơ tái phạm tội cao, để tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các cơ quan, ban, ngành đoàn thể quan tâm, giáo dục, giúp đỡ, tạo điều kiện để họ ổn định cuộc sống, hạn chế thấp nhất tình trạng tái phạm tội. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tổ chức tốt các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, triệt xóa các tụ điểm, ổ nhóm tệ nạn xã hội tạo môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

3 tập thể, 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố

Nhân dịp này, ghi nhận thành tích xuất sắc của các tập thể, cá nhân trong công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù giai đoạn 2011 – 2017, Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen cho 3 tập thể, 3 cá nhân; Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen cho cho 1 tập thể, 2 cá nhân; Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp tặng Bằng khen cho cho 1 tập thể, 2 cá nhân; Giám đốc Công an thành phố tặng Giấy khen cho 4 tập thể, 10 cá nhân.

tập thể, 2 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác