Hướng đến “thành phố an toàn thực phẩm”
Đăng ngày 27-01-2018 22:02, Lượt xem: 438

Trong năm 2017, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thành phố đã lấy 274 mẫu rau, trái cây nhập vào chợ đầu mối Hòa Cường để kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật; kết quả thử nghiệm chỉ có 7 mẫu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép so với quy định của Bộ Y tế, tỉ lệ mẫu nhiễm 2,5% so tổng số mẫu kiểm tra. Đây là thông tin được báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2017, do Ban Quản lý An toàn thực phẩm tổ chức vào ngày 26-1. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì hội nghị

Sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm cho biết, sau khi phát hiện lô hàng có kết quả không đạt, Chi cục đã ban hành thông báo yêu cầu chủ hàng không được nhập sản phẩm có nguồn gốc từ các chủ vựa bị phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm rau, quả vào thành phố trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo theo quy đinh của UBND thành phố, đồng thời phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản các tỉnh truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Đối với thủy sản nhập vào tại chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang, trong số 126 mẫu gửi phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm (ATTP), có 8 mẫu thủy sản tồn dư Cadimi vượt giới hạn cho phép và 9 mẫu tồn dư thủy ngân vượt giới hạn cho phép; các mẫu không đạt đã được thông báo cho chủ cơ sở biết và yêu cầu cơ sở ngừng khai thác tại vùng biển có mẫu thủy sản không đảm bảo ATTP.

Công tác thanh kiểm tra cũng được các sở, ngành, các cấp phối hợp đồng bộ và tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm về ATTP, qua đó góp phần ngăn chặn kịp thời các vi phạm của pháp luật về ATTP, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc chấp hành các qui định pháp luật về ATTP. Tỉ lệ thanh kiểm tra toàn thành phố đạt 92%, tỉ lệ cơ sở đạt yêu cầu 94,3%, số cơ sở bị xử lý là 1.047 cơ sở, tăng 131 cơ sở so năm với năm 2016; số tiền phạt của các cấp ngành trên toàn thành phố hơn 2,5 tỷ đồng.

Các mẫu thực phẩm như bánh mỳ, chả, thịt bò khô, rượu... do ngành công thương gửi xét nghiệm các chỉ tiêu về vi sinh vật và hóa lý phát hiện 76/134 mẫu không đạt yêu cầu. Các chỉ tiêu không đạt chủ yếu là Coliforms, Staphylococcus aureus, tổng vi sinh vật hiếu khí, tổng số bảo tử nấm nem - nấm mốc vượt ngưỡng cho phép, phát hiện chất cấm Hàn the trong sản phẩm chả lụa (nhãn hiệu Minh Thu) và khô bò xé (nhãn hiệu Hải Châu), phát hiện Natri benzoat với hàm lượng 17,4mg/kg trong sản phẩm khô bò phi lê (nhà phân phối Mai Nhạn). Các cơ sở vi phạm đã bị xử phạt với số tiền 39.726.000 đồng.

Đến nay, các địa phương đã tổ chức cho nông dân ký cam kết sản xuất an toàn cho 3.865/4.258 hộ, đạt tỷ lệ 90%. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng thường xuyên kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại 8 vùng sản xuất rau: Túy Loan Tây, Thạch Nham, Phước Hưng, Ninh An, Phú Nam, Yến Nê, Cẩm Nê, La Hường; qua lấy mẫu đều không phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Tính đến nay, thành phố đã ký kết hợp tác cung ứng rau, thịt an toàn cho Đà Nẵng với 5 tỉnh: Lâm Đồng, Tiền Giang, Gia Lai, Quảng Nam và Bình Định; qua đó, bước đầu xây dựng được các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và đạt được kết quả khả quan trong việc phối hợp kiểm tra giám sát ATTP đối với nguồn hàng từ các tỉnh nhập vào thành phố. 

Cần các biện pháp xử lý vi phạm nghiêm khắc

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cho rằng, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp ngành trong thời gian qua đã bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong ý thức của người dân về đảm bảo ATTP. Tuy nhiên, thực tế thanh tra, kiểm tra cho thấy vẫn còn nhiều cơ sở vi phạm về ATTP; nhiều chợ dân sinh chưa đạt yêu cầu về vệ sinh ATTP từ hạ tầng, trang thiết bị đến việc bố trí các khu bán thực phẩm tươi sống có nguy cơ gây mất ATTP cao; dụng cụ, đồ dùng buôn bán thực phẩm tươi sống, nhất là thịt tại nhiều chợ không đảm bảo ATTP. Bên cạnh đó, tuy chưa để xảy ra ngộ độc tập thể, những vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm, cần có giải pháp để đảm bảo an tâm về vấn đề này như cơ chế báo cáo khẩn 24/7, cơ chế phối hợp xử lý hiệu quả, nhanh chóng, đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách.

Vì vậy, ông yêu cầu Ban Quản lý ATTP trong năm 2018 phải tập trung rà soát tất cả chương trình, kế hoạch về ATTP trên địa bàn thành phố đã ban hành để tổng hợp thành chương trình về ATTP đến năm 2020; đồng thời, sớm trình UBND thành phố quy chế phân cấp, phân công, phối hợp trong công tác quản lý ATTP trên địa bàn thành phố; xây dựng đề án “Thành phố an toàn thực phẩm” đến 2025, tầm nhìn 2030 và quy chế tiếp nhận, xử lý, công bố, khen thưởng đối với tin nhắn tố giác trong lĩnh vực ATTP. Phó Chủ tịch cũng yêu cầu Ban tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm pháp luật về ATTP, công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là thời gian cao điểm trước, trong và sau Tết nguyên đán.

Sở thông tin và truyền thông nhanh chóng xây dựng hoàn thiện Cổng Thông tin điện tử thành phố về ATTP và cơ sở dữ liệu về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông - lâm - thủy sản, thực phẩm đạt chuẩn, bàn giao cho Ban Quản lý An toàn thực phẩm quản lý. Ban Quản lý An toàn thực phẩm có trách nhiệm làm việc với nhà mạng và các đơn vị liên quan đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt, người dân có thể truy cập thông tin và được giải đáp nhanh chóng các vấn đề về ATTP.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện điều kiện đảm bảo ATTP tại cảng cá, chợ cá Thọ Quang và có biện pháp sắp xếp lại các cơ sở kinh doanh thủy sản, đảm bảo không còn giết mổ và bày bán sản phẩm trên nền chợ gây mất ATTP; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thúy y, hóa chất dùng trong nông nghiệp theo quy định và có biện pháp quản lý, kiểm soát việc sử dụng trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đảm bảo sản phẩm sản xuất ra đạt tiêu chuẩn ATTP.

Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cũng giao UBND các quận/huyện tập trung chỉ đạo đầu tư cải tạo, nâng cấp các chợ thuộc quản lý đáp ứng đủ điều kiện ATTP; đồng thời giám sát chặt chẽ về điều kiện đảm bảo ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và việc sử dụng chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm pháp luật và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. “Bên cạnh xử phạt về hành chính, cần có quy chế cấm sản xuất, kinh doanh trong một thời gian đối với các cơ sở vi phạm để đủ sức răn đe”, Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác