Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018
Đăng ngày 17-03-2018 01:56, Lượt xem: 2865

I. Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2017

Năm 2017 là năm thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và Chương trình “Thành phố 4 an”, đồng thời cũng là năm diễn ra các sự kiện lớn như: Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, Lễ hội pháo hoa quốc tế, Đại Hội Du Lịch Golf Châu Á 2017... Ngay từ đầu năm, UBND thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, Nghị quyết số 02-NQ/TU của Thành ủy và Nghị quyết số 83/NQ-HĐND của HĐND thành phố về phương hướng, nhiệm vụ năm 2017; tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp v.v.. Tình hình kinh tế - xã hội và sản xuất kinh doanh được duy trì ổn định. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết 83/NQ-HĐND như sau:

 

(1). Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) ước đạt 58.597 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2016 (NQ: 9-10%);

(2). Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ ước tăng 8,1% (NQ: 9,5-10,5%);

(3). Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước tăng 7,9% (NQ: 9-10%), trong đó công nghiệp ước tăng 8,8% (NQ: 10,5-11,5%);

(4). Giá trị sản xuất thủy sản - nông - lâm ước tăng 3,7% (NQ: 3-4%);

(5). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 12,4% (NQ: 11-12%);

(6). Tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện 23.379,35 tỷ đồng, đạt 111,9% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 17,96% so với thực hiện năm 2016;

(7). Tổng vốn đầu tư phát triển tăng 6,1% (NQ: tăng 9-10%);

(8). Tỷ lệ tạo việc làm tăng thêm 4,4% (NQ: 4-5%), tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 49% (NQ: 49%) và tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm còn 3,6% (NQ: 3,6%);

(9). Tỷ lệ giảm sinh ước đạt 0,1%o (NQ: 0,1%o);

(10). Tỷ lệ hộ nghèo (hộ nghèo còn sức lao động) còn lại cuối năm (theo chuẩn mới TP đến năm 2020) đạt 2,86% (NQ: 3,81%);

(11). Gọi công dân nhập ngũ đạt 100% chỉ tiêu HĐND thành phố giao.

Kết quả cụ thể các lĩnh vực như sau:

1. Về kinh tế

1.1. Các lĩnh vực dịch vụ phát triển ổn định. Thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển mạnh các ngành dịch vụ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2035; xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Dịch vụ du lịch tiếp tục phát triển sôi động với nhiều hoạt động thu hút khách du lịch[1], đặc biệt là Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017 (DIFF 2017). Tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng ước đạt 6,6 triệu lượt, đạt 104,8% kế hoạch, tăng 19% so với năm 2016, trong đó khách quốc tế ước đạt 2,3 triệu lượt, đạt 115% kế hoạch, tăng 36,8%; tổng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 19.403 tỷ đồng, đạt 104,9% kế hoạch, tăng 20,6%; doanh thu lưu trú, du lịch, lữ hành ước đạt 6.695 tỷ đồng, tăng 8,6%. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã xúc tiến mở 08 đường bay thường kỳ[2], các đường bay mới tại Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số đường bay thuê chuyến; đến nay, thành phố có 28 đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng, trong đó có 14 đường bay trực tiếp thường kỳ và 14 đường bay trực tiếp thuê chuyến.

Hoạt động xúc tiến, quảng bá, phát triển sản phẩm và bảo vệ môi trường du lịch tiếp tục được đẩy mạnh. Thành phố đã tổ chức thành công Hội nghị đầu tư du lịch Đà Nẵng trong khuôn khổ Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2017; ban hành Kế hoạch tăng cường truyền thông, quảng bá du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2017-2018 và lồng ghép quảng bá nhân sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC 2017; tham gia các Hội chợ, chương trình xúc tiến du lịch trong vào ngoài nước[3]; phối hợp công bố Bộ nhận diện thương hiệu du lịch 3 địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế, thực hiện quảng bá du lịch trên các kênh truyền hình; đưa vào sử dụng Ứng dụng du lịch Đà Nẵng trên thiết bị di động (App Danang FantastiCity), thí điểm ứng dụng chatbot vào du lịch thông minh phục vụ người dân và du khách nhân dịp APEC 2017 được hưởng ứng và đánh giá cao, tích cực. Thường xuyên rà soát, kiểm tra công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cứu nạn, cứu hộ tại các bãi biển du lịch, các khu điểm du lịch, các resort, cơ sở lưu trú; theo dõi, kiểm tra xử lý tình trạng ăn xin biến tướng, bán hàng rong, lấn chiếm lòng đường tại một số tuyến đường chính và các khu vực nhà hàng ven biển. Thường xuyên thanh, kiểm tra các đơn vị kinh doanh du lịch[4].   

Hoạt động thương mại khá sôi động với nhiều sự kiện trong các dịp Lễ, Tết, mùa du lịch, Tuần lễ cấp cao APEC 2017 và các sự kiện bên lề, đặc biệt là Triển lãm quốc tế Vietbuild Đà Nẵng và Liên hoan Kiến trúc Việt Nam 2017 với 600 gian hàng của gần 300 đơn vị, Hội chợ Đầu tư thương mại, du lịch Hành lang kinh tế Đông - Tây Đà Nẵng 2017 v.v.. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 79.100 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2016 (KH tăng 16-17%).

Thị trường thành phố ổn định, nguồn cung ứng hàng hóa được chuẩn bị chu đáo; công tác kiểm soát thị trường được tăng cường, thường xuyên kiểm tra việc niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết, ổn định giá các dịch vụ, không để xảy ra các hiện tượng tăng giá đột biến hoặc đầu cơ, nâng giá. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng đầu năm 2017 tăng 3,82% so với bình quân cùng kỳ 2016.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2017 ước đạt 1.465 triệu USD, đạt 101% kế hoạch, tăng 12,4% so với năm 2016 (KH tăng 11-12%). Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực duy trì mức tăng trưởng khá, cụ thể: cao su thành phẩm ước đạt 38,5 triệu USD, tăng 29,6% và tăng mạnh ở các thị trường Brasil, Myanmar, Malaysia, Thái Lan do đang có lợi thế cạnh tranh lớn so với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc; sản phẩm dệt may ước đạt 365 triệu USD, tăng 14,1%; các mặt hàng khác tăng trưởng tương đối ổn định nhờ duy trì được thị trường truyền thống như: thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ ước đạt 15 triệu USD, tăng 20%; động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử ước đạt 460 triệu USD, tăng 15,9%; đồ chơi trẻ em ước đạt 80 triệu USD, tăng 14,3%; xuất khẩu thủy sản tuy có tăng trở lại nhưng vẫn tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn[5], ước đạt 180 triệu USD, tăng 9,1%.

Kim ngạch nhập khẩu năm 2017 ước đạt 1.280 triệu USD, đạt 104,5% kế hoạch, tăng 14,3% so với năm 2016; các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.

Hoạt động giao thông vận tải đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Khối lượng luân chuyển hành khách ước đạt 1.526 triệu khách.km, đạt 105,2% kế hoạch, tăng 10,1% so với năm 2016; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 3.611 triệu tấn.km, đạt 103,2% kế hoạch, tăng 13,8%; sản lượng hàng hóa qua Cảng ước đạt 8,1 triệu tấn, đạt 108% kế hoạch, tăng 12,5%; doanh thu vận tải ước đạt 9.706 tỷ đồng, đạt 104,1% kế hoạch, tăng 6,3%.

Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả các tuyến xe buýt trợ giá trên địa bàn thành phố[6]; khai trương đưa vào hoạt động tuyến xe buýt TMF do quỹ Toyota tài trợ, tuyến buýt N1 mui hở 01 và 02 tầng (Sân bay Đà Nẵng - Cocobay) vận chuyển khách tham quan du lịch, nâng tổng số tuyến xe buýt nội thị đang vận hành trên địa bàn thành phố lên 07 tuyến. Thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đối với các đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định và hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt, xe taxi cũng như một số loại hình khác như Uber, Grab taxi; triển khai Kế hoạch tổng kiểm tra, kiểm soát tình trạng "xe dù - bến cóc", xe khách trá hình hoạt động trên địa bàn thành phố v.v..

Tổ chức triển khai các giải pháp tổng thể chống ùn tắc giao thông như: thông

xe nút giao phía Tây cầu sông Hàn (30/4/2017), nút giao thông Điện Biên Phủ -

Nguyễn Tri Phương (31/10/2017); hoàn thành cải tạo, lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại 14 nút giao; tổ chức giao thông 01 chiều đường gom hai bên tuyến Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn; phân luồng, tổ chức giao thông[7], cải tạo các nút giao phức tạp; triển khai thực hiện theo lộ trình các giải pháp tổng thể chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố đến năm 2020[8] v.v.. Hoàn thành dự án nâng cấp mở rộng Cảng Tiên Sa giai đoạn 2, dự kiến đầu năm 2018 khánh thành đưa vào sử dụng.

 Hoạt động thông tin - truyền thông phát triển khá. Doanh thu toàn ngành ước đạt 21.740 tỷ đồng, đạt 103,5% kế hoạch, tăng 9% so với năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước đạt 66,8 triệu USD, đạt 111,3% kế hoạch, tăng 15%. Tiếp tục khai thác hiệu quả Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng (Khu CVPM số 1), duy trì tỷ lệ khai thác đạt 99%; xúc tiến đầu tư Khu Công viên phần mềm số 2 và cơ bản hoàn thành đầu tư hạ tầng Khu CNTT tập trung chuẩn bị cho thu hút đầu tư trong năm 2018. Tổ chức Hội thảo cấp cao về Xây dựng thành phố thông minh và xúc tiến đầu tư, phát triển CNTT, Ngày CNTT Nhật Bản - Việt Nam 2017.

Triển khai mở rộng, nâng cấp Hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng, bổ sung 70 cơ quan tham gia sử dụng, nâng cấp chức năng liên thông văn bản 4 cấp chính quyền, tích hợp ký số trực tiếp trên Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành. Tăng cường bảo đảm thông tin liên lạc cho các dịp lễ, tết, sự kiện, đặc biệt Lễ hội pháo hoa quốc tế 2017 và Tuần lễ cấp cao APEC 2017; kiểm tra thực tế, đồng ý thỏa thuận 67/75 trạm BTS thân thiện môi trường, hoàn thành thanh tra việc kiểm định và đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão đối với 261 trạm BTS; triển khai sắp xếp, chỉnh trang cáp thông tin trên 117 đoạn, tuyến đường, khu vực, tổng chiều dài 60,5km. Các cơ quan báo chí đã chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về báo chí; tích cực trong công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, sự kiện lớn của thành phố; công tác phản hồi thông tin báo chí nêu, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được thực hiện tương đối chủ động, hiệu quả.

          Hoạt động ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh. Trên địa bàn thành phố hiện có 56 tổ chức tín dụng, tổng số phòng giao dịch trên địa bàn là 246 PGD, tổng số ATM là 501 máy. Đến cuối tháng 12/2017 tổng nguồn vốn huy động ước đạt 114,5 nghìn tỷ đồng, tăng 16,7,3% so với cuối năm 2016; tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế ước 115 nghìn tỷ đồng, tăng 21,6%. Đến 31/10/2017, các ngân hàng đã giải ngân cho 8/10 khách hàng cá nhân được vay hỗ trợ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, tổng dư nợ đạt 107,94 tỷ đồng, tổng số cam kết giải ngân là 120,39 tỷ đồng; dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn theo nghị định 55/2015/NĐ-CP là 3.816,7 tỷ đồng. 

1.2. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ổn định song chưa đạt kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 50.248 tỷ đồng, đạt 89,8% kế hoạch, tăng 8,8% so với năm 2016 (KH tăng 10,5-11,5%); Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 9,3% (KH tăng 12%) do trong các năm gần đây thành phố chưa thu hút được các dự án mới, quy mô lớn đầu tư vào sản xuất công nghiệp nên mức tăng trưởng còn chậm. Một số ngành có xu hướng giảm dần tốc độ tăng trưởng từ đầu năm đến nay như: vật liệu xây dựng, săm lốp cao su, thiết bị câu cá; ngành thủy sản bắt đầu có tăng trưởng sau giai đoạn suy giảm liên tục song vẫn chưa cao (4-5%). Bên cạnh đó, một số lĩnh vực dần hồi phục và đạt được mức tăng trưởng khá như: vải dệt thoi, linh kiện điện tử, hàng may mặc v.v..

Từ đầu năm đến nay, thành phố đã thu hút được 39 dự án đầu tư vào các KCN, tổng vốn đầu tư 872,5 tỷ đồng[9] và 03 dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao, tổng vốn đầu tư 45,2 triệu USD[10], đến nay đã thu hút được 08 dự án vào Khu công nghệ cao, tổng vốn đầu tư 188 triệu USD. Thành phố đã ban hành chuyên đề rà soát, đánh giá kết quả và các giải pháp đầu tư phát triển ngành công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; phê duyệt sơ đồ ranh giới điều chỉnh và thực hiện công bố quy hoạch các KCN: Hòa Cầm - giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh, hiện đang tiến hành các thủ tục để sớm đầu tư, xây dựng các KCN này; triển khai thủ tục thành lập các cụm công nghiệp: Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc, xây dựng phương án giá thuê đất ưu đãi trong các CCN và một số tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng.

1.3. Giá trị sản xuất thuỷ sản - nông - lâm (giá CĐ 2010) ước đạt 2.570 tỷ đồng, đạt 121,2% kế hoạch, tăng 3,7% so với năm 2016 (KH tăng 3-4%); sản lượng khai thác ước đạt 36.790 tấn, đạt 105,1% kế hoạch, tăng 9%.

Thành phố tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi khai thác[11]. Sản xuất lúa đạt kết quả tốt, tổng sản lượng lúa năm 2017 đạt 31.506 tấn, năng suất bình quân đạt 60,5 tạ/ha, tăng 2,1% so với năm 2016; tập trung xây dựng mô hình, duy trì sản xuất cánh đồng lúa hữu cơ tại 06 điểm (134 ha), mô hình nếp đắng theo hướng hữu cơ tại Hòa Liên (7,5 ha); hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho vùng trồng lúa hữu cơ tại An Trạch, Hòa Tiến (20,5ha) và sản phẩm Nấm Linh chi Đà Nẵng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu; hình thành mô hình trồng rau công nghệ cao tại Hòa Ninh (01ha), Hòa Phú (01 ha) và Hòa Khương (1.000m2). Tình hình chăn nuôi phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh; thực hiện tốt công tác kiểm soát giết mổ. Triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng[12], không để xảy ra cháy rừng; hoàn thành công tác kiểm kê rừng.

Thành phố đã ban hành chính sách khuyến khích đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao[13], phê duyệt quy hoạch 07 vùng thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (500 ha), kết quả bước đầu trong năm đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao[14]. Công ty Cổ phần sữa Việt Nam cũng đang xúc tiến triển khai đầu tư Dự án trang trại bò sữa (128 ha) tại Hòa Phong.

2. Thu hút đầu tư trong, ngoài nước và các hoạt động đối ngoại

Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 37.450 tỷ đồng, tăng 6,1% so với năm 2016 (KH: tăng 9-10%).

2.1. Hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước được chú trọng. Thành phố đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 20 dự án đầu tư trong nước, tổng mức đầu tư 25.250 tỷ đồng, trong đó có 14 dự án đã khởi công xây dựng, tổng vốn đầu tư 13.413 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, thành phố có 96 dự án FDI được cấp mới, tổng vốn đầu tư đăng ký 111,9 triệu USD (tăng 6,5 lần so với năm 2016), trong đó, có 13 dự án đăng ký hoạt động trong các KCN, tổng vốn 20,6 triệu USD; 82 dự án đăng ký hoạt động ngoài KCN, tổng vốn 62,75 triệu USD và 01 dự án đăng ký hoạt động trong KCNC, vốn đầu tư 28,5 triệu USD; có 05 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 844,2 nghìn USD và các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các tổ chức kinh tế với 05 dự án, tổng vốn 60,1 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, thành phố có 540 dự án FDI, tổng vốn đầu tư hơn 03 tỷ USD.

2.2. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dân doanh duy trì ổn định. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 4.001 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn đăng ký đạt 21.098 tỷ đồng, tăng 4% về số doanh nghiệp và tăng 66% về vốn so với năm 2016; hoàn tất thủ tục giải thể cho 353 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc và có 984 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động. Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 22.040 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động, tổng vốn đăng ký đạt 142,6 ngàn tỷ đồng.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, thành phố

đã ban hành Quyết định số 1490/QĐ-UBND ngày 21/3/2017 về Quy định thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký mã số thuế và cấp phép sản xuất, kinh doanh có điều kiện tại UBND quận, huyện; ban hành Phương án triển khai tiện ích đăng ký hẹn giờ giao dịch hành chính[15]; xây dựng phần mềm và triển khai Dịch vụ tra cứu dữ liệu từ máy xếp hàng tự động.

Thành phố đã tổ chức 03 chương trình gặp mặt, đối thoại cùng doanh nghiệp với sự tham gia của hơn 1.700 lượt doanh nghiệp và doanh nhân; ban hành Quyết định số 4522/QĐ-UBND ngày 17/8/2017 của UBND thành phố về việc ban hành Quy trình tiếp nhận, xử lý kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp và nhà đầu tư trên địa bàn thành phố, đến nay đã có 112 kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp được tiếp nhận, xử lý.

Thành phố cũng đã ban hành Đề án Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Kế hoạch thực hiện Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 trong giai đoạn 2017-2018. Tổ chức Hội nghị và Triển lãm khởi nghiệp quốc tế Đà Nẵng - SURF 2017; Chương trình đối thoại tháng Ba với chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp” giữa lãnh đạo thành phố và đại biểu thanh niên; xây dựng Chương trình phát động phong trào khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên, tổ chức Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học cấp thành phố và Tọa đàm “Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên” thu hút hơn 1.000 sinh viên tham dự. Ngoài ra, thành phố đã tổ chức Hội nghị triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học và công nghệ với sự tham gia của hơn 200 đại biểu, đến nay đã hỗ trợ 12 doanh nghiệp với kinh phí 754 triệu đồng và triển khai kế hoạch hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho 06 doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn thành phố.

2.3. Thành phố hiện có 05 dự án sử dụng vốn ODA do thành phố quản lý đang được triển khai thực hiện, tổng vốn đầu tư khoảng 390 triệu USD; trong đó vốn ODA đạt 314 triệu USD, chiếm 80% tổng vốn; đến nay, tổng giải ngân vốn ODA và vốn đối ứng của các dự án đạt 538,302 tỷ đồng, đạt 58,7% kế hoạch, trong đó vốn ODA đạt 327,345 tỷ đồng, đạt 68,7% kế hoạch. Ngoài ra, thành phố đang xúc tiến chính thức đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét và vận động các nhà tài trợ đối với Dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Đà Nẵng, Dự án Hạn mức tín dụng của Cơ quan phát triển Pháp (AFD), dự án xây dựng Cảng Liên Chiểu, dự án Di dời ga đường sắt và Tái phát triển đô thị Đà Nẵng, dự án Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng.

Từ đầu năm đến nay, thành phố đã phê duyệt và tiếp nhận 50 khoản viện trợ phi chính phủ nhà nước với tổng giá trị cam kết đạt 114,9 tỷ đồng, trong đó có 30 chương trình, dự án, tổng giá trị cam kết 102,98 tỷ đồng và 20 khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO), tổng giá trị cam kết hơn 12 tỷ đồng.

2.4. Các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế và liên kết vùng tiếp tục được chú trọng. Từ đầu năm đến nay lãnh đạo thành phố tiếp và làm việc với 92 đoàn, trong đó nổi bật có: đoàn Chủ tịch và Phó Chủ tịch Quốc hội Lào, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, đoàn Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Sekong, đoàn Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Xay-xổm-bun (Lào), đoàn Đại sứ Nhật Bản, đoàn Đại sứ và Tổng lãnh sự Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Pháp, đoàn Thị trưởng thành phố Yokohama v.v..; tổ chức thành công các hoạt động ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, đặc biệt là Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào, 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào v.v..[16] Tích cực phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các địa phương, tổ chức trên thế giới.

Tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 26-KL/TUQN-TUĐN ngày 27/4/2016 của Thành ủy Đà Nẵng và Tỉnh ủy Quảng Nam như: công bố bộ nhận diện thương hiệu du lịch 03 địa phương, phối hợp đẩy nhanh giải phóng mặt bằng tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, giải quyết dứt điểm các vướng mắc về việc cắm mốc ranh giới tại vùng giáp ranh, hỗ trợ tỉnh Quảng Nam thực hiện các hạng mục trùng tu di tích Đặc Khu ủy Quảng Đà v.v.. và đề xuất các nội dung hợp tác hỗ trợ giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến.

 

3. Công tác chuẩn bị, phối hợp tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng

Lãnh đạo thành phố thường xuyên chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan phát huy tinh thần chủ động, chuyên nghiệp và trách nhiệm cao trong cả năm, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc gia và các Tiểu ban - UBQG thực hiện tốt các công tác chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. Đảm bảo hoàn thành kịp thời hệ thống cơ sở vật chất phục vụ TLCC; phối hợp tổ chức tốt hai đợt tiền trạm của các nền kinh tế, hoạt động Sơ duyệt của Chủ tịch Ủy ban Quốc gia và Tổng duyệt của Chủ tịch nước; tham gia đón, tiễn Lãnh đạo cấp cao 20 nền kinh tế; phối hợp xử lý các công việc đột xuất, phát sinh, đảm bảo mọi hoạt động của TLCC đều diễn ra suôn sẻ; cung cấp 844 liên lạc viên và tình nguyện viên được đào tạo bài bản phục vụ cho TLCC.

Chỉ đạo quyết liệt công tác chỉnh trang đô thị, đảm bảo trật tự đô thị, hạ tầng thông tin, liên lạc, nguồn cung cấp điện, nước, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC. Hoàn thành công tác tổ chức Cuộc thi thiết kế và sản xuất sản phẩm lưu niệm du lịch, quà tặng phục vụ APEC 2017 với 171 sản phẩm của 85 tổ chức, cá nhân đăng ký dự thi. Đặc biệt, thành phố đã khơi dậy sức mạnh đồng thuận của toàn dân, kịp thời khắc phục tác động của mưa bão, xây dựng hình ảnh thành phố Đà Nẵng thân thiện, sẵn sàng đón tiếp các nguyên thủ và khách tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Các lực lượng chức năng đã phối hợp Ủy ban Quốc gia đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn cho tất cả các sự kiện và gần 11.000 đại biểu tham dự TLCC.

           Các công trình cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017 được hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng như: Nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; Nút giao thông phía Tây cầu sông Hàn; Nút giao thông Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ - Lê Độ; Công viên APEC; xây dựng, cải tạo các bãi đỗ xe, cải tạo, chỉnh trang một số tuyến đường phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017; Cải tạo Trung tâm Hội chợ triển lãm thành Trung tâm báo chí; Cải tạo, sửa chữa Cung thể thao Tiên Sơn, Trung tâm hành chính thành phố; Xây dựng mới Trung tâm Hội nghị và Triển lãm quốc tế Ariyana, Khách sạn Sheraton, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng; Cải tạo các hạng mục tại khách sạn Intercontinental, Khách sạn Furama… Đây cũng là những công trình hạ tầng, những địa điểm tổ chức sự kiện đạt tiêu chuẩn quốc tế mà thành phố có thể khai thác sử dụng để phục vụ cho những sự kiện lớn, sự kiện quốc tế sau Tuần lễ cấp cao APEC 2017.

 Thành phố đã chủ trì tổ chức nhiều hoạt động bên lề TLCC, nổi bật là Cuộc thi thiết kế và sản xuất sản phẩm lưu niệm, du lịch, quà tặng APEC thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham gia, Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017 (14-15/10/2017) thu hút hơn 1200 đại biểu tham gia; tiếp xúc nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư kinh tế lớn như Giám đốc Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB)..., và một số tập đoàn hàng đầu thế giới đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Thụy Sĩ… Thành phố cũng tổ chức các chương trình tham quan cho Phu nhân Tổng thống Peru, Phu nhân Thủ tướng Papua New Guinea, Phu nhân Thủ tướng Thái Lan và các tour cho 800 lượt đại biểu, khách mời APEC.

 

4. Quản lý quy hoạch, đô thị, đầu tư xây dựng cơ bản và tài nguyên môi trường

4.1. Công tác quản lý quy hoạch, đô thị

Thành phố đã triển khai điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch chung thành phố đến năm 2035, tầm nhìn 2050; nghiên cứu, khai thác ý tưởng cuộc thi quy hoạch và thiết kế cảnh quan hai bên bờ sông Hàn để hoàn chỉnh lập Quy hoạch tổng thể cảnh quan; tổ chức thi tuyển phương án quy hoạch và thiết kế cảnh quan khu vực ven biển phía Bắc thành phố và phương án thiết kế quy hoạch, kiến trúc Quảng trường trung tâm thành phố; lập Quy hoạch tổ chức không gian và thiết kế cảnh quan khu vực dọc tuyến ven biển phía Đông.

Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý kiến trúc xây dựng theo đúng quy hoạch và các quy định hiện hành. Trong năm, tổng số đồ án quy hoạch được phê duyệt là 219 đồ án với tổng diện tích khoảng 2.970 ha. Ngành chức năng đã cấp 2.250 giấy phép xây dựng và 220 giấy xác nhận quy hoạch; thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, xử lý liên quan công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, quản lý an toàn trong thi công xây dựng, thực hiện kế hoạch “Năm chất lượng công trình xây dựng 2017”, tổ chức kiểm tra 206 lượt công trình, ban hành 39 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng; tuy nhiên trong năm, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 02 sự cố công trình xây dựng[17]. Thành phố cũng đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các dự án trên bán đảo Sơn Trà.

Thành phố đã giải quyết di dời và thu hồi quản lý 05/09 khu tập thể xuống cấp; ban hành Quy định cụ thể tiêu chí ưu tiên để lựa chọn đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách trên địa bàn thành phố và triển khai bán thí điểm 516/846 căn hộ nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước.

4.2. Tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản năm 2017 ước thực hiện 5.500 tỷ đồng (không kể vốn ODA), đạt 95% kế hoạch giao.

Trong năm 2017, thành phố đã hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 và các công trình lớn như: Tuyến đường vành đai phía Bắc (đường Nguyễn Tất Thành nối dài), Tuyến đường gom dọc đường sắt từ Ngã Ba Huế đến Hòa Cầm, Đường Mai Đăng Chơn (giai đoạn 2), Tuyến đường từ đường ĐT602 vào Nghĩa trang Hòa Ninh, Cải tạo, nâng cấp đường Ngô Thì Nhậm (đoạn từ nút giao với đường sắt đến TTHC quận Liên Chiểu), Nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐH8 (từ QL14B đi hồ Đồng Nghệ và đoạn bổ sung của tuyến đường ĐH4 từ QL14B đến giáp đường vành đai phía Nam), Cải tạo nâng cấp hệ thống thu gom nước thải KCN Hòa Khánh, Sân vận động Hòa Xuân 20.000 chỗ ngồi, Mở rộng Cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện tập trung tại Bàu Bàng, Xây dựng công trình nước sạch 4 thôn Sơn Phước, Mỹ Sơn, Đông Sơn, An Sơn; Chung cư thu nhập thấp tại Khu TĐC Phước Lý (2 block 7 tầng và 3 block 9 tầng), Bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích các Đình làng, Trung tâm chăm sóc và giáo dục mầm non Onesky Đà Nẵng (vốn ngân sách và vốn tài trợ của nước ngoài) và các trường học phục vụ năm học mới 2017-2018, đặc biệt là các công trình trường Tiểu học học ngày 2 buổi[18]… 

4.3. Tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường

Công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được thực hiện chặt chẽ theo quy định. Hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính tại 05 quận: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, đang triển khai thực hiện tại quận Liên Chiểu và huyện Hoà Vang. Đến nay, 100% hồ sơ cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được thực hiện theo phương thức điện tử. Kiện toàn tổ chức bộ máy Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố và 03 chi nhánh quận, huyện trực thuộc.

Tích cực triển khai nhiều biện pháp giải quyết các điểm nóng về môi trường mang lại những chuyển biến tích cực như: triển khai thực hiện chuyên đề “Tăng cường xử lý các điểm nóng về môi trường”, hoàn thành Trạm XLNT KCN Hòa Khánh mở rộng, Hệ thống XLNT tại Trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm, Hệ thống thu gom nước thải đường số 4 KCN Hòa Khánh, hệ thống quan trắc tại Trạm XLNT KCN Hòa Khánh. Tập trung giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại Công ty Cổ phần thép Dana Úc và Dana Ý, ô nhiễm môi trường do các cửa xả ven biển. Tiếp tục kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Đề án “Thu gom rác theo giờ”, triển khai thực hiện thí điểm Phân loại rác thải tại nguồn tại 02 phường Thuận Phước, Thạch Thang giai đoạn 2017-2018 trong khuôn khổ Dự án “Quản lý chất thải rắn nhằm thúc đẩy phân loại và tái chế tại thành phố Đà Nẵng” do JICA tài trợ. Phối hợp tổ chức thành công Diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu trong Chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2017.

Vận hành hệ thống tiếp nhận, quản lý số liệu quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn thành phố. Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình quan trắc môi trường nước và không khí theo Đề án Xây dựng mạng lưới quan trắc không khí và nước năm 2017. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành bảo vệ môi trường đối với các dự án đã được phê duyệt hồ sơ môi trường, đặc biệt chú trọng đến các dự án khai thác khoáng sản[19]. Phối hợp ban hành Quyết định số 4546/QĐ-UBND ngày 18/8/2017 của UBND hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng về thành lập Ban điều phối Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng; ban hành Quy chế và Kế hoạch hoạt động của Ban Điều phối và Tổ công tác thường trực giai đoạn 2017-2020.

5. Thu chi ngân sách

Thành phố đã tập trung, tích cực triển khai và thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy kinh tế phát triển nhằm tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách, điều hành chi ngân sách chặt chẽ, theo đúng dự toán giao, đảm bảo sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, đúng chế độ quy định. Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 23.379,35 tỷ đồng, đạt 111,9% dự toán HĐND thành phố giao, trong đó: thu nội địa ước 20.384,35 tỷ đồng[20], đạt 112,7% dự toán HĐND giao và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 2.995 tỷ đồng, đạt 106,8% dự toán giao.

          Điều hành chi ngân sách tiết kiệm, chặt chẽ, hiệu quả. Thực hiện cân đối, sắp xếp dự toán để đảm bảo kinh phí thực hiện các nhiệm vụ theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính và Chính phủ. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 15.805,15 tỷ đồng, đạt 114% so với dự toán HĐND thành phố giao, trong đó: chi đầu tư phát triển 7.748,9 tỷ đồng, (trong đó chi theo dự toán 6.222,3 tỷ đồng, đạt 95%); chi thường xuyên 7.191,18 tỷ đồng, đạt 107% so với dự toán giao.

6. Về khoa học - công nghệ, văn hoá - thể thao, y tế, giáo dục và đào tạo, lao động - thương binh - xã hội

Về khoa học - Công nghệ: Ngoài công tác hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hoá, thành phố còn tập trung thực hiện các nhiệm vụ như: triển khai 05 đề tài cấp quốc gia, 03 dự án Nông thôn Miền núi, 11 đề tài cấp thành phố, 32 đề tài cấp cơ sở, các đề tài đã gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thành phố, có địa chỉ ứng dụng rõ ràng và có cam kết của các đơn vị ứng dụng. Tiến hành khen thưởng khoa học và công nghệ cho 01 giải pháp hữu ích, 03 công trình đạt giải thưởng sáng tạo KH&CN Việt Nam và 119 bài báo ISI. Tổ chức Ngày KH&CN Việt Nam 18/5, cấp giấy chứng nhận 01 doanh nghiệp KH&CN và 01 Giấy chứng nhận Hợp đồng chuyển giao công nghệ. Phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức Sự kiện Ứng dụng, chuyển giao đổi mới công nghệ năm 2017 tại Đà Nẵng.

Tăng cường quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, an toàn bức xạ hạt nhân và đo lường chất lượng[21]; công nhận 16 sáng kiến có tác dụng, ảnh hưởng đối với thành phố; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho 03 tổ chức kinh tế tập thể; kiểm định, hiệu chuẩn, kiểm tra 14.768 phương tiện đo, đạt 109% kế hoạch.

Về Văn hóa - Thể thao: Thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ nhân các dịp lễ, Tết gắn với hoạt động kỷ niệm 20 năm thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017 cùng chuỗi các hoạt động phụ trợ và triển khai các hoạt động văn hóa - lễ hội thường xuyên hai bên bờ sông Hàn, tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20… thu hút đông đảo người dân và du khách. Thành phố đã ban hành Quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; cải tạo, nâng cấp Bảo tàng điêu khắc Chăm, triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, giải tỏa mặt bằng công trình Tu bổ tôn tạo Di tích Thành Điện Hải; phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ công bố quyết định và đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia cho Di tích lịch sử Hải Vân Quan.

Tổ chức nhiều hoạt động thể dục thể thao quần chúng và hoạt động TDTT quốc gia, quốc tế. Hoạt động TDTT thành tích cao được chú trọng, đến 31/10/2017, Đoàn Thể thao Đà Nẵng đạt tổng cộng 180 HCV, 192 HCB, 259 HCĐ[22]. Ngoài ra, tại giải Bóng đá Vô địch quốc gia V-League năm 2017, sau 24 vòng đấu, Đội SHB

Đà Nẵng đang xếp vị trí thứ 9 trên bảng xếp hạng với tổng 30 điểm.

Về Y tế: Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại các tuyến điều trị và chỉ đạo tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát bệnh dịch trên địa bàn. Tình hình dịch bệnh trên địa bàn tương đối ổn định, song dịch bệnh Sốt xuất huyết tăng cao so với năm 2016[23]. Tập trung đẩy nhanh tiến độ công trình Trung tâm tim mạch - Bệnh viện Đà Nẵng (công trình y tế trọng điểm năm 2017).

Triển khai chương trình “an toàn vệ sinh thực phẩm” thực hiện chương trình “thành phố 4 an”, thành phố đã tập trung công tác thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, thành lập 99 đoàn thanh tra, kiểm tra 5.456/10.190 cơ sở kinh doanh thực phẩm, đạt tỷ lệ 53,5%, trong đó có 367 cơ sở vi phạm, chiếm tỷ lệ 6,7%. Xây dựng mô hình chuỗi cung cấp sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn; triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép Đà Nẵng thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố.

Về Giáo dục và Đào tạo: Tập trung đầu tư cơ sở vật chất dạy và học, nhất là đảm bảo các điều kiện dạy học 02 buổi/ngày cho học sinh tiểu học. Đến nay, toàn thành phố có 92,9% học sinh được học 2 buổi/ngày, trong đó 88% trường có 100% học sinh học 2 buổi/ngày. Tiếp tục đổi mới phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, kiểm định chất lượng giáo dục các cấp[24]. Triển khai có hiệu quả Đề án Sữa học đường giai đoạn 2016-2017 và phê duyệt Đề án Sữa học đường giai đoạn 2018-2020. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án xây dựng phòng học bộ môn đạt chuẩn đến năm 2020[25]; Đề án dạy và học ngoại ngữ các cấp học giai đoạn 2012-2020[26] và Đề án đầu tư và trang bị thiết bị hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học tại các trường THCS, THPT.

Về Lao động - Thương binh - Xã hội: Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình “Có việc làm” giai đoạn 2016-2020, các thành phần kinh tế trên địa bàn ước tạo việc làm tăng thêm cho 24.680 lao động, đạt Nghị quyết HĐND thành phố đề ra, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ước giảm còn 3,6%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 49%.

Thực hiện tốt công tác chăm sóc các đối tượng chính sách, người có công, thành phố đã giải quyết chế độ chính sách cho hơn 21.500 đối tượng hưởng trợ cấp thường xuyên, kinh phí chi trả hàng tháng gần 28 tỷ đồng; triển khai Đề án sửa chữa nhà ở cho đối tượng người có công năm 2017, đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 1430 nhà, đạt 107,9% kế hoạch. Thành phố đã hoàn chỉnh 46 hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH, hoàn thành xây mới nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Khương, kinh phí trên 20 tỷ đồng, tổ chức di dời gần 900 mộ liệt sĩ, quy tập 16 hài cốt liệt sĩ.

Tập trung triển khai chương trình “an sinh xã hội” thực hiện mục tiêu “thành phố 4 an”, thành phố đã trợ cấp hàng tháng cho hơn 36.000 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí 158 tỷ đồng/năm; bố trí chung cư cho 329 đối tượng là hộ nghèo, hộ chính sách người có công và phụ nữ đơn thân. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ được quan tâm, trên 99% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, giúp đỡ bằng nhiều hình thức; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí và hàng ngàn trẻ em trong gia đình nghèo, khó khăn mắc các bệnh hiểm nghèo được cấp thẻ BHYT và điều trị miễn phí.

7. Xây dựng chính quyền - Thanh tra - Tư pháp

Thành phố đã ban hành Quy định về quản lý tổ chức bộ máy, số lượng người làm việc, vị trí việc làm, cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố. Tăng cường triển khai hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước với tỷ lệ trả kết quả sớm và đúng hẹn đạt 99,9% tại các sở, ban, ngành, 99,99% tại UBND các quận, huyện và 99,99 % tại UBND các phường, xã; mở rộng triển khai hẹn giờ giao dịch hành chính tại tất cả các sở, ban, ngành thuộc UBND thành phố. Các quận Liên Chiểu, Hải Châu, Sơn Trà đã được công nhận đơn vị hành chính loại 1. Kiện toàn sắp xếp lại tổ dân phố, toàn thành phố có 2.784 tổ dân phố, giảm 2.965 tổ (chiếm 51,6%) so với trước đây.

Thành phố đã triển khai 4.973 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính và chuyên ngành trên các lĩnh vực tại 12.540 tổ chức, cơ sở, cá nhân, đã phát hiện sai phạm 15,6 tỷ đồng và kiến nghị thu hồi số tiền 5,2 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước và 10,3 tỷ đồng nộp BHXH quận Liên Chiểu, xử lý vi phạm hành chính 18,3 tỷ đồng. Công tác tiếp công dân được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc góp phần tích cực giải quyết kiến nghị của công dân và ổn định xã hội. Các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn đã tiếp 3.977 lượt người, tiếp nhận 150 đơn khiếu nại, tố cáo (117 khiếu nại, 33 tố cáo), thụ lý giải quyết 47 đơn (38 khiếu nại, 09 tố cáo) thuộc thẩm quyền.

Tăng cường chỉ đạo, nâng cao chất lượng tham mưu các văn bản quy phạm pháp luật tại các sở, ban, ngành và địa phương, đảm bảo thực hiện đầy đủ và đúng quy trình, thủ tục, chất lượng và hiệu quả các các văn bản do thành phố ban hành. Thành phố đã xây dựng Kế hoạch Kiểm soát thủ tục hành chính năm 2017 và Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2017; triển khai thực hiện công bố công khai danh mục TTHC thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích; hỗ trợ các cơ quan tư pháp (cơ quan tư pháp, tòa án, thi hành án, dân sự) trên địa bàn thành phố thành lập Tổ 1 cửa 2 cấp ở cấp thành phố và quận, huyện.

8. Quốc phòng - An ninh

Tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, củng cố xây dựng khu vực phòng thủ, tăng cường khả năng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền tuyến biển của thành phố, thực hiện tốt công tác bảo vệ ngư dân hoạt động trên biển. Hoàn thành giao nhận quân năm 2017 đạt 100% chỉ tiêu. Chỉ đạo tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ cho 02 quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn và diễn tập chiến đấu phòng thủ cho 14 xã, phường. Xây dựng, đào tạo, huấn luyện lực lượng DQTV, DBĐV, SQDB bảo đảm chỉ tiêu, đạt chất lượng tốt.

Triển khai hiệu quả chương trình “an ninh trật tự”, “an toàn giao thông” thực hiện mục tiêu chương trình “thành phố 4 an”; duy trì công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phòng chống cháy nổ trong dịp Tết, Lễ 30/4, 01/05 và Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng - DIFF 2017, Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, ra quân tấn công trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm cố ý gây thương tích, giết người, cướp giật, trộm cắp, ma túy, cờ bạc và tệ nạn xã hội. Ký kết quy chế phối hợp tuần tra an ninh vùng giáp ranh giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nhằm phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông, tiến hành xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông qua hệ thống camera giám sát; có giải pháp đảm bảo ATGT tại các nút có nguy cơ ùn tắc. Trong 10 tháng, trên địa bàn thành phố xảy ra 85 vụ tai nạn giao thông (giảm 12 vụ so với cùng kỳ 2016), làm chết 50 người (giảm 16 người), bị thương 56 người (giảm 16 người).

Nhìn chung, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, thành phố tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và phát sinh một số vấn đề nổi cộm, phức tạp làm ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành của thành phố, cũng như tư tưởng của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân thành phố. Lãnh đạo thành phố đã kịp thời chỉ đạo, lãnh đạo các cấp, các ngành tập trung ổn định tình hình kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh năm 2017, từng bước giải quyết các khó khăn, vướng mắc, giữ vững tốc độ tăng trưởng ổn định so với năm 2016. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Các công trình trọng điểm đảm bảo tiến độ. Tiến độ thu ngân sách đạt khá so với dự toán và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của thành phố[27]. Các hoạt động văn hóa, lễ hội, thể thao, vui chơi giải trí diễn ra sôi nổi. Tuần lễ cấp cao APEC 2017 đạt kết quả tốt về mọi mặt, góp phần tạo dấu ấn đối ngoại và động lực mới cho sự phát triển thành phố. Chương trình thành phố “4 an” được triển khai tích cực gắn với các chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, chủ trương “Năm văn hoá, văn minh đô thị” và đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường”. Thực hiện tốt chương trình xây dựng, sửa chữa nhà cho các gia đình chính sách. Công tác cải cách hành chính được chú trọng, thành phố tiếp tục dẫn đầu cả nước năm thứ 4 liên tiếp về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năm thứ 5 liên tiếp về Chỉ số cải cách hành chính (Par index), năm thứ 9 liên tiếp về Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) và liên tục nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất về Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí.

Tuy nhiên, tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, một số chỉ tiêu tăng trưởng thấp như: giá trị sản xuất công nghiệp do chưa thu hút được các dự án mới, quy mô lớn, chỉ dựa vào tăng trưởng của các doanh nghiệp hiện có, không có giá trị tăng thêm của các dự án mới, giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 8,1%[28]. Công tác quản lý trật tự xây dựng tuy được tăng cường song tình trạng xây dựng không phép, trái phép vẫn còn xảy ra; một số điểm nóng ô nhiễm môi trường chưa được xử lý dứt điểm. Tình hình tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy còn diễn biến phức tạp; tai nạn giao thông tuy được kiềm chế nhưng vẫn xảy ra một số vụ tai nạn nghiêm trọng.

 

II. Định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2018

1. Bối cảnh, mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu năm 2018

a) Bối cảnh tình hình

Năm 2018, dự báo tăng trưởng kinh tế cả nước tiếp tục cải thiện tích cực nhờ sự gia tăng hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, xây dựng, thương mại bán buôn và bán lẻ, ngân hàng và du lịch. Tăng trưởng kinh tế và thương mại của thế giới dự báo cáo hơn trong năm 2017, tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển kinh tế và xuất khẩu. Ngoài ra, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng cải thiện, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư tư nhân, giúp thúc đẩy sản xuất trong nước và thương mại. Những nỗ lực của Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy tăng trưởng được thực hiện triệt để và quyết liệt trong năm 2017 sẽ phát huy hiệu quả trong năm 2018. 

Đối với Đà Nẵng, năm 2017 ngành du lịch với  lượng khách du lịch tăng cao  hơn 6.600 ngàn lượt khách và sau sự kiện APEC, hình ảnh điểm đến Đà Nẵng được nâng tầm quốc tế. Thu hút đầu tư trong nước cũng tăng cao, tăng 1,8 lần về số dự án và 1,9 lần về tổng vốn đầu tư, cùng với quyết tâm duy trì các mục tiêu tăng trưởng, tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tích cực huy động các nguồn thu vào ngân sách, quản lý chi ngân sách chặt chẽ và hiệu quả hơn sẽ tạo tiền đề cho năm 2018 tiếp tục phát triển góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Các chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “thành phố 4 an” tiếp tục được duy trì thực hiện. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, một số bất ổn từ nền kinh tế thế giới, khu vực và trong nước, nguy cơ lạm phát, khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn chậm, quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, thu hút đầu tư nước ngoài còn thấp, tình hình dân số gia tăng, thiên tai, dịch bệnh, an toàn giao thông, nguy cơ ô nhiêm môi trường nhất là khu vực ven biển, tình trạng xây dựng trái phép, kiểm soát việc giao đất, sử dụng đất yếu kém và không đúng quy hoạch từ các năm trước cũng là thách thức rất lớn đối với thành phố trong thời gian đến.

b) Mục tiêu

Phát huy thành công sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC Đà Nẵng 2017, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh thành phố, thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp phát triển kinh tế, dịch vụ du lịch, thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích khởi nghiệp và sáng tạo, đổi mới công nghệ, xây dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện, tăng trưởng bền vững ổn định; cải thiện môi thiện môi trường đầu tư; tập trung phát triển các ngành kinh tế then chốt, có khả cạnh tranh như: dịch vụ chất lượng cao, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao.

Tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, ưu tiên giải quyết các điểm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; tăng cường quản lý trật tự, văn minh đô thị. Xây dựng hoàn thiện các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội với mục tiêu phát triển thành một trung tâm kinh tế lớn của khu vực và tăng cường khả năng liên kết vùng; điều chỉnh quy hoạch chung về phát triển đô thị một cách dài hạn, theo hướng của một đô thị gắn kết dựa vào giao thông công cộng, phát triển các trung tâm mới khu vực phía Tây, khu vực Vịnh Đà Nẵng và tái thiết lại các khu đô thị cũ xuống cấp không đảm bảo về môi trường, phòng chống cháy nổ.

Tiếp tục triển khai thực hiện có kết quả các chương trình thành phố “4 an”, “5 không”, “3 có”. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản biên chế gắn với cải cách công vụ, công chức, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

c) Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2018

(1). Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá SS2010) tăng 9-10% so với ước thực hiện 2017;

(2). GTSX các ngành dịch vụ tăng 8,8-9,8%;

(3). GTSX công nghiệp - xây dựng tăng 8-9%, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8,5-9%

(4). GTSX thủy sản - nông - lâm tăng 3,5-4,5%;

(5). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 12-13%;

(6). Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn phấn đấu tăng ít nhất 5% so với dự toán ngân sách Nhà nước Trung ương giao;

(7). Tổng vốn đầu tư phát triển đạt 40.000 tỷ đồng, tăng 6-7%;

(8). Tỷ lệ tạo việc làm tăng thêm 4,04%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 51%.

(9). Tỷ lệ giảm sinh ước đạt 0,1%o;

(10). Tỷ lệ hộ nghèo (hộ nghèo không còn sức lao động) còn lại cuối năm theo chuẩn thành phố 1,25%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn 3,4%;

(11). Gọi công dân nhập ngũ đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch.

2. Nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực

a) Công tác chỉ đạo, điều hành

Thực hiện tốt Kết luận 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khoá XI) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX); Thông báo số 186/TB-VPCP ngày 05/5/2014, Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 24/6/2014 và Thông báo số 363/TB-VPCP ngày 04/11/2016 của Văn phòng Chính phủ; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, Quyết định 4254/QĐ-UBND ngày 02/7/2016 về Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU của Thành Ủy Đà Nẵng thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố và Quyết định 4593/QĐ-UBND ngày 12/7/2016 về V/v ban hành “Kế hoạch hợp tác liên kết, hỗ trợ giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam” nhằm triển khai thực hiện Kết luận số 26-KL/TUQN-TUĐN ngày 27/4/2016 của Thành ủy Đà Nẵng và Tỉnh ủy Quảng Nam; Kế hoạch của UBND thành phố về triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng và thực hiện Đề án Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020.

b) Về phát triển kinh tế

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP, giá so sánh 2010, phương pháp giá cơ bản) khoảng 9-10% so với ước thực hiện 2017.

Phát triển các lĩnh vực dịch vụ

Hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa để các nhà đầu tư sớm triển khai hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án phục vụ du lịch nghỉ dưỡng như: Khu vui chơi giải trí Cocobay, Khu giáo dục ngoại khóa và du lịch sinh thái khu vực Khe Răm, Khu du lịch sinh thái kết hợp cảnh quan thiên nhiên và bảo tồn làng nghề truyền thống v.v...;

Hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thiện dự án tạo sản phẩm du lịch mới tại Công viên Châu Á, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài v.v... Đôn đốc sớm đầu tư xây dựng Khu du lịch và giải trí tổng hợp Làng Vân, Công viên Đại Dương Sơn Trà, Sân Gôn Bà Nà, các dự án chậm triển khai. Triển khai đầu tư xây dựng từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng du lịch về đường thủy để phát triển mạnh du lịch đường thủy nội địa; hoàn thiện hệ thống cầu tàu tại các điểm đón, trả khách du lịch dọc các tuyến sông (Di tích K20, Túy Loan, Thái Lai, CT15, Bán đảo Sơn Trà, Cảng sông Hàn, Cảng Thuận Phước v.v..). Nghiên cứu lập, bổ sung quy hoạch và kêu gọi, vận động đầu tư vào loại hình dịch vụ du lịch ưu tiên như: du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn các làng nghề truyền thống, phát triển Nông nghiệp gắn với các mô hình tạo cảnh quan để tham quan du lịch, các cụm dịch vụ giải trí - ẩm thực - mua sắm tập trung, hình thành các khu vui chơi giải trí về đêm, phố đi bộ, chợ đêm, trung tâm biểu diễn nghệ thuật quy mô lớn phục vụ du lịch. Xây dựng lắp đặt hệ thống bản đồ du lịch Đà Nẵng tại các tuyến đường trung tâm và gần các khu điểm du lịch.

Thúc đẩy phát triển loại hình du lịch cao cấp như: kết hợp hội họp, hội nghị, triển lãm (MICE), đặc biệt là khai thác các công trình phục vụ APEC, các sự kiện sau APEC 2017 để thu hút khách du lịch, trở thành điểm đến hàng đầu về dịch vụ MICE trong vùng. Khai thác hiệu quả các sự kiện thể thao kết hợp du lịch và phát triển các dịch vụ y tế chất lượng cao để kết hợp du lịch nghĩ dưỡng với các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe, trở thành một ngành kinh doanh cạnh tranh trong khu vực.

Đầu tư hoàn thiện hệ thống các bãi tắm công cộng và hệ thống cây xanh ven biển kết hợp với cảnh quan các khu resort thành một không gian xanh với bản sắc riêng, mở rộng các tuyến đường xuống biển để gắn kết thúc đẩy phát triển dịch vụ các khu đô thị bên trong, đồng thời phục vụ cho nhân dân tại khu vực tiếp cận với không gian sinh hoạt công cộng ven biển, đặc biệt khu vực Ngũ Hành Sơn

Mở rộng thị trường khách du lịch quốc tế và trong nước thông qua việc tăng thêm các chuyến bay trực tiếp từ các nước trong khu vực và một số nước phát triển đến Đà Nẵng; xây dựng chính sách ưu đãi đột phá thí điểm áp dụng cho Cụm du lịch trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam) trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phấn đấu tổng lượt khách du lịch đạt 7,47 triệu lượt, tăng 13,2% so với ước thực hiện 2017, trong đó khách quốc tế đạt 2,7 triệu lượt, tăng 17,4% và tổng thu nhập xã hội từ du lịch đạt 22.500 tỷ đồng, tăng 16%.

Chuẩn bị các bước để kêu gọi Đầu tư xây dựng chợ Đầu mối gia súc, gia cầm, nông sản Hòa Phước. Kêu gọi đầu tư, xây dựng phương án nâng cấp chợ Cồn thành Trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống theo hướng văn minh, hiện đại. Thường xuyên tổ chức và đa dạng hóa các triển lãm trong nước, quốc tế tại Trung tâm Hội chợ triển lãm để thu hút đầu tư và kết nối cung cầu. Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường Việt Nam đã ký kết các cam kết hội nhập song phương và đa phương. Thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’”. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 14-15% so với ước thực hiện 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 12-13%.

Phát triển các loại hình vận tải hợp lý, đưa vào vận hành thêm các tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trợ giá, tuyến xe buýt từ trung tâm thành phố đến Khu Công nghệ cao; tăng cường công tác truyền thông để khai thác hiệu quả các tuyến xe buýt công cộng làm tiền đề để triển khai hệ thống xe buýt nhanh BRT v.v..; triển khai đề án Thí điểm xe đạp công cộng khu vực Trung tâm thành phố. Triển khai thực hiện Đề án Phát triển vận tải công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện giao thông vào trung tâm thành phố. Sớm triển khai các bãi đỗ xe công cộng, nhà đỗ xe nổi, lắp ghép, bãi đỗ xe trong nhà tích hợp.

Phân luồng tổ chức giao thông cho khách du lịch đường biển, quản lý trật tự các tuyến vận tải cố định, xe chạy hợp đồng - du lịch, vận tải khách du lịch đường thủy nội địa. Triển khai dự án Đầu tư xây dựng hệ thống giám sát điều khiển giao thông thông minh. Hiện đại hóa Trung tâm điều hành Đèn tín hiệu giao thông và Vận tải công cộng thành trung tâm điều khiển, kiểm soát giao thông tập trung. Đẩy mạnh việc xây dựng và khai thác hệ thống giao thông thông minh (ITS) đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Tăng cường kiểm tra, xử lý giải quyết triệt để tình trạng "xe dù, bến cóc", xử lý nghiêm các vi phạm của các phương tiện vận tải khách đường thủy nội địa và xe "quá khổ", "quá tải trọng".

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu vực cảng Tiên Sa với quy mô tối đa 10 triệu tấn/năm, nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian thông quan các dịch vụ cảng biển-logistics. Hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư cảng Liên Chiểu để đón đầu phát triển về các dịch vụ logistics trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất, tuyến hành lang kinh tế Đông Tây 2 và gắn kết với việc quy hoạch mở rộng khu vực vịnh Đà Nẵng để trở thành một địa điểm đầu tư mới cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Tổ chức các hội thảo nhằm kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp CNTT Đà Nẵng và quốc tế. Tiếp tục triển khai chương trình, đề án thành phố thông minh trong lĩnh vực: giao thông, y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp, môi trường và các dự án Chính quyền điện tử; phát triển viễn thông di động 4G. Hoàn thành sắp xếp cáp thông tin trên khoảng 15 tuyến đường chính; triển khai trạm phát lại DVB-T2 tại xã Hòa Bắc; thử nghiệm giải pháp truyền thanh cơ sở thông qua truyền dẫn IP. Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Thông tin - Báo chí - Xuất bản; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp xuất bản, in và phát hành.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng kiểm soát kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2018 của các TCTD trên địa bàn theo định hướng tăng trưởng tín dụng của NHNN Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, hạn chế tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo tăng trưởng an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng; tiếp tục thực hiện các chương trình tín dụng cho các ngành, lĩnh vực theo chủ trương của Chính phủ; giám sát các TCTD chấp hành quy định về lãi suất huy động, cho vay theo quy định của NHNN Việt Nam.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp - xây dựng

Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Đề án điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp thành phố. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật dự án Khu công nghệ cao giai đoạn 1; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào Khu công nghệ cao ở các thị trường nước ngoài, thu hút từ 05-07 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 150 triệu USD.

Tập trung hoàn thành các thủ tục đầu tư và khởi công sớm Khu Công viên phần mềm số 2; hoàn thành giai đoạn 1 Khu Công nghệ thông tin tập trung số 1 để thu hút đầu tư trong năm 2018. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư và khởi công xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới, ưu tiên KCN Hòa Cầm (giai đoạn 2), KCN Hòa Nhơn, CCN Cẩm Lệ và CCN Hòa Nhơn nhằm đáp ứng nhu cầu mặt bằng cho các doanh nghiệp, bố trí di dời các doanh nghiệp nằm trong khu dân cư để giảm thiểu ô nhiễm và tạo điều kiện tiếp cận đất đai cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Tiếp tục rà soát các dự án chậm triển khai, kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường trong các KCN hiện có; xây dựng phương án lộ trình chuyển đổi công năng, đổi mới công nghệ, mua bán sáp nhập. Tiếp tục triển khai thí điểm từng bước chuyển đổi KCN Hòa Khánh thành KCN sinh thái tiến tới mô hình KCN bền vững tại Đà Nẵng.

Thực hiện có hiệu quả các dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm góp phần giúp cộng đồng doanh nghiệp chủ động nắm bắt các cơ hội, hạn chế các thách thức trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Thường xuyên tổ chức các buổi làm việc, duy trì tổ chức đối thoại thiết thực và hiệu quả giữa Lãnh đạo thành phố với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8,5-9% so với ước thực hiện 2017, Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 9%.

Duy trì phát triển sản xuất thủy sản - nông - lâm

Tiếp tục tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và thực hiện Chương trình quốc gia thực hiện Đề án ”Mỗi xã một sản phẩm”. Thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó ưu tiên phát triển các cánh đồng lúa hữu cơ và các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp gắn với phát triển du lịch. Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và cơ chế thực hiện nông thôn mới giai đoạn 2017-2020. Hoàn thiện quy hoạch và các thủ tục chuẩn bị đầu tư để thu hút các nhà đầu tư vào các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao.

Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản theo hướng khai thác lợi thế về chế biến thực phẩm và nâng cao năng lực khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền, biển đảo quốc gia. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ khai thác hải sản của Trung ương và thành phố; đẩy mạnh tiến độ thực hiện Đề án giảm số lượng phương tiện nghề cá loại công suất nhỏ hơn 20CV giai đoạn 2016-2020. Triển khai Dự án nâng cấp cảng cá Thọ Quang và Quy hoạch trung tâm nghề cá lớn thành phố Đà Nẵng theo hướng trung tâm thương mại dich vụ về nghề cá kết hợp với tham quan du lịch. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng dịch vụ nghề cá tại Khu Âu thuyền Thọ Quang, khai thác, sử dụng có hiệu quả chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang nhằm đáp ứng tốt nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng hiện đại. Chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phấn đấu giá trị sản xuất thủy sản - nông - lâm tăng 3,5-4,5% so với ước thực hiện 2017.

Tập trung công tác quản lý bảo vệ rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng trồng theo hướng lâm nghiệp đa chức năng, trồng rừng gỗ lớn và lâm sản ngoài gỗ; phát triển các mô hình kinh tế lâm nghiệp, gieo ươm cây giống, mô hình trồng cây gỗ lớn, cây dược liệu và kinh tế lâm sinh dưới tán rừng. Thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế đối với các dự án có sử dụng đất rừng. Củng cố, sắp xếp lại lực lượng kiểm lâm để thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, trong đó tập trung chú trọng bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra việc khai thác, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ lâm sản trái phép và kiểm soát, quản lý động vật hoang dã. Phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng năm 2018 đạt 43,8%.

c) Phát triển doanh nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước

Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP ngày 06/2/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư kinh doanh, giảm tối đa chi phí khởi nghiệp, giảm chi phí đầu vào, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, Đề án Phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, khuyến khích đầu tư trong nước, thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, có sản phẩm chủ lực, mang thương hiệu thành phố. Thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển mạnh khu vực doanh nghiệp dân doanh, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Có chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng, nhân lực để khuyến khích thành lập mới các vườn ươm doanh nghiệp, cơ sở ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo có tiềm năng phát triển trong một số lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh. Tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố, quốc gia phát triển về khởi nghiệp, đặc biệt với các quốc gia khởi nghiệp như Israel và các tỉnh lân cận như Quảng Nam trong khuôn khổ chương trình hợp tác của hai địa phương. Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Phát triển thị trường khoa học và công nghệ thành phố; phát huy có hiệu quả Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ thành phố để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Tiếp tục tổ chức các buổi làm việc, gặp mặt đối thoại giữa lãnh đạo thành phố và các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ cá thể nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất. Hoàn thiện các thủ tục giải thể và xóa tên hợp tác xã không còn hoạt động hoặc thua lỗ kéo dài, không thực hiện đúng quy định của pháp luật. Ban hành quyết định giãn tiến độ thêm 24 tháng theo Điều 46 của Luật Đầu tư và Điều 64 của Luật đất đai nhằm thu thêm tiền phạt tránh thất thu ngân sách nhà nước, đối với những dự án chây ì không giãn tiến độ thì tiến hành dừng dự án.

Chủ động và tích cực trong việc đa dạng hóa các hình thức đầu tư, đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực ưu tiên. Thực hiện có kết quả Đề án Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố giai đoạn 2016-2020 và Đề án Tăng cường hoạt động xúc tiến vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng giai đoạn 2017-2020. Tăng cường các hoạt động quảng bá về tiềm năng và cơ hội đầu tư tại thành phố, tích cực tổ chức các hội thảo xúc tiến đầu tư ở các thị trường trọng điểm như: Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc v.v.. Duy trì và mở rộng quan hệ với các tổ chức quốc tế về xúc tiến đầu tư, thương mại, các Đại sứ quán các nước tại Việt Nam để tiếp cận các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng.

Tiếp tục hỗ trợ, xúc tiến các dự án[29], tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục, năng lượng, công nghệ thông tin, công nghiệp, giao thông, logistic... Thực hiện công tác kiểm tra đối với các dự án FDI triển khai hoạt động chậm và khả nghi. Đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư nâng cấp Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nhằm phục vụ công tác cấp phép và hậu kiểm một cách hiệu quả nhất. Đẩy mạnh xúc tiến, tranh thủ tối đa và quản lý hiệu quả nguồn vốn ODA để đầu tư các công trình trọng điểm, quy mô lớn.

Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; phát huy động lực mới sau Tuần lễ cấp cao APEC 2017, đăng cai tổ chức những sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế, tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án tổng thể công tác ngoại giao kinh tế thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020 của thành phố Đà Nẵng.

d) Thực hiện tốt công tác quản lý đầu tư, quản lý quy hoạch, đô thị

Khẩn trương tổ chức lựa chọn các đơn vị tư vấn có năng lực để xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch Khu kinh tế ven biển và rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thiện các ý tưởng Quy hoạch chi tiết một số khu vực hai bên bờ sông Hàn, Quy hoạch quảng trường Trung tâm, quy hoạch khu vực vịnh Đà Nẵng, Quy hoạch tái thiết khu ga cũ và di dời ga đường sắt tại vị trí mới để bổ sung vào quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết. Triển khai Quy hoạch thí điểm tái thiết giảm mật độ xây dựng đô thị tại một số khu vực trung tâm thành phố có điều kiện hạ tầng không đảm bảo thành các khu đô thị nén, tạo không gian vui chơi sinh hoạt công cộng và phát triển các dịch vụ thương mại tại khu vực.

Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Lập quy hoạch chi tiết đối với các vị trí bãi đỗ xe và đề xuất đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe tập trung tại khu vực trung tâm thành phố; thí điểm mô hình bãi đỗ xe nổi, thông minh trong đó ưu tiên kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP. Thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo Quy hoạch chi tiết phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Hoàn thành các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm như: tuyến đường vành đai phía Nam (đoạn Hòa Phước - Hòa Khương), đường vành đai phía Tây, nút giao thông Túy Loan trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan (giai đoạn 2). Chuẩn bị kỹ công tác chuẩn bị đầu tư để triển khai các phương án tổ chức giao thông đối với nút giao thông phía Tây cầu Rồng; nút giao thông phía Tây cầu Tiên Sơn; cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý và các tuyến đường nội thị, Dự án Cải thiện hạ tầng giao thông vay vốn Quỹ OFID. Tập trung công tác chuẩn bị đầu tư và làm việc với các bộ ngành Trung ương để sớm triển khai Dự án xây dựng cảng Liển Chiểu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và giảm ách tắc giao thông trên tuyến đường ra cảng Tiên Sa, dự án di dời ga đường sắt và tái thiết khu ga cũ.

Trong năm 2018 tiếp tục tập trung các nguồn lực để thực hiện các công trình và nhóm công trình trọng điểm: Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng[30]; Tuyến đường vành đai phía Tây đoạn từ Quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh; Tuyến đường Trục I Tây Bắc[31]; Khu Ký túc xá sinh viên phía Tây và phía Tây mở rộng, Đầu tư xây dựng Khu đa chức năng và trang thiết bị Bệnh viện Phục hồi chức năng và Nâng cấp cơ sở và trang thiết bị Trung tâm Y tế dự phòng; Đầu tư nâng cấp các công trình Đê, kè chống sạt lở bờ sông bờ biển; Dự án cải thiện hạ tầng giao thông; dự án Cải tạo, nâng cấp một số nút giao thông trọng điểm nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông; tiếp tục nghiên cứu triển khai phương án tổ chức giao thông qua sông Hàn...

Thiết lập trật tự, kỷ cương trong quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 1/11/2017 của Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, quản lý trật tự xây dựng, an toàn lao động trên địa bàn thành phố, đặc biệt những khu vực chuẩn bị triển khai các dự án lớn trên địa bàn huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu. Xây dựng và thực hiện chương trình phát triển nhà ở đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp tục triển khai xử lý các khu tập thể xuống cấp và giải tỏa, di dời các hộ dân tại một số khu tập thể khác[32]; tiếp tục thí điểm bán nhà ở xã hội đối với Chung cư Khu dân cư Phong Bắc.

đ) Về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Thực hiện chặt chẽ quy trình giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công tác thu hồi đất, bồi thường và hỗ trợ tái định cư. Hình thành thêm các công viên, vườn dạo ven sông, hồ. Tiếp tục phối hợp với tỉnh Quảng Nam giải quyết các vấn đề liên quan đến việc quản lý lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.

Giải quyết triệt để tình trạng ngập úng, ô nhiễm ven biển[33], ô nhiễm trong các khu dân cư trên cơ sở tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn như: Xây dựng giai đoạn 2 đối với Trạm Hòa Xuân, Phú Lộc, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, KCN Hòa Khánh, Liên Chiểu, các tuyến thu gom và thoát nước chính khu vực Khe Cạn, Ngũ Hành Sơn và các điểm ngập úng khu vực nội thành thuộc dự án phát triển bền vững; tuyến cống gom thoát nước ven biển phía đông dọc đường Trường Sa, Võ Nguyên Giáp; tiếp tục nâng cấp giai đoạn 2 các trạm xử lý nước thải Phú lộc, Hòa Xuân, trạm xử lý Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, triển khai hệ thống thoát nước riêng giai đoạn 1 cho khu vực Ngũ Hành Sơn. Tập trung hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ tiên tiến nhằm cải thiện môi trường tại bãi rác Khánh Sơn.

Đến cuối năm 2018, đảm bảo trên 80% nước thải đô thị và 100% nước thải công nghiệp được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn; 98% rác thải đô thị và 70% rác thải khu vực nông thôn được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu. Tập trung thực hiện các giải pháp xử lý các điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố theo mục tiêu tại Quyết định số 7702/QĐ-UBND ngày 08/11/2016. Hoàn thành xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg, đồng thời triển khai các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm mới. Duy trì thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, Chương trình hành động về ứng phó với biến đổi khí hậu, Đề án thu gom rác thải theo giờ và Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp”.

Hoàn thành đưa vào sử dụng dự án Nhà máy nước hồ Hòa Trung và vận hành Nhà máy xử lý nước thải tập trung (giai đoạn 1) để phục vụ cho Khu Công nghệ cao. Đẩy nhanh tiến độ việc triển khai mở rộng hệ thống cấp nước tư nguốn vay ADB và nâng cấp mở rộng dự án nước khu vực cầu Đỏ quy mô 120.000 m3/ngđ. Hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án nhà máy nước Hòa Liên để đáp

ứng nhu cầu dùng nước đến năm 2020.   

e) Về công tác thu chi và điều hành ngân sách nhà nước

Trên cơ sở dự báo số thu NSNN năm 2017, dự kiến chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của thành phố năm 2018, chính sách thuế hiện hành, những sửa đổi, bổ sung về cơ chế chính sách, dự kiến tổng thu NSNN năm 2018 đạt 25.875 tỷ đồng, gồm: thu nội địa 22.635 tỷ đồng[34] và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 3.240 tỷ đồng.

Căn cứ khả năng nguồn thu dự kiến năm 2018; nhiệm vụ chính trị, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của thành phố và các chế độ, chính sách, thành phố dự kiến chi NSĐP năm 2018 là 18.756,23 tỷ đồng (bao gồm chi từ nguồn trung ương bổ sung có mục tiêu cho thành phố 2.097,6 tỷ đồng), trong đó: chi đầu tư phát triển 8.715,25 tỷ đồng, chi thường xuyên đạt 7.367,7 tỷ đồng. Bội chi NSĐP 781,2 tỷ đồng (vay lại từ nguồn chính phủ vay nước ngoài), chi trả nợ vay 48,526 tỷ đồng.

Tiếp tục tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách; tăng cường xử lý nợ đọng tiền sử dụng đất, chống thất thu, trốn thuế, nợ đọng thuế, gian lận chuyển giá, vi phạm pháp luật thuế, phí, lệ phí, thực hiện hóa đơn điện tử; thẩm định chặt chẽ các dự án, nâng cao hiệu quả đầu tư; triệt để tiết kiệm chi NSNN và sử dụng tài sản công, xe công. Tiếp tục thực hiện chủ trương cơ cấu lại NSNN theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, bảo đảm chi an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và quốc phòng, an ninh. Ưu tiên dành nguồn để bố trí trả nợ vay chính quyền địa phương khi đến hạn.

g) Về phát triển các lĩnh vực khoa học và công nghệ, văn hóa - thể thao, y tế, giáo dục - đào tạo, lao động - việc làm, an sinh xã hội v.v..

Về khoa học và công nghệ: Nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo cơ chế đặt hàng, khoán chi đến sản phẩm cuối cùng và cấp phát kinh phí theo cơ chế quỹ, tăng tỷ lệ thương mại kết quả đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ từ ngân sách nhà nước. Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hoá và hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp tại Đà Nẵng. Tăng cường hoạt động kết nối cung cầu công nghệ trên Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị (Techmart Online). Triển khai 02 Dự án: Xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học và Cơ sở nuôi cấy mô tế bào thực vật (giai đoạn 2) theo quy hoạch điều chỉnh mở rộng nâng cấp Trung tâm Công nghệ sinh học và Dự án mở rộng nâng cấp Trung tâm Công nghệ sinh học trở thành Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp và y dược cho các tỉnh vùng Nam Trung Bộ.

Về văn hóa - thể thao: Tiếp tục tuyên truyền thực hiện Chương trình “Thành phố 4 an”, tuyên truyền cổ động trực quan các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ và các sự kiện lớn trong năm 2018. Xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa đô thị; triển khai thực hiện Chiến lược Văn hóa đến năm 2020 của thành phố Đà Nẵng; triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Củng cố hoạt động văn hóa - nghệ thuật, nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và Nhà hát Trưng Vương, đa dạng hóa các hoạt động văn nghệ quần chúng.

Hoàn thiện hệ thống di tích và công tác quản lý để đưa vào phục vụ khách tham quan du lịch. Triển khai trùng tu tôn tạo di tích Thành Điện Hải, Trung tâm văn hóa thành phố. Hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư khu Công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn để kêu gọi đầu tư theo chủ trương xã hội hóa. Rà soát và đẩy nhanh công tác đầu tư các thiết chế văn hoá - thể thao, nhất là các thiết chế cấp cơ sở về quy mô, tổ chức quản lý và hoạt động, phát huy hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất đã được đầu tư. Chú trọng công tác quản lý Nhà nước đối với các lễ hội, hoạt động văn hoá, xử lý tình trạng quảng cáo sai quy định v.v..

Phát triển phong trào thể dục, thể thao, hoàn thiện các thiết chế thể thao cơ sở, tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình lắp đặt các thiết bị thể thao nơi công cộng; quan tâm phát triển thể thao học đường. Đầu tư trọng tâm, trọng điểm các môn thể thao chủ lực. Tổ chức tốt Đại hội TDTT thành phố Đà Nẵng lần thứ VIII năm 2018. Cử các VĐV chủ lực xuất sắc, các VĐV trẻ có tố chất chuyên môn đi tập huấn nước ngoài, thi đấu quốc tế để nâng cao trình độ, khả năng tranh chấp huy chương các giải vô địch quốc gia, các giải quốc tế. Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh phát triển các môn thể thao giải trí, thể thao biển, thể thao trên không để thu hút khách du lịch.

Về y tế: Củng cố và nâng cao chất lượng của hệ thống khám chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Triển khai các giải pháp tổng thể để giảm quá tải bệnh viện; kiện toàn mạng lưới bệnh viện chuyên khoa về ung bướu, tim mạch, nội tiết, chấn thương chỉnh hình, sản nhi. Tiêu chuẩn hóa công tác đào tạo cán bộ y tế cho từng tuyến. Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh và các chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong và tàn tật; khống chế các bệnh truyền nhiễm, các bệnh gây dịch thường gặp và mới nổi, không để dịch lớn, dịch nguy hiểm xảy ra. Tăng cường công tác kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm.

Về giáo dục và đào tạo: Triển khai thực hiện Đề án quy hoạch phát triển ngành giáo dục và đào tạo đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Thực hiện hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tăng cường các biện pháp quản lý, chỉ đạo công tác dạy thêm, học thêm. Tiếp tục đầu tư xây dựng xây dựng hệ thống trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu có 25% trường đạt chuẩn; đầu tư xây dựng hệ thống trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức 1 và mức 2, phấn đấu 75% trường đạt chuẩn và tiếp tục thực hiện học 2 buổi/ngày bậc tiểu học. Triển khai thực hiện Đề án xây dựng phòng học bộ môn đạt chuẩn đến năm 2020, Đề án dạy và học ngoại ngữ các cấp học, Đề án sữa học đường giai đoạn 2018-2020, hoàn thiện hệ thống sân thể thao các trường học và tăng cường giáo dục thể chất. Quản lý và củng cố hệ thống các trung tâm tin học, ngoại ngữ và nghiệp vụ và các cơ sở liên kết đào tạo, nhất là các cơ sở có yếu tố nước ngoài; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư xây dựng trường học quốc tế các cấp học. 

Về Lao động, việc làm, đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực:

Triển khai các giải pháp thực hiện Kế hoạch Chương trình "Có việc làm" cho người trong độ tuổi lao động của thành phố giai đoạn 2016-2020". Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển giáo viên dạy nghề thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013 - 2020”, Đề án “Đào tạo lao động dịch vụ chất lượng cao đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” và Đề án “Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp”. Đầu tư xây dựng trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng phát triển thành trường nghề chất lượng cao và đầu tư xây dựng cơ sở mới của Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp Đà Nẵng

 Đẩy mạnh đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực nhằm tạo cơ hội việc làm cho người lao động, ưu tiên phát triển nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng. Đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề, tăng cường liên kết hợp tác giữa các cơ sở đào nghề và giữa cơ sở đào nghề với doanh nghiệp. Nghiên cứu mở rộng và phát triển thị trường lao động nước ngoài, duy trì các thị trường truyền thống có nhu cầu về trình độ công nhân kỹ thuật có thu nhập cao và hỗ trợ người lao động đi xuất khẩu lao động. Phấn đấu tạo việc làm tăng thêm cho 23.650 lao động, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 51% và giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống 3,4%.

Về an sinh xã hội: Thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Tích cực vận động, kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phụng dưỡng 100% Mẹ Việt Nam Anh Hùng còn sống. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “nâng cấp Mộ - Nghĩa trang liệt sĩ, Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ giai đoạn 2016 -2018”, Đề án giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, Đề án Nâng mức trợ cấp cho các đối tượng xã hội và Đề án “Nâng cấp, sửa chữa nhà ở đối tượng chính sách giai đoạn 2017-2020”. Tập trung thực hiện các giải pháp giúp người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập và tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội (y tế, giáo dục, nhà ở, điện nước sinh hoạt, tư vấn pháp lý…).

h) Về xây dựng chính quyền, cải cách thủ tục hành chính; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra, tư pháp; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Triển khai thực hiện Đề án sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố. Tiếp tục thực hiện chính sách tinh giản biên chế trong giai đoạn 2015-2021 theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tiếp tục nghiên cứu đề xuất thực hiện thí điểm Chính quyền đô thị đối với thành phố Đà Nẵng và nghiên cứu, xúc tiến triển khai thí điểm mô hình xây dựng chính quyền Đô thị Cảng.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện và hiệu quả quản lý nhà nước. Hình thành đồng bộ chính quyền điện tử; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020. Tăng cường kiểm tra văn bản pháp luật và giải quyết theo quy trình một cửa trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, giao thông vận tải, an toàn thực phẩm, an toàn lao động.v.v... Rút ngắn ít nhất 20% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng cơ bản theo quy định của pháp luật; triển khai thêm trên 200 dịch vụ công trực tuyến theo Kế hoạch cải cách hành chính đã được phê duyệt; thực hiện việc thanh toán qua mạng đối với các dịch vụ hành chính công trực tuyến của các cơ quan nhà nước. Tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt thực hiện tốt nội dung “5 xây”, “3 chống” của Chỉ thị 29-CT/TU.

Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ; đôn đốc, theo dõi việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo đã có hiệu lực; giải quyết kịp thời các khiếu kiện của nhân dân, không để xảy ra “điểm nóng”. Tập trung kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Tăng cường thực hiện các biện pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Rà soát hệ thống pháp luật của thành phố, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, minh bạch và khả thi. Tiếp tục triển khai các Chương trình, đề án về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân thành phố. Triển khai Kế hoạch của UBND thành phố thực hiện Quyết định số 678/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

i) Về quốc phòng - an ninh

Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Thực hiện tốt công tác bảo vệ ngư dân hoạt động trên biển. Tăng cường công tác tuyên truyền, kiên quyết đấu tranh, khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo, lợi ích quốc gia ở biển Đông. Kết hợp chặt chẽ đối ngoại với quốc phòng, an ninh, tranh thủ sự ủng hộ đồng tình của cộng đồng quốc tế, kiên quyết đấu tranh giữ vững chủ quyền biển đảo.

Tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là các dịp lễ, tết và các sự kiện lớn. Thực hiện tốt công tác tuyển quân, hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân năm 2018. Chỉ đạo tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ cho 02 quận, huyện (Liên Chiểu, Hòa Vang). Hoàn thành chỉ tiêu đào tạo, huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật; đào tạo huấn luyện SQDB năm 2018. Tổ chức thí điểm mô hình đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Quán triệt, triển khai thực hiện công tác đảm bảo an ninh quốc gia, các chương trình quốc gia về phòng, chống tội phạm, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra “điểm nóng”. Tập trung tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự, chủ động phát hiện triệt phá các tụ điểm phức tạp mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, mua bán người; kiên quyết triệt phá các băng nhóm tội phạm. Tăng cường các biện pháp quản lý tốt trật tự an toàn xã hội, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, giảm dần tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí và xử lý nghiêm các vi phạm. Đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

 


[1] Chương trình Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè 2017, Chương trình “Khai trương mùa du lịch biển năm 2017”, Đại hội Du lịch Golf Châu Á 2017, Cuộc thi Marathon Quốc tế Đà Nẵng, cuộc thi Ironman Việt Nam 70.3, Lễ hội Diều Đà Nẵng 2017, Lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật, Giải đua thuyền truyền thống thành phố Đà Nẵng  mở rộng 2017 và hơn 20 hoạt động phụ trợ cho Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017 v.v..

[2] Daegu (Hàn Quốc) - Đà Nẵng, Incheon (Hàn Quốc) - Đà Nẵng (thêm 2 hãng khai thác: Vietjet Air, Easter Jet), Hồng Kông - Đà Nẵng (thêm 1 hãng khai thác: Jetstar), Bangkok - Đà Nẵng (thêm 1 hãng khai thác: Air Asia), Singapore - Đà Nẵng (thêm 1 hãng khai thác: Jetstar), Busan - Đà Nẵng (thêm 1 hãng khai thác: T’way Air), Đài Bắc - Đà Nẵng (Jetstar chuyển từ thuê chuyến sang thường kỳ), Osaka - Đà Nẵng (thêm 1 hãng khai thác: Jetstar).

[3] Hội chợ Travex Singapore 2017, Hội chợ VITM Hà Nội, Hội chợ Du lịch Hanatour 2017, xúc tiến du lịch Đà Nẵng tại Thái Lan 2017, Hội chợ MATTA 2017 tại Malaysia, Hội chợ ITE 2017 tại TP.Hồ Chí Minh, Hội chợ JATA kết hợp chương trình giới thiệu du lịch 03 địa phương (Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế - Quảng Nam) tại Tokyo (Nhật Bản), Hội chợ ITF Đài Loan v.v..

[4] Từ đầu năm đến nay đã tổ chức 175 lượt kiểm tra hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch và các cơ sở kinh doanh lưu trú, phát hiện, ban hành 121 quyết định xử phạt VPHC với tổng số tiền 972,2 triệu đồng.

[5] Các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ và các nước EU đang thực hiện chương trình kiểm tra giám sát đối với các sản phẩm thủy sản chế biến có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam; thị trường Úc đang thực hiện lệnh tạm dừng nhập khẩu sản phẩm tôm chưa qua chế biến.

[6] Phát động phong trào kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức tham gia giao thông bằng phương tiện xe buýt; xây dựng phần mềm nâng cao hiệu quả tiếp cận xe buýt trên điện thoại di động, quy trình cấp thẻ đi xe buýt đối với những đối tượng được hưởng chính sách trợ cấp xã hội v.v.. qua đó, sản lượng 9 tháng đầu năm đạt 1,307 triệu hành khách, trung bình 8,1 khách/ lượt xe (tháng 9/2017: 11,8 khách/ lượt xe).

[7] Cấm đỗ xe ngày chẵn, lẻ trên 11 đoạn, tuyến đường; phân luồng xe tải trên đường CMT8, Lê Đại Hành, Quốc lộ 1 và trên các tuyến đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng.

[8] Tuyên truyền, giáo dục ý thức, xây dựng văn hóa giao thông; Phân luồng, tổ chức giao thông; Nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư xây dựng cải tạo một số nút giao thông trọng điểm giai đoạn 2016-2020 như: nút giao thông phía Tây cầu Rồng, nút giao đường Duy Tân và đường 2/9, nút giao phía Tây cầu Tiên Sơn, nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Lê Đại Hành v.v..; lắp đặt camera xử lý giao thông; xây dựng các bãi đỗ xe, vịnh đỗ xe; đề xuất triển khai thu phí đỗ xe; Phát triển vận tải hành khách công cộng; Xây dựng, triển khai thực hiện các Đề án kiểm soát phương tiện cá nhân, năng cao năng lực vận tải.

[9] Trong đó: 10 dự án FDI, tổng vốn 251,6 tỷ đồng (11,04 triệu USD) và 29 dự án trong nước, tổng vốn 620,86 tỷ đồng.

[10] Dự án Trung tâm NC&PT công nghệ nhúng và tự động hóa ứng dụng trong công nghiệp thủy sản, nông nghiệp (Cty CP Công nghệ QCM), VĐT 50 tỷ đồng; dự án cho thuê nhà xưởng (5ha) của Cty CP Đầu tư và Dịch vụ Hi-tech, VĐT 339 tỷ đồng và dự án Sản xuất thiết bị tự động hóa ngành may mặc (Cty Tamato Sewing Machine MFG), VĐT 28 triệu USD.

[11] Thành phố đã hỗ trợ 949 chuyến biển, 58 máy VX-1700, tổng kinh phí 80,241 tỷ đồng theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg; hỗ trợ bảo hiểm cho 1.972 thuyền viên/106 tàu, kinh phí 4,2 tỷ đồng và hỗ trợ đóng mới 07 tàu (đã hạ thủy đưa vào sản xuất 05 tàu, 02 tàu đang đóng) theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP; phê duyệt hỗ trợ đóng mới năm 2017 cho 13 tàu công suất trên 800CV, tổng kinh phí đợt 1 5,35 tỷ đồng và cấp kinh phí hỗ trợ đợt 2 cho 06 tàu đóng mới năm 2016, kinh phí 2,4 tỷ đồng theo Quyết định số 47/QĐ-UBND.

[12] Xây dựng phương án bảo vệ phát triển rừng và Phòng cháy chữa cháy rừng năm 2017; Tổ chức ký cam kết phòng cháy chữa cháy rừng, triển khai kiểm tra rà soát phương tiện, thiết bị, công trình phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng; tu sửa các công trình phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng năm 2017.

[13] Nghị quyết số 104/2017/NQ-HĐND ngày 07/7/2017 của Hội đồng nhân dân thành phố.

[14] Tâm An Farm, Aloo Food, Phika, Nguyễn Hữu Quyết, Việt Thiên Ngân.

[15] Đến nay đã có khoảng 120 lượt hẹn giờ giao dịch với doanh nghiệp được thực hiện tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.

[16] Lễ hội giao lưu văn hóa ẩm thực Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 04; phối hợp tổ chức Giao lưu - Triễn lãm mỹ thuật Việt Nam - Lào - Campuchia; xúc tiến tổ chức Lễ hội Kinh khí cầu Quốc tế 2018, chương trình giao lưu bóng bàn Đà Nẵng - Daegu v.v..

[17] Tai nạn lao động tại công trình Phá dỡ trụ sở Báo Đà Nẵng phục vụ thi công Nút giao thông phía tây cầu sông Hàn (02 người tử vong); Sụp giàn giáo tại Công trình Tổ hợp căn hộ, thương mại dịch vụ và khách sạn Alphanam Luxury thành phố Đà Nẵng (công trình cấp I, bị thương 06 người).

[18] Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu), Trường Tiểu học Nguyễn Như Hạnh (Q. Cẩm Lệ), Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (Q. Cẩm Lệ), Trường Tiểu học Diên Hồng (Q. Cẩm Lệ), Trường Tiểu học Hai Bà Trưng (Q. Sơn Trà), Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Q. Liên Chiểu)…

[19] Thanh tra việc chấp hành pháp luật về hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường, tư vấn hồ sơ môi trường và tài nguyên nước đối với 17 đơn vị, xử phạt VPHC 12 đơn vị với số tiền gần 2,2 tỷ đồng; thanh kiểm tra 17 mỏ của 15 đơn vị hoạt động khoáng sản; xử phạt VPHC 08 đơn vị với tổng số tiền hơn 1,36 tỷ đồng.

[20] Gồm: Thu nội địa không kể đất, xổ số 17.014,35 tỷ đồng, đạt 107,3% dự toán giao; thu tiền sử dụng đất 3.200 tỷ đồng đạt 152,4% dự toán giao; Thu từ hoạt động xổ số 170 tỷ đồng đạt 124,1% dự toán giao.

[21] Tổ chức 02 lớp tập huấn và Diễn đàn “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới: Đổi mới - Cải thiện cuộc sống”; cấp 31 giấy phép sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế, cấp 09 chứng chỉ nhân viên bức xạ, cấp 01 Giấy xác nhận khai báo thiết bị X-quang; tổ chức 01 lớp tập huấn, 01 lớp đào tạo trong lĩnh vực an toàn bức xạ và hạt nhân; tổ chức Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân cấp thành phố năm 2017 và tiến hành quan trắc, cập nhật phông phóng xạ môi trường trên địa bàn thành phố.

[22] 161 HCV, 175 HCB, 238 HCĐ tại các giải quốc gia và 19 HCV, 17 HCB, 21 HCĐ tại các giải quốc tế.

[23] Đến 15/10/2017, đã ghi nhận 5.469 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2702 trường hợp so với cùng kỳ 2016), không có trường hợp tử vong; 1189 trường hợp mắc tay chân miệng (giảm 129 trường hợp); 913 trường hợp mắc thủy đậu (giảm 278 trường hợp). 

[24] Kết quả xếp loại học lực cấp THCS: loại giỏi tăng 0,06%; loại khá tăng 0,71%; cấp THPT: loại giỏi tăng 1,86%; loại khá tăng 5,33%; Học sinh tham gia các kì thi học sinh giỏi, năng khiếu các cấp đạt kết quả tốt.

[25] Đến nay đã có 152 trường đạt chuẩn quốc gia, tỉ lệ đạt 40,5%.

[26] Đưa tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn tiếng Anh lên 80,2%  trong năm 2017.

[27] Các loại thuế SP và trợ cấp SX tính trực tiếp vào GRDP năm 2017 ước tăng 14,1% so với năm 2016, góp phần nâng mức tăng chung của GRDP tăng đạt 9%. Nếu không tính phần đóng góp của các loại thuế SP và trợ cấp SX thì GDPR năm 2017 chỉ ước tăng 8,3%.

[28] Tổng mức bán lẻ HH&DV (giá HH) ước tăng 16%; Doanh thu vận tải (giá HH) ước tăng 6,3%; Doanh thu thông tin truyền thông (giá HH) ước tăng 9,0% v.v.., sau khi loại trừ chỉ số giá tiêu dùng (CPI 10 tháng 2017 tăng 3,7% so với bình quân cùng kỳ 2016) và các loại thuế SP, trợ cấp SX thì GTSX các ngành dịch vụ năm 2017 (giá SS 2010) ước tăng 8,1% (KH: 9,5-10,5%).

Ngoài ra, theo phương pháp giá cơ bản, GTSX (GO) và giá trị gia tăng (VA) các ngành được tính dựa trên chi phí trung gian và giá trị tăng thêm (VA) trong quá trình SX, riêng các loại thuế SP và trợ cấp SX được tách riêng và tính trực tiếp vào GRDP. Theo đó, tốc độ tăng của các khu vực SX đã loại trừ yếu tố tăng của các loại thuế SP và trợ cấp SX trong khi các chỉ tiêu GTSX của KH 2017 được xây dựng trên cơ sở bao gồm cả các loại thuế SP và trợ cấp SX, vì vậy, số ước thực hiện năm 2017 về GTSX chưa đạt KH đề ra.

[29] (1) Dự án sản xuất điện từ năng lượng mặt trời; (2). Dự án Khu Công viên phần mềm số 02; (3) Dự án Bệnh viện quốc tế; (4) Dự án sản xuất điện từ năng lượng mặt trời Photovoitaik (Đức); (5) Dự án Trường Đại học và Khu ngoại khóa Outward Bound và Khu du lịch sinh thái; (6) Dự án Trường đua ngựa; (7) Dự án Lotus Square; (8) Bệnh viện chuyên khoa SC Đà Nẵng; (9) Dự án sản xuất phần mềm; (10) Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử; (11) Dự án mở rộng khu du lịch Xuân Thiều; (12) Dự án Hệ thống tàu điện Tramway (Đà Nẵng - Hội An); (13) Dự án Hệ thống giao thông thông minh (ITS).

[30] Đường vành đai phía Nam, đoạn Hòa Phước - Hòa Khương; Xe buýt nhanh - BRT, Trạm Xử lý nước thải Liên Chiểu, Nâng cấp Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân giai đoạn 2, các hạng mục công trình hoàn thiện, khớp nối hạ tầng thiết yếu, xử lý ngập úng trên toàn địa bàn thành phố...

[31] Bao gồm: hạng mục nút giao đường trục I Tây Bắc với QL 1A, tuyến đường từ nút giao QL 1A đến đường Nguyễn An Ninh và đoạn từ đường Hồ Tùng Mậu đến QL 1A

[32] Các khu tập thể 52 Lê Lai, 189 Ông Ích Khiêm, K30 Bạch Đằng, 80 Hùng Vương, 8 hộ tại KTT 56 Trần Phú v.v..

[33] Các cống xã thải ra biển, lưu ý khu vực tập trung đông du khách tại tuyến Võ Nguyễn Giáp - Trường Sa, Nguyễn Tất Thành.

[34] Thu nội địa không kể đất, xổ số 19.965 tỷ đồng, bằng  117,3% so với ước thực hiện năm 2017; thu tiền sử dụng đất 2.500 tỷ đồng; Thu từ hoạt động xổ số 170 tỷ đồng.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác