Định hướng lại chiến lược để phát triển bền vững hơn
Đăng ngày 19-03-2018 22:12, Lượt xem: 583

Nhận diện những vấn đề đang đặt ra trong quá trình phát triển của Đà Nẵng, từ đó làm cơ sở để xây dựng định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đến năm 2035 là nội dung được đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học cũng như các thành viên của Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ phân tích, thảo luận tại buổi hội thảo do UBND thành phố chủ trì tổ chức ngày 19-3. Tham dự hội thảo còn có các lãnh đạo chủ chốt của thành phố và các quận, huyện, sở ngành.

Tham dự hội thảo có đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học và thành viên của Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ

Không sợ tốn kém, chỉ cần nghiên cứu có chất lượng

Theo Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, khi đi vào thực tiễn điều hành, ý chí và quyết tâm của lãnh đạo chính quyền đóng vai trò hết sức quan trọng vì nếu chỉ lao theo yêu cầu cấp bách của thực tiễn mà quên đi bức tranh chung, rồi quyết định làm cái này, cái kia, khi một cái bị đỗ vỡ sẽ dẫn đến đổ vỡ toàn bộ quy hoạch.

Dẫn chứng về điều này, ông cho biết, những năm 2000, ngân sách thành phố bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng để giải tỏa đền bù, đầu tư thành các khu công nghiệp và ồ ạt thu hút đầu tư bằng mọi giá, công nghiệp gì cũng đưa vào đó hết. Vậy mà bây giờ, thành phố phải lo di dời, giải tỏa các ngành sản xuất sắt, thép, giấy, xi măng… mặt dù vào thời điểm đó, quy mô nền kinh tế của Đà Nẵng còn rất nhỏ, và chính ngành công nghiệp đã đóng góp hơn 50% giá trị GDP. Bây giờ khi nhìn nhận lại, nói thành công rõ ràng là không đúng, sửa cực kỳ khó. Làm các khu công nghiệp mới cũng rất khó vì khi kêu gọi đầu tư, các nhà đầu tư khu công nghiệp chọn Quảng Nam hoặc Quảng Ngãi chứ không phải Đà Nẵng vì chi phí đền bù giải phóng mặt bằng quá lớn. Ông cho biết, vừa rồi, ngoài Khu Công nghệ cao, thành phố có phát triển thêm 3 khu công nghiệp mới nhưng phải tính đến phương án ngân sách bù lỗ lên đến cả 1.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng thì mới mong làm được. Vì vậy, Đà Nẵng không kỳ vọng phát triển mọi ngành công nghiệp vì không đủ sức, quỹ đất cũng đã hết, và chỉ có thể lựa chọn công nghệ cao và CNTT.

Ông cũng cho hay, hạ tầng đô thị của Đà Nẵng hiện đã bắt đầu quá tải, xuất hiện tình trạng kẹt xe, nước thải bắt đầu tràn ra biển. Sân bay Đà Nẵng mới vừa được nâng cấp, mở rộng xong thì hiện nay đã đón 7 triệu lượt khách/năm. Với tốc độ tăng trưởng khách du lịch của Đà Nẵng là 67% như trong 2 tháng đầu năm 2018 thì đến cuối năm nay sẽ chạm con số 10 triệu hành khách, và sân bay Đà Nẵng sẽ bắt đầu quá tải.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại hội thảo

Cũng theo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, động lực cũ cho phát triển của Đà Nẵng đã hết, vì vậy bây giờ, thành phố cần phải khai thác động lực mới. “Chúng tôi cần đội ngũ các chuyên gia, các nhà thực tiễn, nhà quản lý có kinh nghiệm hiến kế để giúp chúng tôi đi đúng đường, không bị chệch hướng, không đứt gánh giữa chừng. Đà Nẵng không sợ tốn kém chi phí, cái chúng tôi cần là một nghiên cứu có chất lượng và được thực hiện bài bản, có phương pháp, tránh tình trạnh lý thuyết chung chung, từ đó có những luận cứ khoa học đặt nền móng cho việc xây dựng một bản quy hoạch phát triển tổng thể, lâu dài, và được chi tiết hóa, sau đó sẽ được ban hành thành Nghị quyết thống nhất từ Đảng đến chính quyền, HĐND thành phố để thực hiện”, ông Huỳnh Đức Thơ nói.

Xác định tầm nhìn dài hạn cho giai đoạn phát triển mới

Theo TS. Trần Du Lịch - Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung, bản thân sự phát triển nhanh của Đà Nẵng đã nảy sinh và tích tụ nhiều bất cập và đang bộc lộ thành những "điểm nghẽn", những "nút thắt" phát triển của thành phố, mà hệ quả là chức năng, vai trò dẫn dắt phát triển, động lực tăng trưởng của thành phố có dấu hiệu suy yếu. “Việc quy hoạch thành phố Đà Nẵng với tầm nhìn dài hạn phù hợp với vị trí vai trò của Đà Nẵng, bao gồm sự định hướng phát triển các ngành kinh tế, tổ chức không gian đô thị cùng với cơ chế, chính sách và giải pháp phát triển theo quy hoạch vừa là nhiệm vụ trước mắt vừa là mục tiêu lâu dài đối Đảng bộ và chính quyền thành phố Đà Nẵng”, TS. Trần Du lịch nói.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Chuyên gia Quy hoạch Kiến trúc quốc tế, lại cho rằng việc Đà Nẵng phát triển có phần chậm lại như hiện nay đặt ra những thử thách mới, nhưng cũng có thể được xem là cơ hội để thành phố định hướng lại chiến lược và phát triển bền vững hơn. “Nếu đi đúng hướng thì đây sẽ là bước tiến mới cho Đà Nẵng để sau này phát triển nhanh và mạnh hơn”, ông Sơn nhận định.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu tham dự cũng thống nhất với các nhóm giải pháp tạo động lực phát triển cho Đà Nẵng, bao gồm xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, đồng bộ phát triển du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng; hình thành trung tâm logistics với hai hệ thống cơ sở hạ tầng trọng yếu là cụm cảng biển Đà Nẵng và Sân bay quốc tế Đà Nẵng; xây dựng khu đô thị sáng tạo gắn với Khu công nghệ cao theo hướng Đà Nẵng trở hành một trung tâm sáng tạo, khởi nghiệp; phát triển công nghiệp công nghệ thông tin gắn với xây dựng nền kinh tế số; và đặc biệt là quy hoạch và chính sách thu hút đầu tư xây dựng, khai thác Vịnh Đà Nẵng nhằm nâng cao giá trị và tầm vóc của thành phố. Cùng với đó là đề nghị Chính phủ ban hành một Nghị định riêng về phân cấp, phân quyền cho Đà Nẵng.

Theo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, sắp tới đây, Đà Nẵng sẽ tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những ý kiến đóng góp tại hội thảo này có ý nghĩa rất thiết thực, không chỉ từng bước hoàn chỉnh  định hướng phát triển kinh tế – xã hội của Đà Nẵng đến năm 2035 mà cũng là cơ sở để thành phố báo cáo với Bộ Chính trị cũng như kiến nghị các giải pháp, đề xuất các cơ chế, chính sách mới cho giai đoạn phát triển mới của thành phố đến năm 2035 và những năm tiếp theo.

QUỲNH ĐAN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác