Chính sách mới về lao động có hiệu lực từ tháng 2/2017
Quy định mới về lệ phí cấp thẻ căn cước công dân; Thủ tục cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài; Ưu tiên vị trí công tác trong quân đội; Thời gian tập sự viên chức y tế; Điều kiện thi thăng hạng của viên chức chuyên ngành y tế 2017; Mức hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự là những chính sách mới về lao động có hiệu lực từ tháng 2/2017.
Quy định mới về lệ phí cấp thẻ căn cước công dân
 
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 331/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 256/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp căn cước công dân.
 
Thông tư  số 331/2016/TT-BTC  sửa đổi quy định người nộp lệ phí là công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ thay vì từ đủ 16 tuổi trở lên khi làm thủ tục cấp mới, đổi, cấp lại thẻ như trước đây đã quy định tại Thông tư  số 256/2016/TT-BTC.
 
Về mức thu lệ phí, Thông tư số 331/2016/TT-BTC quy định: công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ căn cước công dân thì mức thu lệ phí là 30.000 đồng/thẻ căn cước công dân.
 
Các trường hợp miễn lệ phí gồm: đổi thẻ căn cước công dân khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính; đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thường trú tại các xã biên giới; các huyện đảo; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật; đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.
 
03 trường hợp không phải nộp lệ phí cấp thẻ căn cước công dân bao gồm:
 
- Cấp thẻ căn cước công dân lần đầu đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên;
 
- Đổi thẻ căn cước công dân khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi;
 
- Đổi thẻ căn cước công dân khi có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước công dân do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân.
 
Thông tư số 331/2016/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/2/2017 và được áp dụng đối với hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân nộp cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 26 Luật căn cước công dân từ ngày 01/01/2017.
 
Thủ tục cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài
 
Có hiệu lực từ 01/02/2017, Nghị định số 07/2017/NĐ-CP ngày 25/01/2017 quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
 
Người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam sẽ được cấp thị thực điện tử nếu:
 
- Có hộ chiếu và không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh.
 
- Là công dân của nước có đủ các điều kiện sau: có quan hệ ngoại giao với Việt Nam;  Phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ; Không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
 
Người đề nghị cấp thị thực điện tử phải nộp phí cấp thị thực qua tài khoản ngân hàng và không được hoàn trả trong trường hợp không được cấp.
 
Thị thực có giá trị nhập cảnh một lần và thời hạn là không quá 30 ngày.
 
Theo Nghị định số 07/2017/NĐ-CP,  người nước ngoài đề nghị cấp thị thực điện tử thực hiện như sau:
 
- Truy cập Trang thông tin cấp thị thực điện tử để khai thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử, tải ảnh và trang nhân thân hộ chiếu theo mẫu.
 
- Nhận mã hồ sơ điện tử và nộp phí cấp thị thực vào tài khoản quy định tại Trang thông tin cấp thị thực điện tử.
 
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử và phí cấp thị thực, Cục Quản lý xuất nhập cảnh xem xét, giải quyết, trả lời người đề nghị cấp thị thực điện tử tại Trang thông tin cấp thị thực điện tử.
 
Ưu tiên vị trí công tác trong quân đội
 
Bộ Quốc phòng vừa ban hành Thông tư  số 220/2016/TT-BQP quy định hạ sĩ quan, binh sĩ có trình độ chuyên môn khi thực hiện nghĩa vụ quân sự được ưu tiên sử dụng vào vị trí công tác theo nhu cầu của quân đội,
 
Theo đó, hạ sĩ quan, binh sĩ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật khi thực hiện nghĩa vụ quân sự được ưu tiên sử dụng vào vị trí công tác phù hợp với nhu cầu của quân đội; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân.
 
Các ngành nghề chuyên môn được ưu tiên vị trí công tác gồm: Khoa học máy tính, truyền thông và mạng máy tính, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin, an ninh, an toàn mạng; Luật dân sự và tố tụng dân sự, Luật hình sự và tố tụng hình sự, Luật kinh tế, Luật quốc tế;
 
Ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài: Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á…
 
Khi hết thời hạn phục vụ tại ngũ, trường hợp quân đội không có nhu cầu hoặc không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để tuyển chọn bổ sung vào đội ngũ sĩ quan hoặc quân nhân chuyên nghiệp hoặc công nhân quốc phòng hoặc viên chức quốc phòng thì giải quyết xuất ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự.
 
Thông tư  số 220/2016/TT-BQP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2017.
 
Thời gian tập sự viên chức y tế
 
Kể từ ngày 01/2/2017, Thông tư  số 43/2016/TT-BYT của Bộ Y tế về việc quy định thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.
 
Theo đó, miễn chế độ tập sự với người đã có thời gian làm chuyên môn y tế trong các cơ sở y tế phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng từ đủ 12 tháng trở lên và người đã được cấp chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng và đã có thời gian thực hành từ 12 tháng trở lên để được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.
 
Thời gian tập sự với các chức danh trong ngành y là 6 tháng; 9 tháng và 12 tháng tùy chức danh.
 
Điều kiện thi thăng hạng của viên chức chuyên ngành y tế 2017
 
Nội dung này được quy định tại Thông tư số 44/2016/TT-BYT của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 9 Thông tư liên tịch số 56/2015/TTLT-BYT-BNV về tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung thi thăng hạng chức danh viên chức chuyên ngành y tế.
 
Theo đó, viên chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ bác sĩ y học dự phòng (BSYHDP) hạng III lên BSYHDP chính hạng II và từ BSYHDP chính lên BSYHDP cao cấp hạng I năm 2017 phải đảm bảo điều kiện: có thời gian 02 năm gần nhất làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng thay cho 02 năm gần nhất giữ chức danh BSYHDP hạng III, BSYHDP chính hạng II. Ngoài ra, viên chức chuyên ngành y tế  tham dự thi thăng hạng năm 2017 chưa phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi nhưng:
 
Để đảm bảo đủ tiêu chuẩn, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý phải cử viên chức đã tham dự kỳ thi thăng hạng tham dự khóa đào tạo, bồi dưỡng trong vòng 12 tháng kể từ ngày Bộ y tế ban hành chương trình.
 
Thông tư số 44/2016/TT-BYT của Bộ Y tế có hiệu lực từ 01/02/2017.
 
Mức hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự
 
Kể từ ngày 12/02/2017, Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành dự án phát triển kinh tế - xã hội bắt đầu có hiệu lực thi hành.
 
Theo đó, các đối tượng nêu trên có nhu cầu đào tạo nghề trình độ sơ cấp đáp ứng điều kiện và được cấp thẻ đào tạo nghề được cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận, tổ chức đào tạo và chi hỗ trợ như sau:
 
- Chi hỗ trợ đào tạo theo Điều 10 Thông tư số 152/2016/TT-BTC .
 
- Mức hỗ trợ tiền ăn: 30.000 đồng/người/ngày thực học.
 
- Mức hỗ trợ tiền đi lại: 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên.
 
Trong đó, ưu tiên chi hỗ trợ đào tạo trong giá trị tối đa của thẻ, giá trị còn lại của thẻ chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại.
 
Trường hợp tổng chi hỗ trợ vượt quá giá trị tối đa của thẻ thì người học tự chi trả phần kinh phí chênh lệch cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nếu thấp hơn giá trị của thẻ thì NSNN quyết toán số chi thực tế.
 
Kể từ ngày 01/9/2015, thanh niên đăng ký tham gia đào tạo nghề được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo hướng dẫn tại Thông tư này.
 
MINH ANH
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác