Hạ tầng - nền tảng chuyển đổi số
Đăng ngày 09-04-2020 10:07, Lượt xem: 4115

Hạ tầng là một trong những yếu tố nền tảng được ưu tiên đầu tư trong quá trình chuyển đổi số bởi đây là “cây cầu” giúp kết nối giữa thế giới vật lý và không gian số cũng như giữa các thành tố của không gian số với nhau.

Tại hội nghị tổng kết ngành Thông tin và Truyền thông vào cuối năm 2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia; là năm khởi động mạnh mẽ để tiến tới một Việt Nam số. Trong dự thảo chương trình Chuyển đổi số quốc gia, hạ tầng được xem là một yếu tố nền tảng cần được ưu tiên đầu tư sớm, bao gồm hạ tầng băng thông rộng, hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng internet vạn vật (IoT), hạ tầng dữ liệu…

Đà Nẵng được đánh giá là một trong những địa phương có tiềm năng thực hiện chuyển đổi số thành công của cả nước. Năm 2019, Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Đà Nẵng (Sở Thông tin và Truyền thông) đã nhận giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards 2019. Đây cũng là năm đánh dấu lần thứ 11 liên tiếp thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT Index). Để đạt được những thành tích này, Đà Nẵng đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng số, xem đây là “xương sống” cho việc xây dựng thành phố thông minh nói riêng và chuyển đổi số nói chung.

Theo thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông, hạ tầng số của Đà Nẵng đã được đầu tư khá cơ bản. Một trong các hạng mục quan trọng là trung tâm dữ liệu sử dụng công nghệ điện toán đám mây với khoảng 300 máy chủ ảo (dung lượng 100TB), được đưa vào sử dụng từ năm 2013 nhằm phục vụ các mục đích lưu trữ, ứng dụng chính quyền điện tử, các phần mềm, ứng dụng, cơ sở dữ liệu dùng chung… Trung tâm dữ liệu được trang bị hệ thống bảo đảm an toàn thông tin như: tường lửa, thiết bị IDS, IPS, cân bằng tải. Hiện Trung tâm dữ liệu được quản lý, vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 27001:2013, được chứng nhận từ tháng 4-2016.

Ngoài ra, hạ tầng viễn thông công cộng tại Đà Nẵng hiện có dung lượng lớn, sẵn sàng cho việc triển khai các ứng dụng. Hạ tầng này bao gồm: đường kết nối internet thông qua cáp quang biển (SMW3, APG) và đường trên đất liền qua địa phận Lào, có tổng dung lượng lên đến 2.500 Gbps; công nghệ mới 4G đã được triển khai; khoảng 1,5 triệu thuê bao internet băng thông rộng (trung bình khoảng 1,4 thuê bao/người dân); 2,88 triệu thuê bao điện thoại di động (trung bình khoảng 2,7 thuê bao/người dân). Đà Nẵng còn có mạng đô thị thành phố (mạng MAN) có tổng chiều dài tuyến cáp quang trên 320km đi ngầm, kết nối 105 cơ quan (trong đó có 83 cơ quan hành chính Nhà nước và các cơ quan Đảng, Văn phòng HĐND thành phố, các đơn vị sự nghiệp công lập).

Mạng MAN có 14 vòng cáp quang, băng thông kết nối mạng cho từng cơ quan từ 1.000 đến 20.000 Mbps, bảo đảm cho các đơn vị kết nối, sử dụng phần mềm, ứng dụng dùng chung trên Trung tâm dữ liệu và kết nối ra internet ngoài qua cổng internet tập trung. Hệ thống internet không dây (wifi) công cộng thành phố gồm 430 điểm thu phát sóng chuyên dụng, phủ sóng các khu vực chức năng quan trọng trong trung tâm thành phố, các khu vực công cộng, tại Trung tâm Hành chính thành phố và tất cả UBND quận, huyện, phường, xã... nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức sử dụng dễ dàng dịch vụ công và tiếp cận thông tin của thành phố.

Về hạ tầng dữ liệu, trong năm 2018 và 2019, thành phố đã đầu tư xây dựng phần mềm quản lý Nhà nước và cơ sở dữ liệu chuyên ngành cho 18 sở, ban, ngành và xây dựng thí điểm Văn phòng số cho UBND quận Sơn Trà. Dự kiến đến năm 2020, thành phố sẽ xây dựng khép kín các cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành của 100% sở, ban, ngành và 100% UBND quận, huyện. Các CSDL chuyên ngành sẽ được tích hợp vào kho dữ liệu dùng chung của thành phố để thực hiện phân tích dữ liệu, hỗ trợ ra quyết định cho chính quyền các cấp. Đà Nẵng đã chuẩn hóa và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu nền (công dân, nhân hộ khẩu, doanh nghiệp, đất đai, bản đồ nền).

Việc xây dựng hạ tầng số còn có sự đóng góp đáng kể của các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Nho Túy, Phó Giám đốc phụ trách VNPT Đà Nẵng cho biết, để sẵn sàng đáp ứng nguồn lực trong việc cung cấp và nâng cao chất lượng dịch vụ trong thời gian đến, theo định hướng phát triển của Tập đoàn, VNPT Đà Nẵng đã xây dựng hệ thống mạng viễn thông - công nghệ thông tin có tính ổn định cao, bảo đảm độ vững chắc vì mục tiêu chất lượng dịch vụ là hàng đầu. Trong năm 2019, đơn vị cũng đã hoàn thành xây dựng cấu trúc mạng truyền tải IP, cấu trúc mạng truy nhập quang giai đoạn 2019-2020, cấu trúc mạng MAN-E giai đoạn 2019-2020. Ngoài ra, đã phối hợp với Trung tâm Hạ tầng khu vực miền Trung của VNPT  hoàn thành triển khai nâng cấp mạng MAN-E, tạo bệ phóng vững chắc cho việc phát triển mạng 5G.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác