Xây dựng mô hình chuyển đổi số hạ tầng đô thị, góc nhìn từ sự kết hợp BIM, Map4D và IOT
Đăng ngày 19-12-2020 10:09, Lượt xem: 1483

Ngày 19/12/2020, Trung tâm Phát triển Phần mềm (SDC) – Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) phối hợp với Ban Chuẩn bị Dự án (CBDA) Khu Đô thị ĐHĐN tổ chức Hội thảo “Bồi dưỡng kiến thức về BIM – Số hóa ngành xây dựng”.

Tham dự Hội thảo có TS. Trịnh Công Duy – Giám đốc SDC, TS. Đoàn Anh Tuấn – Trưởng ban, Ban CBDA, PGS.TS. Đặng Công Thuật – Phó Trưởng khoa, Khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp; ThS.KTS. Nguyễn Xuân Trung – Phó Trưởng khoa, Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Bách khoa, ĐHĐN. Hội thảo còn có sự tham gia phát biểu và trình bày của ông Trương Quốc Bình – chuyên gia về BIM.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đoàn Anh Tuấn đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng Mô hình Thông tin Xây dựng (Building Information Modeling, viết tắt là BIM) trong thực hiện “Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” do Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc phê duyệt vào cuối tháng 7/2020, và nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần triển khai chiến lược đào tạo theo hướng ứng dụng của các cơ sở giáo dục thành viên ĐHĐN, đào tạo gắn liền với thực tiễn doanh nghiệp.

Tại sao cần áp dụng BIM trong Xây dựng?
Tại Hội thảo, ông Trương Quốc Bình, chuyên gia về BIM với hơn 15 năm kinh nghiệm tư vấn thiết kế và 10 năm kinh nghiệm trong thiết kế, thi công, vận hành và quản lý công trình bằng BIM, đã chia sẻ tổng quan về BIM và tính cấp thiết của việc ứng dụng trong ngành xây dựng tại Việt Nam.

“Với quy trình làm việc truyền thống 2D, thông tin công trình bị rời rạc và không tương tác hoặc liên kết thông tin giữa các thành phần công trình, không đảm bảo tính thống nhất thông tin của toàn bộ dự án, không kiểm tra hết các xung đột sẽ xảy ra trong quá trình thi công cũng như khó kiểm soát khối lượng trong từng giai đoạn.

Trong khi đó, ứng dụng BIM 3D cho phép xây dựng mô hình thống nhất chứa các thông tin thực tế của một công trình. Đây là giải pháp hiệu quả cho mô hình hóa, phát hiện va chạm và quản lý sự thay đổi với khả năng phân tích đa dạng cho từng mảng kiến trúc, kết cấu và cơ điện nước.

Ngoài ra, BIM cũng cho phép hiệu chỉnh nhanh khi có thay đổi phương án thiết kế cũng như các vấn đề liên quan, đồng thời kiểm soát toàn bộ thiết kế và chi phí trước khi thi công công trình” – ông Bình nhấn mạnh

“Ứng dụng BIM trong ngành xây dựng đã đến thời điểm là cấp thiết và là xu thế trong kiến tạo đô thị thông minh” – ông Trương Quốc Bình.

Được biết, BIM được áp dụng trong hầu hết các ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp, hạ tầng quy hoạch, thiết kế và xây dựng hệ thống xử lý nước thải với các cấp độ thể hiện từ 2D đến 7D. Các tính năng chính của BIM là diễn họa 3D, quản lý sự thay đổi, mô phỏng công trình, quản lý dữ liệu cho phép theo dõi, giám sát trong suốt vòng đời của công trình.

Tuy nhiên, BIM chưa thực sự được quan tâm, do ở một số công trình, vai trò BIM mới dừng lại ở giai đoạn thiết kết và thi công. Trong khi đó, giá trị cao nhất mà ứng dụng BIM mang lại chính là “dự báo hoạt động bảo trì, bảo dưỡng công trình, giúp tiết kiệm chi phí quản lý và vận hành công trình một cách hiệu quả”.

Kết hợp BIM, Map4D và IOT để xây dựng Mô hình chuyển đổi số Hạ tầng đô thị
Không nằm ngoài xu thế chuyển đổi số của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng và giáo dục bắt buộc phải sớm thích nghi và ứng dụng công nghệ số trong đào tạo và làm việc. Với tính cấp thiết của việc ứng dụng BIM trong ngành xây dựng, TS. Trịnh Công Duy – Giám đốc SDC đã giới thiệu ý tưởng về Digital Twin – Mô hình chuyển đổi số Hạ tầng đô thị ứng dụng công nghệ BIM, Map4D và IoT.

Map4D chính là dự án “Nền tảng bản đồ do người Việt Nam nghiên cứu và phát triển, lưu trữ và vận hành tại Việt Nam” do TS. Trịnh Công Duy cùng các cộng sự nghiên cứu, vượt qua hơn 350 đội thi đến từ 23 quốc gia để đạt được giải Nhì của Cuộc thi “Viet Solutions-2020 vào cuối tháng 10/2020. Map4D tiếp tục được Tập đoàn Vietel tài trợ toàn bộ chi phí để tham dự Cuộc thi “Cup C1 Start-up” (tổ chức tại Hoa Kỳ) hoặc tham dự Hội nghị Di động thế giới “MWC-2021” (tổ chức tại Tây Ban Nha).

Tích hợp BIM, Map4D và IoT cho phép số hóa hạ tầng đô thị, số hóa khu du lịch và nhiều ứng dụng khác, và dự án Khu Đô thị ĐHĐN hoàn toàn có thể tích hợp cả ba ứng dụng này trong thiết kế, thi công xây dựng, theo dõi và giám sát toàn bộ dự án. Nếu thực hiện được, ĐHĐN sẽ là đơn vị tiên phong trong ứng dụng BIM, đóng vai trò quan trọng tiến trình chuyển đổi số quốc gia – TS. Trịnh Công Duy đề xuất.

Nếu BIM quản lý ở cấp độ một công trình, thì kết hợp BIM, Map4D và IoT sẽ cho phép chúng ta quản lý ở cấp độ lớn hơn như một khu đô thị, hay cả một thành phố. Đây cũng là một giải pháp cho việc xây dựng và quản lý một thành phố thông minh, một đô thị thông minh – TS. Trịnh Công Duy phân tích.

Thuật ngữ Digital Twin được sử dụng nhiều trong thời gian gần đây, đó là một bản sao kỹ thuật số của một vật thực thể thực tế được tạo ra từ các luồng dữ liệu thu thập từ những cảm biến gắn trên vật thể đó trong thế giới vật lý để truyền dữ liệu thời gian thực về quy trình và môi trường hoạt động của thực thể. Dữ liệu sau khi thu thập được từ các cảm biến sẽ được kết nối và phân tích trên đám mây và có thể truy cập thông qua bảng điều khiển. Nếu thu thập đủ dữ liệu, Digital Twin có thể cho thấy được bản sao của thực thể đó ở cả quá khứ và hiện tại.

TS. Trịnh Công Duy

Chuyển đổi số trong xây dựng – phát triển và quản lý hạ tầng đô thị phải là tiêu chí của một thành phố thông minh.

Hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học về BIM
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và góp phần triển khai chiến lược đào tạo theo hướng ứng dụng, đào tạo gắn liền với thực tiễn doanh nghiệp của các cơ sở giáo dục ĐH thành viên, trong khuôn khổ Hội thảo, Trung tâm Phát triển Phần mềm và Khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, Trường ĐH Bách khoa, ĐHĐN đã tiến hành ký kết văn bản hợp tác về đào tạo, nghiên cứu về BIM cũng như cấp chứng chỉ Autodesk cho người học.

Theo đó, hai bên sẽ phối hợp tổ chức đào tạo các phần mềm về xây dựng (Revit – BIM 3D, Naviswork – BIM 4D, Dự toán BIM 5D, Autocad, 3Ds Max, Inventor, Maya) và tổ chức các kỳ thi cấp chứng chỉ quốc tế Autodesk và phối hợp nghiên cứu dựng cũng như triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, các đề án, dự án về BIM trong xây dựng.

PGS.TS. Đặng Công Thuật – Phó Trưởng khoa, Khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, Trường ĐH Bách khoa, ĐHĐN cho biết, với dấu mốc ghi nhớ hợp tác này, từ nay chương trình đào tạo sẽ bổ sung và cập nhật kiến thức cho sinh viên chuyên ngành về BIM. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức của sinh viên về ứng dụng công nghệ số trong ngành xây dựng, tăng cường kỹ năng vận dụng và thực hành công nghệ, nâng cao chất lượng đầu ra và cơ hội việc làm cho sinh viên.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT