Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3/2017
Đăng ngày 06-03-2017 09:07, Lượt xem: 969

Quy chế thi THPT và xét tuyển cao đẳng, đại học; Không giới hạn nguyện vọng xét tuyển đại học; 50 km đường cao tốc phải có một trạm cấp cứu tai nạn giao thông; Thời hạn cấp sổ đỏ không quá 15 ngày; Thời gian lưu chiểu điện tử báo nói, báo hình, báo điện tử; Quy định việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3/2017.

Quy chế thi THPT và xét tuyển cao đẳng, đại học

Có hiệu lực từ 10/3/2017, Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Theo đó, năm 2017,  Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nhằm xét công nhận tốt nghiệp THPT; xét tuyển đại học và cao đẳng; cung cấp thêm thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi 5 bài, gồm 3 bài thi độc lập là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với thí sinh học chương trình giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên).

Để xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh phải dự thi 4 môn, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp. Thí sinh giáo dục thường xuyên dự thi 3 bài, gồm Toán, Ngữ văn và một bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp.

Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của trường ĐH, CĐ.

Không giới hạn nguyện vọng xét tuyển đại học

Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy.

Theo đó, thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường và nguyện vọng sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp.

Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT  có hiệu lực thi hành từ ngày 10/3/2017.

50 km đường cao tốc phải có một trạm cấp cứu tai nạn giao thông

Bắt đầu từ ngày 01/3/2017, các tuyến đường bộ cao tốc phải có trạm cấp cứu tai nạn giao thông, tối thiểu 50 km phải có một trạm. Đây là nội dung quy định tại Thông tư số 49/2016/TT-BYT về tổ chức và hoạt động cấp cứu tai nạn giao thông trên đường bộ cao tốc của Bộ Y tế.

Theo đó, hoạt động cấp cứu tai nạn giao thông phải bảo đảm nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả để cấp cứu và vận chuyển kịp thời nạn nhân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất.

Mạng lưới cơ sở phục vụ hoạt động cứu nạn trên đường cao tốc bao gồm các trạm cấp cứu trên đường bộ cao tốc được tổ chức như sau:
Trạm cấp cứu được tổ chức lồng ghép với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sẵn trên tuyến đường cao tốc đi qua bao gồm: Trạm y tế xã/phường, Trung tâm y tế quận/huyện có chức năng khám bệnh, chữa bệnh, Trung tâm cấp cứu 115, Bệnh viện nhà nước và Bệnh viện tư nhân.

Thời hạn cấp sổ đỏ không quá 15 ngày

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

Theo đó, nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai sẽ giảm một nửa hoặc 1/3 thời gian so với quy định trước đây.

Cụ thể, việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng sổ đỏ và quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng của tổ chức đầu tư xây dựng là không quá 15 ngày (theo quy định cũ là 30 ngày).
Việc đăng ký, cấp sổ đỏ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất bổ sung đối với tài sản gắn liền với đất cũng giảm xuống còn 15 ngày thay vì 20 ngày như trước đây.

Đối với thủ tục cấp lại sổ đỏ, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng bị mất giảm 2/3 thời gian, chỉ còn 10 ngày (theo quy định cũ là 30 ngày).

Ngoài ra, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP  cho phép cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất với việc mở rộng thêm 5 trường hợp sau: Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 1/7/2014; đất được giao không đúng thẩm quyền; diện tích đất tăng thêm so với giấy tờ về quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất; đất xây dựng khu đô thị, khu dân cư nông thôn, khu sản xuất kinh doanh có nhiều mục đích sử dụng đất khác nhau; trường hợp đã chuyển quyền sử dụng đất nhưng chưa sang tên.

Nghị định số 01/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 03/3/2017.

Thời gian lưu chiểu điện tử báo nói, báo hình, báo điện tử

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2017/NĐ-CP ngày 8/2/2017 quy định về lưu chiểu điện tử đối với loại hình báo nói, báo hình và báo điện tử độc lập với cơ quan báo chí.

Theo đó, từ 30/3/2017, đối với báo nói, báo hình, thời gian lưu giữ nguyên trạng tối thiểu là 06 tháng kể từ ngày được phát sóng lần đầu. Đối với báo điện tử, thời gian lưu giữ nguyên trạng tối thiểu là 12 tháng kể từ ngày đăng tải lần đầu.

Theo đó, báo nói, báo hình phải được lưu giữ nguyên trạng tối thiểu sáu tháng kể từ ngày được phát sóng lần đầu; đối với báo điện tử, thời gian lưu trữ nguyên trạng ít nhất là 12 tháng kể từ ngày đăng tải lần đầu.

Quy định này nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về báo chí gồm: đánh giá; nhận xét về nội dung thông tin theo chuyên đề, sự kiện; cho các cuộc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành thường xuyên và đột xuất theo yêu cầu.

Đặc biệt, các tác phẩm báo chí lưu chiểu điện tử còn được sử dụng làm căn cứ để xử lý trong trường hợp tác phẩm có nội dung sai phạm.

Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử đối với loại hình báo nói, báo hình và báo điện tử; kiểm tra nội dung tác phẩm báo chí lưu chiểu, phát hiện và xử lý đối với các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Các cơ quan báo nói, báo hình, báo điện tử có trách nhiệm thực hiện chế độ lưu chiểu theo quy định tại điểm c, d khoản 1 Điều 52 Luật Báo chí; cung cấp tín hiệu truyền dẫn (đối với báo nói, báo hình), quyền truy xuất dữ liệu (đối với báo điện tử) theo yêu cầu của cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử; đồng thời đảm bảo tính thống nhất, chính xác giữa nội dung tác phẩm đăng, phát với nội dung tác phẩm cung cấp cho cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử.

Quy định việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí

Theo Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 9/2/2017 của Chính phủ về quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, có 6 hình thức phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí gồm:

- Tổ chức họp báo;

- Đăng tải nội dung phát ngôn và cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử hoặc trang mạng xã hội chính thức của cơ quan hành chính nhà nước;

- Phát ngôn trực tiếp hoặc trả lời phỏng vấn của nhà báo, phóng viên;

- Gửi thông cáo báo chí, nội dung trả lời cho cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên bằng văn bản hoặc qua thư điện tử;

- Cung cấp thông tin qua trao đổi trực tiếp hoặc tại các cuộc giao ban báo chí do trung ương, địa phương tổ chức khi được yêu cầu;

- Ban hành văn bản đề nghị cơ quan báo chí đăng, phát phản hồi, cải chính, xin lỗi nội dung thông tin trên báo chí.

Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 9/2/2017 có hiệu lực từ 30/03/2017.
 

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác