Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 10/2017
Đăng ngày 09-10-2017 08:07, Lượt xem: 699

20 loại hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền Nhà nước; Giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài qua mạng; 3 trường hợp công ty kinh doanh chứng khoán bị đặt vào tình trạng cảnh báo; Doanh nghiệp phải đền bù thiệt hại do xác định sai giá trị ròng của quỹ hưu trí; Cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên xuất bản phẩm  là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 10/2017.

20 loại hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền Nhà nước

Nội dung trên được quy định tại Nghị định số 94/2017/NĐ-CP về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại.

Theo đó, từ 1/10/2017, 20 hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại gồm: Hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích, quốc phòng, an ninh; Sản xuất, mua, bán, xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, vận chuyển quá cảnh vật liệu nổ công nghiệp; Sản xuất vàng miếng; Xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; Phát hành xổ số kiến thiết; Nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà (trừ trường hợp nhập khẩu để kinh doanh bán hàng miễn thuế); Quản lý, nhập khẩu, xuất khẩu, mua, bán, bảo quản, bảo vệ hàng hóa thuộc danh mục dự trữ quốc gia; In, đúc tiền; Phát hành tem bưu chính Việt Nam; Sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ pháo hoa và các dịch vụ liên quan đến pháo hoa.

Ngoài ra, các hàng hóa dịch vụ gồm: Truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia; xây dựng và vận hành thủy điện đa mục tiêu và điện hạt nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội; Dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải (vận hành hệ thống đèn biển, vận hành hệ thống luồng hàng hải công cộng); Dịch vụ công ích thông tin duyên hải (quản lý, vận hành khai thác hệ thống đài thông tin duyên hải); Bảo đảm hoạt động bay (dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn);  Hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị do Nhà nước đầu tư...

Quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện; kè biển trong trường hợp giao kế hoạch; Cung ứng dịch vụ lâm nghiệp tại rừng đặc dụng (trừ khu rừng bảo vệ cảnh quan được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế thuê để bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - môi trường); Xuất bản (không bao gồm hoạt động in và phát hành) xuất bản phẩm; Quản lý, duy trì, khai thác mạng bưu chính công cộng; Cung ứng dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí cũng thuộc độc quyền Nhà nước.

Nghị định số 94/2017/NĐ-CP nêu rõ, chỉ thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước cần phải độc quyền liên quan đến quốc phòng, an ninh, đảm bảo lợi ích quốc gia hoặc các thành phần kinh tế khác không có nhu cầu và khả năng tham gia.

Giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài qua mạng

Có hiệu lực từ 2/10/2017, Thông tư số 23/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định trước ít nhất 20 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng lao động người nước ngoài, người sử dụng lao động phải khai thông tin vào tờ khai và nộp báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng qua mạng.

Việc cấp, cấp lại giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài sẽ được thực hiện thông qua Cổng thông tin điện tử tại địa chỉ: http//dvc.vieclamvietnam.gov.vn. Người sử dụng lao động phải đăng ký tài khoản để đăng nhập vào Cổng thông tin điện tử.

Trước ít nhất 7 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc, người sử dụng lao động phải khai thông tin vào tờ khai và nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thông qua Cổng thông tin điện tử. Cơ quan cấp giấy phép sẽ trả lời kết quả qua thư điện tử trong 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ. Khi nhận được kết quả thông báo hồ sơ hợp lệ, người sử dụng lao động nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện bản gốc hồ sơ để kiểm tra, đối chiếu. Trong tối đa 08 giờ làm việc, kể từ khi nhận được bản gốc hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép sẽ trả kết quả cho người sử dụng lao động.

3 trường hợp công ty kinh doanh chứng khoán bị đặt vào tình trạng cảnh báo

Có hiệu lực từ ngày 10/10/2017, Công ty kinh doanh chứng khoán bị đặt vào tình trạng cảnh báo khi rơi vào 1 trong 3 trường hợp dưới đây:

- Tỷ lệ vốn khả dụng từ 150% đến dưới 180% trong tất cả các kỳ báo cáo trong 3 tháng liên tục;

- Tỷ lệ vốn khả dụng đã được soát xét hoặc được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận từ 150% đến dưới 180%;

- Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính mà tổ chức kiểm toán được chấp thuận đưa ra ý kiến không chấp thuận (hoặc ý kiến trái ngược), từ chối đưa ra ý kiến (hoặc không thể đưa ra ý kiến), ý kiến ngoại trừ một số chỉ tiêu của báo cáo này mà nếu trừ các ảnh hưởng ngoại trừ ra khỏi vốn khả dụng sẽ dẫn tới tỷ lệ vốn khả dụng từ 150% đến dưới 180%.

Tổ chức kinh doanh chứng khoán được đưa ra khỏi tình trạng cảnh báo khi tỷ lệ vốn khả dụng đạt từ 180% trở lên trong 3 tháng liên tục, trong đó tỷ lệ vốn khả dụng tại kỳ báo cáo cuối cùng phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.

Doanh nghiệp phải đền bù thiệt hại do xác định sai giá trị ròng của quỹ hưu trí

Đây là nội dung mới được quy định tại Thông tư số 86/2017/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện có hiệu lực từ ngày 01/10/2017.

Theo đó, khi doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí xác định sai giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí, xác định sai giá trị tài khoản hưu trí cá nhân và có phát sinh thiệt hại thực tế cho người tham gia quỹ thì:

- Phải đền bù thiệt hại cho người tham gia quỹ theo quy định tại Điều 23 Nghị định 88/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016;

- Mức độ sai sót phải đền bù thiệt hại được quy định tại quy chế xác định giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí và xác định giá trị tài khoản hưu trí cá nhân nhưng không thấp hơn 0,75% giá trị tài sản ròng của quỹ.

Doanh nghiệp có trách nhiệm công bố trên các trang thông tin điện tử của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí và đại lý hưu trí trong thời hạn tối đa ba ngày làm việc, kể từ ngày định giá, giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí.

Cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên xuất bản phẩm

Từ 1/10/2017, Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT Quy định về tỉ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm của Bộ TT&TT chính thức có hiệu lực.

Theo đó, đối với báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, khi thông tin về những vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật mà trẻ em là nạn nhân hoặc là người liên quan, phải làm mờ hoặc che mặt trẻ em và bảo đảm thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em;

Khi sử dụng trẻ em, hình ảnh trẻ em làm nhân vật, hình ảnh minh họa trong các chương trình phản ánh về các vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật: Đối với trẻ em dưới 07 tuổi, phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ theo quy định hiện hành; Đối với trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên, phải có sự đồng ý của trẻ em và của cha, mẹ, người giám hộ theo quy định hiện hành.

Đối với xuất bản phẩm, khi sử dụng hình ảnh trẻ em để minh họa trên xuất bản phẩm: Đối với trẻ em dưới 07 tuổi, phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ theo quy định hiện hành; Đối với trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên, phải có sự đồng ý của trẻ em và của cha, mẹ, người giám hộ theo quy định hiện hành.

Thông tư nêu rõ các cơ quan báo chí, nhà xuất bản phải thực hiện việc cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên các chương trình của kênh phát thanh, kênh truyền hình; báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm. Đối với xuất bản phẩm dành cho trẻ em có nội dung về giáo dục giới tính; chống bạo lực, xâm hại thân thể trẻ em phải ghi dòng chữ “Cha mẹ, người lớn cần hướng dẫn trẻ em đọc” tại trang tên sách hoặc tại bìa 4.


MINH ANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác