Chính sách nổi bật về lao động có hiệu lực từ tháng 1/2018
Đăng ngày 08-01-2018 10:27, Lượt xem: 301

Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2018; Chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ; Mức tiền pháp nhân thương mại phải nộp để bảo đảm thi hành án; Điều chỉnh chế độ hưu trí mới; Hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện là những chính sách nổi bật về lao động có hiệu lực từ tháng 1/2018.

Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2018

Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 01/01/2018 cao hơn mức lương hiện nay khoảng 180.000-230.000 đồng/tháng. Đây là nội dung nổi bật tại  Nghị định số 141/2017/NĐ-CP của Chính phủ  quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Theo đó, mức lương tối thiểu  vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 01/01/2018 như sau:  Vùng I là 3.980.000 đồng/tháng; vùng II 3.530.000 đồng/tháng; vùng III 3.090.000 đồng/tháng; vùng IV 2.760.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 180.000-230.000 đồng/tháng.

Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh. Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.

Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.

Mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu  vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất; cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu  vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định.

Nghị định cũng quy định rõ, khi thực hiện mức lương tối thiểu  vùng thì doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

Chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Nghị định này quy định về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ làm việc tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến cấp huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang.

Cụ thể, sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc tại cơ sở giáo dục đại học ở trong nước hoặc nước ngoài được công nhận tương đương về văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật có kết quả học tập và rèn luyện xuất sắc các năm học của bậc đại học, trong độ tuổi quy định tại Điều 1 Luật thanh niên tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển và đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau:

- Đạt giải ba cá nhân trở lên tại một trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, đạt giải khuyến khích trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc Bằng khen trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi quốc tế thuộc một trong các môn khoa học tự nhiên (toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học) và khoa học xã hội (ngữ văn, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ) trong thời gian học ở cấp trung học phổ thông;

- Đạt giải ba cá nhân trở lên tại cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia hoặc quốc tế trong thời gian học ở cấp trung học phổ thông hoặc bậc đại học;

- Đạt giải ba cá nhân trở lên tại cuộc thi Olympic thuộc một trong các môn toán, vật lý, hóa học, cơ học, tin học hoặc các chuyên ngành khác trong thời gian học ở bậc đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.

Đối với người có trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú, dược sĩ chuyên khoa cấp I chuyên ngành y học, dược học trong độ tuổi quy định tại Điều 1 Luật thanh niên tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển và đáp ứng đủ các tiêu chuẩn sau:

- Đạt tiêu chuẩn quy định tại điểm a hoặc điểm b hoặc điểm c khoản 1 Điều này;

- Tốt nghiệp đại học loại khá trở lên và có chuyên ngành đào tạo sau đại học cùng ngành đào tạo ở bậc đại học.

Đối với người có trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II chuyên ngành y học, dược học trong độ tuổi theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển và đáp ứng đủ các tiêu chuẩn quy định như người có trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú, dược sĩ chuyên khoa cấp I chuyên ngành y học, dược học ở trên.

Tập sự vẫn được hưởng 100% lương và phụ cấp tăng thêm

Cũng theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP , sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ sau khi được tuyển dụng phải thực hiện chế độ tập sự trong thời gian ít nhất là 03 tháng và không quá 12 tháng, trừ trường hợp đã có thời gian từ đủ 12 tháng trở lên thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí được tuyển dụng.

Trong thời gian tập sự sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được hưởng 100% mức lương và phụ cấp tăng thêm quy định tại Điều 11 Nghị định này.

Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được bổ nhiệm ngạch chuyên viên và tương đương, xếp bậc 1, hệ số lương 2,34; cán bộ khoa học trẻ có trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú, dược sĩ chuyên khoa cấp I được bổ nhiệm ngạch chuyên viên và tương đương, xếp bậc 2, hệ số lương 2,67; cán bộ khoa học trẻ có trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II được bổ nhiệm ngạch chuyên viên và tương đương, xếp bậc 3, hệ số lương 3,00. Đồng thời, được hưởng phụ cấp tăng thêm bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng. Phụ cấp tăng thêm không dùng để tính đóng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (đối với viên chức). Thời gian hưởng phụ cấp tăng thêm không quá 05 năm kể từ ngày có quyết định tuyển dụng.

Ngoài khoản phụ cấp tăng thêm quy định tại khoản 1 Điều này còn được hưởng các khoản phụ cấp lương theo quy định của pháp luật hiện hành đối với khu vực, ngành, lĩnh vực đặc thù (nếu có).

Mức tiền pháp nhân thương mại phải nộp để bảo đảm thi hành án

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 115/2017/NĐ-CP quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền pháp nhân thương mại phải nộp để bảo đảm thi hành án; việc tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp.

Theo đó, việc nộp tiền để bảo đảm thi hành án, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp chỉ được thực hiện trên cơ sở quyết định của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.

Việc nộp tiền, tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền pháp nhân thương mại đã nộp để bảo đảm thi hành án phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục do Nghị định này quy định và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Mức tiền nộp để bảo đảm thi hành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại được quy định như sau:

- Nếu điều khoản được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân thương mại có tình tiết quy định mức thiệt hại về tài sản thì mức tiền nộp để bảo đảm thi hành nghĩa vụ bồi thường do cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền quyết định trong từng trường hợp cụ thể nhưng không dưới 50% và không cao hơn mức thiệt hại cao nhất về tài sản quy định tại điều khoản đó.

-  Nếu trong điều khoản được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân thương mại không có tình tiết quy định mức thiệt hại về tài sản thì tùy từng trường hợp, cơ quan tiến hành tố tụng đang giải quyết vụ án có thể áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để xác định mức thiệt hại làm cơ sở cho việc quyết định mức tiền cụ thể mà pháp nhân thương mại phải nộp để bảo đảm thi hành nghĩa vụ bồi thường. Mức tiền nộp được quyết định trong từng trường hợp cụ thể nhưng không cao hơn mức thiệt hại thực tế đã được xác định.

Nghị định số 115/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2018.

Điều chỉnh chế độ hưu trí mới

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016: Từ 1/1/2018, lao động nam đạt 31 năm đóng BHXH và lao động nữ 30 năm đóng BHXH sẽ được hưởng lương hưu tương đương 75 % mức đóng BHXH hàng tháng.

Việc đáp ứng mức lương hưu 75 % theo lộ trình tới năm 2022, như sau: Từ năm 2019, nam giới phải đủ 32 năm tham gia BHXH, năm 2020 đạt 33 năm, năm 2021 đạt 34 năm và từ năm 2022, nam giới phải có 35 năm đóng BHXH.

Với nữ giới, sau 1/1/2018 áp dụng đồng loạt quy định hưởng lương hưu ở mức 75 % khi đủ 30 năm tham gia BHXH, không cần lộ trình tăng dần như nam giới.

Việc tính tuổi hưu như trên căn cứ vào quy định hiện hành của Luật lao động: Nam nghỉ hưu ở tuổi 60 và nữ ở tuổi 55.

Hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện

Từ ngày 1/1/2018, ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện. Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.

Cụ thể, nhà nước hỗ trợ 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).

Người tham gia BHXH tự nguyện thuộc đối tượng được hỗ trợ nộp số tiền đóng BHXH phần thuộc trách nhiệm đóng của mình cho cơ quan BHXH hoặc đại lý thu. Định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, cơ quan BHXH tổng hợp số đối tượng được hỗ trợ, số tiền thu của đối tượng và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ theo mẫu, gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ BHXH.

 

MINH ANH


 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác