Chính sách mới về tài chính doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 01/2017
Các trường hợp được miễn phí môn bài; Áp dụng chế độ kế toán cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; Các loại chứng thư số được sử dụng để ký số trong hoạt động tài chính; Gia hạn thời gian thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử; Quy định mới của Luật Ngân sách nhà nước là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1/2017.
Các trường hợp được miễn phí môn bài từ 01/01/2017
 
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài.  Theo đó, các trường hợp được miễn lệ phí môn bài được bao gồm:
 
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống; 
 
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; 
 
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối; 
 
- Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá;  
 
- Điểm bưu điện văn hóa xã; cơ quan báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử); 
 
- Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã hoạt động dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp; 
 
- Quỹ tín dụng nhân dân xã; hợp tác xã chuyên kinh doanh dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp...., doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi (địa bàn miền núi được xác định theo quy định của Ủy ban dân tộc).
 
Nghị định số 139/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/01/2017.
 
Áp dụng chế độ kế toán cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
 
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ.
 
Theo đó, một số điểm mới nổi bật tại Thông tư số 133/2016/TT-BTC  như sau:
 
- Đổi mới cách tiếp cận chính sách; Đề cao tính khả thi áp dụng trong thực tế doanh nghiệp;  Tách biệt kế toán và thuế, hướng đến phục vụ nhu cầu quản trị, điều hành doanh nghiệp;
 
- Tách biệt kỹ thuật ghi chép trên sổ kế toán và kỹ thuật trình bày báo cáo tài chính;
 
- Coi trọng bản chất hơn hình thức và tên gọi giao dịch;
 
- Tiếp cận gần hơn thông lệ và Chuẩn mực quốc tế.
 
Thông tư số 133/2016/TT-BTC thay thế các nội dung áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Quyết định 48/2006/QĐ-BTC và Thông tư 138/2011/TT-BTC,  có hiệu lực áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 01/01/2017.
 
Các loại chứng thư số được sử dụng để ký số trong hoạt động tài chính
 
Có hiệu lực từ 10/01/2017,  Nghị định số 156/2016/NĐ-CP ngày 21/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/2/2007 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính , các loại chứng thư số được sử dụng để ký số trong hoạt động tài chính giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan tài chính.
 
Cụ thể, các loại chứng thư số được sử dụng để ký số trong hoạt động tài chính giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan tài chính: Chứng thư số được cấp bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng; chứng thư số được cấp bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị; chứng thư số nước ngoài được công nhận; chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam; chứng thư số nước ngoài được chấp nhận trong giao dịch quốc tế.
 
Điều kiện, phạm vi và đối tượng sử dụng đối với từng loại chứng thư số trong hoạt động tài chính phải tuân theo quy định của pháp luật về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.
 
Cơ quan tài chính tham gia giao dịch điện tử có ràng buộc bởi điều ước quốc tế về chữ ký số mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì phải thực hiện theo điều ước quốc tế đó.
 
Gia hạn thời gian thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử
 
Mới đây, thừa uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã ký quyết định số 2660/QĐ-BTC ngày 14/12/2016  gia hạn việc thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) có mã xác thực của cơ quan thuế, từ ngày 1/1/2017 đến khi có các quyết định mới.
 
Thực hiện thí điểm hóa đơn GTGT điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế có nhiều điểm ưu việt so với các loại hóa đơn giấy trước đây (kể cả hóa đơn tự in, đặt in). HĐĐT được đánh giá là giải pháp có tính khả thi cao trong việc ngăn chặn tình trạng in, phát hành, mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Đồng thời, đây cũng là giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
 
HĐĐT là giải pháp giúp cho tổ chức, doanh nghiệp có thể phát hành, phân phối, xử lý các nghiệp vụ và lưu trữ HĐĐT thay thế cho việc phát hành và sử dụng hóa đơn giấy. HĐĐT tiết kiệm chi phí, thuận tiện hạch toán, kế toán, đối chiếu dữ liệu, không xảy ra mất mát, hư hỏng, thất lạc hóa đơn; đơn giản hóa việc quyết toán thuế, thuận tiện cho việc kiểm tra của đơn vị quản lý thuế...
 
Quy định mới của Luật Ngân sách nhà nước
 
Có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước về lập dự toán ngân sách; thu nộp ngân sách; kiểm soát, thanh toán chi ngân sách; quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả thực hiện nhiệm vụ; quyết toán ngân sách; nguyên tắc, điều kiện, thẩm quyền ứng trước dự toán, chi chuyển nguồn, sử dụng dự phòng ngân sách; sử dụng quỹ dự trữ tài chính; công khai ngân sách nhà nước, giám sát ngân sách nhà nước của cộng đồng và một số nội dung khác theo quy định của Luật ngân sách nhà nước...
 
THẢO ANH
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác