Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghệ thông tin
Đăng ngày 29-03-2017 18:05, Lượt xem: 1587

Ngày 29-3, UBND thành phố tổ chức "Hội nghị Phát triển Công nghiệp Công nghệ thông tin (CNTT) và Truyền thông". Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng kiêm Trưởng ban Chỉ đạo ứng dụng và phát triển CNTT thành phố và ông Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì hội nghị.

Theo ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, Đà Nẵng có gần 700 doanh nghiệp CNTT đầu tư, phát triển với nhiều dịch vụ khác nhau, phân loại thành 5 nhóm dịch vụ: phân phối, buôn bán sản phẩm CNTT (29%), sản xuất, lắp ráp và cung cấp dịch vụ phần cứng, điện tử (7%), dịch vụ sản xuất và cung cấp dịch vụ nội dung thông tin số (5%), dịch vụ sản xuất, cung cấp dịch vụ CNTT (6%) và nhóm dịch vụ sản xuất, gia công, cung cấp dịch vụ phần mềm (43%).

Với lực lượng nhân lực CNTT ước khoảng 20 ngàn người, doanh thu trung bình của ngành giữ được tốc độ tăng trưởng cao qua từng năm từ 25 đến 30%. Năm 2016, doanh thu ngành đạt hơn 13 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách 114,8 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu công nghiệp phần mềm và nội dung số đạt gần 3 ngàn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 58 triệu USD, tăng 20% so với năm 2015.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã trao đổi, tìm giải pháp khắc phục những vướng mắc, khó khăn để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển công nghệ CNTT và thông tin tại Đà Nẵng. Đối với thị trường trong lĩnh vực công, các tập đoàn lớn như Viettel, VNPT, FPT.. thường có ưu thế khi tham gia vào các dụ án của nhà nước. Trong đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương ít có cơ hội cạnh tranh, đặc biệt là tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm và dịch vụ. Bản thân năng lực doanh nghiệp còn yếu, nhà nước lại chưa có kênh hỗ trợ hiệu quả để doanh nghiệp CNTT quảng bá hình ảnh, xúc tiến thị trường tại nước ngoài.
 
Đặc biệt, các doanh nghiệp CNTT hiện đang gặp khó khăn về mặt bằng và văn phòng cho thuê. Đà Nẵng có 6 khu CNTT tập trung, trong đó, có 2 khu đang hoạt động và đã đầy, các khu còn lại vẫn dang trong giai đoạn triển khai đầu tư xây dựng, vẫn chưa đáp ứng nhu cầu mặt bằng cho doanh nghiệp. Hiện tại, giá thuê văn phòng tại Khu công viên phần mềm số 1 của thành phố khá cao, do đó, chính quyền thành phố cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích hơn nữa cho doanh nghiệp CNTT.
 
Khảo sát tại 107 doanh nghiệp CNTT đang hoạt động trên địa bàn, trong đó có 77 doanh nghiệp có ý kiến đánh giá về nguồn nhân lực CNTT, đa số doanh nghiệp đánh giá không cao về trình độ ngoại ngữ và kỹ năng mềm của nhân lực CNTT. Số lượng sinh viên CNTT tốt nghiệp ra trường chỉ mới đáp ứng được 52% nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Một số lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, các sinh viên CNTT mới ra trường chỉ nắm được lý thuyết trên trường học, kinh nghiệm thực hành còn yếu, doanh nghiệp phải tốn kém thời gian và chi phí để đào tạo lại sau khi tuyển dụng. Những kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực phần mềm được nhiều doanh nghiệp tìm kiếm, tuyển dụng liên quan đến lĩnh vực lập trình mobile và lập trình web (PHP, HTML/Javascript, .Net…). Các doanh nghiệp có yêu cầu trình độ ngoại ngữ cao đối với người lao động (tiếng Anh, Nhật..) do đặc thù nhiều doanh nghiệp thường xuyên làm việc với đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, trình độ ngoại ngữ của sinh viên mới ra trường chưa đáp ứng được. Người lao động thiếu kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, viết tài liệu kỹ thuật cũng như môi trường làm việc thực tế đòi hỏi khả năng tương tác, phối hợp và tính chuyên nghiệp cao.
 
Bàn về tình hình đào tạo nguồn nhân lực CNTT tại các cơ sở đào tạo, ông Huỳnh Hữu Hưng - Phó Khoa CNTT trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết, khảo sát sinh viên trường Đại học Bách khoa tốt nghiệp năm 2016, 66%  sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp dưới 3 tháng; 90% có việc làm sau khi tốt nghiệp từ 3 đến 6 tháng. Trong đó, 45% làm cho doanh nghiệp tư nhân, 45% làm cho doanh nghiệp nước ngoài, 5% làm cho cơ quan, doanh nghiệp nhà nước và 5% tự tạo việc làm. Ông Hưng cũng đề nghị, trong thời gian tới, các cơ sở đào tạo cần tăng cường các chương trình hợp tác doanh nghiệp và hợp tác quốc tế, hướng đến kiểm định chất lượng chuẩn quốc tế, mở chuyên ngành an toàn thông tin, xây dựng Quỹ sáng tạo và khởi nghiệp CNTT... Đồng thời, phối hợp doanh nghiệp đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên, tham gia giảng dạy chuyên ngành, đồ án môn học, tham gia nhận sinh viên thực tập, hỗ trợ thiết bị phòng thí nghiệm, đề xuất hợp tác nghiên cứu khoa học và hỗ trợ xây dựng Quỹ sáng tạo khởi nghiệp CNTT dành cho sinh viên….
 
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho biết chính quyền thành phố xác định phát triển công nghiệp CNTT trở thành mũi đột phá về phát triển kinh tế xã hội; đồng thời nhấn mạnh trong năm 2017, các sở ngành cần phối hợp chặt chẽ Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường các giải pháp hữu hiệu quảng bá, xúc tiến đầu tư cho các doanh nghiệp CNTT. Bên cạnh kết nối với các doanh nghiệp CNTT trong và ngoài nước; hỗ trợ doanh nghiệp CNTT thụ hưởng các cơ chế, nguồn lực tài chính, thuế…cần sớm hoàn thành các khu công viên phần mềm, khu CNTT tập trung để tạo không gian, mặt bằng cho CNTT. Đồng thời, triển khai các giải pháp nâng cao số lượng, chất lượng đầu ra của sinh viên, thu hút chuyên gia đầu ngành, mở rộng quy mô, hình thức đào tạo CNTT.. cũng như đẩy mạnh khởi nghiệp, sáng tạo ngành CNTT.
CÔNG TÂM

 

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác