Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2017
Đăng ngày 06-09-2017 10:57, Lượt xem: 801

Bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; Tổ chức kiểm tra sức khỏe cho trẻ em; Sửa tiêu chí đánh giá, phân loại viên chức; Phát sai bản tin dự báo thiên tai bị phạt tới 50 triệu đồng; Nhà mạng phải thông báo việc tự động gia hạn dịch vụ; Văn phòng Chính phủ quản lý Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính; Đưa chó ra đường không rọ mõm, không xích sẽ bị phạt tới 800.000 đồng...là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2017.

Bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện

Có hiệu lực từ 05/9/2017, Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.

Nghị định số 80/2017/NĐ-CP nêu rõ, địa điểm đặt cơ sở giáo dục, lớp độc lập không vi phạm quy định tại khoản 13 Điều 6 của Luật trẻ em và không nằm trong vùng cảnh báo nguy hiểm.

Cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục bảo đảm các yêu cầu sau: có khuôn viên, cổng trường, biển tên trường, tường rào, hàng rào, sân vườn, cây xanh bảo đảm an toàn, vệ sinh, phù hợp cảnh quan, môi trường thân thiện; sân chơi, bãi tập, khu để xe phù hợp và thân thiện với người học; khối phòng học, phòng học bộ môn, phòng phục vụ học tập bảo đảm đủ ánh sáng, thoáng mát, có bàn ghế phù hợp với người học, có khu nhà ăn, nhà nghỉ đối với các cơ sở giáo dục tổ chức bán trú, nội trú; công trình vệ sinh, nước sạch và các công trình xây dựng khác bảo đảm an toàn, thân thiện, dễ tiếp cận, phù hợp với nhu cầu đa dạng của người sử dụng.

Bên cạnh đó, thiết lập kênh thông tin như hộp thư góp ý, đường dây nóng và các hình thức khác để tiếp nhận, xử lý các thông tin của người học; bảo mật cho người cung cấp thông tin; tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động giáo dục kỹ năng sống, từ thiện vì cộng đồng…

Tổ chức kiểm tra sức khỏe cho trẻ em

Có hiệu lực từ 15/9/2017, Thông tư số 23/2017/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ theo độ tuổi cho trẻ em; tư vấn chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu tổ chức khám tổng quát và kiểm tra sức khỏe cho trẻ em mỗi năm một lần. Trẻ từ khi sinh đến trước khi vào học mầm non và trẻ dưới 6 tuổi không đi học được khám sức khỏe định kỳ tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn về các nội dung: đo chiều cao, cân nặng để đánh giá về phát triển thể lực; Khám toàn diện để đánh giá về phát triển tinh thần, vận động, phát hiện bệnh tật, các dấu hiệu bất thường và nguy cơ về bệnh tật; Kiểm tra tiêm chủng theo lịch và tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đối với trẻ em chưa tiêm và có nhu cầu…

Trẻ em từ 7 đến dưới 16 tuổi không đi học được khám sức khỏe định kỳ tại Trạm y tế xã theo nội dung ghi trong Hồ sơ quản lý sức khỏe.

Trẻ là học sinh từ mầm non đến hết trung học cơ sở được kiểm tra sức khỏe, khám sức khỏe tại trường vào đầu năm học.

Sửa tiêu chí đánh giá, phân loại viên chức

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27/7/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức Đánh giá, phân loại trước khi bình xét.

Nghị định số 88/2017/NĐ-CP quy định, thời điểm đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức được tiến hành trong tháng 12 hàng năm, trước khi thực hiện việc bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm.

Việc đánh giá người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được tiến hành như sau: viên chức làm báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao; viên chức trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp của cơ quan, đơn vị để mọi người tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến. Các ý kiến được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp, cấp ủy đảng cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về viên chức được đánh giá, phân loại.

Đồng thời, Nghị định số 88/2017/NĐ-CP sửa đổi tiêu chí phân loại đánh giá viên chức ở mức hoàn thành nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ theo hướng bỏ yêu cầu phải đáp ứng tiêu chí: có ít nhất 1 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận.

Như vậy, chỉ viên chức được đánh giá ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mới phải đáp ứng tiêu chí về công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến như trên.

Nghị định số 88/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/9/2017.

Phát sai bản tin dự báo thiên tai bị phạt tới 50 triệu đồng

Đây là nội dung nổi bật quy định tại Nghị định số 84/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 173/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ.

Theo đó, từ 10/9/2017, truyền, phát sai lệch bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn bị phạt từ 40 - 50 triệu đồng. Đồng thời, truyền, phát bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn chậm so với thời gian quy định cũng bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.

Hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ cũng tăng. Cụ thể, Nghị định 84/2017/NĐ-CP quy định tước quyền sử dụng giấy phép 3-24 tháng, quy định cũ chỉ tước quyền sử dụng giấy phép 3-12 tháng. Các đơn vị hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không có giấy phép sẽ bị phạt 25 - 30 triệu đồng trong nghị định mới (quy định cũ là 10-15 triệu đồng). Nghị định 84/2017/NĐ-CP cũng bổ sung mức phạt 3-5 triệu đồng với hành vi ban hành bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn 3 lần liên tiếp trong một tháng không đủ độ tin cậy.

Ngoài ra, các đơn vị cũng bị phạt tiền 10-15 triệu đồng nếu không tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; không tuân thủ quy trình kỹ thuật, quy trình đánh giá chất lượng trong dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

Nhà mạng phải thông báo việc tự động gia hạn dịch vụ

Nội dung trên được quy định tại Thông tư số 08/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc sửa đổi, bổ sung một số điều về quy trình, thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động

Theo đó, bổ sung một số quy định về nghĩa vụ của nhà mạng khi cung cấp dịch vụ định kỳ cho các chủ thuê bao như sau:

Đối với thuê bao đã đăng ký dịch vụ định kỳ, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải gửi tin nhắn tới người sử dụng thông báo về việc tự động gia hạn dịch vụ theo quy định sau:

- Thông tin thông báo: Tên dịch vụ, mã, số cung cấp dịch vụ, chu kỳ cước, giá cước, cách hủy, tổng đài hỗ trợ tư vấn khách hàng. Việc thông báo sẽ thực hiện 07 ngày/lần đối với dịch vụ định kỳ ngày, tuần và 30 ngày/lần đối với dịch vụ định kỳ tháng, năm kể từ ngày đăng ký thành công.

- Thời gian gửi thông báo sẽ từ 07 giờ đến 22 giờ hàng ngày.

Trường hợp thuê bao đã hủy dịch vụ thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải có tin nhắn SMS thông báo về kết quả xử lý yêu cầu hủy này.

Thông tư số 08/2017/TT-BTTTT có hiệu lực kể từ ngày 21/9/2017.

Văn phòng Chính phủ quản lý Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính

Có hiệu lực từ ngày 25/9/2017, Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 7/8/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính. Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/2/2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.

Trong đó, về xây dựng Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính, Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm xây dựng, quản lý Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính thống nhất trong toàn quốc; công bố công khai các phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính đã được cấp có thẩm quyền xử lý trên Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.

Đưa chó ra đường không rọ mõm, không xích sẽ bị phạt tới 800.000 đồng.

Đây là nội dung nổi bật quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y.

Cụ thể, từ ngày 15/9, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân phải chịu phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm là 50 triệu đồng với cá nhân và 100 triệu đồng với tổ chức.

Theo đó, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vắcxin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật.

Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.

Riêng hành vi không thực hiện cách ly, chăm sóc, chữa bệnh cho động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh (trừ trường hợp cấm chữa bệnh hoặc phải giết mổ, tiêu hủy bắt buộc) bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng.

Trong việc phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản, hành vi sử dụng động vật thủy sản để làm giống mang mầm bệnh hoặc mắc bệnh thuộc danh mục bệnh động vật phải công bố dịch, bị phạt từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Không xử lý môi trường khi có dịch bệnh xảy ra bị phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

 

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác