Chính sách nổi bật về lao động có hiệu lực từ tháng 9/2017
Đăng ngày 06-09-2017 10:57, Lượt xem: 704

Thứ tự ưu tiên trong xét thăng hạng chức danh viên chức y tế; Cách tính, hưởng phụ cấp đặc thù, nặng nhọc cho giáo viên nghề; Kiến thức chung khi thi thăng hạng giảng viên từ hạng II lên hạng I; Tăng trợ cấp hàng tháng từ 01/7/2017 cho cán bộ xã nghỉ việc; Bồi dưỡng 10 triệu đồng cho người cung cấp thông tin liệt sĩ... là những chính sách nổi bật về lao động có hiệu lực từ tháng 9/2017.

Thứ tự ưu tiên trong xét thăng hạng chức danh viên chức y tế

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư  số 29/2017/TT-BYT quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế.

Theo đó, nếu số lượng người đủ tiêu chuẩn dự xét thăng hạng nhiều hơn số lượng bảo đảm cơ cấu viên chức của đơn vị sự nghiệp y tế công lập, Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp sẽ ưu tiên xét theo thứ tự sau:

- Thành tích nghiên cứu khoa học;

- Số năm giữ hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ;

- Kết quả đánh giá, xếp loại viên chức 02 năm liền kề năm xét thăng hạng;

- Kết quả phỏng vấn (nếu có).

Việc xác định người trúng tuyển thực hiện theo Quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Trường hợp viên chức không trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định thì không được bảo lưu kết quả cho lần sau.

Thông tư số 29/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/09/2017.

Cách tính, hưởng phụ cấp đặc thù, nặng nhọc cho giáo viên nghề

Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư số 22/2017/TT-BLĐTBXH  hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 113/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015 của Chính phủ quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

Việc tính, hưởng phụ cấp đặc thù hằng tháng đối với nhà giáo dạy tích hợp; nhà giáo dạy thực hành có một trong các danh hiệu, chứng chỉ, chứng nhận sau trở lên: Nghệ nhân ưu tú, chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 4, chứng nhận bậc thợ 5/6, 6/7 do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật, quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định số 113/2015/NĐ-CP như sau:

Tiền phụ cấp đặc thù = {[Hệ số lương theo ngạch, hạng, bậc + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng] x Mức lương cơ sở}/ (Định mức giờ giảng của nhà giáo trong một năm /12 tháng) x Số giờ dạy tích hợp, dạy thực hành thực tế trong tháng x10%.

Thông tư nêu rõ, việc tính, hưởng phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo dạy thực hành, tích hợp ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định tại Điều 12 Nghị định số 113/2015/NĐ-CP như sau:

Tiền phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm = (Mức phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hưởng x Mức lương cơ sở) / (Định mức giờ giảng của nhà giáo trong một năm /12 tháng) x Số giờ dạy thực hành, tích hợp ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thực tế trong tháng.

Thông tư số 22/2017/TT-BLĐTBXH  có hiệu lực từ ngày 25/9/2017.

Kiến thức chung khi thi thăng hạng giảng viên từ hạng II lên hạng I

Có hiệu lực từ ngày 05/9/2017, Thông tư số 18/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp (CDNN) viên chức giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học công lập. Theo đó, bài thi kiến thức chung khi thi thăng hạng CDNN giảng viên chính (hạng II) lên giảng viên cao cấp (hạng I) sẽ bao gồm các nội dung nổi bật như:

- Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng;

- Quan điểm, định hướng chiến lược phát triển các ngành hoặc chuyên ngành đào tạo của nhà trường;

- Pháp luật về viên chức phù hợp với tiêu chuẩn CDNN giảng viên cao cấp (hạng I);

- Dung lượng kiến thức của đề thi và nội dung thi về lĩnh vực giáo dục và đào tạo là 70%, về pháp luật viên chức là 30%.

- Bài thi kiến thức chung sẽ thi theo hình thức tự luận trong thời gian 180 phút.

Cũng theo Thông tư số 18/2017/TT-BGDĐT, các trường hợp sau đây sẽ được miễn thi ngoại ngữ trong kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp: đã học tập, nghiên cứu toàn thời gian ở nước ngoài được cấp bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ của cơ sở đào tạo nước ngoài sử dụng một trong các ngôn ngữ Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc;  Đã có bằng tốt nghiệp đại học thứ hai là bằng ngoại ngữ thuộc một trong các ngôn ngữ Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc; Có một trong các chứng chỉ sau và còn trong thời hạn 02 năm: Chứng chỉ B1 theo Khung tham chiếu chung Châu Âu hoặc chứng chỉ TOEFL PBT 450 điểm, TOEFL CBT 133 điểm, TOEFL iBT 45 điểm, IELTS 4,5 trở lên với giảng viên (hạng III) lên giảng viên chính (hạng II); Chứng chỉ B2 theo Khung tham chiếu chung Châu Âu hoặc chứng chỉ TOEFL PBT 500 điểm, TOEFL CBT 173 điểm, TOEFL iBT 61 điểm, IELTS 5,5 điểm trở lên với thi thăng từ giảng viên chính (hạng II) lên giảng viên cao cấp (hạng I).

Tăng trợ cấp hàng tháng từ 01/7/2017 cho cán bộ xã nghỉ việc

Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư  số 04/2017/TT-BNV hướng dẫn điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc.

Theo đó, mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc thuộc đối tượng nêu trên sẽ được điều chỉnh tăng thêm 7,44% từ ngày 01/7/2017 theo công thức tính:

Mức hưởng từ ngày 01/7/2017 = Mức trợ cấp được hưởng tháng 6/2017 x 1,0744

Cụ thể, mức trợ cấp hàng tháng (đã làm tròn) như sau:

- Đối với cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã: 1.846.000 đồng/tháng;

- Đối với cán bộ nguyên là Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký UBND, Thư ký HĐND xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã: 1.786.000 đồng/tháng;

- Đối với các chức danh còn lại: 1.653.000 đồng/tháng.

Thông tư số 04/2017/TT-BNV thay thế Thông tư số 01/2015/TT-BNV ngày 13/02/2015, có hiệu lực từ ngày 01/7/2017.

Bồi dưỡng 10 triệu đồng cho người cung cấp thông tin liệt sĩ

Nội dung trên được quy định tại Quyết định số 35/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Theo đó, từ ngày 10/9/2017, bồi dưỡng 3 triệu đồng cho người cung cấp thông tin chính xác để tìm kiếm, quy tập được 1 hài cốt liệt sĩ; 5 triệu đồng đối với thông tin chính xác về mộ tập thể có từ 2 đến 5 hài cốt liệt sĩ và 10 triệu đồng đối với thông tin chính xác về mộ tập thể có từ 6 hài cốt liệt sĩ trở lên (theo quy định cũ chỉ bồi dưỡng có 2 triệu đồng).

Đồng thời, tăng mức bồi dưỡng đối với đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ khi trực tiếp làm nhiệm vụ khảo sát, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ ở trong nước từ 100.000 đồng/người/ngày thực tế làm nhiệm vụ lên 220.000 đồng/người/ngày; tăng mức bồi dưỡng sức khỏe từ 280.000 đồng/người lên mức 500.000 đồng/người (không quá 2 lần/năm).

 

MINH ANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác