Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 11/2017
Đăng ngày 06-11-2017 15:01, Lượt xem: 525

Doanh nghiệp viễn thông phải định kỳ cung cấp thông tin thuê bao; Quy định mới về kinh doanh rượu; Đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất; Đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất; Bãi bỏ điều kiện về diện tích trong cấp phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá; Các doanh nghiệp cảng hàng không phải bố trí hệ thống wifi miễn phí có chất lượng tại nhà ga hành khách... là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 11/2017.

Doanh nghiệp viễn thông phải định kỳ cung cấp thông tin thuê bao

Từ 15/11, doanh nghiệp viễn thông phải định kỳ cung cấp thông tin thuê bao đến Cục viễn thông. Đây là yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Thông tư số 21/2017/TT-BTTTT về cung cấp và sử dụng số liệu viễn thông.

Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm cung cấp cho Cục Viễn thông các loại số liệu gồm: Thông tin thuê bao di động; số liệu về số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi có trong bản ghi chi tiết cuộc gọi (CDR). Các số liệu này là số liệu gốc được ghi nhận tại hệ thống tổng đài của doanh nghiệp viễn thông, được lưu trữ tại doanh nghiệp trong vòng 24 tháng tính đến thời điểm yêu cầu cung cấp số liệu.

Việc khai thác số liệu viễn thông nhằm: Kiểm tra, giám sát việc quản lý thông tin thuê bao; Kiểm tra việc sử dụng kho số viễn thông; Kiểm tra độ chính xác ghi cước; tỷ lệ cuộc gọi bị tính cước, lập hóa đơn không chính xác; Giải quyết khiếu nại về cước dịch vụ viễn thông, Internet, tranh chấp về cước kết nối giữa các doanh nghiệp viễn thông.

Việc cung cấp số liệu được thực hiện định kỳ hàng tháng thông qua đường truyền dẫn kết nối từ doanh nghiệp đến Cục Viễn thông hoặc khi có yêu cầu bằng văn bản của Cục Viễn thông. Đối với các thông tin của giấy tờ tùy thân của người sử dụng thuê bao, giấy chứng nhận pháp nhân của tổ chức sử dụng thuê bao, ảnh chụp người đến giao kết hợp đồng, bản xác nhận thông tin thuê bao có chữ ký điện tử sẽ được cung cấp bản số hóa qua hệ thống ứng dụng quản lý của mỗi doanh nghiệp.

Thông tư  số 21/2017/TT-BTTTT có hiệu lực từ ngày 15/11/2017.

Quy định mới về kinh doanh rượu

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 105/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh rượu quy định về hoạt động kinh doanh rượu, bao gồm: Hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu; hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ.

Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Rượu đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường cho đến khi quy chuẩn kỹ thuật tương ứng được ban hành và có hiệu lực.

Thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo quy định của Luật an toàn thực phẩm, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác liên quan.

Nghị định quy định rõ các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu gồm: Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép theo quy định tại Nghị định này; sử dụng cồn thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn, cồn công nghiệp hoặc nguyên liệu bị cấm khác để sản xuất, pha chế rượu; cho thuê, cho mượn Giấy phép kinh doanh rượu; trưng bày, mua, bán, lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem, nhãn đúng quy định của pháp luật, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động; quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định của pháp luật.

Nghị định số 105/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/11/2017.

Đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 113/2017/NĐ-CP  ngày 09/10/2017 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất.

Cụ thể, nhà xưởng, kho chứa phải có lối, cửa thoát hiểm, lối thoát hiểm phải được chỉ dẫn rõ ràng bằng bảng hiệu, đèn báo và được thiết kế thuận lợi cho việc thoát hiểm, cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp.

Về bao bì, vật chứa, Nghị định số 113/2017/NĐ-CP  yêu cầu bao bì phải đảm bảo kín, chắc chắn, có độ bền chịu được tác động của hóa chất, thời tiết và các tác động thông thường khi bốc, xếp, vận chuyển. Bao bì đã qua sử dụng phải bảo quản riêng. Trước khi nạp hóa chất, cơ sở thực hiện nạp phải kiểm tra bao bì, vật chứa hóa chất, làm sạch bao bì đã qua sử dụng để loại trừ khả năng phản ứng, cháy nổ khi nạp hóa chất. Các vật chứa, bao bì đã qua sử dụng nhưng không sử dụng lại được phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Thiết bị san chiết, đóng gói hóa chất phải đạt yêu cầu chung về an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành. Máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và thiết bị đo lường thử nghiệm phải được kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh, bảo dưỡng theo quy định hiện hành về kiểm định máy móc, thiết bị.  Người lao động trực tiếp san chiết, đóng gói hóa chất phải được huấn luyện về an toàn hóa chất.

Nghị định số 113/2017/NĐ-CP  có hiệu lực từ 25/11/2017.

Bãi bỏ điều kiện về diện tích trong cấp phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 106/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá quy định mới về điều kiện cấp giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá.

Theo đó, Nghị định số 106/2017/NĐ-CP đã bải bỏ điều kiện diện tích điểm kinh doanh thuốc lá phải từ 3m2 trở lên trong điều kiện cấp giấy phép. Đồng thời bãi bỏ điều kiện: Phải có phương tiện vận tải thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu theo hợp đồng liên doanh, liên kết góp vốn; hoặc có hợp đồng thuê phương tiện vận tải phù hợp với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp (tối thiểu phải có 2 xe có tải trọng từ 500 kg trở lên).

Để được cấp Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá, doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện sau: Được thành lập theo quy định pháp luật; Có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định.

Ngoài ra, các thương nhân đã được cấp giấy phép mua bán sản phẩm thuốc lá theo Nghị định 67/2013/NĐ-CP khi nghị định 106/2017/NĐ-CP có hiệu lực vẫn được tiếp tục duy trì hiệu lực cho đến khi hết thời hạn theo giấy phép đã cấp.

Các doanh nghiệp cảng hàng không phải bố trí hệ thống wifi miễn phí có chất lượng tại nhà ga hành khách

Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Thông tư số 27/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải .

Cụ thể, các doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nhà ga hành khách phải bố trí hệ thống wifi miễn phí tại nhà ga hành khách có chất lượng, đảm bảo liên tục truy cập, kết nối;  phải bố trí vị trí niêm yết thông tin đường dây nóng của tất cả các doanh nghiệp hãng hàng không tại cảng hàng không.

Các hãng hàng không phải bố trí nhân viên trợ giúp hành khách chưa làm thủ tục tại khu vực làm thủ tục trước giờ đóng quầy 15 phút (theo quy định trước đây chỉ 10 phút) và thông tin cho các bộ phận an ninh, xuất nhập cảnh, hải quan để hỗ trợ hành khách hoàn thiện các thủ tục.

Thông tư số 27/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-BGTVT ngày 29/08/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2017.


KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác