Chính sách nổi bật về lao động có hiệu lực từ tháng 12/2017
Đăng ngày 06-12-2017 10:07, Lượt xem: 1376

Chế độ lương với người làm công tác cơ yếu; Quy định mới về xuất ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ; Thay đổi thời hạn nâng lương cho người làm công tác cơ yếu; Quy định mới về trang phục làm việc hàng ngày của Thẩm phán; Chế độ công tác phí mới áp dụng đối với công chức quốc phòng; Công chức bị khiếu nại, tố cáo không được xét khen thưởng... là những chính sách nổi bật về lao động có hiệu lực từ tháng 12/2017.

Chế độ lương với người làm công tác cơ yếu

Từ 1/12/2017, chế độ tiền lương đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 07/2017/TT-BNV do Bộ Nội vụ mới ban hành.

Theo đó, đối tượng áp dụng bảng lương cấp hàm cơ yếu gồm những người hiện giữ chức danh lãnh đạo do bổ nhiệm trong tổ chức cơ yếu từ Trưởng ban (hoặc Đội trưởng) cơ yếu đơn vị thuộc Bộ, ngành và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; trợ lý tham mưu nghiệp vụ được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm theo chức danh, tiêu chuẩn chức danh thuộc các lĩnh vực: Nghiên cứu, quản lý khoa học công nghệ mật mã; nghiệp vụ mật mã; chứng thực số và bảo mật thông tin; an ninh mạng; quản lý mật mã dân sự; sản xuất, lắp ráp, sửa chữa, cung cấp sản phẩm mật mã; giảng viên giảng dạy chuyên ngành mật mã…

Cụ thể, bảng lương cấp hàm cơ yếu được quy định thành 10 bậc, từ bậc 1 đến bậc 10 tương ứng với hệ số lương từ 4,2 đến 9,2 (cấp bậc quân hàm từ Thiếu úy đến Trung tướng). Cụ thể như sau: Bậc 1 bằng hệ số lương của cấp bậc quân hàm Thiếu úy là 4,20;  Bậc 2 bằng hệ số lương của cấp bậc quân hàm Trung úy là 4,60;  Bậc 3 bằng hệ số lương của cấp bậc quân hàm Thượng úy là 5,00; Bậc 4 bằng hệ số lương của cấp bậc quân hàm Đại úy là 5,40; Bậc 5 bằng hệ số lương của cấp bậc quân hàm Thiếu tá là 6,00; Bậc 6 bằng hệ số lương của cấp bậc quân hàm Trung tá là 6,60; Bậc 7 bằng hệ số lương của cấp bậc quân hàm Thượng tá là 7,30; Bậc 8 bằng hệ số lương của cấp bậc quân hàm Đại tá là 8,00; Bậc 9 bằng hệ số lương của cấp bậc quân hàm Thiếu tướng là 8,60;  Bậc 10 bằng hệ số lương của cấp bậc quân hàm Trung tướng là 9,20

Quy định mới về xuất ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ

Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 279/2017/TT-BQP quy định việc xuất ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân 

Thông tư số 279/2017/TT-BQP nêu rõ, xuất ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ là thực hiện việc chuyển ra khỏi biên chế lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân sang phục vụ trong ngạch dự bị theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015. Cách tính thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ thực hiện theo quy định tại Điều 22 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015.

Về hình thức xuất ngũ, hạ sĩ quan, binh sĩ được xuất ngũ đúng thời hạn khi đã phục vụ tại ngũ đủ thời hạn theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015.

Hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ sau thời hạn khi đã phục vụ tại ngũ đủ thời hạn theo quy định nêu trên và được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ.

Hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ trước thời hạn khi có một trong các điều kiện sau: Hội đồng giám định sức khỏe từ cấp sư đoàn và tương đương trở lên hoặc Hội đồng giám định y khoa cấp có thẩm quyền kết luận không đủ tiêu chuẩn sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định.

Ủy ban nhân dân cấp xã và Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện xác nhận là gia đình có hoàn cảnh khó khăn thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ, cụ thể: Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận; một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%.

Ủy ban nhân dân cấp xã và Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện xác nhận là gia đình có hoàn cảnh khó khăn thuộc diện miễn gọi nhập ngũ, cụ thể: Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một; một anh hoặc một em của liệt sĩ; một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.

Thông tư số 279/2017/TT-BQP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2017

Thay đổi thời hạn nâng lương cho người làm công tác cơ yếu

Theo Thông tư 07/2017/TT-BNV về chế độ tiền lương đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước, điều kiện thời gian nâng bậc lương cấp hàm cơ yếu được điều chỉnh so với quy định hiện hành như sau:

- Từ bậc 8 hệ số lương (HSL) 8.00 lên bậc 9 HSL 8.60 là 4 năm (quy định hiện hành không xác định thời gian);

- Từ bậc 9 HSL 8.60 lên bậc 10 HSL 9.20 là 4 năm (quy định hiện hành không có HSL bậc 10).

- Thời hạn nâng bậc lương các hàm cấp từ bậc 1 đến bậc 7 tiếp tục giữ nguyên như quy định hiện hành.

Thông tư số 07/2017/TT-BNV thay thế Thông tư liên tịch số 24/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 18/02/2005.

Quy định mới về trang phục làm việc hàng ngày của Thẩm phán

Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Quyết định 1738/QĐ-TANDTC về Quy chế cấp phát, sử dụng và quản lý trang phục trong ngành Tòa án.

Theo đó, việc sử dụng trang phục hàng ngày của Thẩm phán được quy định như sau:

- Trang phục xuân-hè: Quần âu màu tím than, áo sơ mi trắng dài tay để trong quần, phù hiệu, biển tên ở ngực áo bên trái.

- Trang phục thu-đông: Bộ comple màu tím than, áo sơ mi trắng dài tay để trong quần, phù hiệu, biển tên ở ngực áo bên trái.

- Thẩm phán TAND các tỉnh phía Bắc từ Thừa Thiên Huế trở ra, sử dụng trang phục xuân-hè từ ngày 01/4 đến hết ngày 31/10 hằng năm; trang phục thu đông từ ngày 01/11 năm trước đến ngày 31/3 năm sau.

- Thẩm phán TAND các tỉnh phía Nam, từ Đà Nẵng trở vào (trừ Lâm Đồng) sử dụng trang phục xuân-hè.

- Trong thời gian giao mùa thời tiết thay đổi thường xuyên, việc sử dụng trang phục do Chánh án Tòa án quyết định.

Chế độ công tác phí mới áp dụng đối với công chức quốc phòng 

Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 259/2017/TT-BQP quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.

Theo đó, tăng hàng loạt mức chi công tác phí, cụ thể: 

- Phụ cấp lưu trú:  Mức 200.000 đồng/ngày đối với thời gian đi đường từ 5 giờ/ngày trở lên hoặc từ 150 km/ngày trở lên đối với khu vực miền núi và 300 km/ngày trở lên đối với khu vực còn lại (tăng 50.000 đồng/ngày); Mức 100.000 đồng/ngày đối với thời gian lưu trú tại cơ quan, đơn vị nơi đến công tác (tăng 50.000 đồng/ngày);  Trường hợp được cử đi công tác từ đất liền làm nhiệm vụ trên biển, đảo: 250.000 đồng/người/ngày thực tế đi biển, đảo (tăng 100.000 đồng/ngày).

- Tiền thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác đối với các đối tượng không mang chức danh lãnh đạo, chỉ huy:  Đi công tác ở quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và thành phố là đô thị loại I: không quá 1.000.000 đồng/ngày/phòng theo tiêu chuẩn 2 người/1 phòng (tăng 100.000 đồng/ngày);  Tại các vùng còn lại: không quá 700.000 đồng/ngày/phòng theo tiêu chuẩn 2 người/1 phòng.

Thông tư số 259/2017/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 02/12/2017.

Công chức bị khiếu nại, tố cáo không được xét khen thưởng

Đây là nội dung nổi bật  quy định tại Thông tư số 08/2017/TT-BNV của Bộ Nội vụ, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2017.

Theo đó, chưa khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng tập thể, cá nhân đang trong thời gian cơ quan có thẩm quyền đang xem xét thi hành kỷ luật hoặc đang điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo đang được xác minh làm rõ.

Thời gian trình khen thưởng lần tiếp theo được tính theo thời gian lập được thành tích ghi trong quyết định khen thưởng lần trước. Đối với quyết định khen thưởng không ghi thời gian lập được thành tích thì thời gian trình khen thưởng lần sau được tính theo thời gian ban hành quyết định khen thưởng lần trước.

Không cộng dồn thành tích đã khen thưởng của lần trước để đề nghị nâng mức khen thưởng lần sau…
 

MINH ANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác