Vai trò lịch sử của Dinh trấn Thanh Chiêm
Lịch sử đã minh chứng rằng việc chọn Thanh Chiêm làm dinh trấn Quảng Nam (1602) là một quyết sách mang tầm nhìn chiến lược, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc dựng nghiệp của họ Nguyễn ở Đàng Trong của tiên chúa Nguyễn Hoàng nói riêng và công cuộc Nam tiến của dân tộc nói chung.

Dinh trấn Thanh Chiêm (ảnh chụp cuối thế kỷ XIX)

Ban đầu, dinh trấn Quảng Nam đặt tại xã Cần Húc, sau dời về xã bên cạnh là Thanh Chiêm (cả hai nơi đều thuộc Điện Bàn). Việc chọn Thanh Chiêm làm dinh trấn thể hiện cái nhìn chiến lược khá chính xác trên nhiều phương diện.

Về chính trị: Dinh trấn Thanh Chiêm được coi là thủ phủ thứ hai ở Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn; là nơi thực tập, đào luyện các thế tử, nơi thực thi chính sách mở cửa, đường lối có tính chất thân dân. Đối ngoại, chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho phép các thương nhân Nhật và Trung Hoa được mua đất, lập khu phố Nhật và khu phố Hoa ở Cẩm Phô, Thanh Hà (Hội An), mở rộng giao lưu với bên ngoài.
 
Về quân sự: Dinh trấn được thiết lập bên bờ sông lớn nhất trong vùng, nối biển Đông với Trường Sơn theo chiều đông – tây, cách cửa Đại khoảng 10km, lại nằm trên trục đường thiên lý bắc – nam, do đó rất thuận lợi cả hai mặt giao thông thủy và bộ. Trong thực tế, nơi đây từng là một căn cứ thủy quân hùng mạnh không kém gì căn cứ ở Quảng Bình. Lực lượng hải quân ở đây đã góp phần vào trận chiến thắng hạm đội Hà Lan năm 1644 do Dũng Lễ hầu (sau này là Hiền Vương) chỉ huy. Dinh trấn Thanh Chiêm cũng là nơi đặt cơ sở hậu cần vững chãi nhất của quân lực Đàng Trong, nhờ đó mà đánh bại được 7 cuộc tấn công quy mô của quân Trịnh (vào các năm 1627, 1633, 1643, 1648, 1660, 1661, 1672).
Quảng Nam thời dinh trấn Thanh Chiêm còn giữ vai trò bàn đạp quan trọng của công cuộc mở cõi về phía Nam ở thế kỷ XVIII.
 
Về kinh tế: Sự phát triển thịnh đạt của Hội An trong thế kỷ XVII và XVIII trở thành một cảng thị vào loại sầm uất của cả vùng Đông Nam Á thời ấy chính là được quyết định bởi những chính sách, sự điều hành của dinh trấn Thanh Chiêm – trung tâm hành chính lớn nhất của trấn Quảng Nam – như việc cho phép mua đất lập phố của ngoại kiều; lập xã Minh Hương; tổ chức hội chợ quốc tế theo gió mùa hàng năm, thiết lập thương điếm của nước ngoài; chính sách thuế khóa trong xuất nhập hàng hóa v.v…
Những ý kiến ca ngợi về sự giàu có, tài nguyên phong phú, sản phẩm hàng hóa đa dạng của Quảng Nam trong các tác phẩm của Thích Đại Sán, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú hay trong các ký sự của một lái buôn phương Tây chủ yếu là nói về giai đoạn này.
 
Về văn hóa: Hội An không chỉ là một cửa ngõ mậu dịch đối ngoại, mà còn là một trung tâm giao tiếp văn hóa qua suốt nhiều thế kỷ. Hội An – Thanh Chiêm là nơi du nhập đạo Thiên Chúa sớm nhất ở Đàng Trong. Các giáo sĩ như F. Buzomi, F. De Pina, C. Borri, A. De Rhodes đều đến truyền giáo ở vùng này. Vùng Hội An – Thanh Chiêm cũng là cái nôi hình thành chữ quốc ngữ vào nửa cuối thế kỷ XVII.
 
Có lẽ chẳng phải ngẫu nhiên mà vùng đất Quảng Nam được các nhà truyền giáo và các thương nhân nước ngoài gọi là “Quảng Nam quốc” (nước Quảng Nam), mà trong đó vai trò lịch sử của dinh trấn Thanh Chiêm đã đóng góp phần quan trọng cho công cuộc mở cõi và giữ nước của tiền nhân trong thế kỷ XVII-XVIII.
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác