Một số chứng tích về tội ác của địch trong cuộc chiến tranh xâm lược (1954-1975)
Quảng Nam-Đà Nẵng là chiến trường ác liệt nhất, bị tàn phá và hủy diệt nặng nề nhất ở miền Nam thời chống Mỹ. Đây cũng là nơi đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ đầu tiên đổ bộ lên bờ biển Phú Lộc (Đà Nẵng), mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược trực tiếp nước ta. Ở phía nam tỉnh Quảng Nam, một đại đội lính Mỹ bị diệt gọn trong trận Núi Thành (26-5- 1965), mở đầu cao trào đánh Mỹ trên khắp chiến trường miền Nam.

Đế quốc Mỹ đã huy động mọi phương tiện, vũ khí hiện đại và tối tân tiến hành cuộc chiến tranh hủy diệt, nhằm đè bẹp ý chí chiến đấu của đồng bào ta, nhưng chúng đã thất bại.
 
Không kể những tàn phá ghê gớm về môi trường tự nhiên, mà di hại của nó còn kéo dài đến hôm nay, chỉ riêng về tổn thất nhân mạng cũng vô cùng to lớn. Xin nêu lên vài con số:
 
Hàng chục vạn đồng bào ta bị bom đạn Mỹ giết hại. Trong số hơn 9 vạn liệt sĩ đã hy sinh trên chiến trường này có hơn 7 vạn liệt sĩ quê Quảng Nam - Đà Nẵng. Có hơn 8.663 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (Quảng Nam có 7.321; Đà Nẵng có 1.432), trong đó có nhiều bà mẹ có từ 4 đến 5 con hy sinh. Đặc biệt có mẹ Nguyễn Thị Thứ có 9 người con hy sinh.
 
 Dưới đây, chỉ chọn nêu lên một số chứng tích tội ác của địch trong thời kỳ này:
 
 Di tích vụ thảm sát ở Chợ Được (4-9-1954)
 
Ngày 4-9-1954, Tiểu đoàn 614 lính “Quốc gia” đổ quân vào vùng Chợ Được ngang nhiên chặt cây, lấy gỗ để đóng đồn. Đồng bào ta kéo ra ngăn chặn và đòi bọn lính phải bồi thường thiệt hại do chúng gây ra. Cuộc đấu tranh đang giằng co, thì tên chỉ huy ra lệnh nổ súng bắn vào đồng bào, làm chết tại chỗ 34 người, làm bị thương 23 người khác. Căm phẫn trước hành động ngang ngược và tàn bạo của địch, đồng bào từ các nơi kéo về hỗ trợ cuộc đấu tranh, lúc cao điểm đến hơn 4.000 người.
 
 Tại nơi xảy ra cuộc thảm sát, sau ngày giải phóng một tượng đài tưởng niệm được xây dựng ghi lại tội ác của giặc và tưởng nhớ những người đã hy sinh.
 
 Di tích vụ thảm sát ở Chiên Đàn (23-9-1954)
 
Ngày 23-9-1954, một tiểu đoàn lính “Quốc gia” đến đóng ở Chiên Đàn (nay là thôn Đàn Trung, xã Tam Đàn, thành phố Tam Kỳ) cho quân lùng sục, tìm bắt cán bộ kháng chiến và hô hào việc lập “chính quyền quốc gia” mới. Nhân vụ một thanh niên địa phương ngăn chặn hành động của đám lính bị chúng hành hung, đánh đập dã man, đồng bào kéo đến can thiệp, đòi thả anh thanh niên. Nhưng bọn chúng bất chấp, bắt người thanh niên bỏ lên xe đưa về Tam Kỳ. Hành động ấy đã gây nên một sự phẫn nộ trong nhân dân, số người kéo đến ngày càng đông. Trước khí thế của quần chúng, bọn lính giả vờ chấp nhận yêu cầu sẽ trả người thanh niên. Nhưng đến 5 giờ 30 chiều, tên chỉ huy ra lệnh bọn lính nổ súng xối xả vào đoàn người đấu tranh. Kết quả chúng giết chết và làm bị thương 70 đồng bào ta và bắt đi 20 người khác.
 
Tại nơi xảy ra cuộc đấu tranh, một nhà bia tưởng niệm những người hy sinh và ghi lại tội ác của bọn lính ngụy đã được xây dựng sau ngày giải phóng.
 
 Di tích vụ thảm sát ở Cây Cốc (27-9-1954)
 
Ngày 27-9-1954, bọn lính thuộc tiểu đoàn 601 vừa đến tiếp quản vùng Tiên Thọ (huyện Tiên Phước) đã vô cớ bắt anh Nguyễn Thông, nguyên là chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính xã. Đồng bào kéo đến bao vây, buộc chúng phải thả anh Thông và tôn trọng các điều khoản của Hiệp định Genève. Trước làn sóng phản đối của nhân dân, bọn địch đã ngoan cố nổ súng vào đoàn người biểu tình, giết chết 35 người, làm bị thương 79 người và bắt đi 47 người khác (theo tài liệu của Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng). Dã man hơn, chúng đã dùng xe kéo xác những người bị thương nặng đổ xuống các hầm trú ẩn rồi lấp đất lại.
 
Sau ngày giải phóng, chính quyền cách mạng đã huy động đồng bào khai quật các hố chôn người tập thể và đưa vào nghĩa trang 21 hài cốt. Nhiều hài cốt khác bị thất lạc vẫn chưa tìm ra, do có sự xáo trộn về đất đai trong 20 năm chiến tranh. Một tượng đài tưởng niệm những người đã hy sinh được xây dựng tại ngã ba Cây Cốc, bên cạnh một ngôi mộ đất tượng trưng do đồng bào đắp lên, để ghi lại bằng chứng về tội ác của địch.
 
 Di tích vụ thảm sát ở đập Vĩnh Trinh (22-1-1955)
 
Cuộc thảm sát tập thể 38 cán bộ cách mạng diễn ra vào đêm 30 Tết Giáp Ngọ (22-1-1955). Theo kế hoạch đã vạch, ngay từ sáng 30 Tết, chúng đưa những người bị bắt tập trung lại một nơi, nói là sẽ cho về nhà ăn Tết. Nhưng đến đêm, chúng dùng xe GMC đưa 38 cán bộ ra bờ đập Vĩnh Trinh, trói hai người làm một, buộc theo một tảng đá lớn, một số người khác bị chúng dùng búa, báng súng đánh chết rồi cắt tai, xẻo mũi để khó nhận diện về sau, rồi buộc đá vào người, dùng thuyền đưa ra xa bờ, ném xuống nước.
 
Cuộc thảm sát dã man này đã bị nhân dân phát hiện và đã gây nên một làn sóng tố cáo hành động phi nhân của địch trong khắp cả nước. Sau ngày giải phóng, bên cạnh bờ đập Vĩnh Trinh, một khu tưởng niệm những chiến sĩ cách mạng đã hy sinh, gồm một hồ vuông, mỗi cạnh dài 18m, trên mặt nước hồ nổi lên 38 đóa hoa sen (tượng trưng cho 38 tấm lòng trung kiên yêu nước bất khuất) trong đó có một búp sen chưa nở, biểu hiện một nữ cán bộ đang mang thai bị giết chết. Bên cạnh hồ sen là một tượng chiến sĩ cao 10m, hai tay bị trói ra sau lưng, dáng đứng hiên ngang ngẩng cao đầu. Bên cạnh là tấm bia khắc tên những người đã hy sinh.
 
 Di tích vụ thảm sát của quân Pác Chung Hy ở Thủy Bồ (21-1- 1967)
 

Vào lúc 10 giờ sáng ngày 21-1-1967, trong lúc đồng bào ta chuẩn bị đón Tết cổ truyền, thì một đơn vị lính Nam Triều Tiên mở đợt càn quét vào làng Thủy Bồ (nay là một thôn của xã Điên Thọ, huyện Điện Bàn), đốt nhà, bắn phá bừa bãi. Số trai tráng, người khỏe mạnh chạy thoát được. Các cụ già, phụ nữ và trẻ em, theo thói quen tập trung vào một số nhà, để dựa vào nhau khi bị chúng đàn áp. Thế nhưng bọn lính này bản chất hung bạo, ngôn ngữ lại bất đồng, đã bất chấp tất cả, nổ súng tàn sát tại nhà ông Nguyễn Hữu và Nguyễn Sanh 44 người, tại nhà ông Trương Cung 43 người. Tại làng La Huân kế bên, bọn chúng bắn chết 30 người. Cộng thêm số người bị chúng giết ở ngoài đồng, trên đường đi chỉ trong mấy giờ đồng hồ buổi sáng, 145 người dân lành gồm phần lớn là những người già, phụ nữ và trẻ em vô tội đã bị quân Nam Triều Tiên sát hại.
 
Một đài tưởng niệm và một nghĩa trang đã được xây dựng tại thôn Thủy Bồ để ghi lại chứng tích đau thương này.
 

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT