Hòn Kẽm
Hòn Kẽm là tên một hòn núi nằm giữa hai xã Quế Lâm và Quế Phước của huyện Quế Sơn trước đây, do có sự điều chỉnh về địa giới hành chính, hòn Kẽm nay là ranh giới giữa hai huyện Nông Sơn và Hiệp Đức. Núi mang tên "Hòn Kẽm" để chỉ địa hình nơi đây "hai bên là vách núi dựng đứng, ở giữa là dòng sông". Theo sách Việt ngữ chánh tả từ vị của Lê Ngọc Trụ: "Kẽm là khe, lối hẹp, hai bên có núi". Ví dụ: Kẽm Trống trên dòng sông Đáy tỉnh Hà Nam.

So với các hòn núi khác trong tỉnh như núi Bà Nà (Hòa Vang), hòn Tàu (Quế Sơn), hòn Bà (Trà My) về mặt độ cao, thì hòn Kẽm thuộc loại đàn em, nhưng lại được người ta biết nhiều, thường được báo chí nhắc đến, bởi hai lý do: Thứ nhất, do vị trí và thế đứng kỳ vĩ của những vách núi đá như bức trường thành soi bóng xuống dòng sông lớn Thu Bồn - con đường giao thông thủy lớn nhất và dài nhất Nam Trung Bộ từ bao đời nay - với vẻ đẹp riêng hiếm có, mà ai đã một lần đi thuyền ngang qua khó mà quên được. Ở miệt trung du, con sông chảy giữa hai bên là đồi núi là hình ảnh phổ biến, quen thuộc. Nhưng ở nơi đây, con sông chảy qua hòn Kẽm không có quang cảnh ấy, mà hình như từ buổi xa xưa dòng nước từ phía thượng nguồn đổ về đã chọc thủng qua dãy núi, mở một đường thoát về xuôi. Đi thuyền qua đây (không có đường bộ) khách có cảm giác như mình bị khép chặt giữa hai bên vách đá cao dựng đứng trên một đoạn sông dài nhiều kilômét.

Thứ hai, là không biết tự bao giờ, hình ảnh hòn Kẽm được khắc họa trong câu ca dao trữ tình được xếp vào loại những câu ca dao hay nhất của xứ Quảng mà nhiều người đã thuộc nằm lòng:
            Ngó lên hòn Kẽm đá dừng
            Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi!

Ở đây, cần được “mở ngoặc” nói thêm một điều.Trong khẩu ngữ, trong giao tiếp hàng ngày, ta thường nghe cụm từ “Hòn Kẽm đá dừng”. Trên báo chí, cách viết địa danh này không thống nhất.

Cách viết thứ nhất, “Hòn Kẽm - Đá Dừng” (viết hoa cả 4 từ, có dấu phẩy hoặc gạch ngang ở giữa), hàm nghĩa chỉ hai địa danh liền nhau là Hòn Kẽm và Đá Dừng. Thậm chí có người đã viết: “tại đây một bên là Hòn Kẽm và một bên là Đá Dừng”(?). Nếu thế thì tại sao không viết là Hòn Kẽm và Hòn Dừng mà lại thêm từ “Đá” vào đây (Hòn Kẽm cũng toàn là đá đấy chứ).

Cách viết thứ hai, “Hòn Kẽm đá dừng” (đá dừng viết thường) với ý nghĩa “đá dừng” không phải là địa danh mà là để chỉ cảnh đá dựng nhưbức trường thành ngăn và che khuất tầm nhìn. Như vậy, “đá dừng” ở đây là trạng ngữ bổ nghĩa cho địa danh Hòn Kẽm. Để chứng minh cho luận điểm này, xin dẫn chứng thêm rằng trên bản đồ của Pháp trước đây và của ta hiện nay chỉ thấy ghi núi Hòn Kẽm, không có núi hay địa danh “Đá Dừng”. Khảo sát trên thực địa, thì phía thượng nguồn kề Hòn Kẽm, bên tả ngạn là làng xưa mang tên Nhụ Sơn (lẽ ra phải đọc là Nhũ Sơn. Nhũ là cái vú. Ở đây có hòn núi một có hình dạng như chiếc vú phụ nữ, nên được đặt tên là Nhũ Sơn. Phía bên hữu ngạn là làng Thạch Bích (bức tường ngăn bằng đá), tên nôm khá phổ biến chỉ địa danh này là làng Đá Ngang (xin nhấn mạnh là làng Đá Ngang chứ không phải là làng Đá Dừng). Từ việc đối chiếu trên bản đồ và trên thực địa, thì cách viết “Ngó lên Hòn Kẽm đá dừng” (đá dừng là trạng ngữ bổ nghĩa cho Hòn Kẽm) là hợp lý nhất.

Ở chân núi bên phía Thạch Bích có một tảng đá nhô ra, mặt trên phẳng, nằm gần mặt nước. Vào mùa nước lũ thì ngập sâu, mùa nắng nước cạn thì hòn đá lộ ra trên có dòng chữ Sanskrit ngoằn ngèo cao khoảng 15cm, dài 2m đã mờ mất nhiều nét do bị nước chảy bảo mòn. Những người đi thuyền qua đây thường dừng lại, đặt đồ cúng trên phiến đá. Có nhiều truyền thuyết được thêu dệt xung quanh hòn đá “thiêng” này. Thực ra, đây là di tích của Chămpa xưa. Dòng chữ Sanskrit này được nhà bi ký học người Pháp Edouard Hubert, giáo sư Trường Viễn Đông bác cổ Pháp (Hà Nội) giải mã vào năm 1911 như sau

Dịch sang mẫu tự Latinh (hàng trên): Cri Campecvaro vijayi mahipati Cri; (hàng dưới): Prakàcadharmmeti sthàpitavàn Amarecam iha. Có nghĩa là: Hoàng đế Prakacadharma, vua nước Chămpa vinh quang muôn năm! Chúa đất nơi đây xin dâng cúng đấng Siva này…

Cũng theo ông E. Hubert, trước đây còn có một vật tượng linga đặt trên hòn đá này, rồi do lũ lụt bị nước cuốn trôi mất. Văn khắc này là một trong 40 văn khắc Chămpa rải rác trên lãnh thổ Quảng Nam.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT