Tháp Bằng An
Tháp Bằng An thuộc làng Bằng An, nay là một thôn của xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nằm bên cạnh tỉnh lộ 609, cách Đà Nẵng 27km về phía nam. Nhà nghiên cứu người Pháp H. Parmentier từ đầu thế kỷ XX đã có nhận xét đây là một tháp Chămpa có dáng vẻ kỳ lạ trong lịch sử kiến trúc cổ Chămpa.

Bằng An là ngôi tháp duy nhất có hình bát giác còn tồn tại đến ngày nay. Nhìn từ phía ngoài, tháp tựa như một búp măng tre khổng lồ, cao gần 20m, thân hình trụ bát giác, mỗi cạnh tường dài 4m. Phần ngoài tiền sảnh khá dài, cửa mở về hướng đông, hai bên tiền sảnh có 2 cửa phụ. Tường tháp phẳng, không có cửa giả, không có trụ áp tường và hoa văn trang trí. Vòm mái hình chóp, thu nhỏ dần trên đỉnh. Trên các đường gờ dọc theo mái tháp còn lại nhiều dấu vết của những vật trang trí kiến trúc bằng sa thạch. Chóp tháp đã bị rơi mất.
    
Nội dung tấm bia tìm thấy tại Bằng An trước đây cho biết vua Bhadravarman II cho xây một đền thờ tên là Linga Paramesvara (Thượng đế tuyệt đỉnh- một tên hiệu của thần Civa). Theo các nhà nghiên cứu, thì tháp Bằng An được xây dựng vào khoảng năm 875-877. Còn J. Boisserlier thì dựa vào 2 pho tượng Gajasimha bằng sa thạch đặt ở trước tháp theo phong cách Chánh Lộ, xác định niên đại muộn hơn (vào thế kỷ XI)

Một số ý kiến khác căn cứ vào dáng bên ngoài của tháp trông giống như một chiếc linga khổng lồ, cho đó chính là Linga Paramesvara mà vua Bhadravarman II đã cho xây dựng vào cuối thế kỷ IX

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT