Điện Bàn đất chúa xưa
Không di sản. Thiếu những danh thắng nổi tiếng để tạo nên bộ sưu tập du lịch, bù lại, Điện Bàn có cả một kho tàng văn hoá của đất đai, con người và làng nghề… để du khách khám phá

Ẩm thực địa phương mang bản sắc của vùng từ quang gánh, bài trí và người bán

 

Suốt 700 năm qua Điện Bàn luôn là nơi diễn ra những sự kiện quan trọng của xứ Đàng Trong, tâm điểm của những biến đổi, giao thoa, tiếp biến của hai nền văn minh Chăm - Việt. Dấu ấn của cuộc giao hoà ấy bây giờ vẫn còn đậm nét trong nếp ăn nếp ở, cách nghĩ cách làm của người Điện Bàn cũng như trong bao di tích, lễ hội vẫn được tổ chức trên đất Điện Bàn nay.
Giao thoa văn hoá Việt - Chăm

Đầu tiên, đó là một dinh trấn Thanh Chiêm, một thành luỹ tồn tại suốt từ khi vùng đất này thuộc Chiêm cho đến thời thuộc Pháp sau này. Từ khi Chúa Nguyễn Hoàng vào Nam, dinh trấn Thanh Chiêm một lần nữa trở thành trung tâm văn hoá, kinh tế, chính trị của cả xứ Đàng Trong. Các thế tử, trước khi lên ngôi Chúa đều phải vào làm Tổng trấn dinh trấn này. Và cùng với cánh cửa mở Hội An, dinh trấn Thanh Chiêm đã trở thành một trung tâm văn hoá sản sinh ra bao hiền tài cho đất nước.

Theo bước chân những lưu dân của nền văn minh sông Hồng, sông Mã, sông Lam… đã lưu dấu trên đất Điện Bàn những làng nghề 'vang bóng một thời', những triền dâu xanh ngút mắt. Một làng đúc đồng Phước Kiều nức tiếng gần xa, với những nghệ nhân thẩm âm cồng chiêng rất hiếm hoi của một nền nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá của nhân loại. Một làng bánh tráng Phú Chiêm vẫn giữ lại hương vị nguyên thuỷ của món mì Quảng xưa mà hiện nay không thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu khác. Đó là nước mắm Hà Quảng, dệt Nông Sơn, mây tre An Thanh, chiếu chẻ Chiêm Tây, con đường bê thui, bò tái... cũng đã từng làm nao lòng du khách trước hương vị vừa nguyên thuỷ vừa mới mẻ.

Vùng du lịch mới đang bùng lên

Sở hữu trong tay mình quà tặng của thiên nhiên và một nền tảng văn hoá, 10 năm nay, Điện Bàn góp mình vào sự phát triển của du lịch miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng bằng 8km ven biển, hoang sơ, đẹp đẽ, hừng hực ánh nắng. Cái tên Hà My, vùng biển nguyên sơ lâu nay chỉ dành cho dân địa phương đã bắt đầu nóng lên với sự ra đời của các khu du lịch resort 5 sao nổi tiếng: The Nam Hai, Kim Vinh, Đại Dương Xanh, sân golf của Sài Thành…; một khu du lịch 'bảo tàng tre Việt' trên đồi Bồ Bồ (Điện Tiến) của công ty Phước Tiến đang hình

 
thành, đã hướng cái nhìn của cư dân địa phương về cái giá của đất, cát, gò đồi... mà từ lâu họ đã âm thầm nuôi dưỡng.

Và, làng đúc đồng Phước Kiều đã có danh mục các tour du lịch làng nghề trên con đường Di sản... Hàng trăm triệu đồng đã được đổ vào xây dựng đường giao thông, công trình điện..., các làng nghề, nghệ nhân được tôn vinh. Cùng những cuộc triển lãm làng nghề, hội chợ ẩm thực địa phương, kịch bản sân khấu hoá tái hiện hình ảnh võng lọng đón rước 'Ngũ phụng tề phi', 'Vinh quy bái tổ' trên năm con ngựa thực. Cùng các tiết mục, xướng ca các vị anh hùng đất Điện từ quá khứ đến hiện tại được mở thường xuyên tại địa phương… Các làng nghề truyền thống được đầu tư hàng trăm triệu đồng, tập trung thành một làng quê Việt thu nhỏ (đúc đồng Phước Kiều, bánh tráng Phú Chiêm, chiếu chẻ Chiêm Tây…), xây dựng các bến thuyền du lịch chuẩn bị mở tour sông nước Thu Bồn…

Biển đã kín chỗ và những ngôi nhà dân gian Việt mọc trên đất gò đồi được ví như câu chuyện cổ tích viết ở thì hiện tại trên đất chúa xưa... Điện Bàn...

(Lam Khê)
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT