Nghiên cứu ứng dụng công nghệ lọc sinh học cải tiến để xử lý nước thải y tế tại bệnh viện điều dưỡng – phục hồi chức năng thành phố Đà Nẵng
Đăng ngày 21-12-2017 09:43, Lượt xem: 866

I. THÔNG TIN ĐỀ TÀI
Tên đề tài: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ lọc sinh học cải tiến để xử lý nước thải y tế  tại bệnh viện điều dưỡng – phục hồi chức năng  thành phố Đà Nẵng

Chủ nhiệm đề tài: TS. Đỗ Văn Mạnh

Cơ quan chủ trì: Viện Công nghệ Môi trường - Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam

Năm nghiệm thu: 2014

II. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong những năm gần đây, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng cao, kéo theo một lượng rất lớn chất thải rắn, nước thải bệnh viện xả thải ra môi trường. Đây là nguồn nước thải có hàm lượng chất hữu cơ dễ phân hủy sinh học khá cao (đặc trưng bởi thông số BOD5), lượng chất rắn lơ lửng lớn và hàm lượng amoni khá cao. Đặc trưng nhất của nước thải bệnh viện là chứa lượng lớn các vi khuẩn gây bệnh mà nếu không có biện pháp xử lý hữu hiệu, chúng sẽ làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, việc kiểm soát, quản lý và xử lý nước thải y tế nói riêng và chất thải y tế nói chung đang là một nhiệm vụ cấp bách của ngành y tế và các ngành liên quan nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho nhân viên trong ngành, bệnh nhân và cộng đồng. Hiện nay, nhiều bệnh viện đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, tuy nhiên, sau một thời gian vận hành, các hệ thống tỏ ra hoạt động kém hiệu quả hoặc ngưng hoạt động, nguyên nhân là do tính chất phức tạp của công nghệ dẫn đến kỹ thuật vận hành khó khăn, chi phí xử lý cao. Do đó, việc lựa chọn và áp dụng công nghệ xử lý phù hợp với điều kiện của từng bệnh viện là một bài toán thực tế cần được đặt ra và giải quyết triệt để, trong đó vấn đề về chi phí xử lý và kỹ thuật vận hành cũng như sự hoạt động hiệu quả của hệ thống cần phải được đặt lên hàng đầu.

Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng thành phố Đà Nẵng tuy không phải là bệnh viện chuyên ngành có nhiều hoạt động khám chữa và cấp cứu, nhưng hầu hết các hoạt động khám chữa bệnh và xét nghiệm ở đây có rất nhiều điểm giống các bệnh viện khám chữa bệnh thông thường. Nước thải của Bệnh viện được xác định từ các nguồn: Nước thải sinh hoạt từ các hoạt động của các cán bộ công nhân viên trong Bệnh viện và bệnh nhân; Nước thải từ quá trình xét nghiệm và vệ sinh dụng cụ tiêm chủng, khám chữa bệnh; Nước thải từ quá trình lau rửa sàn nhà; Nước mưa chảy tràn qua khuôn viên Bệnh viện. Do đó, loại hình nước thải của Bệnh viện cũng rất đa dạng, phức tạp và cần thiết phải trang bị hệ thống xử lý trước khi thải vào môi trường.

Xuất phát từ những vấn đề trên, chúng tôi nhận thấy cần phải nghiên cứu đánh giá các công nghệ xử lý nước thải y tế đã và đang áp dụng tại Việt Nam và trên thế giới nhằm lựa chọn công nghệ và xây dựng một hệ thống xử lý nước thải phù hợp với lưu lượng và tính chất của nước thải từ Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng thành phố Đà Nẵng, trong đó công nghệ lọc sinh học cải tiến cấp khí tự nhiên là một công nghệ có tính khả thi cao. Do đó, đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ lọc sinh học cải tiến để xử lý nước thải y tế tại Bệnh viện Điều dưỡng – Phục hồi chức năng Đà Nẵng” được thực hiện nhằm phân tích, lựa chọn và đánh giá được sự phù hợp của công nghệ, đánh giá được hiệu quả xử lý của công nghệ lọc sinh học cải tiến đối với nước thải từ Bệnh viện Điều dưỡng – Phục hồi chức năng thành phố Đà Nẵng, từ đó có kế hoạch triển khai nhân rộng mô hình xử lý nước thải này cho các bệnh viện khác trong khu vực.

III. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU

          - Phân tích, lựa chọn công nghệ xử lý nước thải y tế tại Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng thành phố Đà Nẵng;

          - Xây dựng 01 hệ thống xử lý nước thải y tế cho Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng thành phố Đà Nẵng công suất 30 m3/ngày/đêm;

          - Trên cơ sở đó nhân rộng mô hình xử lý này cho các cơ sở khám chữa bệnh có quy mô tương đương.

IV. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Đối tượng nghiên cứu

Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng thành phố Đà Nẵng là bệnh viện chuyên khoa có chức năng khám, điều trị, phục hồi chức năng, điều trị các bệnh nội khoa... Bệnh viện có 70 giường, lượng nước phát sinh trong một ngày (24h) khoảng 30m3. Cho đến đầu năm 2014, bệnh viện vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải. Nước thải từ các nguồn phát sinh của bệnh viện đều thải trực tiếp vào hệ thống thoát nước chung của thành phố Đà Nẵng.

2. Phương pháp nghiên cứu

          - Thu thập thông tin, điều tra khảo sát tại cơ sở nhằm có các dữ liệu cho đề tài;

          - Thực nghiệm trên quy mô phòng thí nghiệm;

          - Phương pháp tính toán, thiết kế;

          - Phương pháp vận hành thực nghiệm trên mô hình lớn;

          - Phương pháp phân tích các chỉ tiêu môi trường nhằm xác định các thông số chất lượng nước thải trước và sau khi xử lý và nhằm xác định hiệu suất xử lý;

          - Phương pháp kế thừa: Dựa vào các thông tin điều tra khảo sát, các kết quả nghiên cứu đã được công bố của các nhà khoa học, các chuyên gia và các tài liệu tham khảo để bổ sung vào các báo cáo của đề tài.

V. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

1. Nguồn phát sinh nước thải tại Bệnh viện
2. Hiện trạng thoát nước của Bệnh viện
3. Lưu lượng và đặc tính nước thải của Bệnh viện
4. Lựa chọn công nghệ phù hợp
5. Kết quả nghiên cứu và triển khai công nghệ
6. Báo cáo kinh tế-kỹ thuật xây dựng trạm XLNT Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năngthành phốĐà Nẵng

File đính kèm
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác