Phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe người dân
Đăng ngày 03-12-2020 08:53, Lượt xem: 1191

"Gần 90% nông sản thành phố tiêu thụ được nhập từ ngoại tỉnh nên việc thiết lập hệ thống đảm bảo an toàn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn không phải là sự lựa chọn mà là bắt buộc để bảo vệ sức khỏe người dân. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm là trách nhiệm chung, vì vậy, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của người tiêu dùng." Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Trung Chinh tại Hội nghị tổng kết 3 năm thí điểm thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng ngày 3-12.

Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh trao tặng bằng khen của UBND thành phố cho 8 tập thể và 7 cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn

Kéo dài thời gian thí điểm hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố

Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng thành lập thí điểm trong 3 năm từ ngày 25/8/2017 theo Quyết định số 1268/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau 3 năm hoạt động, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã thực hiện nhiều hoạt động chuyên môn về quản lý thực phẩm. Trong đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm trở thành đầu mối thống nhất tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách về an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm đối với các chợ, siêu thị, và các cơ sở thuộc hệ thống dự trữ, phân phối hàng hóa thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố; xây dựng và thí điểm chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn với sự tham gia của các hợp tác xã, đơn vị sản xuất và các siêu thị, doanh nghiệp, đơn vị phân phối đầu ra.

Trong 2 năm 2018 và 2019, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố đã lấy 2.869 mẫu thực phẩm các loại gửi phòng kiểm nghiệm kiểm tra các chỉ tiêu An toàn thực phẩm. Trong đó, phát hiện 17/720 mẫu rau, trái cây nhập về chợ đầu mối Hòa Cường và 01/139 mẫu rau xà lách tại vùng rau trên địa bàn Đà Nẵng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép. Đối với 316 mẫu thịt tươi sống và sản phẩm động vật có 72 mẫu nhiễm vi sinh vật, 5 mẫu nhiễm E.Coli. Đối với sản phẩm thủy sản có 8/268 mẫu thủy sản không đạt chỉ tiêu tồn dư kháng sinh. Trong 1.426 mẫu thực phẩm chế biến, thực phẩm ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống ở chợ, phát hiện có 3/150 mẫu sản phẩm chế biến có nguồn gốc động vật nhiễm vi sinh; 7/151 mẫu sản phẩm chế biến có nguồn gốc thủy sản nhiễm vi sinh; một số mẫu ớt bột, đậu phộng bị nhiễm nấm mốc do điều kiện bảo quản không tốt.

Theo thống kê của Sở Công thương, hiện Đà Nẵng có 70 chợ truyền thống, trong đó có 8 chợ hạng 1, 22 chợ hạng 2 và 40 chợ hạng 3. Hằng ngày, bên cạnh hệ thống siêu thị lớn nhỏ, một lượng thực phẩm lớn được tiêu thụ tại 70 chợ truyền thống bằng nhiều con đường khác nhau, với mẫu mã đa dạng, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và du khách. Do phần lớn thực phẩm tiêu thụ tại thành phố đều nhập từ các địa phương khác, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố đã tổ chức ký kết hợp tác giám sát, kiểm soát bảo đảm An toàn thực phẩm với 7 địa phương có sản lượng nông, lâm, thủy sản cung cấp cho thành phố với số lượng lớn. Trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về An toàn thực phẩm, Ban đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, và phối hợp thanh tra, kiểm tra hơn 43.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống; phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 878 cơ sở vi phạm, tổng số tiền xử phạt 3,59 tỷ đồng. Qua thanh tra, kiểm tra liên tục, số cơ sơ vi phạm năm 2019 đã giảm so với năm 2018, từ 587 (2,6%) cơ sở vi phạm xuống còn 291 (1,34%) cơ sở vi phạm.

Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố cho biết, chợ truyền thống có vai trò là kênh phân phối thực phẩm chủ yếu đến người tiêu dùng. Trên cơ sở các văn bản đã ban hành về công tác quản lý an toàn thực phẩm, đơn vị đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện triển khai xây dựng các chợ đạt chuẩn về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 2.221 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố, đã hướng dẫn và cấp 5 giấy tiếp nhận đăng ký bản tự công bố sản phẩm của doanh nghiệp. Hiện có 28 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm tham gia cam kết cung ứng chuỗi thực phẩm an toàn. Trên cơ sở những doanh nghiệp tham gia cung ứng, đã có 36 sản phẩm rau, thịt, thủy sản và các loại thực phẩm được xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, để người dân yên tâm lựa chọn sử dụng thực phẩm.

Kiểm soát chặt chẽ thực phẩm, xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm nông- lâm- thủy sản an toàn nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng

Tại Đà Nẵng, với đặc thù diện tích sản xuất nông nghiệp tại thành phố nhỏ, sản lượng rau, quả hằng năm đạt từ 21.000 tấn, sản lượng thịt đạt từ 8.000 tấn, sản xuất trồng trọt, chăn nuôi chỉ đáp ứng 15-20% nhu cầu tiêu thụ tại Đà Nẵng. Đối với thủy sản, sản lượng nhập vào cảng cá Thọ Quang hằng năm hơn 130.000 tấn cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ địa phương. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các phương tiện thực hiện kê khai nguồn gốc thủy sản nhập vào cảng cá, chợ đầu mối. Ban Quản lý An toàn thực phẩm thường xuyên thực hiện lấy mẫu giám sát, kịp thời cảnh báo và truy xuất nguồn gốc đối với thủy sản không đảm bảo an toàn.

Theo bà Lê Hoàng Thúy – đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ sở được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn vẫn còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu của thành phố.  Việc chưa quản lý, truy xuất được tận gốc đối với các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, một phần do đặc thù sản phẩm không có bao gói, được thu gom qua nhiều cơ sở. Đối với việc quản lý chuỗi thực phẩm thịt, vẫn còn tồn tại việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật chưa đảm bảo an toàn trong thành phố. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều hạn chế, cần được nâng cấp, cải tạo. Cùng với đó, công tác quản lý về An toàn thực phẩm vẫn còn nhiều bất cập; một số luật, nghị định chưa quy định Ban Quản lý An toàn thực phẩm tham gia xử phạt vi phạm hành chính nên việc thực thi pháp luật bị hạn chế.

Mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm ra đời phần nào khắc phục được những hạn chế về phối hợp giữa các sở, ngành, đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin về an toàn thực phẩm nhanh chóng hơn do giảm được thời gian phát hành văn bản phối hợp qua lại giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan. Do đó, tại hội nghị tổng kết, UBND thành phố Đà Nẵng đã công bố quyết định số 1319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc kéo dài thời gian thí điểm hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng; theo đó, quyết định kéo dài thời gian hoạt động của Ban trong thời gian 3 năm kể từ ngày 26/8/2020.

Kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm để chủ động ngăn chặn nguồn lây nhiễm COVID-19

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh cho rằng, trong 3 năm qua, Ban quản lý An toàn thực phẩm đã thể hiện được vai trò cơ quan đầu mối tham mưu giúp UBND thành phố giải quyết nhanh chóng và cơ bản, có hệ thống các vấn đề chủ yếu về An toàn thực phẩm; thực hiện hiệu quả hơn hoạt động thanh tra, giám sát, lấy mẫu, xử lý sự cố về thực phẩm và giải quyết thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc điều chỉnh, mở rộng, chuyển đổi hoạt động kinh doanh.

"Hệ thống đảm bảo An toàn thực phẩm của thành phố vẫn còn một số điểm trọng yếu, đó là tỷ trọng thực phẩm được kiểm soát theo chuỗi cung ứng từ trang trại đến bàn ăn còn thấp. Phần lớn các cơ cở sản xuất, kinh doanh là hộ gia đình nhỏ lẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm. Để giải quyết các vấn đề này, Ban Quản lý An toàn thực phẩm cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành thực phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong toàn bộ chuỗi thực phẩm mà các thành viên trong chuỗi đã thiết lập truy xuất nguồn gốc nội bộ, đối với các chuỗi cung ứng mà các thành viên chưa liên kết lại với nhau thì tiến hành thiết lập truy xuất nguồn gốc đối với từng giai đoạn. Đầu tiên, thiết lập truy xuất nguồn gốc từ cơ sở thu gom ở tỉnh bạn đến cơ sở kinh doanh ở các chợ đầu mối, lò giết mổ. Sau đó, mở rộng sang giai đoạn sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt) và giai đoạn bán lẻ đến người tiêu dùng. Phân tầng được các cơ sở chấp hành tốt các quy định về đảm bảo An toàn thực phẩm, giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin về thuộc tính của hàng hóa, dịch vụ để quyết định đúng hơn trong tiêu dùng. Đồng thời, khuyến khích các cơ sở duy trì và nâng cao các điều kiện đảm bảo An toàn thực phẩm; thực hiện với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, sau đó mở rộng ra các loại hình khác." - Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Trong 9 tháng đầu năm 2020, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng đã thanh tra, kiểm tra 1.104 cơ sở, phát hiện 28 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 400 triệu đồng. Công tác an toàn thực phẩm trong cao điểm Đà Nẵng phòng chống dịch COVID-19 cũng như các dịp lễ tết …được đảm bảo.

Trước tình hình dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch đề nghị Ban Quản lý An toàn thực phẩm phối hợp với các sở ngành và địa phương thực hiện nghiêm Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch trong lĩnh vực kinh doanh này. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt là thực phẩm đông lạnh từ các nước có dịch để chủ động ngăn chặn nguồn lây nhiễm COVID-19.

Hiện nay, bình quân mỗi quận huyện quản lý 3.000 cơ sở, chủ yếu là các hộ sản xuất nhỏ lẻ, kinh doanh tại chợ, thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều mối nguy về thực phẩm. Vụ ngộ độc khiến 80 người nhập viện sau khi ăn bánh mỳ năm 2019, vụ 11 người nhập viện sau khi ăn bánh tráng trộn đường phố... cho thấy vai trò quan trọng của cấp quận huyện, xã phường trong việc đảm bảo An toàn thực phẩm cho nhân dân. Vì vậy, Phó Chủ tịch đề nghị UBND các quận huyện tăng cường kiểm tra, lấy mẫu giám sát An toàn thực phẩm; trong đó chủ trọng các loại hình sản xuất thực phẩm, cung cấp tiệc lưu động, kinh doanh thức ăn đường phố. Đồng thời, đầu tư kinh phí xây dựng chợ đảm bảo An toàn thực phẩm, xử lý dứt điểm tình trạng bán hàng rong các tuyến đường xung quanh các chợ.

Phó Chủ tịch yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương thống kê danh sách các cơ sở thu gom ở các tỉnh cung ứng thực phẩm cho các hộ kinh doanh tại chợ đầu mối Hòa Cường, cảng cá Thọ Quang, các lò giết mổ và phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm xây dựng cơ sở dữ liệu để triển khai thiết lập truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm nhập từ các tỉnh vào các chợ đầu mối, lò giết mổ. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm xây dựng lộ trình đảm bảo nguyên liệu cung cấp cho các trường học đều được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đồng thời, tiếp tục xây dựng khung chương trình giáo dục học đường về An toàn thực phẩm với các buổi tuyên truyền, các chuyến đi thực tế đến trang trại sản xuất nông sản hữu cơ, nông sản công nghệ cao...

Dịp này, UBND thành phố trao tặng bằng khen cho 8 tập thể và 7 cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác đảm bảo An toàn thực phẩm trên địa bàn.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác