Đến năm 2025: xây dựng 150 trạm sạc ô tô điện cấp 1,2 và 15 trạm sạc cấp 3
Đăng ngày 28-01-2021 09:34, Lượt xem: 1063

UBND thành phố vừa ban hành Quyết định số 124/QĐ-UBND ngày 14-1-2021 phê duyệt Đề án đề xuất các vị trí xây dựng trạm sạc ô tô điện, cơ chế khuyến khích phát triển xe ô tô điện, trạm sạc ô tô điện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, với mục tiêu đến năm 2025, xây dựng 150 trạm sạc cấp 1,2 và 15 trạm sạc cấp 3; đến 2030 xây dựng 250 trạm sạc cấp 1,2 và 50 trạm sạc cấp 3.

Theo đó, thành phố khuyến khích mua sắm công, sử dụng xe ô tô điện phục vụ tại các sở, ban, ngành, cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trên cơ sở phù hợp với quy định tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11-1-2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô và quy định tại Quyết định số 34/2020/QĐ-UBND ngày 28-9-2020 của UBND thành phố Đà Nẵng quy định về tiêu chuẩn, định mức xe ô tô chuyên dùng (trừ xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế) tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố Đà Nẵng.

Đồng thời, sẽ đề xuất áp dụng quy định hỗ trợ lãi suất đối với các dự án sản xuất hoặc sử dụng công nghệ sạch, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư cho các dự án xây dựng trạm sạc xe ô tô điện nếu thỏa mãn điều kiện, tiêu chí hỗ trợ quy định tại Nghị quyết số 149/2018/NQ-HĐND ngày 12-7-2018 của HĐND thành phố Đà Nẵng; xây dựng lộ trình chuyển đổi xe buýt công cộng chạy bằng xăng dầu sang sử dụng xe buýt điện.

Cùng với đó, sẽ triển khai các chương trình đào tạo, giới thiệu về xe điện, trạm sạc, công nghệ sạc cho xe điện, cách thức vận hành hệ thống cho các cán bộ của các sở, ban, ngành tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Triển khai các hoạt động tìm hiểu thực tế mô hình mạng lưới trạm sạc tại một số nước đã triển khai thành công để học tập kinh nghiệm. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ trạm sạc, xe ô tô điện trong giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Thu hút đầu tư của các tập đoàn mạnh về lĩnh vực xe điện, đã triển khai thành công mạng lưới trạm sạc từ các nước có quan hệ hợp tác truyền thống với thành phố Đà Nẵng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan..

Các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo có tiềm năng được khuyến khích và chủ động liên kết, hợp tác mở ra các chương trình đào tạo, đặc biệt là đào tạo chuyên gia về lĩnh vực xe ô tô điện và các thành phần quan trọng trong xe ô tô điện với các trường đại học lớn, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước để thu hút trí tuệ và nguồn lực vào thành phố một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ tranh thủ các nguồn vốn tài trợ ODA, phi chính phủ nước ngoài để nghiên cứu hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và các hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực đầu tư điện mặt trời mái nhà. Tích cực tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước để thiết lập quan hệ, tranh thủ sự hỗ trợ, chia sẻ thông tin và tri thức, kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ của các tổ chức trong nước và quốc tế, các công ty đa quốc gia, các cơ sở nghiên cứu, các trung tâm tư vấn, các chuyên gia. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người dân và doanh nghiệp hiểu về lợi ích của việc sử dụng năng lượng sạch cho phương tiện giao thông, nhằm từng bước thay đổi thói quen, tâm lý của người tiêu dùng, khuyến khích việc chuyển sang mua sắm, sử dụng các sản phẩm mới, ứng dụng dịch vụ mới hướng tới tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

Một số vị trí khả thi được đề xuất lắp đặt trạm sạc xe ô tô điện cấp 3 gồm: khu Công viên phần mềm số 2; khu vực trước Cổ viện Chàm; khu vực đường Trường Sa – Võ Nguyên Giáp; chùa Linh Ứng; Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng; Khu công nghệ cao Đà Nẵng; khu vực dạy nhà hàng tiệc cưới 2-9; khu công nghiệp Hoà Cầm; khu đô thị Tuyên Sơn; bến xe Đức Long phía Nam…

UBND thành phố giao Sở Công Thương tổ chức công bố Đề án đề xuất các vị trí xây dựng trạm sạc xe ô tô điện, cơ chế khuyến khích phát triển xe ô tô điện, trạm sạc ô tô điện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được phê duyệt; tổ chức tuyên truyền, hội thảo về chính sách, cơ chế của Nhà nước trong việc khuyến khích phát triển xe ô tô điện, trạm sạc ô tô điện nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân về lợi ích của việc sử dụng xe ô tô điện, góp phần xây dựng thành phố môi trường. Nghiên cứu xây dựng định hướng thu hút các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước tham gia đầu tư phát triển mạng lưới trạm sạc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ quy hoạch.

Sở Công Thương có trách nhiệm xây dựng, trình UBND thành phố ban hành kế hoạch, chương trình thúc đẩy phát triển xe ô tô điện, trạm sạc ô tô điện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng từng giai đoạn 5 năm và kế hoạch hàng năm đáp ứng các mục tiêu, lộ trình đã đề ra. Đồng thời, tham mưu, đề xuất cho UBND thành phố Đà Nẵng trong việc ban hành các quy định, quy chế, chính sách khuyến khích phát triển xe ô tô điện, cơ sở hạ tầng trạm sạc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; theo dõi, quản lý việc thực hiện đầu tư, xây dựng mạng lưới trạm sạc nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch của đề án theo từng giai đoạn; tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch, chương trình phát triển mạng lưới trạm sạc hàng năm.

UBND thành phố cũng giao Sở Giao thông Vận tải tham mưu, đề xuất UBND thành phố phê duyệt lộ tình chuyển đổi xe buýt công cộng chạy bằng xăng dầu sang sử dụng xe buýt điện; xem xét, có ý kiến về các dự án đầu tư xây dựng trạm sạc xe ô tô điện liên quan đến quy hoạch hạ tầng giao thông đường bộ, đảm bảo tuân thủ hành lang an toàn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật; xem xét, có ý kiến về phương án kết nối hệ thống quản lý mạng lưới trạm sạc xe ô tô điện vào hệ thống giao thông thông minh của thành phố Đà Nẵng. Giao Sở Khoa học và công nghệ khuyến khích nghiên cứu, tổ chức đánh giá và đề xuất nhân rộng kết quả từ các đề tài nghiên cứu về trạm sạc xe điện và xe điện; tổ chức thẩm định, đánh giá và hỗ trợ việc chuyển giao, đổi mới công nghệ hay sở hữu trí tuệ thiết bị, giải pháp nâng cao hiệu suất trạm sạc xe ô tô điện.

Sở Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan thực hiện nội dung khuyến khích thiết kế vị trí lắp đặt trạm sạc xe điện tại các công trình, tòa nhà, khu du lịch, nghỉ dưỡng… đã và đang xây dựng trên địa bàn thành phố; đồng thời, xây dựng, hướng dẫn và đề xuất các quy định bổ sung khi lắp đặt trụ sạc tại các vị trí bãi đỗ xe. Phối hợp với Sở Công Thương thống nhất về địa điểm quy hoạch các vị trí lắp đặt trạm sạc đảm bảo đúng quy định pháp luật hiện hành và phù hợp quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; xem xét, thẩm định các vấn đề có liên quan về quy hoạch, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, mặt bằng tòa nhà có trạm sạc nhằm đảm bảo đúng các quy định của pháp luật.

UBND thành phố đề nghị Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng phối hợp Sở Công Thương thống nhất về phương án đấu nối lưới điện của các vị trí lắp đặt trạm sạc xe ô tô điện đảm bảo phù hợp với hiện trạng lưới điện khu vực và quy hoạch phát triển điện lực thành phố Đà Nẵng; tăng cường quản lý và đánh giá hiện trạng lưới điện và các trạm biến áp nhằm đảm bảo hiệu suất tối đa trong đấu nối các dự án trạm sạc xe điện. Bên cạnh đó, thực hiện xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp lưới điện đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo việc cung cấp điện an toàn, ổn định cho các trạm sạc xe ô tô điện.

THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác