Phát huy tiềm năng, vai trò của rừng trong phát triển kinh tế - xã hội
Đăng ngày 24-06-2021 13:04, Lượt xem: 541

Chiều 24-6, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành phố Nguyễn Phú Ban chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021; tổng kết thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 và triển khai chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu tại UBND quận Sơn Trà, quận Liên Chiểu và huyện Hoà Vang.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, trong năm 2020, UBND các xã, phường có rừng đã thành lập 12 tổ xung kích và 54 tổ quần chúng bảo vệ rừng. Các đơn vị chủ rừng thành lập Đội PCCC rừng tại chỗ, sử dụng lực lượng lao động của đơn vị quản lý để bảo vệ rừng.

Năm qua, trên địa bàn thành phố xảy ra 11 vụ phát lửa trên địa bàn rừng với diện tích 39,32ha, thiệt hại 4,18ha rừng trồng keo của hộ dân; 1,29ha đất trống có cây gỗ tái sinh và 33,84 ha thực bì, cỏ dại, lau lách.

Trong công tác bảo vệ rừng, các đơn vị đã tổ chức 629 đợt kiểm tra, truy quét tại rừng, 70 đợt tuần tra trên các khu vực rừng, phối hợp với các lực lượng liên quan thực hiện chốt chặn tại các khu vực xung yếu vào rừng. Qua đó, tháo gỡ và tiêu hủy 1.663 dây bẫy bằng cáp nhỏ, 37 chuồng bẫy bằng cây rừng, 01 cá thể khỉ vàng bị chết do dính bẫy, phá hủy 09 láng trại, 02 xe rùa,… và đưa ra khỏi rừng 22 đối tượng, tạm giữ 01 máy khoan đá và 01 mô tơ phát điện.

Đơn vị chức năng đã lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính 37 vụ, thu nộp ngân sách hơn 297 triệu đồng tiền phạt và 31 triệu đồng tiền bán lâm sản tịch thu; tịch thu 3,334m3 gỗ xẻ, 1,232m3 gỗ xẻ nhóm 3-6;… Đồng thời, thả các cá thể về lại môi trường tự nhiên và tịch thu, tiêu hủy một số cá thể đã chết.


Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Trung tâm hành chính thành phố

Về thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, thành phố Đà Nẵng đầu tư cho hoạt động bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng của UBND các xã, phường có rừng, Ban quản lý rừng đặc dụng và Kiểm lâm địa phương bằng nguồn vốn của thành phố, bao gồm kinh phí sự nghiệp ngành thủy sản nông lâm và kinh phí thực hiện chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng theo Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, các hoạt động chính gồm: Tổ chức truy quét bảo vệ rừng, trực PCCC rừng ngoài giờ; hợp đồng lao động bảo vệ rừng cấp xã và phản ứng nhanh chữa cháy rừng; tuyên truyền giáo dục pháp luật bề bảo vệ rừng và PCCC rừng; tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ bảo vệ rừng; tổ chức dự báo cháy rừng; theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật và xây lắp công trình phục vụ bảo vệ rừng và PCCC rừng.

Giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn thành phố xảy ra 45 vụ phát lửa rừng trên diện tích 197,9 ha. So với giai đoạn 2011-2015, số vụ cháy giảm 42,68% và thiệt hại về rừng giảm 79,40%. Đồng thời, trong giai đoạn này, vi phạm pháp luật về lâm nghiệp giảm cả về số vụ và mức độ thiệt hại.

Trong giai đoạn này, thành phố đã tăng cường chỉ đạo các chủ rừng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương triển khai các hoạt động phát triển rừng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Trong đó, gồm có nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, sự nghiệp kinh tế; nguồn vốn ủy thác trồng rừng thay thế và nguồn vốn của chủ rừng, tổ chức, doanh nghiệp. Đồng thời, việc phát triển trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng từ gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn nhằm tạo nguồn nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ được chú trọng chỉ đạo. Công tác sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp đã đi vào về nếp, chất lượng cây giống phục vụ cho nhu cầu trồng rừng được nâng cao. Năng suất gỗ rừng trồng bình quân khi khai thác đạt 13m3/ha/năm. Sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng là 433.600m3.

Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố triển khai chiến lược phát triển lâm nghiệp theo mục tiêu xây dựng ngành lâm nghiệp thành phố thực sự trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật; thiết lập, quản lý và bảo vệ phát triển, sử dụng bền vững rừng và diện tích đất được quy hoạch cho lâm nghiệp; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế cho các hoạt động lâm nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực xã hội; ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Đồng thời, phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng để lâm nghiệp đóng vai trò ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, giữ vững quốc phòng và an ninh,… thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững. Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp tinh gọn, hoạt động hiệu quả.


Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Nguyễn Phú Ban phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các quận, huyện và địa phương liên quan tham gia báo cáo tình hình bảo vệ, phát triển rừng và đề xuất các giải pháp, trang bị thêm các thiết bị để phục vụ công tác chữa cháy, bảo vệ rừng.

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Nguyễn Phú Ban cho biết, bên cạnh chức năng điều hòa khí hậu, điều tiết nguồn nước, chống xói mòn, sạt lở, rừng tại Đà nẵng còn góp phần quan trọng trong phát triển du lịch sinh thái, văn hóa của thành phố. Vì vậy, Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Nguyễn Phú Ban đề nghị các đơn vị tăng cường tuyên truyền nhận thức về bảo vệ rừng trong nhân dân. Các sở, ngành phối hợp đảm bảo đời sống, tạo sinh kế cho các hộ ven rừng. Các quận, huyện có rừng chỉ đạo sâu sát, cụ thể, giao trách nhiệm quản lý cho hạt kiểm lâm các địa phương thường xuyên bám rừng, tham mưu chiến lược bảo vệ rừng, khai thác rừng hợp lý.

MỘT SỐ MỤC TIÊU CỤ THỂ TRONG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

- Trồng rừng sản xuất giai đoạn 2021-2025 đạt 6.500 ha, bình quân 1.800 ha/năm. Trong đó, trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn đạt 2.500 ha.

- Trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đạt 700 ha, tương đương 1.170 triệu cây. 

- Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng phấn đấu đạt 60.000m3 vào năm 2025.

- Phát triển dịch vụ môi trường rừng, đa dạng hóa và mở rộng các nguồn thu phù hợp với quy định của pháp luật. Đảm bảo 100% các hộ sống ven rừng  đều tham gia bảo vệ rừng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

- Tỷ lệ lao động làm việc trong ngành lâm nghiệp được đào tạo nghề đạt 45% vào năm 2025, đảm bảo bình đẳng giới.

- Tỷ lệ che phủ rừng toàn thành phố ổn định ở mức từ 47% trở lên.

-...

NGUYÊN THẢO

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 
You do not have the roles required to access this portlet.