Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc với các địa phương về thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch
Đăng ngày 22-03-2022 21:28, Lượt xem: 419

Chiều 21-3, Đoàn Giám sát của Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” có buổi làm việc trực tuyến với 6 địa phương các tỉnh phía Bắc và miền Trung gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc tại Nhà Quốc hội.

Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết và Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đồng chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc trực tuyến với 6 địa phương các tỉnh phía Bắc và miền Trung về hực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch

Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay nhiều địa phương đã đến bước báo cáo hoặc chuẩn bị báo cáo HĐND xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; riêng Bắc Giang và Hà Tĩnh đã trình Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương cũng đang lập hoặc đã phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh; đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn; đang thực hiện rà soát, tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch đô thị, phân khu đô thị, lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng xã và Quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã trên địa bàn quận, huyện, thị xã. Tích cực triển khai lập Quy hoạch sử dụng đất 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025; rà soát bãi bỏ các quy hoạch theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch.

Tại Đà Nẵng, triển khai Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27-9-2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, Ban Thường vụ Thành ủy đã tổ chức họp và ban hành Thông báo số 202-TB/TU ngày 14-10-2021 kết luận tại cuộc họp ngày 8-10-2021 để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, UBND thành phố đã ban hành Công văn số 7130/UBND-SKHĐT ngày 21-10-2021 về việc điều chỉnh tiến độ lập Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có quy định rõ tiến độ và phân công thực hiện các nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan trong thời gian đến để đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch.

Thành phố đã tổ chức các buổi làm việc giữa Tư vấn tổng với các sở, ban, ngành và UBND các quận huyện thuộc thành phố; đã tổ chức 2 Hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương lân cận vào cuối tháng 12-2022. Đồng thời, lãnh đạo UBND thành phố làm việc với từng sở, ngành và UBND các quận huyện để nghe các báo cáo về các nội dung đề xuất tích hợp vào Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đến nay, nội dung quy hoạch đã hoàn thành dự thảo lần 6 và đã có văn bản gửi lấy ý kiến các bộ, ngành lần thứ 2. Lãnh đạo UBND thành phố đang giao cho các Phó Chủ tịch UBND thành phố chịu trách nhiệm rà soát lại các nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách nhằm nâng cao chất lượng nội dung quy hoạch; chuẩn bị báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, Hội nghị Thành ủy vào đầu tháng 4-2022 trước khi trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định (dự kiến trong tháng 4-2022). Tiếp thu các ý kiến thẩm định hoàn chỉnh trình HĐND thành phố thông qua vào kỳ họp giữa năm 2022 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về đánh giá hiệu quả của việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư và vai trò phản biện đối với nội dung của Quy hoạch được xin ý kiến, ưu điểm là phát huy được tính phản biện, vai trò và sự tham gia của cộng đồng được nâng cao, cộng đồng thấy được quyền lợi và trách nhiệm trong thực hiện và quản lý Quy hoạch đô thị cùng với chính quyền. Tuy nhiên, trong quy định của pháp luật, các cụm từ “cá nhân có liên quan”, “đại diện cộng đồng dân cư” và “cộng đồng dân cư” cần phải xác định rõ, có khảo sát để xác định phạm vi cần lấy ý kiến cộng đồng phù hợp với tính chất từng đồ án quy hoạch, xác định chính xác đối tượng cần lấy ý kiến, bảo đảm công khai, minh bạch, lợi ích hài hòa giữa quy hoạch và cộng đồng.

Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết và Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đồng chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng

Về vai trò phản biện đối với nội dung của Quy hoạch được xin ý kiến, hiện nay, tuy kiến thức về quy hoạch đô thị của các tầng lớp nhân dân chưa hoàn toàn đầy đủ nhưng về nhận thức tầm quan trọng của quy hoạch đô thị đã được thể hiện rõ trong các buổi lấy ý kiến cộng đồng, các buổi lấy ý kiến phản biện của các tổ chức cá nhân. Đa số các buổi lấy ý kiến đều nhận được sự quan tâm lớn của người dân vì việc ảnh hưởng để lợi ích hợp pháp của cá nhân cũng như việc phát triển đô thị tại khu vực, là cơ sở để phát triển kinh tế, xây dựng tại địa phương.

Thành phố Đà nẵng cũng đã tham gia góp ý cho một số quy hoạch cấp quốc gia như: phối hợp cung cấp các thông tin, số liệu phục vụ lập “Quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”; góp ý quy hoạch tổng thể quốc gia mạng lưới đường sắt, đưòng bộ, cảng biển, đường hàng không, đường thủy nội địa gửi Bộ Giao thông Vận tải; góp ý gửi Bộ Công thương về dự thảo Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; góp ý dự thảo Quy hoạch hạ tầng Thông tin và Truyền thông thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; góp ý dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; góp ý đối với nhiệm vụ Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hài miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; góp ý đối với định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050… Quá trình góp ý giúp thành phố có thêm các thông tin về các quy hoạch ngành, cập nhật các thông tin trên vào Quy hoạch thành phố đang triển khai lập nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch của ngành quốc gia.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận nỗ lực của các địa phương trong việc tổ chức thực hiện lập quy hoạch, với khối lượng công việc đã thực hiện tương đối nhiều trước những khó khăn, thách thức lớn như dịch Covid-19 bùng phát và tiếp tục kéo dài, nhiều hoạt động bị đình trệ; phương pháp và cách thức tiếp cận quy hoạch mới, chính sách pháp luật về quy hoạch cũng còn những hạn chế nhất định…

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Đoàn giám sát ghi nhận và sẽ tổng hợp, nghiên cứu các kiến nghị của các địa phương để làm việc với Chính phủ, trong đó kiến nghị chung là đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương khẩn trương xây dựng các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, tránh tình trạng mâu thuẫn, không phù hợp giữa các quy hoạch dẫn đến việc quy hoạch tỉnh phải điều chỉnh sau khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng được phê duyệt.

Đồng thời, ghi nhận kiến nghị đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc dừng thi hành những nội dung quy định trong các văn bản hướng dẫn không phù hợp với quy định của pháp luật về Quy hoạch; các quy định còn chưa thống nhất, đầy đủ giữa pháp luật về đất đai, quy hoạch đô thị, xây dựng; các kiến nghị về các nội dung của Luật Quy hoạch như phương pháp tích hợp, mức độ tích hợp của quy hoạch tỉnh; vấn đề bảo đảm bí mật khi xác định khu quân sự, khu vực an ninh trong quy hoạch tỉnh; tính hợp lý của việc bãi bỏ quy hoạch sản phẩm;  cách lập “quy hoạch đúng dần”; cách thức phối hợp trong việc lập các quy hoạch; cách điều chỉnh giữa các quy hoạch cũng cấp; việc phân cấp, phân quyền và thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát, phát biểu kết luận buổi làm việc

Về phía các địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị bổ sung đầy đủ các nội dung còn thiếu trong báo cáo theo ý kiến các thành viên Đoàn giám sát đã nêu, nhất là khẳng định tiến độ hoàn thành các quy hoạch, làm rõ trách nhiệm dẫn đến các bất cập, hạn chế và việc chậm tiến độ các quy hoạch. Tập trung thời gian, nhân lực, trí tuệ để hoàn thành quy hoạch thành phố/tỉnh thời kỳ 2021-2030, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng huyện; quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch khác theo quy định; khẩn trương điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng; rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông thôn để đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước nhưng cũng tạo thuận lợi cho sự phát triển.

“Việc lập các quy hoạch cần bảo đảm tính kế thừa, tận dụng tối đa lợi thế phát triển từ các dự án kết cấu hạ tầng như sân bay, cảng biển, các tuyến cao tốc kết nối, các tuyến quốc lộ, liên vận quốc tế, các tuyến vành đai của đô thị lớn; Quy hoạch phải phát huy được tiền năng, lợi thế của từng địa phương trong mối liên kết vùng và phát triển các hành lang kinh tế như hành lang kinh tế Lào Cai – Hà Nội - Hải phòng, Hành lang kinh tế Đông Tây (Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng)… Đối với Đà Nẵng lưu ý phát triển Khu vực ven biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi trở thành vùng động lực Miền Trung”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quá trình lập quy hoạch cần ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế. Đồng thời, các địa phương cần phối hợp tốt với các Bộ, các cơ quan hữu quan để tham gia ý kiến cho các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của các quy hoạch quốc gia và quy hoạch của chính thành phố/tỉnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu các báo cáo của địa phương, các ý kiến tham gia tại buổi làm việc để trao đổi làm việc cụ thể với các địa phương và các bộ, ngành liên quan, xem xét các vướng mắc của các địa phương; giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết nếu vượt thẩm quyền. Dự kiến cuối tháng 3-2020, Đoàn Giám sát sẽ có buổi làm việc trao đổi cụ thể với lãnh đạo Chính phủ về nội dung báo cáo, kiến nghị của các địa phương về công tác quy hoạch.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT