Chủ động thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực để giải quyết các vấn đề môi trường
Đăng ngày 24-09-2022 18:14, Lượt xem: 159

Là địa phương duy nhất của Việt Nam đi tiên phong trong phát triển theo định hướng thành phố môi trường, Đà Nẵng sẽ ưu tiên giải quyết các vấn đề môi trường trọng tâm, trọng điểm, kiểm soát tốt chất lượng môi trường; phấn đấu đến năm 2025, thành phố đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra, có lộ trình đến năm 2030 theo hướng đô thị sinh thái; trong đó, chủ động thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực để giải quyết các vấn đề môi trường là một trong những giải pháp quan trọng.

Hội thảo quốc tế về Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với chủ đề “Địa phương hóa và Hợp tác hiệu quả vì Đà Nẵng - thành phố môi trường 2021 - 2030”

Đây là thông tin từ Hội thảo quốc tế về Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với chủ đề “Địa phương hóa và Hợp tác hiệu quả vì Đà Nẵng - thành phố môi trường 2021 - 2030” do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) tổ chức ngày 23-9. Hội thảo nằm trong khuôn khổ triển khai dự án “Chung tay Hành động bảo vệ nguồn nước” thuộc Chương trình sáng kiến địa phương (Local Works), với mục tiêu nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các bên trong thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”  giai đoạn 2021 – 2030.

Chủ động thu hút, đa dạng hoá các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Nguyên Chương cho biết, trên cơ sở Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030, thành phố Đà Nẵng đã và đang tích cực triển khai thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, như chủ động thu hút các nguồn lực đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực quản lý nhà nước của ngành ở các địa phương; tổ chức tham quan, trao đổi kinh nghiệm cũng như học hỏi, vận động tài trợ để triển khai các nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Trong đó, một số nội dung hợp tác quốc tế đã đi vào chiều sâu, như lồng ghép trong công tác đánh giá tác động môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường, quản lý chất thải, phân loại chất thỉa rắn sinh hoạt tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu...

“Một số dự án hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực từ bên ngoài đã và đang được triển khai với kết quả khả quan, tạo được tác động tích cực đối với công tác quản lý môi trường, góp phần nâng cao nhận thức, hành động về bảo vệ môi trường của người dân, tiêu biểu là dự án “Chung tay Hành động bảo vệ nguồn nước” thuộc Chương trình Chương trình Sáng kiến Địa phương (Local Works), do Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng thực hiện”, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chia sẻ.

Theo ông Võ Nguyên Chương, thông qua các dự án có nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài, thành phố Đà Nẵng đã tạo được quan hệ tốt và sự tin cậy với các tổ chức, đơn vị tài trợ, hỗ trợ; các tổ chức trong và ngoài nước đã chủ động liên hệ, đề xuất hỗ trợ thành phố triển khai các hoạt động nghiên cứu, thí điểm. Điều này có được là do các chủ trương, chính sách đã ban hành của trung ương và thành phố rất phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu và mối quan tâm của các cơ quan, tổ chức chính phủ, phi chính phủ trong và ngoài nước.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Nguyên Chương phát biểu tại hội thảo

Ước tính, giai đoạn 2021-2024, Đà Nẵng đã và đang huy động được trên 70 tỷ đồng tài trợ, hỗ trợ cho thành phố; qua đó cũng đã thiết lập được nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu từ các tổ chức đối tác trong và ngoài nước và các chuyên gia địa phương trong công tác triển khai các giải pháp, các sáng kiến về bảo vệ môi trường tại thành phố Đà Nẵng.

Bà Ann Maxine Wallace, Giám đốc Văn phòng Biến đổi khí hậu, Năng lượng và Môi trường, USAID tại Việt Nam cho biết, trong 5 năm qua, USAID đã hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để thúc đẩy hành động tập thể của các tổ chức địa phương - bao gồm Chính phủ Việt Nam, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội và người dân - nhằm nâng cao nhận thức về nguyên nhân và tác động của các thách thức ô nhiễm môi trường, và nâng cao kiến thức về các chiến lược hiệu quả để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 “USAID đánh giá cao Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” đến năm 2030 do UBND thành phố Đà Nẵng ban hành vào tháng 4-2021. USAID cam kết đồng hành cùng Đà Nẵng trong việc cải thiện chất lượng môi trường và sức khỏe người dân một cách bền vững. Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng là đem đến cái nhìn và cách tiếp cận mới cho Đà Nẵng trong việc đa dạng hóa các nguồn lực để giải quyết các vấn đề môi trường của mình”, bà Ann Maxine Wallace nhấn mạnh.

Triển khai hiệu quả các dự án từ nguồn lực hỗ trợ

 Chương trình Sáng kiến Địa phương (Local Works) là một trong những chương trình tiên phong của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong việc tăng cường hợp tác với các đối tác tại địa phương và lấy đối tác địa phương là trung tâm để hỗ trợ giải quyết các thách thức của địa phương nhằm giảm ô nhiễm môi trường thông qua các hành động chung tay. Dự án “Chung tay Hành động bảo vệ nguồn nước” là một trong 3 sáng kiến thuộc Local Works được triển khai tại Đà Nẵng.

Chia sẻ về các hoạt động của dự án “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước” trên địa bàn quận Thanh Khê, đại diện Phòng Tài nguyên - Môi trường quận cho biết, tháng 6-2021, UBND quận Thanh Khê đã ký kết biên bản ghi nhớ với Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) và Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (C&E) để triển khai hợp phần Xây dựng Mô hình Khu dân cư phát triển bền vững trên địa bàn 2 phường Thanh Khê Tây và Hòa Khê.

“Ý tưởng về việc xây dựng mô hình khu dân cư bền vững về mặt môi trường, phù hợp với đặc điểm của Đà Nẵng được hình thành dựa trên thực tế định hướng triển khai Đề án Xây dựng Đà Nẵng-Thành phố Môi trường giai đoạn 2021-2030 và chi tiết hơn là Đề án “Xây dựng Thanh Khê - Quận môi trường giai đoạn 2021-2030, hướng đến xây dựng quận Thanh Khê  hiện đại, văn minh, thân thiện môi trường”, đại diện Phòng Tài nguyên - Môi trường quận Thanh Khê cho hay.

Thảo luận bàn tròn chia sẻ hiệu quả từ việc triển khai các dự án

Theo đó, trong giai đoạn triển khai dự án, tính từ tháng 11-2021 đến nay, với sự hỗ trợ nguồn lực và kiến thức từ phía dự án, 2 phường Thanh Khê Tây và Hòa Khê đã tổ chức 6 lớp tập huấn cho khoảng 520 người thuộc nhóm nòng cốt triển khai dự án về: phân loại xử lý rác và bảo vệ nguồn nước; giám sát triển khai mô hình, tuyên truyền tham gia mô hình “Khu dân cư bền vững về môi trường”; kiến thức ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, sử dụng năng lượng hợp lý… Sau tập huấn, lực lượng lòng cốt địa phương tiến hành tập huấn, chia sẻ kiến thức lại cho các hộ gia đình trong khu dân cư.

Đồng thời, tại khu dân cư, người dân được hướng dẫn thực hiện phân loại rác thải tài nguyên, xử lý rác hữu cơ làm phân vi sinh và nước tẩy rửa; giảm thiểu rác thải nhựa thông qua các sáng kiến như sử dụng làn đi chợ thay thế cho túi ni lông; thực hành tiết kiệm nước, sử dụng nước hợp lý tại các hộ gia đình. Địa phương cũng triển khai thi công một số công trình cải thiện vấn đề rác và nước của khu dân cư, giải quyết các vấn đề cấp thiết tại khu dân cư bao gồm: làm phông che chắn rác tại điểm tập kết rác Bàu Trảng 7, phường Thanh Khê Tây; cải thiện chất lượng môi trường tại Khu vực Xuân Hòa A, phường Hòa Khê; bể ủ rác hữu cơ tại Hồ Xuân Hòa A.

Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Đà Nẵng Huỳnh Huy Hòa cho biết, trong năm 2022, Viện đã phối hợp với CECR triển khai Dự án nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số mức độ cảm nhận của người dân về công tác bảo vệ và quản lý môi trường cấp quận/huyện tại thành phố Đà Nẵng. Dự án đã tiến hành xây dựng và thử nghiệm áp dụng bộ chỉ số đánh giá này trên 4 quận huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (Hải Châu, Liên Chiểu, Hòa Vang và Sơn Trà) với 624 mẫu khảo sát. Bộ chỉ số gồm 3 chỉ số chính: Nhận thức cộng đồng; Hành vi cộng đồng; Mức độ hài lòng cộng đồng, với 7 chỉ số thành phần.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội thành phố, kết quả nghiên cứu thử nghiệm cho thấy, mặc dù vẫn còn một vài hạn chế trong năm đầu thử nghiệm, nhìn chung Bộ chỉ số đáp ứng mục tiêu ban đầu đề ra: phản ảnh được mức độ cảm nhận của người dân, từ đó có những nhận định phù hợp về công tác bảo vệ và quản lý môi trường cấp quận/huyện; có thể phục vụ việc đánh giá, xếp hạng các quận/huyện: tạo động lực cạnh tranh nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và quản lý môi trường địa phương; có tính khả thi, có thể làm cơ sở cho các khuyến nghị chính sách về môi trường đối với các cấp chính quyền cũng như các cơ quan quản lý nhà nước; có khả năng nhân rộng áp dụng tại các tỉnh thành, địa phương khác trên cả nước.

Xây dựng bản đồ các nguồn thải trên lưu vực sông Vu Gia Thu Bồn và bản đồ vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên sông Cu Đê nhờ áp dụng các sáng kiến địa phương

Bà Đặng Nguyễn Thục Anh, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, việc thành lập Ban Điều phối lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam – Đà Nẵng chính là kết quả của việc áp dụng các sáng kiến địa phương trong khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn. Theo đó, mô hình Ban Điều Phối Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn được thành lập với mục tiêu thiết lập thử nghiệm một thể chế liên tỉnh - thành phố để quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng trên lĩnh vực bảo vệ môi trường và tài nguyên nước; đồng thời, tăng cường phối hợp giữa UBND tỉnh Quảng Nam và UBND thành phố Đà Nẵng, giữa các ban, ngành của hai địa phương và các bên liên quan để quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng, tiến tới hài hòa giữa phát triển kinh tế, an sinh xã hội và an toàn sinh thái, môi trường.

“Kết quả ban đầu của việc áp dụng sáng kiến địa phương là tăng cường sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa các bên liên quan trong việc khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trên lưu vực sông; nâng cao năng lực về chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý tài nguyên nước của hai địa phương; huy động sự cùng tham gia, phát huy tối đa các sáng kiến địa phương. Đặc biệt, là xây dựng được bản đồ các nguồn thải trên lưu vực sông Vu Gia Thu Bồn và bản đồ vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên sông Cu Đê”, Đặng Nguyễn Thục Anh chia sẻ.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác