Cộng đồng ASEAN (AEC) đối với tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây: Còn nhiều khó khăn và thách thức
"Thành phố Đà Nẵng xác định thúc đẩy hợp tác địa phương giữa Đà Nẵng và các địa phương trên tuyến EWEC là một nhiệm vụ quan trọng, và cam kết nỗ lực tạo sự liên kết nhằm khai thác hiệu quả tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây." Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ tại Hội thảo "Cộng đồng ASEAN 2015 và các tác động đối với hợp tác khu vực trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây" ngày 15-8. Hội thảo do UBND thành phố phối hợp với Học viện Mekong tổ chức, với sự tham gia của 100 đại biểu trong nước và quốc tế, đại diện các Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện các đại sứ quán, tổng lãnh sự quán, cơ quan thương vụ một số nước tại Việt Nam.
 
 
Tăng cơ hội giao thương, giảm chi phí vận tải và vận chuyển hàng hóa
 
Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC ) là một chương trình nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế và hội nhập cho các nước Lào, Mianma, Thái Lan,Việt Nam. EWEC chính thức được thông tuyến vào năm 2006 khi khánh thành cây cầu hữu nghị nối giữa Thái Lan và Lào. Trong hơn 8 năm qua, hàng loạt các hội thảo, chính sách, biện pháp liên chính phủ đã được thảo luận và triển khai như chính sách vận tải hàng quá cảnh, thủ tục kiểm tra hải quan cửa khẩu, giao thông tay lái nghịch, chính sách cư dân vùng biên giới.. đã được ban hành, tạo cơ hội cho các quốc gia tiếp cận tốt hơn các nguồn tài nguyên khoáng sản, hải sản và năng lượng phục vụ cho các ngành sản xuất và chế biến. EWEC cũng góp phần phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa cho các thành phố, thị trấn nhỏ dọc hành lang, phát triển các hoạt động kinh tế mới. Qua đó, hình thành các khu vực kinh tế xuyên Mê Kông, mở rộng thâm nhập vào các thị trường đầy tiềm năng của các nước thuộc khu vực Nam Á và Tây Á. Tiến sĩ Watcharas Leelawath (Học viện Mekong) dẫn chứng tỉnh Savanakhet (Lào), từ việc hoàn thiện đường 9 và các cầu quốc tế Mekong thứ 2 từ Mukdaham, Thái Lan và Savanakhet, ngành nông nghiệp của tỉnh này đã tăng trưởng 7,2% so với 3,4% của cả nước. Tỉnh trở thành đơn vị xuất khẩu gạo, xuất khẩu 15 ngàn tấn sang Việt Nam năm 2006. Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 63,1 triệu USD năm 2001 lên 151,8 triệu USD năm 2005.
 
 
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội thảo
 
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, việc xây dựng cộng đồng ASEAN (AEC) vào ngày 31/12/2015 sẽ đánh dấu mốc trọng đại trong lịch sử hình thành và phát triển của ASEAN, khi đó ASEAN sẽ là tổ chức hợp tác liên Chính phủ liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN; đồng thời sẽ dẫn đến nhiều thay đổi về chính sách thuế quan, thương mại và hàng hóa giữa các nước trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây. Ông Nguyễn Tiến Minh, Vụ trưởng Vụ  ASEAN, Bộ Ngoại giao cho rằng,  AEC ra đời sẽ tạo thuận lợi cho hàng hoá qua lại đến mức tối đa, Việt Nam và ASEAN sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ về tăng trưởng kinh tế, một số ngành có thêm cơ hội xuất khẩu, việc giao thương, đi lại giữa người dân các quốc gia thành viên dễ dàng hơn.
 
Cải thiện các văn bản pháp luật và thủ tục hành chính
 
Theo ông Nguyễn Tiến Minh, hiện nay, ASEAN vẫn đang đối mặt với các thách thức như thực thi đúng thời hạn và hiệu quả các biện pháp trong Kế hoạch Tổng thể xây dựng AEC, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về AEC. Đối với Việt Nam, những thách thức chủ yếu liên quan tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và cơ sở hạ tầng kém phát triển so với các nước trong khu vực, bao gồm các yếu tố hạ tầng cứng (đường  sá, cảng biển, năng lượng) và hạ tầng mềm (hệ thống pháp lý, bộ máy hành chính). Những lĩnh vực khó khăn trong thực thi AEC của Việt NAm bao gồm: hoàn thành các cam kết về cắt giảm thuế quan, giải quyết các rào cản phi thuế, thực thi các biện pháp thuận lợi hóa thương mại (cơ chế một cửa, tự chứng nhận xuất xứ)... Theo ông Minh, cần phải đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư nhằm cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như tạo tiền đề cho việc triển khai các cơ chế tự do hóa khi hình thành thị trường chung ASEAN. Bên cạnh đó, nghiên cứu các giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho hội nhập của các ngành ưu tiên như nông sản, vận tải hàng không, ô tô, điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông, thủy sản, y tế, logistics, cao su, dệt may, du lịch, sản phẩm gỗ.. Đồng thời, nâng cao chất lượng phối hợp giữa các Bộ, ngành thuộc trụ cột AEC của Việt Nam thông qua vai trò điều phối của Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế.
 
Tại hội thảo, ông David Devine, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam cho biết, các nước ASEAN luôn là đối tác kinh tế trọng yếu của Canada. Trong 5 năm qua, kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn 17%. Chỉ riêng năm 2013, kim ngạch thương mại song phương tăng 7,3%, đạt gần 17 tỷ USD. Trị giá cổ phiếu đầu tư trực tiếp của Canada tại ASEAN tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước đó. Hiện đầu tư trực tiếp của Canada vào ASEAN đã vượt qua mức đầu tư vào Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ. ASEAN hiện đứng thứ 7 trong số những đối tác thương mại lớn nhất của Canada. Ông David Devine khẳng định Canada cam kết hỗ trợ các sáng kiến phát triển các khu vực tiểu vùng như sáng kiến Hàng lang kinh tế Đông Tây, kết nối Biển Đông bắt đầu từ thành phố Đà Nẵng đến Biển Andaman ở Ấn Độ Dương, thông qua các nước Lào, Thái Lan và Myanmar. Tuy nhiên, ông cũng  đề nghị các nước trong khu vực hành lang kinh tế Đông Tây cần phải hợp tác chặt chẽ để giải quyết các vấn đề tồn tại như cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính cũng như khuyến khích các nước ký kết và phê chuẩn các văn bản liên quan đến vận tải xuyên biên giới trong khu vực hành lang EWEC.
CÔNG TÂM

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác