Hành trình xây dựng chính quyền điện tử
Đà Nẵng liên tục 7 năm liền (2000 -2015) được Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin và Hội Tin học Việt Nam xếp hạng là địa phương dẫn đầu Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT & TT). Nhiều ứng dụng CNTT & TT đã phát huy hiệu quả, sử dụng rộng rãi, được Trung ương và nhiều địa phương biết đến và ghi nhận.

Xuất phát điểm từ những ứng dụng quy mô nhỏ, vận hành thí điểm  riêng lẻ ở các đơn vị, đến nay đã dần phát triển thành Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử (egov.danang.gov.vn) hoàn chỉnh, tích hợp, sử dụng chung tại hơn 150 cơ quan khác nhau.

Từ Quản lý văn bản điều hành đến Một cửa điện tử
 
Hệ thống quản lý văn bản và điều hành được triển khai từ năm 2003, tiền thân là website Điều hành tác nghiệp được xây dựng theo Đề án 112, sau đó được nâng cấp thành Hệ thống quản lý văn bản và điều hành theo Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/2/2008. Hệ thống góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và điều hành, xử lý văn bản tại các cơ quan, địa phương trên toàn thành phố. Đây là ứng dụng tiêu biểu cho quá trình Tin học hóa các hoạt động trong cơ quan quản lý nhà nước, giúp giảm thiểu chi phí hành chính, rút ngắn thời gian luân chuyển và xử lý văn bản.
 
Năm 2014, ứng dụng này được tiếp tục tích hợp vào nền tảng ứng dụng Chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng theo quy mô vận hành tập trung và bổ sung mới các tính năng như: liên thông văn bản điện tử giữa tất cả các cơ quan, đơn vị cấp thành phố, quận/ huyện, xã/ phường sử dụng ứng dụng, tích hợp tính năng chữ ký số,  nhận dạng văn bản… Việc xây dựng theo mô hình tập trung cho phép tối ưu hóa công tác vận hành, duy trì, bảo đảm an ninh cho hệ thống này, tạo thuận lợi cho việc nâng cấp, mở rộng, tích hợp với các ứng dụng khác của thành phố Đà Nẵng và với hệ thống quản lý văn bản toàn quốc về sau.
 
Trong giai đoạn 2010 - 2015, thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực triển khai thí điểm các mô hình Một cửa điện tử sở, ban, ngành, Một cửa điện tử cấp quận/huyện và Một cửa điện tử cấp xã/phường với mục tiêu triển khai 100% mô hình Một cửa điện tử cho tất cả các cơ quan nhà nước của thành phố.
 
 Bộ phận một cửa điện tử tại phường Hòa Hiệp Bắc, Quận Liên Chiểu
 
Mô hình Một của điện tử cấp quận/huyện được thí điểm ở UBND quận Thanh Khê, mô hình cấp phường/xã được thí điểm tại UBND phường Thuận Phước vào năm 2010 và được triển khai nhân rộng cho 100% UBND quận/huyện, phường/xã của thành phố kể từ năm 2012, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý, xử lý hồ sơ Một cửa của UBND các cấp. Tương tự, mô hình Một cửa điện tử cấp sở được Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) xây dựng, triển khai sử dụng thí điểm ngay tại Sở và Sở Giao thông - Vận tải từ năm 2010 và sau đó triển khai nhân rộng cho các sở, ngành khác.
 
Trong những năm qua, hệ thống Một cửa điện tử luôn được đầu tư, nâng cấp, hiệu chỉnh, bổ sung các chức năng để ngày càng đáp ứng nhu cầu sử dụng của các cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Hiện nay, hệ thống Một cửa điện tử đã được Sở TT&TT nâng cấp, tích hợp, vận hành tập trung và lưu ký tại Trung tâm dữ liệu thành phố, nhờ đó đã nâng cao khả năng bảo đảm an toàn thông tin, tăng cường khả năng sử dụng, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước. Đồng thời, tăng cường khả năng theo dõi, quản lý quá trình xử lý hồ sơ Một cửa các cấp của thành phố.
 
Công dân đến giao dịch tại Một cửa điện tử Trung tâm Hành chính thành phố
 
Với mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính, ứng dụng Một cửa điện tử đã góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của các dịch vụ hành chính công. Thông tin hướng dẫn về thủ tục dịch vụ hành chính công, thông tin về quá trình xử lý hồ sơ được tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng và chính xác mang lại nhiều lợi ích cho người dân từ việc nộp hồ sơ, theo dõi hồ sơ đến nhận kết quả. 
 
 
Qua đó, tăng cường tính minh bạch, hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu. Ứng dụng Một cửa điện tử đã trở thành một công cụ quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho CBCCVC trong tiếp nhận, luân chuyển xử lý, trả kết quả hồ sơ, thực hiện báo cáo, thống kê chính xác, hiệu quả, tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp với quy trình làm việc  hiệu quả, thông suốt, tự động.
 
Và nền tảng Chính quyền điện tử 
 
Tiếp nối thành công của ứng dụng Quản lý văn bản và điều hành; ứng dụng Một cửa điện tử, cũng như nhiều ứng dụng khác, trong quá trình triển khai Tiểu dự án  CNTT&TT, Sở TT&TT đã tham mưu UBND thành phố triển khai xây dựng nhiều ứng dụng như Đăng ký kinh doanh hộ cá thể, Quản lý đối tượng chính sách, Quản lý cấp phép xây dựng, Quản lý tàu cá, Quản lý y tế, Quản lý hạ tầng CNTT… Sở TT&TT cũng đã tham mưu UBND thành phố triển khai nhiều ứng dụng phục vụ công tác quản lý hạ tầng đô thị theo định hướng thành phố thông minh, bao gồm  hệ thống Quản lý giao thông công cộng thông qua thiết bị giám sát hành trình trên xe buýt, hệ thống Quản lý chất lượng nước sinh hoạt tại nhà máy nước Cầu Đỏ, Ứng dụng quản lý hệ thống điện chiếu sáng, Ứng dụng quản lý hệ thống thoát nước, Ứng dụng quan trắc môi trường nước mặt … Các ứng dụng nói trên được xây dựng trên một nền tảng công nghệ thống nhất - gọi là Nền tảng Chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng (Danang eGovPlatform).
 
Dữ liệu được quản lý tập trung, cho phép cán bộ thuộc các lĩnh vực nghiệp vụ, các đơn vị hành chính khác nhau có thể cập nhật, khai thác dữ liệu trong phạm vi quản lý của cơ quan, cũng như chia sẻ, khai thác dùng chung giữa các cơ quan, đặc biệt là Dữ liệu dân cư, dữ liệu CBCC, dữ liệu thủ tục hành chính, Dữ liệu văn bản… Với cách quản lý dữ liệu tập trung, thành phố Đà Nẵng đã xây dựng mô hình dữ liệu (data model) chuẩn để thống nhất giữa các ứng dụng, cho phép các ứng dụng có thể sử dụng, chia sẻ hoặc tích hợp thông tin một cách dễ dàng. 
 
Nền tảng ứng dụng Chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng được xây dựng dựa trên phần mềm mã nguồn mở và miễn phí. Việc sử dụng các phần mềm nguồn mở giúp các cơ quan nhà nước tiết kiệm chi phí đầu tư cho việc phát triển và khai thác, vận hành các ứng dụng.
 
Với những nỗ lực liên tục trong triển khai các ứng dụng CNTT trên địa bàn thành phố, Sở TT&TT Đà Nẵng đã nỗ lực thực hiện tốt vai trò đơn vị đầu tàu trong công tác ứng dụng  CNTT&TT tại địa phương, đóng góp đáng kể vào việc xây dựng một hệ thống Chính quyền điện tử hiện đại, góp phần xây dựng Đà Nẵng thành một đô thị thông minh, hiện đại.
 
Nguyễn Hoàng Cẩm - Nguyễn Hoài Đức 
 
 

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác