Chủ động ứng phó thiên tai
Đăng ngày 15-05-2017 15:29, Lượt xem: 312

Năm 2017, tình hình thiên tai tại khu vực miền Trung và Đà Nẵng tiếp tục diễn biến phức tạp, với dự báo sẽ có bão mạnh, mưa lớn, nắng nóng, xâm nhập mặn... Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, các ngành chức năng sớm triển khai các biện pháp ứng phó.

Chủ động ứng phó với mưa bão, sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra.

Dự báo thiên tai diễn biến phức tạp

Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ cho biết, trong các tháng đầu năm 2017, nhiệt độ mặt nước biển có xu hướng tăng nhanh. Hiện tại, chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO 3.4 đang cao hơn so với giá trị trung bình chuẩn. Như vậy, ENSO vẫn ở trạng thái trung tính và đang có dấu hiệu chuyển từ pha lạnh sang nóng của hiện tượng này. Trong khi đó, theo các trung tâm dự báo khí hậu lớn trên thế giới, nhiều khả năng pha trung tính tiếp tục kéo dài đến hết nửa đầu tháng 6 và có thể đạt ngưỡng El Nino vào khoảng cuối tháng 6.

Như vậy, sang thời kỳ nửa cuối của năm 2017 sẽ là thời kỳ chuyển pha từ trung tính sang trạng thái El Nino. Riêng đối với bão và áp thấp nhiệt đới, trong năm 2017 có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN), có khoảng 13-15 cơn (TBNN từ 12-13 cơn) hoạt động trên Biển Đông; trong đó, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam khoảng 4-5 cơn và ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đà Nẵng 1-2 cơn. Song, cần đề phòng những cơn bão mạnh và có hướng di chuyển phức tạp.

Trong khi đó, về tình hình mưa, tổng lượng mưa năm nay tại Đà Nẵng và các vùng phụ cận ở mức xấp xỉ TBNN. Trong các tháng mùa khô năm 2017, tổng lượng mưa tại Đà Nẵng và các vùng phụ cận ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN. Trong các tháng mùa mưa năm 2017, tổng lượng mưa tại Đà Nẵng và các vùng phụ cận ở mức xấp xỉ và cao hơn TBNN. Điều này cho thấy, nhiệt độ tại Đà Nẵng cũng như các vùng lân cận đều ở mức xấp xỉ và cao hơn TBNN; trong đó các tháng 4, 5, 6, 8, 10 và 11 cao hơn TBNN; tháng 7, 9 và 12 ở mức xấp xỉ TBNN. Trong mùa khô năm 2017, nhiệt độ cao nhất tại Đà Nẵng và các vùng phụ cận có thể từ 38-39oC.

Về lũ 2017, trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và các sông thuộc Đà Nẵng khả năng xuất hiện 3-5 đợt lũ. Đỉnh lũ có khả năng thấp hơn đỉnh lũ năm 2016 và thấp hơn TBNN. Đỉnh lũ trên sông Vu Gia - Thu Bồn dao động ở mức báo động (BĐ2 - BĐ3), trên sông Cẩm Lệ tại Cẩm Lệ dao động ở mức BĐ1- BĐ2…

Giải pháp ứng phó

Ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cho biết, nắng nóng đang diễn ra phức tạp. UBND thành phố đã ban hành phương án chống hạn, chỉ đạo các địa phương, đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi triển khai các giải pháp chống hạn và chủ động đối phó với tình hình thiếu nước tưới, tăng cường kiểm tra kênh mương, đồng ruộng, lượng nước lãng phí từ các kênh tiêu của từng khu tưới để điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm nước, tăng cường giờ bơm tại các trạm bơm. Thành phố cũng đã đề nghị Tổng cục Thủy lợi làm việc với các nhà máy thủy điện ở lưu vực Vu Gia - Thu Bồn xả nước, vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, bảo đảm đủ cao trình, lưu lượng để các trạm bơm hoạt động theo lịch thời vụ…

Đặc biệt, để nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai năm 2017, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã tiến hành kiện toàn, rà soát, phân công nhiệm vụ các thành viên của Ban; phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng và các đơn vị, địa phương có hồ chứa nước tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn các hồ chứa, có biện pháp sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm an toàn công trình trước mùa mưa bão.

Tiếp tục đầu tư, mua sắm, cấp phát trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Phối hợp với Tổng cục Thủy lợi, Cục Phòng chống thiên tai lắp đặt 31 trạm báo động trực canh cảnh báo thiên tai đa mục tiêu trên địa bàn Đà Nẵng; lắp đặt thêm 10 trạm đo mưa tự động và 4 trạm đo mực nước tại các khu vực có trũng thấp, ngập lụt, lũ quét và các sông Túy Loan, Cu Đê...

Hiện nay, các ngành, các địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh, cập nhật bổ sung phương án phòng chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai của ngành, địa phương mình; rà soát các công trình phòng chống thiên tai, khu dân cư, vùng kinh tế trọng điểm, cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng thiên tai, xây dựng phương án, bố trí vật tư, nhân lực tổ chức xử lý bảo đảm an toàn trước mùa mưa bão năm 2017. Đồng thời, tổ chức diễn tập phòng tránh thiên tai, cứu hộ cứu nạn tại các khu vực, địa bàn trọng điểm về thiên tai trên sông, trên biển nhằm chủ động, sẵn sàng, kịp thời ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố xảy ra…

Theo Báo Đà Nẵng

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT