Đưa mô hình mới về nông thôn

Nhận thức được tầm quan trọng của khoa học và công nghệ (KH&CN) là một trong những khâu để phát triển nhanh và bền vững, thời gian qua, Sở KH&CN Đà Nẵng phối hợp với các quận, huyện, phường, xã triển khai nhiều mô hình ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn; qua đó giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Một trong những mô hình mà Sở KH&CN đang phối hợp với xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) triển khai là mô hình nuôi cá chình trong bể xi-măng. Đề tài này do Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn Phạm Đình Phi làm chủ nhiệm. Theo ông Phi, thời gian gần đây, phong trào nuôi cá chình phát triển rất mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua thực tế tìm hiểu tại một số địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Thừa Thiên Huế... cho thấy, cá chình khá thích nghi với điều kiện khí hậu ở huyện Hòa Vang. Vì vậy, UBND xã đã cử cán bộ phối hợp với Hội Nông dân xã rà soát trên địa bàn 10 thôn những hộ dân có điều kiện, tâm huyết, gắn bó với nông nghiệp chọn 3 hộ có điều kiện và khả năng nuôi cá chình trên bể xi-măng để nuôi thử nghiệm. Sở KH&CN đã cùng UBND xã Hòa Sơn hỗ trợ mỗi hộ 100 triệu đồng bao gồm cá, giống, thức ăn, lưới che, công chăm sóc ban đầu.

Đưa chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá chình tại thôn Đại La, một cán bộ Hội Nông dân xã Hòa Sơn cho biết, đây là mô hình mới nên bước đầu triển khai gặp một số khó khăn. Ông Phạm Thanh Sinh, hộ nuôi cá chình thử nghiệm cho biết, cùng sự hỗ trợ ban đầu về con giống và thức ăn, gia đình ông quyết tâm đầu tư xây dựng bể xi-măng, nhà lưới, trang thiết bị với gần 15 triệu đồng. Thời gian nuôi đến nay 4 tháng nhưng cá vẫn rất nhỏ vì đây là loại cá nuôi lâu, khoảng 12-18 tháng nuôi mới cho cá thịt. Ngoài nuôi cá chình, ông Sinh còn nuôi thêm lợn, gà, vịt để cải thiện đời sống, tăng thu nhập.

Ông Phạm Sơn (thôn Xuân Phú, xã Hòa Sơn) cũng là hộ được chọn nuôi cá chình thử nghiệm. Ông Sơn cho biết, thời gian đầu nuôi cá có phần hao hụt do cá lạ với môi trường sống, thức ăn… nhưng bây giờ đã ổn định. Hằng ngày, ông Sơn đi mua cá tươi tại các chợ về xay mịn, phơi khô và trộn cho cá ăn. Ông Sơn cho biết, đây là mô hình mới nên phải học tập kỹ thuật chăm sóc và hy vọng mô hình nuôi cá chình sẽ thành công để có thể mở rộng thành trang trại.

Để nuôi được cá chình, ngoài xây bể xi-măng, công tác chăm sóc, người nuôi còn phải trang bị thêm vòi sục khí, hệ thống máy bơm nước, máy tạo dòng và ống nhựa làm chỗ trú ẩn cho cá. Ông Phi cho biết thêm, bể nuôi phải chắc chắn, bảo đảm các điều kiện cần thiết thì cá chình mới phát triển tốt. Sau 12 tháng nuôi, cá chình có thể đạt 1,2kg/con, với giá bán hiện nay từ 250.000 - 320.000 đồng/kg, giúp người nông dân có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Ngoài mô hình nuôi cá chình tại xã Hòa Sơn, Sở KH&CN đã triển khai hiệu quả các đề tài ứng dụng KH&CN vào nông nghiệp, nông thôn cho các phường, xã thuộc huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ, quận Ngũ Hành Sơn... Điển hình như mô hình chăn nuôi nhím sinh sản và thương phẩm trên địa bàn huyện Hòa Vang. Với 9 con nhím giống đầu tư ban đầu, sau hơn 1 năm nuôi nhím bán thương phẩm, người dân đã hoàn vốn, từ năm thứ 2, trung bình mỗi hộ nuôi sẽ có lãi khoảng 2,7 triệu đồng/con nhím giống.

Ngoài nhím, Sở KH&CN còn thực hiện mô hình nuôi thương phẩm gà Đông Tảo trên địa bàn quận Cẩm Lệ. Chọn 2 hộ dân đủ điều kiện tham gia mô hình (có đối ứng kinh phí), Sở KH&CN phối hợp với UBND quận hướng dẫn kỹ thuật và đầu tư ban đầu 800 con gà Đông Tảo (tỷ lệ sống đạt 85-90%), gà nuôi thương phẩm lấy thịt đạt trung bình 2,8 - 3,2kg/con, bảo đảm chất lượng tốt. Doanh thu gà thương phẩm trưởng thành trung bình mỗi hộ lãi trên 21 triệu đồng (trừ hết các chi phí đầu tư). Qua mô hình cho thấy, việc nuôi gà Đông tảo thương phẩm lấy thịt phù hợp với điều kiện ở địa phương và mô hình này đang được nhân rộng trên địa bàn quận Cẩm Lệ.

Có thể thấy, việc hỗ trợ con giống, vật tư, các tiến bộ KH&CN, Sở KH&CN và các quận, huyện, phường, xã đã chú trọng các mô hình nông nghiệp, nông thôn; qua đó giúp nông dân phát triển các ngành nghề có giá trị kinh tế cao, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, đồng thời cung cấp thêm nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho thành phố.

Theo Báo Đà Nẵng

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT