Thông tin báo chí tuần qua (từ ngày 03/7 đến ngày 07/7/2017)
Đăng ngày 11-07-2017 08:29, Lượt xem: 214

Trong tuần (từ ngày 03/7 đến ngày 07/7/2017), các cơ quan báo, đài trung ương và địa phương đăng tải nhiều thông tin về thành phố Đà Nẵng, nội dung trọng tâm là chuyển tải chương trình, nội dung làm việc tại kỳ họp giữa năm HĐND khoá IX,đưa tin một số  hoạt động của lãnh đạo thành phố, phản ảnh những tồn tại về công tác an sinh- xã hội, tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ tại các quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, vấn đề vệ sinh môi trường, an ninh trật tự tại các địa bàn dân cư…

1/ Những nội dung chính  báo chí đăng tải :

 Đăng tải  toàn bộ nội dung chương trình kỳ họp thứ 4 HĐND TP.Đà Nẵng khóa IX từ ngày 05/7 đến ngày 07/7/2017, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường mà cử tri thành phố quan tâm, bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch UBND thành phố về các vấn đề liên quan đến quản lý đô thị, thu hút đầu tư, quản lý đầu tư công, giao thông, ô nhiễm môi trường, và vấn đề quy hoạch tại bán đảo Sơn Trà…; Bài phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 4 HĐND thành phố Đà Nẵng khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố trong đó xác định nhiệm vụ từ nay cho đến cuối năm 2017.

2/ Các tin tức khác báo đưa tin trong tuần :

- Đà Nẵng thu hút mạnh vốn đầu tư vào khu công nghiệp, công nghệ cao:

+ Điểm sáng đầu tư 6 tháng đầu năm nay của Đà Nẵng là thu hút được 13 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp (10 dự án trong nước, 3 dự án vốn đầu tư nước ngoài).Đến nay, thành phố đã thu hút được 7 dự án vào khu công nghệ cao, tổng vốn đầu tư 158 triệu USD. Thành phố cũng đã cấp 5 quyết định chủ trương đầu tư, tổng mức đầu tư 7.050 tỷ đồng và điều chỉnh 8 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng mức đầu tư tăng thêm trên 1.400 tỷ đồng. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2017, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 36 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư 32 triệu USD, tăng 20% về dự án và tăng 269,5% về vốn so với cùng kỳ 2016.

- Vì sao giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm?

 + Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản (XDCB) của nhiều công trình trên địa bàn Đà Nẵng đang rất chậm. Tính đến cuối tháng 6-2017, ước chi XDCB mới được 1.400 tỷ đồng, đạt 31% kế hoạch. Trong khi đó, đến hết tháng 5-2017, chỉ giải ngân được 965,044 tỷ đồng, đạt 22% kế hoạch năm. Đây là con số đáng suy ngẫm. Từ thực tế trên cho thấy, yêu cầu đặt ra hiện nay là phải đẩy nhanh tiến độ thi công, gấp rút thực hiện giải ngân vốn. Bên cạnh đó, để hạn chế việc giải ngân chậm, cần có chế tài mạnh đối với các công trình, dự án có khối lượng nợ lớn nhưng không giải ngân...; đồng thời, ưu tiên thanh toán khối lượng đã thực hiện, sau đó mới thanh toán khối lượng phát sinh. Đối với các dự án hoàn thành, phải tập trung thanh toán để trả nợ và nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng…

 - Thu hồi đất trống trong khu công nghiệp:

+ Qua khảo sát, các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn Đà Nẵng vẫn còn hàng trăm héc-ta đất trống nhưng không ít doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu thuê đất tại KCN để mở rộng sản xuất, kinh doanh lại không thể tiếp cận được. Sau khi UBND thành phố có chỉ đạo về việc rà soát, thu hồi quỹ đất không phát huy hiệu quả để bố trí cho các doanh nghiệp có nhu cầu, một số diện tích đất trống đã “lòi” ra.

- Ra mắt chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn:

+ Ngày 5-7, Công ty TNHH Nông nghiệp Tâm Nguyên miền Trung - Đà Nẵng chính thức đưa vào hoạt động chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tại số 6 Duy Tân (quận Hải Châu). Đây là nơi chuyên bán các loại rau, quả an toàn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Mục tiêu của Tâm Nguyên là cung cấp cho người tiêu dùng Đà Nẵng những sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo giấy chứng nhận.

- Chất lượng bữa ăn ca của người lao động ở Đà Nẵng: Có nơi chỉ... 9.000 đồng:

+ Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn TP.Đà Nẵng có hơn 15.000 doanh nghiệp (DN) với hơn 300.000 lao động. Đa phần, các DN vừa và lớn đều có căng-tin, bếp ăn tập thể để tổ chức bữa ăn ca cho người lao động (NLĐ). Và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các bếp ăn tập thể luôn làm NLĐ và tổ chức CĐ trăn trở.Ông Hoàng Hữu Nghị - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Đà Nẵng - cho biết: “LĐLĐ thành phố đã chỉ đạo CĐ các cấp nghiêm túc thực hiện giám sát, vận động DN thực hiện tốt bữa ăn giữa ca cho NLĐ. Qua kiểm tra, giám sát, hiện có khoảng 20% số DN trên địa bàn thành phố có mức ăn ca với giá trị từ 15.000đ trở lên, 70% số DN có mức ăn giữa ca với giá trị đạt 15.000đ, 10% số DN có mức ăn giữa ca với giá trị dưới 15.000đ, cá biệt có đơn vị chỉ đạt mức 9.000đ

- Về tình hình quá tải tại các bệnh viện:

+ Tình trạng quá tải tại các bệnh viện trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay là vấn đề "nóng". Có một thực tế là những năm gần đây, các bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố đã phát triển mạnh các mũi nhọn y tế chuyên sâu, nhiều thành tựu y tế được áp dụng có hiệu quả, đã cứu sống được nhiều bệnh nhân nặng, hiểm nghèo. Một số bệnh viện chuyên khoa lần lượt ra đời cùng với chỉ tiêu giường bệnh cũng liên tục gia tăng, từ con số gần 26 giường bệnh/1 vạn dân vào những năm 1997-2000, đến nay đã đạt gần 68 giường/1 vạn dân. Tuy nhiên, so với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay, thì chỉ số giường bệnh/vạn dân nêu trên vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân thành phố cũng như cho các tỉnh lân cận trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên. ..

-  Về các dự án chậm tiến độ:

+Ý kiến của cử tri  gửi tới kỳ họp HDND TP.Đà Nẵn vào ngày 05 -7 thấy rằng hiện người dân bức xúc và lo lắng vì nhiều dự án dân sinh chậm tiến độ. Người dân ở các quận, huyện đề nghị TP cần đẩy nhanh tiiến độ để ổn định cuộc sống. Theo thống kê của UBMTTQ Việt Nam TP.Đà Nẵng, cử tri TP mong muốn TP đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng các công trình phục vụ dân sinh như trường học, đường nội bộ, hệ thống thoát nước trong các khu dân cư cũ, hoàn thiện và khớp nối hạ tầng đô thị cho các khu dân cư mới…

 -  Dự án treo 10 năm, dân không có nước dùng:

+ Nhiều năm qua, người dân khối Đồng Nò, P.Hoà Quý, Q.Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) phải khổ sở vì nguồn nước sinh hoạt càng ngày bị phèn và nhiễm mặn. Khoảng chục năm trước, khu dân cư này được bao bọc bởi nhánh sông Cổ Cò với nhiều ao hồ, ruộng đồng luôn ngập nước, thuận lợi cho việc nuôi trồng thuỷ sản. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nước ô nhiễm quanh năm, trở thành nỗi lo của người dân…-  

 - Đường kiệt thành "sông"

+ Hơn 5 năm qua, hàng chục hộ dân ở hai tổ dân phố 49B và 49C phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) rất bức xúc vì đường kiệt 228 Âu Cơ trũng thấp, nước thải từ cống tràn lên thường xuyên gây ngập đường.

         Theo người dân, tình trạng này là do cao trình cống thoát nước dọc đường Âu Cơ cao hơn nên nước mưa và nước thải sinh hoạt không thoát được, nước cống tràn lên mặt đường gây ngập và bốc mùi hôi thối. Đặc biệt, đoạn cuối kiệt gần như ngập quanh năm. “Vào ngày mưa, nước từ khu vực cao hơn chảy về đây cùng với nước cống tràn lên gây ngập sâu. Khi trời chuẩn bị mưa, người dân ở cuối kiệt phải dắt xe máy ra đường Âu Cơ hoặc đầu đường kiệt để gửi, bởi chỉ cần mưa một chút thì nước dâng cao liền. Những ngày trời không mưa, đường kiệt cũng ngập do nước thải sinh hoạt của người dân xả xuống cống bị tràn ngược lên mặt đường. Nhân dân kiến nghị lên phường thì phường cử người xuống nạo vét bùn đất dưới hố ga. Tình trạng ngập nhờ thế có giảm đôi chút nhưng sau đó lại ngập”…

-  Giá cát xây dựng cao ngất ngưỡng:

+ Nguồn cát phục vụ xây dựng trên thị trường đang thiếu hụt, khan hiếm. Giá 1m3 cát đột ngột tăng 80.000 - 100.000 đồng. Các công trình xây dựng dân dụng gặp khó khăn bởi phát sinh chi phí và hoạt động xây dựng diễn ra cầm chừng, trong khi nhà thầu và hộ dân làm nhà nháo nhào tìm cát bởi thời gian này đang vào mùa xây dựng cao điểm. Nguyên nhân là nguồn cung từ địa bàn tỉnh Quảng Nam bị cắt do giảm khai thác và siết chặt quản lý về khai thác, vận chuyển cát...

 - Lạm dụng tên nước ngoài trên biển hiệu: Vì sao lạm dụng?

+ Tình trạng sử dụng chữ nước ngoài trên biển hiệu tràn lan hiện nay tại Đà Nẵng và các đô thị lớn do nhiều nguyên nhân; trong đó phải kể đến là do Điều 38 Luật Doanh nghiệp 2014 có những “khoảng trống” và việc thực thi pháp luật trên lĩnh vực này thiếu chặt chẽ. Bên cạnh đó là một bộ phận người dân chưa hiểu về hiệu quả của sử dụng tiếng Việt để quảng bá, xây dựng thương hiệu.

- 46 điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông:

+ Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải (GTVT), trên địa bàn thành phố hiện còn có 46 vị trí là nút giao thông, điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, trong đó quận Sơn Trà có 15 vị trí, quận Thanh Khê 3 vị trí, quận Ngũ Hành Sơn 8 vị trí, quận Cẩm Lệ 3 vị trí, quận Liên Chiểu 7 vị trí và huyện Hòa Vang 10 vị trí.

       Hầu hết các điểm đen là các nút giao thông giao với các tuyến đường lớn như đường Ngô Quyền, Võ Nguyên Giáp - Trường Sa, Võ Chí Công, Ngũ Hành Sơn, Điện Biên Phủ, Trần Cao Vân, Nguyễn Tất Thành, Tôn Đức Thắng, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Tri Phương, Lê Trọng Tấn, các nút giao từ đường Quốc lộ 14G, 14B… Các tuyến đường nhỏ giao với đường Trường Sa, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp cũng tiềm ẩn tai nạn do có mật độ người đi bộ tắm biển từ các khu du lịch qua đường đông.

 - Công an  quận Liên Chiểu  bắt tạm giam 4 tháng một đối tượng dùng mã tấu đi cướp tiền và phá tài sản :

+ Công an quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) cho biết đã ra lệnh bắt tạm giam 4 tháng một đối tượng manh động, dùng mã tấu đi cướp tiền và phá tài sản. Đối tượng là Ngô Xuân Lợi, sinh năm 1994, hộ khẩu thường trú tại tổ 58 phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, tạm trú tại tổ 89 Hòa Khánh Nam, cùng trên địa bàn quận.

ANH TRỊNH

   

    

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT