Thông tin báo chí ngày 03/10
Đăng ngày 03-10-2017 14:42, Lượt xem: 139

Thông tin về thành phố Đà Nẵng, báo chí đăng tải ngày 03/10:

1/ MotTheGioi, VietTimes, An ninh Thủ đô..:

 - Thành ủy Đà Nẵng kết luận sai phạm của nguyên PGĐ Sở Ngoại vụ

+ Thành ủy Đà Nẵng vừa ban hành thông báo kết luận sai phạm đối với ông Mai Đăng Hiếu, nguyên Phó giám đốc Sở Ngoại vụ kiêm Phó trưởng Văn phòng đại diện TP.Đà Nẵng tại Tokyo,Nhật Bản.

 2/ Báo Tài nguyên&Môi trường:

- Đà Nẵng: Cá lại chết trên sông Phú Lộc:

+ Theo phản ánh của những người dân,vào khoảng 15h ngày 2/10/2017, hiện tượng cá chết bất thường lại tiếp tục diễn ra trên sông Phú Lộc, đoạn thuộc 2 phường Thanh Khê Đông và Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng). Theo phản ánh của những người dân sống xung quanh, đây là lần thứ 2 xảy ra hiện tượng cá chết trong vòng chỉ hơn 1 tháng. Lần trước xảy ra vào ngày 21/8/2017, với số lượng trên 500kg, chủ yếu là cá rô phi với kích cỡ to từ 3- 4 ngón tay, có con to bằng cả bàn tay, được các cơ quan chức năng xác định là cá chết do ô nhiễm nguồn nước.

Theo bà Nguyễn Thị Hà, một người dân sống trên đường Yên Khê 2, phường Thanh Khê Đông: do trời mưa nên các cống xả thải của các đơn vị xử lý nước thải đã tranh thủ xả nước thải chưa qua xử lý ra sông, tuy nhiên với lượng mưa nhỏ, không đủ làm loãng các ngồn nước thải ô nhiễm nên đã dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt.

3/ Báo Sài gòn Giải phóng:

- Ngang nhiên xây nhà trái phép tại Đà Nẵng: Bà Nguyễn Thanh Hiền phải dỡ công trình trước 15-10 :

+ Liên quan đến vụ việc cán bộ ngang nhiên xây nhà trái phép tại Hòa Vang (Đà Nẵng), Đội Kiểm tra Quy tắc đô thị huyện Hòa Vang sẽ phối hợp với UBND xã Hòa Nhơn làm việc với bà Nguyễn Thanh Hiền, yêu cầu bà Hiền tự tháo dỡ công trình trước ngày 15-10. Sáng 2-10, UBND huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng tổ chức họp với các cơ quan chức năng liên quan và UBND xã Hòa Nhơn để bàn biện pháp xử lý các công trình xây dựng trái phép ở tổ 1, thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn.

+ Theo ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, cuộc họp đã đi đến thống nhất giao Đội Kiểm tra Quy tắc đô thị huyện Hòa Vang phối hợp với UBND xã Hòa Nhơn làm việc với bà Nguyễn Thanh Hiền, vận động bà Hiền tự tháo dỡ công trình trước ngày 15-10. Đối với ngôi nhà 2 tầng ông Nguyễn Thanh Hùng đang ở cùng gia đình, các cơ quan chức năng sẽ xem xét về lịch sử, nguồn gốc đất để có hướng xử lý.

4/ Báo Đà Nẵng:

- Tàu cá thiếu lao động ra khơi:

+ Mỗi chuyến ra khơi, chủ tàu phải chạy khắp nơi tìm kiếm lao động, có những tháng vì không tìm được lao động nên đành cho tàu nằm bờ. Đó là thực trạng thiếu lao động của những con tàu khai thác xa bờ hiện nay.

- Cần có chính sách thu hút lao động

+ Về nguyên nhân dẫn đến thực trạng thiếu lao động, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng cho rằng, nghề biển là nghề rủi ro lớn, nhất là sau khi cơn bão Chanchu (2006) đi qua để lại hậu quả nghiêm trọng cho ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung.Vì vậy, nhiều người dân không theo nghiệp biển mà lên bờ. Bên cạnh đó, nhiều chủ tàu khi có điều kiện đã cho con học hành để kiếm nghề ổn định trên đất liền, khiến lao động trên biển ngày càng thiếu hụt, trong khi việc đào tạo nguồn nhân lực cho nghề biển còn hạn chế.

+ Thực trạng này không chỉ riêng Đà Nẵng mà nhiều nơi trong cả nước. Đây cũng là quan điểm của ông Đặng Công Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố. Theo ông Thắng, ngoài các nguyên nhân trên, các ngành nghề trên đất liền hiện cũng đã có những chi phối nhất định, khiến người lao động trên biển chuyển lên bờ ngày càng nhiều hơn.

+ Để giải quyết tình trạng này, ông Trần Văn Lĩnh cho rằng, cần hiện đại hóa nghề biển để nghề biển trở thành một ngành công nghiệp, có máy móc, thiết bị và con tàu hiện đại, ngư dân phải có trình độ. “Ở Hàn Quốc đánh bắt rất hiện đại, vậy mà họ còn thiếu lao động, phải thuê lao động ở Việt Nam. Do đó, chúng ta cần hiện đại hóa nghề biển. Ngoài ra, cần đào tạo nguồn nhân lực”

+ Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực tế thời gian qua, thành phố Đà Nẵng cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân để động viên họ vươn khơi bám biển, trong đó đặc biệt là hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên. Bên cạnh đó, mở nhiều lớp đào tạo máy trưởng, thuyền viên, đào tạo về chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, UBND thành phố đã có quyết định phê duyệt đề án “Phát triển ngành kinh tế biển thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong lộ trình này, sẽ nâng cấp Trường Cao đẳng Lương thực Đà Nẵng thành Trường Đại học Thủy sản Đà Nẵng để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ khai thác hải sản, nuôi trồng biển và chế biến thủy sản. Điều này mang lại hy vọng cho nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình khai thác, đánh bắt hải sản của thành phố.

 5/ Các tin khác

- Hơn 300 triệu đồng ủng hộ đêm nhạc "Sưởi ấm tim em 2017"

+ Tối 2-10, CLB Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em Hương Lam (thuộc Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng) tổ chức đêm nhạc “Sưởi ấm tim em 2017” nhằm gây quỹ hỗ trợ trẻ em phẫu thuật điều trị bệnh mắt. Dịp này, các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đã ủng hộ đêm nhạc “Sưởi ấm tim em 2017” hơn 300 triệu đồng. Số tiền này sẽ được hỗ trợ phẫu thuật điều trị bệnh mắt cho 100 trẻ em nghèo tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Dự kiến các em được phẫu thuật ngày 15-11 tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng.

 - Cải tạo mặt tiền nhà hàng, quán tạm:

+ Còn hơn 1 tháng nữa là đến Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, nhưng trên các tuyến đường Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa (thuộc quận Sơn Trà) còn nhiều nhà hàng, quán tạm xây dựng trên các lô đất trống có cảnh quan mặt tiền nhếch nhác, lộn xộn. Từ chủ trương của UBND thành phố, UBND quận Sơn Trà đang chỉ đạo các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương tháo dỡ hẳn hoặc phải cải tạo mặt tiền hơn 60 nhà hàng, quán tạm ở những tuyến đường này.

Đến nay, các nhà hàng, quán tạm vận động triển khai thí điểm đã hoàn thành cải tạo mặt tiền. Quận tiếp tục chỉ đạo triển khai cải tạo mặt tiền 57 nhà hàng, quán ăn còn lại, hoàn thành trước Tuần lễ Cấp cao APEC để bảo đảm mỹ quan trên các tuyến đường trọng điểm, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết.

ANH TRỊNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT