Thông tin báo chí ngày 09/7
Đăng ngày 10-07-2018 02:47, Lượt xem: 93

Thông tin về thành phố Đà Nẵng, báo chí  đưa tin 2 ngày qua:

1/ Nhiều trang báo đưa tin:

- Đà Nẵng: Hơn 100 người dập lửa cứu rừng giữa trưa nóng:

+ Hơn 100 cảnh sát, dân quân tự vệ cùng người dân nỗ lực dập lửa tại cánh rừng tràm ở phường Hòa Khánh Nam (Đà Nẵng) giữa trưa ngày 08/7 .Lực lượng PCCC số 2 và số 4 TP Đà Nẵng điều sáu xe cứu hỏa cùng 60 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường, triển khai dập lửa.

+ Cùng với đó khoảng hàng chục dân quân tự vệ cùng người dân địa phương tham gia khoanh vùng, dập lửa. Vì khu vực xảy ra cháy ở địa hình đồi dốc nên việc tiếp cận hiện trường gặp khó khăn.Đến 14h30 cùng ngày đám cháy được dập tắt, theo quan sát của phóng viên hỏa hoạn thiêu rụi hơn 2ha rừng. Nguyên nhân vụ cháy đang được điều tra làm rõ.

2/ Báo Người tiêu dùng:

- Bất cập trong quản lý và khai thác bãi biển Đà Nẵng:

+ Không chỉ “thả nổi” công viên Biển Đông (Đà Nẵng), nhiều bất cập khác trong việc khai thác, sử dụng công viên này cũng như quản lý các hộ kinh doanh bãi biển cần được chấn chỉnh.

- Thiếu trầm trọng bãi giữ xe về đêm

+ Muốn tìm được chỗ gửi xe máy trên đoạn đường biển từ Nguyễn Văn Thoại đến công viên Biển Đông để đi tản bộ là điều khó khăn. Những điểm gửi xe sẵn có chủ yếu phục vụ cho khách đi tắm biển. Sau 19h tối, các điểm giữ xe tắm biển này dừng hoạt động. Người dân hoặc du khách muốn xuống bãi biển Phạm Văn Đồng hóng gió thì chỉ có cách… ”đánh liều” để xe ở lề đường, cách bãi biển 200-300m.

+ Một nhà đầu tư khu du lịch tại bãi biển Đà Nẵng nhận xét, thành phố có biển tuyệt đẹp, nhu cầu hưởng thụ cảnh đẹp từ biển rất cao nhưng bãi biển chưa được đầu tư xứng tầm. Nắm bắt tâm lý nhiều du khách muốn hưởng thụ không gian của biển, ngắm cảnh đẹp của biển, ông đã mạnh dạn đầu tư “khu du lịch không có phòng ngủ” nhưng đầy đủ tiện ích của khu du lịch 4 sao với hồ bơi, nhà hàng giải khát, bãi biển để phục vụ cho người dân và du khách không có nhu cầu ở lại đêm. Ông nói, phải khó khăn lắm ông mới thuyết phục được thành phố cho phép đầu tư theo mô hình này. Hiệu quả của mô hình đã chứng minh tâm huyết của ông, khách đến “khu du lịch không phòng ngủ” này rất nhiều, khách đoàn, khách lẻ, khách trong nước, ngoài nước…

+ Không làm lớn như nhà đầu tư nói trên, các hộ kinh doanh bãi biển cũng đang tích cực làm mới mình để phục vụ du khách bằng các dịch vụ phong phú như thể thao biển, dù lượn, ca nô, cà phê giải khát trên bãi biển về đêm… Một hộ kinh doanh tại bãi biển Phạm Văn Đồng cho hay, phải luôn tạo ra sản phẩm dịch vụ mới trong khuôn khổ cho phép của nhà quản lý để lôi cuốn du khách đến với bãi biển Đà Nẵng. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất hiện nay vẫn là lối xuống biển và bãi đậu xe. Du khách vừa đi dạo công viên, vừa phải canh chừng xe máy nên rất bất tiện.

+ Nhiều ý kiến nhận xét, Đà Nẵng còn quá dè dặt trong việc khai thác thế mạnh bãi biển phục vụ du lịch. E ngại đổi phương thức quản lý sẽ ảnh hưởng đến các hộ kinh doanh bãi biển, vốn dĩ là những hộ nghèo nên ngành du lịch chưa mạnh dạn áp dụng phương thức thuê mặt bằng, thuê đất để tạo sự công bằng và kích thích phát triển kinh doanh. Mặc dù nguồn hỗ trợ cho quỹ cứu hộ đang rất hạn hẹp, chủ yếu từ 15 hộ kinh doanh và nhà tài trợ nhưng thành phố lại có những ưu ái chưa hợp lý.

3/ Báo Đà Nẵng:

 - Cần giải tỏa các khu tập thể xuống cấp

+ Những khu tập thể (KTT) xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, không chỉ ảnh hưởng tới mạng sống của người dân mà còn làm nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị. Thế nhưng, mặc dù UBND thành phố đã có phương án giải tỏa, di dời nhưng đến nay, công tác này còn gặp nhiều vướng mắc.

+ Theo Giám đốc Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng Trần Quang Triết, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 24 KTT xuống cấp. Trong đó, có 19 KTT xuống cấp đang thực hiện giải tỏa, di dời tại các địa chỉ: 10 Trần Bình Trọng, 57 Hùng Vương, 50-52 Lê Lai, 5 Nguyễn Thái Học, 25 Hùng Vương, 69B Trần Phú, 37 Yên Bái, 28-30 Hùng Vương, 52 Trần Quốc Toản, 42 Trần Kế Xương, 3 Nguyễn Thái Học, 87 Lê Lai, 76 Trần Phú, K258/1 Trần Cao Vân, 22 Lý Thái Tổ, 110 Lý Thái Tổ, 104 Lý Thái Tổ, 48 (44 cũ) Lý Thái Tổ, 110 Ông Ích Khiêm.

+ Hầu hết các KTT này được xây dựng từ trước năm 1975, đến nay, thời gian sử dụng đã quá 40 năm. Vì vậy, đa số các KTT không bảo đảm các yêu cầu an toàn phòng cháy chữa cháy do hệ thống đường điện chạy trần, dây điện cũ, lớp nhựa vỏ bị hao mòn theo thời gian nên dễ gây ra hiện tượng chập điện, phát sinh nguồn lửa.

Trong khi đó, số người sinh sống trong các căn hộ tập thể đông, số lượng thiết bị điện nhiều khiến hệ thống điện thường xuyên quá tải nên KTT trở thành nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. “Các KTT có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, không chỉ ảnh hưởng tới người dân, mà còn gây nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị”…

- Sớm hoàn thành đường Đỗ Bá:

+ Người dân tổ 74 phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) bức xúc về việc dự án đường Đỗ Bá thi công kéo dài quá lâu, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân nơi đây.

+ Theo người dân ở khu vực dọc đường Đỗ Bá được triển khai thi công từ cách đây 2 năm, nhưng thi thoảng có đơn vị đến thi công qua loa rồi thôi. Đến nay, đoạn từ đường Lê Quang Đạo đến K116 Nguyễn Văn Thoại dang dở, mới thi công phần cốt nền, cấp phối đá dăm và hệ thống thoát nước, bó vỉa, chưa lát vỉa hè. Đoạn nối từ K116 Nguyễn Văn Thoại đến đường An Thượng 17 (đi qua khu vực trường dạy nghề số 5) vẫn dang dở do chưa có mặt bằng…

 - Kiệt 354 Tô Hiệu bao giờ hết ngập

- Theo phản ảnh của người dân sống ở kiệt 354 Tô Hiệu (P.Hoà Minh, Q.Liên Chiểu), đường kiệt này rơi vào tình trạng ngập cục bộ nhiều năm qua , ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt và việc đi lại của người dân. Cụ thể, mỗi khi trời mưa, đường kiệt lại bị ngập kéo dài. Người dân đã phản ảnh nhiều lần với chính quyền các cấp nhưng không có cơ quan nào giải quyết dứt điểm…

4/ VietTimes:

 - Đà Nẵng: Thành phố đáng đến, chưa là thành phố đáng sống? Cần tạo dựng giá trị xanh, bền vững

+ Chia sẻ định hướng thị trường BĐS Đà Nẵng trong tương lai, Tiến sĩ Võ Trí Thành - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đã đến lúc cần suy nghĩ xu hướng BĐS của Đà Nẵng và khu vực miền Trung là gì? Và đâu là nhân tố tiên quyết đối với sản phẩm BĐS tại đây. 

+ Với kinh nghiệm là thành viên ban cố vấn của Thủ tướng, Tiến sĩ Võ Trí Thành đưa ra quan điểm riêng về định hướng cho thị trường BĐS Đà Nẵng: “Đầu tiên là xanh, bền vững và bền vững theo thời gian. Đó là chất lượng công trình gắn với dấu tích lịch sử, lớp tích văn hóa phải bền vững.Điều nữa là công năng thân thiện, gắn với dịch vụ thông minh mà người ta muốn hướng về BĐS. Đặc biệt là cần chú ý đáp ứng dịch vụ đối với tầng lớp trung lưu, giàu có.

+ Nếu nhìn về miền Trung với giá trị BĐS xu hướng như vậy, nhà ở như vậy, thì miền Trung, Đà Nẵng đang có gì, đó là hiện đại hơn, văn minh hơn. Nhưng khi nhìn đi nhìn lại, ngay với Đà Nẵng, một TP được đánh giá là đáng sống nhất Việt Nam, thì dịch vụ vẫn chưa chuẩn, dù Đà Nẵng đã có tiến bộ rất nhiều, nhưng so với Sài Gòn thì chưa bằng, chưa nói là đẳng cấp”.

ANH TRỊNH 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT